LỄ HIỂN LINH (2005)

(Mát-thêu 2: 1-12)

 

          Giáo Hội suy gẫm việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua Đức Giê-su trong ba hoàn cảnh đặc biệt:  lễ Hiển Linh (Ba Vua), lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa và lễ Chúa Giê-su hiển dung (Biến hình) trên núi Ta-bô-rê.  Đây cũng là ba thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế:  Người đến trần gian, Người bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng và Người đi lên Giê-ru-sa-lem để lãnh nhận cuộc Thương khó và chịu chết chuộc tội cho nhân loại.  Tuy là những thời điểm hiển linh khác nhau, nhưng nội dung của việc Thiên Chúa tỏ mình ra đều xoay quanh một điểm chính là tình yêu vô điều kiện Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Vậy qua Hài Nhi Giê-su, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Em-ma-nu-en), Thiên Chúa muốn nói với ta điều gì và mong đợi ta làm gì để đáp lại tình yêu của Người?

 

a)  Thiên Chúa tỏ ra tình yêu của Người cho nhân loại

 

          Hiển Linh trong Cựu Ước diễn ra trong cảnh hùng vĩ của miền núi Xi-nai (Xh 19:16-25).  “Ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi... Toàn dân trong trại đều run sợ...  Đức Chúa ngự xuống trên núi Xi-nai.”  Cuộc thần hiện được mô tả trong sách Xuất Hành cho ta hình ảnh của một Thiên Chúa đầy uy nghi nghiêm túc, tựa như các thần của dân ngoại.  Chỉ trừ ông Mô-sê, mọi người Ít-ra-en đều sợ hãi và không được phép đến gần Đức Chúa kẻo phải ngã ra mà chết.  Trong khung cảnh ấy, ta khó có thể tìm được nét yêu thương của một Thiên Chúa là Cha nhân từ.

          Nhưng giờ đây trong khung cảnh nghèo nàn của hang đá Bê-lem, Thiên Chúa đã cất bỏ đi tất cả vẻ uy nghi cao cả của Người để hiện thân là một trẻ sơ sinh yếu đuối và tầm thường hơn cả những trẻ sơ sinh khác.  Thánh Phao-lô đã gọi hành vi này của Thiên Chúa là “hóa không” (annihilation, self-emptying) hoặc “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:6).  Một cuộc “tự hủy” như thế ắt phải có lý do chính đáng.  Thánh Gio-an nêu lên lý do ấy và lấy đó làm chủ đề cho tất cả những gì ngài viết trong sách Tin Mừng cũng như trong các thư của ngài:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

          So sánh giữa hai cách hiển linh ấy, ta thấy rõ hiển linh trong Cựu Ước nhằm giới thiệu một Đức Chúa uy quyền và đòi buộc dân tuyển chọn của Người phải hoàn toàn tôn thờ duy một mình Người mà thôi.  Còn nội dung của hiển linh trong Tân Ước là để tỏ ra tình yêu của Thiên Chúa và bảo đảm của Thiên Chúa là hễ ai tin nhận tình yêu ấy thì sẽ được sống đời đời.  Thật thích đáng khi Phụng vụ Lời Chúa từ sau lễ Giáng Sinh cho đến lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa đã sử dụng thư thứ nhất của thánh Gio-an Tông đồ để mời gọi ta tiếp tục chiêm niệm tình yêu Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa chúng ta, một cách hiển linh quá gần gũi đến nỗi ta không bao giờ tưởng tượng nổi.  Thiên Chúa không đến trong sấm chớp mây mù khiến cho ta sợ hãi mà chết nữa, nhưng Người đến trong con người tầm thường trong cảnh đơn sơ nghèo nàn để ta dễ dàng tiếp nhận Người và ta được sống muôn đời.

 

b)  “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”

 

          Đi cả một chuyến đi ngàn dặm, lặn lội và đối phó với bao hiểm nguy để cuối cùng làm một cử chỉ hết sức đơn sơ là sấp mình bái lạy và dâng tiến tất cả những gì mình có, mấy nhà chiêm tinh đã cho ta một mẫu mực để thực hiện cuộc hành trình đức tin của ta.  Đường xa khiến ta ngại ngùng và nguy hiểm làm ta sợ hãi.  Cũng thế, cuộc hành trình đức tin của ta không phải chỉ trong một ngày một tháng, nhưng là từ khi chào đời cho tới lúc nhắm mắt.  Trong hành trình ấy, ta có những thăng trầm và nhất là phải luôn luôn đối phó với cám dỗ, yếu đuối con người và những quyến rũ của thế gian.  Các nhà chiêm tinh thấy được ánh sao tức là họ đã nhìn nhận vương quyền của Chúa Giê-su.  Ý thức vương quyền của Chúa Giê-su đã trở nên động lực thúc đẩy họ đi tìm gặp Người, soi sáng cho họ biết luôn gắn bó với thao thức được gặp Chúa và nâng đỡ họ chấp nhận mọi gian khó trong cuộc tìm kiếm này.

          Đức tin đưa họ đến gặp Chúa Giê-su, nhưng đức tin còn đưa họ đi xa hơn nữa, đó là sấp mình bái lạy Người và mở bảo tráp dâng tiến Người tất cả những gì họ có.  Sấp mình bái lạy là cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.  Chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất ta phải bái lạy hay phụng thờ, như Chúa Giê-su đã đối đáp với Xa-tan khi nó cám dỗ Người trong hoang địa.  Ở điểm hẹn trên núi trước khi Chúa Giê-su phục sinh lên trời và sai các tông đồ đi giảng Tin Mừng, các tông đồ đã bái lạy Người để tuyên xưng Người là Đức Chúa.  Như vậy, qua câu truyện các nhà chiêm tin sấp mình bái lạy Hài Nhi, rõ ràng thánh sử Mát-thêu đã nêu cao việc tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa như mục đích cuộc hành trình đức tin của ta rồi vậy.

          Tiếp đến, cử chỉ mở bảo tráp và dâng tiến lễ vật cũng là điều ta cần phải làm trong cuộc hành trình đức tin của ta.  Ta không cần biết số lượng lễ vật của các nhà chiêm tinh là bao nhiêu, nhưng ta biết chắc đó là tất cả những gì quý giá nhất và ý nghĩa nhất đối với họ.  Bảo tráp của họ là để giữ gìn lễ vật và sẵn sàng được mở ra cho Chúa và cho mọi người.  Tất cả chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích.  Phương tiện để giúp họ sống và biểu lộ niềm tin vào Chúa Cứu Thế.  Nhưng đó cũng là gương mẫu cho ta biết mở lòng đón nhận Chúa.  Ta không thể khóa bảo tráp cho kỹ để khư khư giữ lấy những gì ta trân quý.  Nhưng ta phải sử dụng tất cả những gì được chứa trong đó để tuyên xưng Đức Ki-tô và sứ mệnh của Người, Đấng là Vua, là Thiên Chúa và là người sống giữa nhân loại.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại qua Hài Nhi Giê-su.  Người đã chọn một cách thức tầm thường và dễ dàng để ta nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Người.  Đối với tôi, đâu là dấu chỉ để tôi nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời tôi?  Nếu Hài Nhi Giê-su là “Em-ma-nu-en” thì Thiên Chúa có thực sự ở cùng tôi không?  Nói khác đi, tôi có tiếp nhận Đấng Em-ma-nu-en không?

          Ôn lại một vài thăng trầm đáng kể trong hành trình đức tin của tôi, tôi nhận ra được những ý nghĩa nào của những thăng trầm ấy?

          Tôi đang trữ gì trong bảo tráp của tôi?  Những gì là trở ngại để tôi không thể hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa,

          xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

          và trọn cả ý muốn của con,

          cùng hết thảy những gì con có,

          và những gì thuộc về con.

          Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

          lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

          Tất cả là của Chúa,

          xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

          Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

          Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  A-men.”

-          Kinh dâng hiến của thánh I-nhã

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà