LỄ KÍNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

(Gio-an 3: 16-18)

 

          Lái xe trên xa lộ Mỹ, đôi khi ta lấy làm lạ giữa những bảng quảng cáo đủ loại đủ cỡ hai bên đường lại có một bảng quảng cáo thật khác thường.  Trên tấm biển lớn, ta chỉ đọc thấy một chữ và một con số:  Gio-an 3:16.  Không hình ảnh.  Thật là đơn sơ.  Có lẽ anh chị em Tin-Lành sẽ hiểu ngay được bảng quảng cáo đó nói gì, trong khi nhiều người Công giáo lại mù tịt!  Vậy ta hãy đọc lại Tin Mừng Gio-an 3:16:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Đây là một định đề tóm tắt tất cả thần học Ki-tô giáo được thánh Gio-an khai triển trong các sách và thư của ngài.  Phụng vụ Lời Chúa lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi đã trích dẫn đoạn Tin Mừng này để mời gọi ta chiêm ngưỡng kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa.  Kế hoạch ấy có hai chiều kích:  Thiên Chúa hoạch định và mời gọi, còn con người đáp ứng và cộng tác.

 

a)  Thiên ý nhiệm mầu, đó là kế hoạch yêu thương (Ep 1:3-14)

 

          Ta thường nghe nhiều người thắc mắc về việc Chúa tiền định.  Thánh Phao-lô cho ta câu trả lời:  Thiên Chúa chẳng tiền định điều gì cả, ngoại trừ có một điều, đó là “Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô.”  Khi hiểu về tiền định, ta thường có ý niệm rất tiêu cực và thụ động, cho rằng không thể cưỡng lại ý muốn của Thiên Chúa.  Nhưng thực ra không phải như thế.  Việc Thiên Chúa tiền định ở đây, tức là từ đời đời Người đã muốn, đã ao ước rằng con người sẽ mãi mãi làm con cái Người và sống trong mối ân nghĩa với Người, là một tiền định nảy sinh từ tình yêu của Người.  Mà tình yêu đích thực thì luôn tôn trọng tự do của đối tượng và không bao giờ ép buộc cả.  Thiên Chúa thực sự yêu ta, nhưng Người cũng thực sự để ta được tự do muốn đáp lại hay không tùy ý, chứ Người không tiền định một cách độc đoán.  Do đó, thánh Gio-an đã nói thẳng đến tình yêu là động lực khiến Thiên Chúa thấy phải làm một điều gì đó ích lợi cho con người.

          Khi cha mẹ sắp xếp một kế hoạch cho tương lai của con cái, điều tiên quyết họ lấy làm căn bản là vì yêu thương con cái.  Yêu thương con cái nên muốn cho chúng có một tương lai tốt đẹp.  Bởi vậy, có điều kiện thì họ cố động viên con cái ráng học làm bác sĩ, kỹ sư.  Còn điều kiện eo hẹp thì cũng mong chúng có một nghề chắc chắn để nhất nghệ tinh nhất thân vinh.  Thiên Chúa yêu ta, yêu còn hơn cả cha mẹ yêu con cái.  “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?  Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). Vì không quên được ta, Thiên Chúa muốn ta mai sau được ở bên Người mãi mãi.  Đó là lý do độc nhất khiến Thiên Chúa tiền định cho ta được làm nghĩa tử của Người.  Người đưa ra một kế hoạch để thực hiện điều Người đã tiền định.  Thánh Phao-lô đã nôm na gọi kế hoạch ấy là “kế hoạch yêu thương.”  Mà kế hoạch yêu thương này chẳng có lợi gì cho Thiên Chúa, bởi vì đó là kế hoạch do tình yêu vô điều kiện của Người, không đòi hỏi hoặc đổi chác điều gì, nhưng chỉ để có lợi cho ta mà thôi.  Người chỉ muốn ta lấy tình yêu đáp lại tình yêu.  Người ban cho ta Con Một làm bảo chứng tình yêu của Người và Người muốn ta nhận Ân Sủng ấy bằng cách “tin vào Con của Người.”  Thế thôi.

 

b)  Thiện ý của Thiên Chúa: sai Con Một đến  không phải để lên án, nhưng để cứu độ ta

 

          Sau khi trình bày rõ ràng kế hoạch của Thiên Chúa, thánh Gio-an cho ta biết cách thức Thiên Chúa sẽ thi hành kế hoạch.  Tâm lý của đứa con phạm lỗi là khi thấy cha mẹ đến thì lấm la lấm lét và muốn tránh mặt vì sợ bị la mắng.  Tổ tông loài người đã làm như vậy trong vườn Địa đàng (St 3:8-10).  Thiên Chúa đã lên án A-đam.

          Nhưng lần này, Thiên Chúa không nghiêm khắc như vậy nữa.  Người nói rõ thiện ý của Người.  Mục đích Thiên Chúa đến với nhân loại qua Con Một Người không phải để lên án, nhưng để cứu vớt, không phải để xét xử, nhưng để mời gọi nhân loại trở về trong tình yêu của Người.  Con đường trở về chính là Chúa Giê-su Ki-tô, đường dẫn ta đến với Chúa Cha (Ga 14:6).  Thiên Chúa muốn dùng Con Một Người để cứu độ ta.  Người sẽ làm gì với Con Một Người, đó là quyền của Người.  Thánh Gio-an sử dụng từ “sai” để diễn tả cách Thiên Chúa dùng Con Một Người.  Chắc chắn “sai đến” không chỉ có nghĩa là bảo ai tới đâu, nhưng là thi hành một sứ mệnh, cho dù phải chu toàn với một giá đắt.

          Vậy để chu toàn sứ mệnh cứu độ do Chúa Cha trao phó, Chúa Giê-su đã phải trả giá quá đắt là “trở nên phàm nhân” và hy sinh chính mạng sống mình.  Thánh Phao-lô đã ghi lại bài thánh ca hết sức hào hùng để vinh danh Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh, như ta thường đọc trong thư Pl 2:6-11.  Thử hỏi còn phương thức nào khác để Thiên Chúa bày tỏ thiện ý của Người nữa không?  Chắc chắn là không.  Vậy mà ta không tin thiện ý của Người, thì quả thực ta bất nhân bất nghĩa và vô tình biết chừng nào!

 

c)  “Tin vào Con của Người” là tin vào tình yêu Thiên Chúa

 

          Con Thiên Chúa đến với ta.  Người là Tình Yêu nhập thể, tức là Thiên Chúa hóa nên phàm nhân.  Đó là phần của Thiên Chúa trong kế hoạch yêu thương.  Còn phần của ta là nhận, là tin.  Nếu bảo là Thiên Chúa tiền định như ta thường hiểu lầm ý nghĩa tiền định, thì Người đâu cần ta đáp trả và cộng tác vào kế hoạch.  Người chỉ cần độc đoán hành động.  Người sẽ bảo nhân loại:  Các ngươi muốn hay không muốn được cứu, Ta không cần biết! Ta cứ cứu đấy!  Đừng kêu ca gì hết!  Như thế thì còn gì là tình yêu đích thực vì ta bị Thiên Chúa cưỡng bách.  Không, Thiên Chúa không độc đoán như vậy.  Người dành phần cho ta trong kế hoạch của Người.  Người tôn trọng tự do của ta.  Người chỉ mời gọi ta làm một điều thật dễ dàng:  tin vào Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người.  Nếu “sai đến” là một từ có ý nghĩa súc tích đối với Chúa Giê-su, thì “tin vào” cũng mang ý nghĩa súc tích như vậy đối với ta.  Tình yêu luôn luôn phong phú như vậy đó.  Yêu là sống một tương quan.  Càng tích cực sống tương quan thì tình yêu càng mạnh mẽ và dồi dào.  Cũng như Chúa Giê-su được “sai đến” để giải nghĩa cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ như thế nào, thì nhân loại cũng được mời gọi hãy “tin vào” Con Một để hiểu và đón nhận Tình Yêu Thiên Chúa.  Một đàng Thiên Chúa mời gọi, một đàng nhân loại đáp lại.  Tương giao giữa Thiên Chúa và con người được thể hiện tốt đẹp tức là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được thực hiện tốt đẹp.  Tin không phải là hành động của lý trí, nhưng là của con tim biết mở rộng để đón nhận lời giảng và lối sống của Người, nhờ đó cuộc sống của ta sẽ biến đổi dần dần nên giống với Người.  Tương giao giữa ta với Chúa Giê-su là phương thức đáp lại lời mời gọi cứu độ Thiên Chúa nói với ta.

 

d)  Vai trò của Thánh Thần

 

          Tuy thánh Gio-an không đề cập đến Thánh Thần trong đoạn Tin Mừng này, nhưng ngài sẽ nói tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong những chương cuối sách Tin Mừng.  Nhìn lại những biến cố cuộc đời Chúa Giê-su, ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.  Quyền năng Thánh Thần đã bao trùm trên Mẹ Ma-ri-a trong biến cố Truyền Tin và giúp cho “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1:14).  Thánh Thần đã hiện diện với Chúa Giê-su trong suốt sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Nhất là trong giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa Giê-su đã trao Thần Khí để Thần Khí ấy ngự xuống trên các Tông đồ và Mẹ Ma-ri-a, đổi mới bộ mặt trái đất và làm cho Giáo Hội triển nở mạnh mẽ.  Sau khi Chúa Giê-su về cùng Chúa Cha, công cuộc cứu độ của Người đã được tiếp nối do quyền năng Chúa Thánh Thần cho đến ngày tận thế.

 

e)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Sứ điệp Tin Mừng hôm nay thực sự là tin vui cho tôi.  Vậy tôi cảm nghiệm thế nào khi nhận ra Chúa muốn nói sứ điệp ấy cho riêng tôi?  Tôi cảm nghiệm thế nào về tình yêu của Thiên Chúa?

          Chúa muốn tôi được cứu rỗi.  Tôi hiểu rõ thiện ý của Người hay vẫn dửng dưng?  Đó có phải là một khía cạnh lớn lao nhất của “ý Chúa” không?  Vậy tôi đã và đang thi hành ý Chúa như thế nào?

          Xét lại tương giao giữa tôi với Chúa Giê-su, tôi nhận thấy đang ở mức độ nào?  Nói khác đi, tôi đã đáp lại lời gọi của Chúa Cha để “tin vào” Con của Người chưa?  Tôi đã để cho Chúa Giê-su và lối sống của Người biến đổi tôi như thế nào?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,

          xin giúp con quên mình hoàn toàn

          để ở lại trong Chúa,

          lặng lẽ và an bình

          như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.

          Lạy Đấng thường hằng bất biến,

          mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con,

          hay làm cho con ra khỏi Chúa;

          nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con

          tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!

          Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,

          xin biến hồn con thành chốn trời cao,

          thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa,

          nơi Chúa nghỉ ngơi.

          Ước chi

          con không bao giờ để Chúa ở đó một mình

          nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người,

          với thái độ nhạy bén trong đức tin,

          cung kính tôn thờ

          và phó mình cho Chúa sáng tạo.”

          (Trích RABBOUNI, Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà