CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG, A

(Mát-thêu 11: 2-11)

 

          Ông Gio-an là người tích cực xây dựng Nước Trời.  Cuộc đời của ông được cống hiến để làm công cụ giới thiệu cho người ta biết Nước Trời và chuẩn bị tâm hồn để người ta tiếp nhận Nước Trời.  Lời giảng về thống hối của ông đã đánh động nhiều người, nhưng đồng thời cũng làm cho một số người nhức nhối, thí dụ nhóm Pha-ri-sêu, Xa-đốc, kinh sư và cả triều đình Hê-rốt nữa.  Người ta không muốn nghe những lời “sự thật mất lòng” của ông.  Cho nên việc ông ngồi tù là hậu quả do lòng hăng say kêu gọi người ta sám hối và sống công chính.  Nhưng chính thời gian trong tù cũng là lúc ông tiếp tục chu toàn sứ vụ của mình, chỉ cho người ta thấy rõ ràng Chúa Giê-su là ai.  Không chỉ là một lời giới thiệu tổng quát như trước kia:  “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (3:11).  Nhưng là nói cho người ta biết tất cả về sứ mệnh của Đấng ấy như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo (Is 35:5tt; 60:1).  Đáp lại, Chúa Giê-su cũng khéo léo ca tụng Gio-an là người cao trọng trong Nước Trời.

 

a)  Rao giảng từ nơi ngục tù

 

          Người ta bắt Gio-an giam trong tù, những hy vọng ông sẽ không còn cơ hội nào để nói về Đấng Cứu Thế và kêu gọi người ta sám hối nữa.  Nhưng lời Chúa không thể bị xiềng xích.  Ở đâu người ta cũng có thể rao giảng.  Và Gio-an đã có cách để tiếp tục sứ vụ rao giảng về Đấng Cứu Thế.  Ông không đến được với dân chúng thì đã có đám môn đệ của ông.  Đó chính là lý do ông sai họ đi đến hỏi Chúa Giê-su xem Người có phải là Đấng Cứu Thế không.  Những môn đệ này đã đích thân mắt thấy những việc Chúa thực hiện và tai nghe những lời Người giảng.  Chúa Giê-su cũng có cách khôn ngoan của Người để thông tin cho Gio-an.  Người bảo những môn đệ của Gio-an cứ về lập lại cho ông nghe lời của ngôn sứ I-sai-a, tức khắc ông sẽ biết Chúa Giê-su là ai.  Đó  là “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.”  Giữa cơn bách hại, Thiên Chúa đã ban ơn khôn ngoan cho các ngài để khéo léo xử sự!

          Nhưng ta có thể tin rằng bản thân ông Gio-an không cần biết những điều ấy, vì quả thực ông đã được Thánh Thần soi sáng và đã biết Chúa Giê-su là ai rồi.  Các môn đệ ông mới là những người cần biết, để họ sẽ thay ông mà đến với dân chúng và tiếp tục sứ vụ của ông.  Họ được sai đi để xác tín con người và sứ mệnh của Đấng ông đã chỉ cho họ trước đây (Ga 1:36).  Ông cần phải lu mờ đi để Chúa Giê-su được sáng lên.  Các môn đệ ông đã có những người nghe lời ông giới thiệu Chúa Giê-su nên đi theo Chúa (Ga 1:38).  Ông không buồn, không ghen tức, trái lại rất vui mừng và thỏa mãn vì đó là nguyện vọng của ông.

          Con người khiêm tốn ấy cần phải để cho Chúa Giê-su nhận định.  Người thời nào cũng kính trọng các ngôn sứ.  Nhưng Chúa Giê-su bảo:  ông Gio-an còn hơn cả ngôn sứ nữa, vì ông kết thúc sứ vụ của các ngôn sứ Cựu Uớc và mở ra sứ vụ của ngôn sứ Tân Ước.  Ông, các môn đệ ông và mọi Ki-tô hữu đều phải làm ngôn sứ cho Chúa Cứu Thế, loan báo cho thế giới biết và chuẩn bị lãnh nhận ơn cứu độ.

          Như vậy, người ta tưởng ngục tù sẽ ngăn chặn sứ vụ ngôn sứ Tân Ước của Gio-an thì đó lại là nơi sứ vụ của ông đạt tới cao độ và điểm chót là cái chết làm chứng cho những gì ông rao giảng!

 

b)  Ông Gio-an  là “người trong Nước Trời”

 

          Câu cuối cùng Chúa Giê-su nhận định về Gio-an làm ta có cảm tưởng như Chúa chơi trò tung hứng, nâng đập.  “Tôi nói thật với anh em:  trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả.  Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.”  Nghe lời này, ta dễ dàng hiểu lầm là Chúa Giê-su đã quá đề cao người trong Nước Trời và khinh thường Gio-an.  Không phải vậy đâu.  Mà là kiểu khen thật tế nhị, kín đáo của Chúa Giê-su đó.  Hẳn ta nhớ có lần Chúa Giê-su đang giảng dạy thì có người lên tiếng ca tụng Mẹ Người:  “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”  Chúa Giê-su đáp lại:  “Đúng hơn phải nói rằng:  phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:27-28).  Trả lời như thế, đâu phải Chúa Giê-su phủ nhận phúc trọng của Đức Mẹ!  Trái lại, ta phải hiểu ý của Chúa muốn nói như thế này:  Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa, vậy thì ai là người đã thực sự “lắng nghe và tuân giữ lời Chúa” cho bằng Mẹ tôi?  Chắc chắn là không có ai hơn Mẹ tôi đâu!  Đấy, Chúa khen ngợi Đức Mẹ một cách ý nhị và tài tình như vậy đó.  Và hôm nay, Người cũng khéo léo sử dụng cùng một kiểu nói để khen ông Gio-an.  Vậy ta có thể hiểu cách lập luận của Chúa như thế này.  Ông Gio-an cao trọng hơn mọi ngôn sứ, hơn mọi người.  Vậy nếu “người trong Nước Trời” còn cao trọng hơn ông Gio-an, thì chỗ đứng của ông Gio-an hơn các ngôn sứ và mọi người vẫn chưa xác định đủ, vì ông Gio-an không những chính là “người trong Nước Trời”, mà ông còn là vị rao giảng và chuẩn bị cho những ai muốn trở thành “người trong Nước Trời”.

          Như thế, ông Gio-an của cuối thời Cựu Ước cao trọng như vậy mà còn kém một “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời” thì ông Gio-an của đầu thời Tân Ước sẽ cao trọng đến mức nào, vì chắc chắn ông không phải là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời!  Chúa Giê-su muốn phân biệt hai thời đại Cựu Ước và Tân Ước, để nâng giá trị của ông Gio-an lên mức độ cao trọng nhất, vì ông mở đường để dẫn người ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su là Nước Trời đã đến.

 

c)  “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con”

 

          Lời ngôn sứ Ma-la-khi đã ám chỉ về Gio-an và sứ vụ của ngài.  Ki-tô hữu hôm nay cũng đón nhận lời sai đi ấy để ra đi làm chứng cho Chúa Giê-su.  Sứ vụ Tiền hô không đòi ta phải vào hoang địa, phải làm giống như ông Gio-an.  Nhưng ta có những hoang địa, những dòng sông Gio-đan ở chung quanh ta.  Có thể là nơi sở làm.  Có thể là một khu phố nơi người ta không sống tốt đẹp.  Cũng có thể là chính gia đình đang thiếu tình thương giữa vợ chồng con cái.  Chỉ cần ta làm sao chứng tỏ được “Đấng phải đến” đã đến trong tâm hồn ta và hình ảnh Người được biểu lộ qua lối sống bác ái yêu thương của ta, qua tư cách công chính ngay thẳng của ta...

          Lời sai đi của Chúa Giê-su thật súc tích.  Một trong những cách Người sai ta đi, đó là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em;  người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau.”

 

d) Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          “Anh em cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe...”  Có khi nào tôi thuật lại cho những người khác những ân sủng Chúa đã làm cho tôi không?  Thuật lại như thế, tôi có nói lên được hình ảnh đích thực Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, hay chỉ là hình ảnh của một Đấng để tôi cầu được ước thấy?

          Chúa Giê-su nói lên giá trị của “người trong Nước Trời”.  Tôi có là người ấy không?  Hay tôi chỉ là một Ki-tô hữu có tên, nhưng vẫn sống ở ngoài Nước Trời?  Điều gì chứng tỏ tôi là “người trong Nước Trời”?

          Sau lời tán dương giá trị của Nước Trời, Chúa Giê-su khẳng định:  “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.”  Vậy sức mạnh nào ngăn cản Nước Trời đến với tôi?  Tiền bạc của cải?  Tham vọng?  Tôi phải làm gì để thắng vượt những sức mạnh đó?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          xin cho con dám hành động

          theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

          Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,

          vì xác tín rằng

          Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,

          Chúa ngàn lần quảng đại hơn con

          và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

          Lạy Chúa Giê-su trên thập giá,

          xin cho con dám liều theo Chúa

          mà không tính toán thiệt hơn,

          anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,

          can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,

          và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

          Ước gì khi dâng lên Chúa

          những hy sinh làm cho tim con rướm máu,

          con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt

          của người một lòng theo Chúa.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 99)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà