CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG, A

(Mát-thêu 1: 18-25)

 

          Cây có cội, nước có nguồn.  Phụng vụ Lời Chúa trong ba Chúa Nhật trước đã giới thiệu cho ta về Chúa Giê-su Cứu Thế sẽ đến và kêu gọi ta chuẩn bị đón Người.  Chúa Nhật thứ tư mùa Vọng đặc biệt mời gọi ta trở về nguồn gốc của Đấng Cứu Thế để nhận ra công việc Thiên Chúa thực hiện.  Nguồn gốc của Người là Thiên Chúa, Đấng đã sai Người đến với nhân loại, vì Người là Con Một Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa không độc quyền cứu chuộc nhân loại, cho nên Người dành chỗ cho nhân loại cộng tác với Người và Người đã chọn Ma-ri-a cùng với Giu-se để gửi gấm Con Một Người.  Qua gia đình thuộc dòng dõi Đa-vít này, Con Thiên Chúa đã mang lấy nguồn gốc nhân loại.  Thánh sử Mát-thêu đã mở đầu câu truyện truyền tin cho ông Giu-se như sau:  “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô.”  Đó cũng là đề tài suy niệm khi ta chuẩn bị đón Chúa đến.

 

a)  “Bà Ma-ri-a, Mẹ Người”

 

          Ta đã có câu truyện Truyền tin cho Đức Mẹ trong Tin Mừng Lu-ca.  Nhưng ở đây trong câu truyện truyền tin cho ông Giu-se, thánh Mát-thêu cũng nhắc tới “bà Ma-ri-a Mẹ Người...  đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.”  Nhắc tới như thế, ngài muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc Thiên Chúa của Đấng Cứu Thế.  Quyền năng Chúa Thánh Thần đã thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, tức mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, chứ không phải sự cộng tác thể xác của người đàn ông đã tạo nên sự sống của Người.  Đến với ta, Thiên Chúa không chỉ làm một con người đứng ngoài xã hội, tách biệt với nhân loại, nhưng Người muốn đi vào lịch sử nhân loại, trở nên một phần tử của một dòng tộc.  Vì thế Thiên Chúa không tuyển chọn một cô gái đơn độc, nhưng một cô gái “đã đính hôn với ông Giu-se.”  Nghĩa là qua cuộc hôn nhân này, Thiên Chúa mang lấy căn cước nhân loại, để Người thực sự “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Trước mặt pháp luật, bà Ma-ri-a đã là vợ ông Giu-se mặc dù hai người chưa chung sống với nhau.  Họ đã làm thành một gia đình với đầy đủ tính cách pháp lý xã hội.  Chính nơi gia đình này, Thiên Chúa đã làm người qua Mẹ Ma-ri-a và đã cư ngụ giữa nhân loại qua nguồn gốc của miêu duệ Đa-vít.

          Nơi Mẹ Ma-ri-a, quyền năng Thiên Chúa và căn tính nhân loại (qua cuộc đính hôn giữa Mẹ với thánh Giu-se) cộng tác với nhau để thực hiện kế hoạch “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.”  Ta không thể tưởng tượng được sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa khi Người liên kết trời với đất, Thiên Chúa với loài người bằng cách tuyển chọn một trinh nữ để cộng tác với Người trong một kế hoạch quá lớn lao như vậy.  Chính Mẹ Ma-ri-a đã nhận thức được sự khôn ngoan ấy khi Mẹ cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa:  “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới... Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:48,49).

 

b)  “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính”

 

          Trong khi Lu-ca nhấn mạnh đến vai trò của Đức Mẹ, thì Mát-thêu lại làm nổi bật vai trò của thánh Giu-se.  Mục đích của thánh sử là minh chứng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế thể hiện những điều đã được Cựu Ước nói đến, nói khác đi, đó là “Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham” (Mt 1:1).  Kể lại gia phả của Chúa Giê-su, ngược dòng trở lại nguồn gốc là vua Đa-vít và tổ phụ Áp-ra-ham, thánh Mát-thêu cố ý sắp đặt thành ba thời điểm với ba chuỗi 14 đời.  Các học giả Kinh Thánh giải thích rằng ngài chọn con số 14 để ám chỉ vua Đa-vít.  Tiếng Do-thái không có nguyên âm, nên tên David được viết là DVD.  Mỗi phụ âm lại có một giá trị số học, mà giá trị số học của D là 4 và V là 6.  Như thế, DVD cũng được viết là 4+6+4, tức tổng số là 14.  Do đó, sắp đặt gia phả Chúa Giê-su cách ấy, thánh Mát-thêu muốn trình bày một điểm thần học:  Chúa Giê-su là con cháu vua Đa-vít.

          Thánh Mát-thêu còn tế nhị khi kể đến tên ông Giu-se (đời 13) trong gia phả.  Thay vì tiếp tục công thức “ông Giu-se sinh Đức Giê-su” thì ngài lại viết:  “Ông Gia-cóp (không phải tổ phụ Gia-cóp!) sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.”  Rõ ràng thánh Mát-thêu chỉ muốn nhấn mạnh đến tính cách pháp lý thánh Giu-se là cha Đức Giê-su, chứ không phải là cha theo huyết nhục.  Trong cuộc truyền tin, sứ thần Chúa cũng nói rõ hơn về tính cách pháp lý này:  “Bà sẽ sinh con trai, và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”  Nếu không phải là cha của Chúa Giê-su theo pháp lý, thánh Giu-se không có quyền “đặt tên cho con trẻ” được!

          Nói về con người thánh Giu-se, thánh sử chỉ dùng một hình ảnh đơn giản, nhưng đã nói lên được tất cả những đặc tính của Ngài:  Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính.  Ta có thể lập lại ở đây hình ảnh người công chính đã được nói đến trong Thánh Vịnh 15 để biết thánh Giu-se là ai.

          “Lạy Chúa, ai được vào cư ngụ trong nhà Chúa,

          được ở trên núi thánh của Ngài?

          Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng,

          bụng nghĩ sao nói vậy,

miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào,

chẳng làm ai nhục nhã.”  (TV 15:1-3)

          Cách sắp đặt gia phả còn nói cho ta một đặc nét khác của con người Giu-se.  Đầu gia phả là ông Áp-ra-ham và cuối gia phả là thánh Giu-se.  Áp-ra-ham là mẫu người đầy đức tin, là cha của dân Chúa tuyển chọn.  Giờ đây ta có thể hiểu thánh Giu-se cũng là con người của đức tin.  Nhờ lấy đức tin để chấp nhận một hoàn cảnh vô lý là đón nhận Mẹ Ma-ri-a, thánh Giu-se trở thành cha của một Ít-ra-en Mới.

          Giáo Hội muốn ta tìm về gốc tích của Chúa Giê-su Cứu Thế, để ta nhận ra được phần nào những chuẩn bị kỹ càng của Thiên Chúa khi Người ban cho ta Đấng Ki-tô.  Nhưng điểm cốt yếu là qua những chuẩn bị ấy của Thiên Chúa, ta hiểu được tình yêu Người dành cho ta bao la đến chừng nào, đồng thời cũng nhắc nhở ta phải chuẩn bị xứng đáng để đón nhận Con Một Người, món quà yêu thương Người ban cho ta.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có khi nào nghĩ đến gốc tích của mình để cảm tạ Chúa không?  Có gì để tôi cảm tạ Người?

          Mẹ Ma-ri-a thưa “xin vâng” theo lời sứ thần truyền.  Thánh Giu-se thì “làm như sứ thần Chúa dạy”.  Đâu là kế hoạch Thiên Chúa muốn tôi cộng tác với Người?  Tôi có mau mắn theo gương Đức Mẹ và thánh Giu-se không?  Điều gì làm tôi ngại ngùng?

          Tôi đã ở cuối mùa Vọng.  Còn phương diện nào tôi cần phải chuẩn bị để đón mừng Chúa đến trong tâm hồn tôi không?

 

Cầu nguyện:

 

          Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

          chúng con sắp mừng lễ Giáng Sinh của Con Chúa.

          Người là Ngôi Lời đã không quản mặc lấy xác phàm

          trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a và ở giữa chúng con.

          Xin Người cũng tỏ cho chúng con là tôi tớ thấp hèn

          thấy lòng Chúa từ bi nhân hậu.

          Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa,

          hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.

                                      (Lời nguyện nhập lễ, ngày 23-12)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà