CHÚA NHẬT 3 QUANH NĂM

(Mát-thêu 4: 12-23)

 

          Sau khi kể lại Chúa Giê-su chuẩn bị hành trang để khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thánh Mát-thêu mời gọi ta đi theo bước chân Chúa trên đường truyền giáo.  Vậy Chúa Giê-su đã thực sự bắt tay vào sứ vụ thế nào?  Ba mươi năm chuẩn bị và suy tư, bây giờ là lúc lên đường.  Cần có một chương trình tổng quát về việc thi hành sứ vụ.  Cần phải đề ra những điểm chính, thí dụ như thời gian và nơi chốn bắt đầu, trình bày cốt yếu nội dung của sứ điệp, tìm kiếm người cộng tác và địa bàn hoạt động như thế nào.  Những điều này đã được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Ta có thể nhận ra những diễn tiến của giai đoạn khởi đầu này, đồng thời cũng nhận ra chính tiếng Chúa mời gọi ta đi theo Người nữa.

 

a)  Thời gian và địa điểm bắt đầu thi hành sứ vụ

 

          Chúa Giê-su đến với ông Gio-an đang rao giảng bên bờ sông Gio-đan, về phía nam Giê-ri-khô miền Giu-đê, để xin ông làm phép rửa cho mình.  Sau khi ông Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su trở về Ga-li-lê.  Hình ảnh của bách hại đã hiện rõ dần ngay từ khởi đầu sứ vụ.  Trong tình trạng nguy hiểm ấy, Chúa Giê-su cần xử sự theo khôn ngoan.  Nhưng quan trọng hơn, đường lối khôn ngoan nhất của Chúa Giê-su là luôn luôn đi theo kế hoạch của Chúa Cha đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới (Is 8:23-9:1).  Nghĩa là Người phải bắt đầu từ miền đất Dân ngoại rao giảng sứ điệp sám hối và cũng từ miền đất này trước khi về trời Người sẽ sai các môn đệ đi tới cùng bờ cõi trái đất để tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng của Người (Mt 28:16-20).  Chúa Giê-su có thể làm theo kế hoạch riêng của Người, chọn đi con đường tắt, tức là bắt đầu sứ vụ từ Giê-ru-sa-lem là nơi dễ được nhiều người biết đến.  Nhưng Người đã dẹp bỏ ý riêng, tin tưởng vào sự sắp đặt của Chúa Cha mà khởi hành từ “Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại.” 

          Như vậy, ta thấy rõ cả thời gian lẫn địa điểm Chúa Giê-su bắt đầu sứ vụ xem ra đều bất lợi cho Người, vì thời gian là thời bách hại do vua Hê-rốt và địa điểm là nơi không thuộc về mình!  Ấy thế mà Chúa Giê-su cứ tiến hành, vì Người hoàn toàn dấn thân cho sứ mệnh chứ không nghĩ đến quyền lợi của riêng mình.

 

b)  Sứ điệp rao giảng:  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!”

 

          Ta có thể bỡ ngỡ:  Ồ, chỉ có vậy thôi ư?  Tại sao Chúa Giê-su là người có tài nói năng, nói “như Đấng có thẩm quyền” (Mc 1:27), thế mà Người không trổ tài hùng biện để lời giảng của Người có sức lôi cuốn hơn?  Nhưng ta đừng quên rằng đây chỉ là bắt đầu.  Hơn nữa, rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa không phải là chuyện hùng biện, cậy vào tài ba của cá nhân mình, nhưng là chuyển lại sứ điệp của Thiên Chúa.  Mà muốn cho người ta hiểu rõ và dễ tiếp nhận, thì sứ điệp cần phải rõ ràng.  Ở đây sứ điệp hết sức rõ ràng.  Trước hết là lời kêu gọi:  Anh em hãy sám hối.  Thứ đến là lý do tại sao phải sám hối:  Vì Nước Trời đã đến gần!  Có thế thôi.  Tuy nhiên, vị Sứ giả cần phải giúp cho người ta nhận ra Nước Trời đã đến gần.  Nói khác đi, vị Sứ giả phải là chính Nước Trời, để Ngài tới đâu là người ta đều nhận ra Nước Trời đang ở bên họ, nên họ cần phải chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận Ngài.  Như thế, giảng giải về sứ điệp không chỉ nguyên bằng lời nói, nhưng là chính cuộc sống của Sứ giả sẽ giải thích sứ điệp qua lối cư xử của Ngài, qua tình thương và chăm sóc Ngài dành cho những người “khó nghèo” của Thiên Chúa.

 

c)  Kêu gọi người cộng tác

 

          Lại thêm một chuyện đi ngược lối suy tư, đó là kêu gọi môn đệ.  Thói đời người ta phải cầu hiền, tức là đi tìm những người tài ba đức độ để họ giúp đại sự cho mình.  Thế mà Chúa Giê-su lại đi kêu gọi mấy ông đánh cá, học thức không được một vốc tay.  Vậy tại sao Người chọn con đường ấy?  Thưa cũng vì Người muốn đi theo đường lối của Thiên Chúa.  Lưới cá cần đến đầu óc tính toán, nhưng lưới người cần đến con tim quảng đại.  Và Chúa Giê-su đã gặp được những trái tim quảng đại nơi bốn môn đệ đầu tiên:  Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an.  Chúa Giê-su tin tưởng Thánh Thần sẽ biến đổi, giúp Người làm cho những anh thuyền chài này trở thành những kẻ lưới người như lưới cá, nghĩa là nếu họ đã tài ba và thành công trong nghề đánh cá thế nào thì họ cũng sẽ khéo léo và hữu hiệu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng như vậy.  Bằng chứng của những trái tim quảng đại là:  lập tức họ bỏ thuyền, bỏ lưới, bỏ gia đình lại mà theo Chúa.

 

d)  Lên đường

 

          Cuối cùng là lên đường.  Chỉ một câu thôi, thánh sử Mát-thêu đã tóm tắt tất cả những gì Chúa Giê-su sẽ làm khi thi hành sứ vụ:  đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết bệnh hoạn tật nguyền của dân.  Đó là những dấu chỉ rõ ràng cho người ta thấy Nước Trời đã đến gần và cho người ta biết họ đang sống giữa Triều Đại Thiên Chúa.  Chúa Giê-su sẽ tích cực làm những điều ấy.  Người tiếp tục ra đi, chứ không nán ở lại nơi nào dù Người có được nổi tiếng hơn hoặc mặc cho người ta muốn giữ Người lại ở đó.  Người giảng dạy trong các hội đường là nơi dành riêng cho Thiên Chúa và cho mọi người, tại đó Thiên Chúa và con người dễ dàng gặp gỡ nhau.  Người rao giảng Tin Mừng Nước Trời bằng cách “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó” (Cv 10:38).  Người sử dụng quyền năng Thiên Chúa ban cho để mưu ích cho tha nhân, để tỏ ra tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, chứ không sử dụng quyền năng ấy để mưu lợi cho cá nhân mình.

          Nói tóm lại, trước khi thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su đã xác tín về sứ mệnh, đường lối của Thiên Chúa.  Giờ đây, khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giê-su đã hoàn toàn sống đúng như người Con yêu dấu của Thiên Chúa như tiếng Chúa Cha đã khẳng định trong biến cố Người nhận phép rửa của Gio-an Tẩy giả vậy.

 

e)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Mỗi khi khởi đầu một công việc quan trọng, tôi có bao giờ tự hỏi mình phải làm thế nào cho đúng đường lối Chúa muốn tôi làm?  Suy nghĩ lại về một vài công việc để rút tỉa kinh nghiệm.

          Đường lối của Chúa thường đi ngược lại đường lối của thế gian.  Vậy tôi có can đảm chấp nhận đường lối của Chúa, cho dù có bị thiệt thòi không?

          Chúa Giê-su gọi tôi đứng dậy theo Người?  Tôi có lập tức trả lời xin vâng không?  Điều gì làm tôi ngần ngại và không dám quảng đại?

 

Cầu nguyện:

 

                   Kinh xin ơn quảng đại

          “Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

          xin dạy con biết sống quảng đại,

          biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

          biết cho đi mà không tính toán,

          biết chiến đấu không ngại thương tích,

          biết làm việc không tìm an nghỉ,

          biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

          ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa.  A-men.”

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà