CHÚA NHẬT 4 QUANH NĂM

(Mát-thêu 5: 1-12)

 

         

          Phụng vụ Lời Chúa của ba Chúa Nhật trước đã giới thiệu cho ta biết Chúa Giê-su là Đấng nào và Người đã chuẩn bị thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng ra sao.  Tiếp theo là phần trình bày giáo lý và việc làm của Người, sẽ bắt đầu từ Chúa Nhật hôm nay.  “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”  Công việc của vị Sứ giả Tin Mừng là chỉ cho người ta biết Nước Trời là gì và đang đến như thế nào, để người ta nhận ra và chuẩn bị tiếp nhận bằng cách sám hối.  Với tư cách là Mô-sê Mới, Chúa Giê-su “lên núi, ngồi xuống, và mở miệng dạy dỗ dân chúng.”  Vì thế, bài giảng đầu tiên của Người được thánh sử Mát-thêu ghi lại gọi là “bài giảng trên núi.”  Bài giảng này cũng được mệnh danh là “Hiến chương Nước Trời”, hoặc nói theo học giả Kinh Thánh Neil Flanagan là “Tuyên ngôn Ki-tô” (Christian Manifesto).  Bài giảng quá đơn sơ và là những khẳng định chắc chắn nên thường làm cho ta không biết hiểu sao cho đúng. 

 

a)  Tám mối phúc là những nẻo đường Thiên Chúa đến với ta

 

          Đọc kinh “Phúc thật tám mối”, bình thường ta chỉ coi đó là những lời khuyên luân lý và cố gắng sống theo, ít khi coi đó là những lời giảng của Chúa Giê-su hé mở cho ta thấy thế nào là đời sống có Thiên Chúa hiện diện.  Thực vậy, mỗi mối phúc là một ơn lành đặc biệt biểu lộ quyền năng Thiên Chúa và Người ban cho ta để ta sống theo ơn lành đó trong đời mình.  Thí dụ, phúc lành Chúa ban cho tôi là tôi biết xót thương người khác.  Vậy khi tôi sống mà luôn biết xót thương anh chị em là tôi đã để cho quyền năng lòng xót thương của Thiên Chúa được biểu lộ cho anh chị em tôi vậy.

          Nhưng làm sao ta hiểu các mối phúc là những nẻo đường Chúa đến với ta để đưa ta đến với hạnh phúc trường sinh?  Ta phải căn cứ vào Cựu Ước và lấy đó làm nền tảng để hiểu Chúa Giê-su muốn trình bày những mối phúc ấy đến từ Thiên Chúa, hay nói khác đi, đó là những đặc tính của Thiên Chúa và Người ban lại cho ta như những ơn lành (mối phúc) của Người.  Khi nói về mỗi mối phúc, Chúa Giê-su không trích dẫn Cựu Ước, nhưng thính giả của Người đều quen thuộc với Kinh Thánh Cựu Ước nên họ hiểu ngay Người muốn nói gì.  Còn đối với hầu hết chúng ta ngày nay, muốn hiểu được như vậy thường phải dự một lớp học hỏi Kinh Thánh hoặc đọc sách vở giải thích về Kinh Thánh.  Vậy ta có thể trình bày tổng quát như sau.  Các trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước liên quan đến những mối phúc trong Tin Mừng thường có hai phương diện.  Về phía ta, có thể đó là những chỉ thị Thiên Chúa muốn ta phải làm theo hoặc những lời hứa Người nói với ta.  Thí dụ:  “Nếu giữa anh em, trong một thành nào của anh em trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em ban cho anh em, có một người anh em nghèo, thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng;  nhưng phải mở rộng tay và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu” (Đnl 15:7-8), hoặc: “Còn kẻ nghèo hèn thì được đất hứa làm gia nghiệp và vui hưởng cảnh an lạc chan hòa” (Tv 37:11).  Về phía Thiên Chúa, những trích dẫn hoặc những câu truyện trong Cựu Ước cho ta hình ảnh về Thiên Chúa là chính những mối phúc ấy.  Thí dụ những câu truyện trong sách Sáng Thế từ chương 3 – 11 kể lại việc người ta phạm tội đưa tới diệt vong.  Nhưng mỗi lần như thế, Chúa đều can thiệp để đưa họ tới một thực tại tốt đẹp hơn.  Điều ấy chứng tỏ lòng Thiên Chúa là Đấng hay thương xót con người.

 

b)  Chúa Giê-su là hiện thân của những mối phúc

 

          Dạy những điều chính mình đang sống, đó là đường lối giảng dạy của Chúa Giê-su.  Như thế các mối phúc đã hoàn toàn được thể hiện qua cách sống của Người.  Khi chọn xuống thế làm người và sống giữa nhân loại, Chúa Giê-su đã chọn làm một “người nghèo” (anawim) và “hiền lành” để hoàn toàn tín thác Thiên Chúa thay vì tin tưởng vào tiền bạc của cải và quyền lực trần gian.  Người đã đóng trọn vai trò vị ngôn sứ được sai đi để “yên ủi mọi kẻ khóc than; tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi” (Is 61:2-3).  Người luôn ấp ủ lý tưởng xây dựng nền công chính mới nên đã hăng say rao giảng Tin Mừng và còn mang theo niềm khát khao ấy khi ở trên thập giá:  “Tôi khát” (Ga 19:28).  Người luôn luôn biểu lộ lòng xót thương của Thiên Chúa cho những người tội lỗi, những người bị xã hội ruồng bỏ, sống đúng như Châm ngôn 14:32, “Thương xót kẻ khó nghèo là tôn kính Đấng dựng nên người đó.”  Chúa Giê-su là câu trả lời cho câu hỏi “Ai được lên núi Chúa?  Ai được ở trong đền thánh của Chúa?”, vì chỉ có Người mới hoàn toàn là “kẻ tay sạch lòng thanh” (Tv 24:3).  Người ra đi thiết lập hòa bình giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với con người.  Người giảng dạy và nêu gương để con người không còn là sài lang đối với con người (homo homini lupus), nhưng là anh chị em con cùng Cha và biết yêu thương cả kẻ thù của mình nữa.  Sau hết, Chúa Giê-su đã chấp nhận mọi bách hại, từ tâm lý cho đến thể lý và cả cái chết, để sống trung thành với sứ mệnh và chu toàn thánh ý Chúa Cha.

 

c)  Sống các mối phúc là làm cho Nước Trời được thể hiện

 

          Chúa Giê-su đã làm cho Nước Trời được người ta nhận biết qua lối sống và giảng dạy của Người.  Khi Người rao giảng:  “Nước Trời đã đến gần” thì không có nghĩa là sắp có một quốc gia mới, nhưng là chính Người đã tới gần, đang ở cạnh mọi người, vì Nước Trời đang thể hiện trong Người.  Kêu gọi chúng ta làm công dân Nước Trời, Chúa Giê-su trình bày cho ta một “hiến chương” hay một “tuyên ngôn” để giúp ta đi theo con đường Người đã đi xây dựng Nước Trời.  Ta không hiểu được hiến chương hay tuyên ngôn ấy nếu không nhìn vào chính cuộc sống của Chúa Giê-su, để từ đó nhìn vào bản chất của Thiên Chúa và ý thức cùng đích của ta là được ở trong hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

          Mỗi người chúng ta có một con đường quen thuộc để đi, để sống và để xây dựng.  Cũng thế, mỗi người đều nhận ra mình có một mối phúc trổi vượt hơn những mối phúc khác qua bản chất hoặc hoàn cảnh của cá nhân mình, tựa như những đặc sủng để ta sử dụng nó cho lợi ích của người khác, của cộng đoàn và xã hội.  Nước Trời giống như hạt kim cương với những khía cạnh tuyệt vời nhưng khác biệt nhau.  Do đó, khi sống mối phúc đặc biệt của mình là ta làm sáng lên một góc độ của hạt kim cương ấy và giúp mọi người nhận ra sự hiện diện của Nước Trời đang ở bên cạnh họ.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Khi nghe Chúa Giê-su lần lượt kể ra những loại người được chúc phúc, hoặc có Thiên Chúa hiện diện trong họ, tôi thấy mình thuộc loại người nào?  Nói khác đi, mối phúc nào là của tôi?  Tôi đã làm gì với ân sủng hoặc mối phúc ấy?

          Tôi có thể nói với những người chung quanh như Chúa Giê-su đã nói:  “Nuớc Trời đã đến gần” không?  Tại sao?

          Mối phúc thứ tám là tuyệt đỉnh đời sống người môn đệ Chúa, đồng hóa ta với Chúa Giê-su.  Vậy tôi đã nhìn theo khía cạnh nào những “thiệt thòi” vì tôi là người Công giáo?  Và tôi có can đảm để chấp nhận những thiệt thòi ấy không?  Gương của Chúa Giê-su dạy tôi thế nào về điều này?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su thương mến,

          xin ban cho chúng con

          tỏa lan hương thơm của Chúa

          đến mọi nơi chúng con đi.

          Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

          bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

          Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

          để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

          Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

          để những người chúng con tiếp xúc

          cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

          Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

          không phải bằng lời nói suông,

          nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

          và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.

                                      - Mẹ Têrêxa Calcutta

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 68)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

1-28-05


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà