CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH

(Lu-ca 24: 13-35)

         

          Phụng vụ Lời Chúa mời ta đi tìm cho biết Chúa Giê-su là Đấng nào khi Người lên đường thi hành sứ mệnh cứu thế, nhất là trước khi Người chịu cuộc Thương khó và chết trên thập giá.  Giờ đây cuộc tìm kiếm ấy vẫn tiếp tục qua suy niệm những lần Chúa hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại.  Những biến cố ở mỗi giai đoạn cuộc sống của Chúa Giê-su đều giúp ta nhận ra những đường nét khác nhau của con người và sứ mệnh của Chúa.  Với câu truyện Tin Mừng hôm nay kể lại Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau, cách thức tốt nhất giúp ta nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh là lắng nghe Lời Chúa và tham dự tiệc Thánh Thể.  Người dạy ta chân lý đời sống của Người và mời gọi ta kết hiệp với sự sống ấy.

 

a)  Chân lý Chúa Ki-tô:  từ khổ hình đến vinh quang

         

          Trước tin mừng Phục Sinh, hai môn đệ trên đường Em-mau không muốn chấp nhận điều họ đã nghe và đã hy vọng.  Một đàng họ vẫn tôn kính Chúa Giê-su, nhận biết Người là “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” và họ “vẫn hy vọng Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.”  Nhưng đàng khác, họ lại đang sống trong tình trạng bối rối và nghi ngờ.  Chắc chắn họ đã nghe và biết những lời ngôn sứ trong Kinh Thánh nói về Đấng sống lại từ kẻ chết, nhưng họ không thể tin được Đấng ấy lại là chính Chúa Giê-su.

          Chúa Giê-su vẫn kiên nhẫn với họ như Người đã chịu đựng sự cố chấp của họ khi Người còn sống bên cạnh họ.  Người chỉ nhẹ nhàng trách họ:  “Các anh chẳng hiểu gì cả!  Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ.”  Người muốn không chỉ soi sáng tâm trí họ thôi, mà còn muốn thắp ngọn lửa bừng lên trong trái tim họ nữa, nhờ vậy lòng tin và lòng mến của họ sẽ được củng cố thêm.  Do đó, Người sử dụng phương thức giải thích Kinh Thánh để giúp họ nắm bắt được chân lý rất quan trọng của mầu nhiệm Ki-tô:  “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người.”

          Chân lý này đã được Thiên Chúa Cha sắp đặt như một kế hoạch nhiệm mầu để tỏ cho nhân loại biết tình yêu vô điều kiện của Người.  Người thực hiện kế hoạch ấy nhờ Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô và tiếp nối việc thể hiện nhờ Chúa Thánh Thần.  Nhưng trước khi thực hiện, Người đã mặc khải kế hoạch qua Lề Luật và các ngôn sứ.  Mặc dù Thiên Chúa đã chuẩn bị để đáp lại kế hoạch yêu thương, nhưng nhân loại vẫn muốn vuột ra khỏi vòng tay nhân từ của Người.  Họ không hiểu được hoặc đúng hơn không muốn hiểu đường lối của Thiên Chúa.  Tại sao Thiên Chúa lại phải chết cho nhân loại?  Tại sao Người không thực hiện việc cứu rỗi theo cách thức của loài người, nghĩa là cứ sử dụng quyền năng của Người để xóa bỏ và làm lại từ đầu, hoặc sửa chữa mà không cần đến sự cộng tác của con người?  Tại sao lại phải chọn con đường “từ khổ hình đến vinh quang”?  Ta không biết Chúa Giê-su đã giải thích Kinh Thánh như thế nào cho hai môn đệ.  Thánh Lu-ca viết:  “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.”  Chắc chắn không phải là cách giải thích chuyên môn như các học giả Kinh Thánh đã làm.  Nhưng là làm sao cho lòng các ông được bừng cháy lên.  Như thế, Chúa Giê-su không nhắm đến trí óc để “hiểu” cho bằng đến “trái tim” của các ông.  Hiểu Kinh Thánh không chỉ là công việc của đầu óc, nhưng là của trái tim.  Kinh Thánh là phương tiện để người ta đi vào trái tim của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su, để biết Thiên Chúa yêu thương họ và để biết họ phải đáp lại tình yêu đó.  Như thế, khi lấy Kinh Thánh để giải thích thế nào là “từ khổ hình đến vinh quang”, Chúa Giê-su đã cho họ thấy rõ tình yêu của Thiên Chúa đã được cụ thể hóa qua những gì xảy ra cho Chúa Giê-su trong cuộc Thương khó vừa qua và đã được hoàn tất trong vinh quang Phục Sinh. 

Đốt lên ngọn lửa tình yêu của mối quan hệ giữa họ với Người, Chúa Giê-su muốn họ sống mối quan hệ kết hiệp một cách cụ thể qua Bí tích Thánh Thể.  Đó là lý do tại sao Người ở lại với họ, không phải chỉ một bữa ăn tối mà thôi, nhưng là mọi ngày cho đến tận thế qua Thánh Thể.

 

b)  Từ Bí tích Thánh Thể đến phục sinh

 

          Nếu qua Kinh Thánh ta có thể tìm gặp sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh, thì trong Bí tích Thánh Thể ta lại dễ cảm nghiệm hơn sự có mặt của Người.  Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh tuy là sự hiện diện đích thực, nghĩa là có thực chứ không phải là “ma” (Lc 24:39), vẫn thân xác ngày xưa nhưng đã được biến đổi vinh hiển nhờ quyền năng Thánh Thần.  Hoặc nói cách đơn sơ hơn, sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh là sự hiện diện có tính cách bí tích, có thực đấy nhưng qua một dấu chỉ hữu hình.  Như thế, sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh chính là sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.

          Có lẽ thánh Lu-ca đã ngầm diễn tả sự hiện diện của Chúa Phục Sinh qua phản ứng của hai môn đệ Em-mau.  Ngài viết:  “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (24:31).  Họ mở mắt và nhận ra là nhờ một dấu chỉ hữu hình.  Nhờ dấu chỉ ấy, họ biết và tin là chính Người có mặt, chứ không phải ai khác hoặc ma quái.  Tuy “Người lại biến mất”, nhưng họ biết là Người vẫn ở với họ qua sự hiện diện bí tích.

          Điều quan trọng thánh Lu-ca muốn trình bày ở đây có thể cũng giống như Tin Mừng Gio-an trình bày trong bài giảng của Chúa Giê-su về Bí tích Thánh Thể.  Lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa là ta đang xây dựng cơ sở cho sự phục sinh của ta sau này, vì Chúa Giê-su Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể chính là nguyên lý sự sống lại của ta.  Chúa Giê-su đã khẳng định điều này trong Tin Mừng Gio-an:  “Thật, tôi bảo thật các ông:  nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.  Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6:53-54).  Lời của Chúa Giê-su rõ ràng, không ẩn ý, và là một khẳng định chắc chắn.  Như thế ta có thể hiểu:  cũng như đối với Chúa Giê-su con đường đưa đến vinh quang là con đường khổ hình, thì đối với ta con đường đưa đến sống lại là con đường Thánh Thể.

          Đến đây, chúng ta có thể hiểu được sự liên kết giữa Phụng vụ Lời Chúa (Kinh Thánh) và Phụng vụ Thánh Thể, là môi trường để ta sống sự hiện diện của Chúa Giê-su Phục Sinh và sự hiện diện của chính ta nữa.  Qua Thánh lễ, cùng với Chúa Giê-su, ta tiến bước mỗi ngày một gần hơn vinh quang Chúa Phục Sinh đã chuẩn bị cho ta.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Câu truyện hai môn đệ Em-mau là một gương mẫu lắng nghe Lời Chúa.  Tôi cần xét lại việc đọc và lắng nghe Lời Chúa của tôi.  Tôi có chú trọng đến việc để cho Lời Chúa đi vào trái tim tôi, thay vì chỉ nằm ở trên đầu để mà thắc mắc và nghi ngờ?  Có bao giờ tôi có cảm nghiệm “lòng bừng cháy lên” khi lắng nghe và cầu nguyện bằng Lời Chúa không?

          Lời Chúa cho tôi thấy những gì nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Giê-su?

          Qua kinh nghiệm Thánh lễ Em-mau, tôi học được gì cho việc tham dự Thánh lễ hằng ngày hoặc Chúa Nhật?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa,

Chúa là thức ăn, thức uống của con.

Càng ăn, con càng đói;

càng uống, con càng khát;

càng sở hữu, con lại càng ước ao.

Chúa ngọt ngào trong cổ họng con

hơn cả tầng mật ong,

vượt quá mọi thứ ngọt ngào khác trên đời.

Lúc nào con cũng thấy đói khát và ước ao,

vì con không sao múc cạn được Chúa.

Ngài nghiền nát con hay con nghiền nát Ngài?

Con chẳng rõ;  vì ở thẳm sâu lòng con,

con cảm thấy cả hai.

Chúa đòi con nên một với Ngài,

đòi hỏi đó làm cho con đau đớn,

vì con không muốn từ bỏ

những thói quen của con

để ngủ yên trong tay Chúa.

Con chỉ biết tạ ơn Chúa,

ca ngợi và tôn vinh Chúa,

bởi đó là sự sống đời đời cho con.

- Ruy Broeck

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 104)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà