CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY

(Gio-an 4: 5-42)

         

          Phụng vụ Lời Chúa năm A sử dụng Tin Mừng Mát-thêu, nhưng các Chúa Nhật 3, 4 và 5 Mùa Chay lại trích dẫn Tin Mừng Gio-an cho phù hợp với Nghi thức Sát hạch dành cho những ứng viên lãnh nhận những Bí tích Khai tâm.  Tuy nhiên bài Tin Mừng Gio-an vẫn tiếp tục khai triển chủ đề về Đấng Mê-si-a.  Qua biến cố Biến đổi hình dạng trên núi Ta-bo, Chúa Giê-su đã mặc khải cho các môn đệ biết về chân tính và sứ mệnh của Đấng Mê-si-a.  Với bài Tin Mừng hôm nay, qua cuộc đàm thoại giữa Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Xy-kha, Chúa đã từ từ tỏ ra cho bà được biết Người chính là “Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô.”  Tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su muốn xác tín sứ mệnh của Đấng Mê-si-a như Người đã tiên báo về cuộc Thương khó, tức là Đấng sẽ chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại để cứu chuộc nhân loại.  Tại Sa-ma-ri, Người cho ta biết Đấng Mê-si-a là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.  Ơn cứu độ ấy đến với ta qua Chúa Giê-su là nước hằng sống và mối tương quan đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại.

 

a)  Diễn tiến mặc khải của Chúa Giê-su về chân tính của Người

 

          Trước hết ta sẽ ngạc nhiên vì thánh sử Gio-an chủ ý trình bày một gương mẫu đức tin vào Chúa Giê-su rất đặc biệt qua câu truyện gặp gỡ giữa Chúa và người phụ nữ Sa-ma-ri.  Nếu so sánh với câu truyện gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô trong Ga 3:1-21, ta nhận ra những điểm khác nhau về hoàn cảnh, nhưng cách thức mặc khải lại giống nhau, tức là dần dần khai mở đưa ta tới nhận biết chân tính và sứ mệnh của Người.  Ông Ni-cô-đê-mô thuộc nhóm Pha-ri-sêu tại Giê-ru-sa-lem, đến với Chúa Giê-su là do nhìn thấy những dấu lạ Người làm (Ga 3:2).  Còn người phụ nữ Sa-ma-ri tuy là người rối đạo và sống buông thả, lại nhận biết Chúa từ chính những yếu hèn và khát vọng thờ phượng đích thực của mình.  Như thế, rõ ràng thánh sử Gio-an muốn đề cao gương mẫu tin Chúa của người phụ nữ Sa-ma-ri như một đức tin hoàn hảo hơn.

          Qua cuộc đàm thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giê-su đã dần dần tỏ ra Người là ai.  Khởi đầu diễn tiến mặc khải, Chúa Giê-su đưa ra những hình ảnh khó hiểu như nước hằng sống và nơi thờ phượng đích thực của những ai thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.  Mặc khải kết thúc với lời tuyên xưng của người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4:29) và của nhiều người trong thành:  “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4:42).

          Diễn tiến mặc khải ấy mời gọi ta dần dần nhận biết và tin thật Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, Đấng cứu độ trần gian.  Qua những giai đoạn trong hành trình đức tin và hoàn cảnh sống, ta đều có thể khám phá được những góc cạnh khác biệt của con người và sứ mệnh Đấng Mê-si-a.  Ta dần dần nhận biết Chúa Giê-su qua những hình ảnh khác nhau nhưng mỗi lúc một hoàn hảo hơn, cũng như người phụ nữ Sa-ma-ri đã lần lượt nhận biết Chúa Giê-su là “người lớn hơn tổ phụ Gia-cóp”, tiếp theo là “một ngôn sứ” và sau cùng    “Đấng Ki-tô.”  Đức tin không tự trên trời rơi xuống để ta đem về cất giữ, nhưng là mối quan hệ giữa ta với Chúa, được thanh luyện và phát triển theo hoàn cảnh sống và “cơn khát” của ta.  Đức tin hoặc mối quan hệ ấy liên kết ta với Chúa và ảnh hưởng đến lối sống của ta, để cuối cùng “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

 

b)  Nội dung mặc khải của Chúa Giê-su

 

          Trong cuộc đàm thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giê-su nói đến hai điểm:  nước hằng sống và sự thờ phượng mới.  Đó cũng là tất cả những gì cần thiết để ta sống và phát triển đức tin hoặc mối tương quan với Chúa.

          Các học giả Kinh Thánh đều hiểu nước hằng sống Chúa Giê-su nói đây chính là giáo huấn của Người.  “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8:3; Mt 4:4).  Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa trở thành người phàm sống giữa nhân loại để dạy dỗ họ cho họ được cứu rỗi.  Cứu rỗi của ta không phải là một hành động, nhưng là một tiến trình biến đổi nhờ lắng nghe và thực hành Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Tin Chúa Giê-su không phải chỉ là hành động kêu “lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng là sống và thực hành lời Chúa.  Nước hằng sống cũng có thể hiểu là Thần Khí do Chúa Ki-tô thông ban cho ta.  Ngược lại với tinh thần nô lệ cho Lề Luật, ta phải sống theo tinh thần tự do của con cái Thiên Chúa.  Tinh thần tự do ấy là tinh thần Chúa Giê-su đã sống mối quan hệ với Chúa Cha và sẽ là “nước hằng sống” để ta sống như con cái đích thực của Thiên Chúa.

          Điểm thứ hai của nội dung mặc khải là sự thờ phượng mới.  Vậy đâu là sự thờ phượng cũ?  Sự thờ phượng cũ đặt căn bản trên vấn đề nơi chốn (Đền Thờ Giê-ru-sa-lem hoặc núi Gơ-ri-dim) và chủng tộc (Do-thái hoặc Sa-ma-ri).  Nhưng Thiên Chúa không chỉ ngự tại những nơi ấy hoặc cho những người ấy, mà Người phải ngự trị trong mỗi con người.  Do đó, “giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật” (Ga 4:23).  “Giờ đã đến” và “lúc này đây” ám chỉ Chúa Giê-su.  Trong Người, ta sẽ thực hành sự thờ phượng mới, mới trong hai khía cạnh: 1) thờ phượng Thiên Chúa Cha với thần khí của Chúa Giê-su, tức là với tinh thần tự do của con cái Chúa chứ không phải với tinh thần nô lệ sợ hãi; 2) thờ phượng Thiên Chúa Cha trong sự thật, tức là sự thật về Thiên Chúa yêu thế gian nên “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3:17).  Nói tóm lại sự thờ phượng mới nhấn mạnh đến hai yếu tố người ta thiếu trước đây, đó là thờ phượng với tinh thần con cái Chúa và với tình yêu đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.

          Chân tính của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a hoặc Đấng Cứu độ trần gian đã được tuyên xưng qua cuộc đàm thoại giữa Chúa với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Xy-kha.  Đây cũng là niềm tin Giáo Hội muốn đề cao trong mùa Chay, đồng thời thúc giục ta phải đặt lại vấn đề sống đức tin vào Chúa Giê-su là Đấng cứu độ ta.  Nói khác đi, ta vỗ ngực ta tin Chúa Giê-su và mong được Người cứu độ, nhưng ta có thực sự tiếp nhận Người là Lời Thiên Chúa dạy dỗ ta và cùng với Người đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha không?  Như thế, bài Tin Mừng hôm nay không chỉ dành cho những ứng viên chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa Giáo Hội qua Nghi thức Sát hạch, nhưng cũng dành cho mọi người đã được rửa tội và muốn sống như những Ki-tô hữu đích thực nữa.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Mùa Chay là thời gian thuận tiện để tôi “sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Vậy tôi đã bắt đầu những thay đổi nào trong việc sống mối quan hệ với Chúa Giê-su, Đấng cứu độ tôi?

          Thử nhìn lại hành trình đức tin của tôi, tôi nhận ra được những hình ảnh nào về Chúa Giê-su?  Những hình ảnh ấy mỗi ngày một hoàn hảo hơn hay vẫn là những hình ảnh ấu trĩ và thiếu sống động?

          Chúa Giê-su là gương mẫu thờ phượng Thiên Chúa.  Vậy tôi đã học được gì nơi Người?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Cha,

          Cha muốn cho mọi người được cứu độ

          và nhận biết chân lý,

          chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giê-su, Con Cha.

          Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

          chưa nhận biết Đức Giê-su,

          họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

          Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo,

          khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

          niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

          và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giê-su cho thế giới.

          Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

          trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

          để loan báo Tin Mừng.

          Chúng con chỉ xin đến

          với những người bạn gần bên,

          giiúp họ quen biết Đức Giê-su và tin vào Ngài,

          qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

          Chúng con cũng cầu nguyện

          cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

          Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

          sinh nhiều hoa trái.  A-men.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 69)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

25-2-2005

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà