Chúa Nhật thứ 23 Thường Niên

 (4-9-2005)

 

Phương cách mình sửa lỗi anh em nói lên tình yêu của mình đối với họ

ĐỌC LỜI CHÚA

·   Ed 33,7-9: (8) Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. (9) Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.

·   Rm 13,8-10: (8) Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. (9) Các điều răn đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. (10) Yêu thương chính là chu toàn Lề Luật vậy.

 

·   TIN MỪNG: Mt 18,15-20

Sửa lỗi anh em

(15) «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

(18) «Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.

Hiệp lời cầu nguyện

(19) «Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:


1.   Người yêu thương anh em thật sự có nên sửa lỗi họ khi họ sai lỗi không? Có khi nào ta sửa lỗi anh em vì ghen ghét họ, vì muốn tự đưa mình lên không?

2.   Sửa lỗi anh em mà không tế nhị, mà xúc phạm đến họ thì có kết quả gì không? Tại sao? Giữa việc sửa lỗi và cách sửa lỗi, điều nào quan trọng hơn? điều nào dễ nói lên tình thương của ta hơn?

3.   Theo Đức Giêsu, tinh thần phải có khi ta sửa lỗi anh em là gì?

Suy tư gợi ý:

1.   Sửa lỗi anh em là bổn phận của tình thương

Toàn bộ giáo huấn của Kinh Thánh – cả Cựu lẫn Tân Ước – đều tóm gọn trong hai chữ yêu thương. Yêu thương có hai đối tượng chính là Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng theo giáo huấn của Đức Giêsu, tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa tất yếu phải được thể hiện thành tình yêu đối với tha nhân. Nghĩa là đã yêu Thiên Chúa thì tất nhiên phải thương tha nhân. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại không yêu thương anh em mình, người ấy là kẻ nói dối» (1Ga 4,20). Vì tha nhân chính là hiện thân cụ thể và thấy được của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta, bất kể tha nhân đó là ai: người yêu ta hay người ghét ta, kẻ ta yêu hay kẻ ta ghét, người làm lợi cho ta hay kẻ thường làm hại ta, người thánh thiện hay người tội lỗi. Kẻ thù, kẻ xấu xa, kẻ tội lỗi mà ta còn phải yêu thương và mong muốn những điều tốt lành cho họ, huống gì người anh em cùng trong một cộng đoàn với ta, cùng chung một lý tưởng với ta, cùng theo Chúa như ta, phạm phải một số lầm lỗi nào đó. Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu dạy ta cách đối xử với những anh em có những lầm lỗi đó.

Khi anh em mình có lầm lỗi, Ngài không dạy ta cứ mặc kệ họ, mà đề nghị ta sửa lỗi cho họ: «Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi người ấy» (Mt 18,15a). Ngôn sứ Êdêkien còn cho việc sửa lỗi ấy là một bổn phận hay trách nhiệm: «Chúa phán: Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó» (Ed 33,8).

Sửa lỗi cho họ chính là cách thể hiện tình thương của ta đối với họ. Vì yêu thương ai thì phải tìm cách làm cho người ấy nên tốt, nên hoàn thiện hơn. Thấy anh em ta lầm lỗi, mà vì nể nang họ, sợ họ bị chạm tự ái, sợ họ buồn nên ta không đả động gì đến lỗi của họ, cứ để mặc họ tiếp tục lầm lỗi, thì đó không phải là yêu thương họ. Tình thương phải thúc giục ta đưa họ ra khỏi sai lầm, khỏi tội lỗi và điều xấu ác, vì nếu họ cứ tiếp tục lầm lỗi, thì hậu quả đến với họ sẽ là đau khổ (đau khổ tinh thần, tâm lý hoặc thể chất), và có thể nguy hại cho linh hồn họ.

2. Việc sửa lỗi không quan trọng bằng cách sửa lỗi

Sửa lỗi anh em khi họ lầm lỗi là bổn phận của yêu thương. Nhưng bản thân việc sửa lỗi không quan trọng và không biểu lộ tình thương bằng cách thức sửa lỗi cho họ. Phải sửa lỗi cách nào để người được sửa lỗi cảm nhận được ta yêu thương họ thật sự, chỉ mong họ nên tốt đẹp hoàn thiện hơn, và chính vì yêu thương họ mà ta sửa lỗi cho họ. Tâm lý thông thường của người lầm lỗi là họ chỉ sửa lỗi theo đề nghị của ta khi họ thấy ta thật lòng yêu thương họ. Có nhiều trường hợp ta sửa lỗi người khác chỉ để chứng tỏ rằng ta vô tội còn họ thì có tội, ta tốt lành còn họ thì xấu xa, ta hữu lý còn họ thì phi lý. Sửa lỗi kiểu ấy chỉ là một hình thức tự đề cao, tự đưa mình lên và hạ thấp người anh em xuống. Sửa lỗi kiểu ấy chỉ chứng tỏ ta tự yêu mình chứ không phải ta yêu thương gì họ, và hậu quả là chỉ gây nên oán thù, chia rẽ, đúng như câu «giáo đa thành oán!»

3.   Cách sửa lỗi theo tinh thần yêu thương

Cách sửa lỗi anh em vì yêu thương thì khác hẳn với cách sửa lỗi vì muốn tự đề cao mình và muốn hạ người anh em xuống. Người bị sửa lỗi rất nhạy cảm để nhận ra được ta sửa lỗi họ theo cách nào. Vì thế, chính việc sửa lỗi không quan trọng bằng cách thức sửa lỗi. Nếu ta thật sự yêu thương người có lỗi, thì khi sửa lỗi họ, ta sẽ tỏ ra tôn trọng họ, tránh xúc phạm đến họ, nghĩa là tránh tất cả những câu nói nào có thể khiến họ đau khổ, buồn phiền, tức giận. Hãy xem trong cách giáo dục con cái, người ta vẫn nói: «dạy dỗ», nghĩa là «dạy thì phải dỗ», «dạy» phải luôn luôn đi với «dỗ» mới thành công. «Dỗ» là dùng những lời lẽ êm ái, ngon ngọt, dịu dàng, thấm nhuần tình thương để đề nghị với con cái mình hãy làm việc này hoặc đừng làm việc kia. Khi sửa lỗi người anh em mình, ta cũng cần dùng một phương pháp tương tự như vậy thì mới dễ có kết quả.

4. Sửa lỗi anh em theo tinh thần của Đức Giêsu

Đức Giêsu đưa ra một tiến trình gồm nhiều giai đoạn để sửa lỗi người anh em trong tinh thần tôn trọng và yêu thương họ.

1 Trước hết là «một mình anh với người ấy mà thôi…». Nghĩa là khi ta nhận ra lầm lỗi của người anh em, thì ban đầu phải tôn trọng sự kín đáo, riêng tư: chỉ một mình họ với ta biết cái lầm lỗi ấy thôi. Và trong sự thân mật riêng tư, ta tế nhị chỉ cho họ thấy rõ lầm lỗi của họ, đề nghị họ sửa lỗi bằng những lời lẽ yêu thương nhưng đầy tính thuyết phục. Hãy tự đặt mình vào vị thế của họ để thông cảm với hoàn cảnh và sự yếu đuối của họ khiến họ lầm lỗi. Đừng chỉ biết dựa trên nguyên tắc đạo lý hay luật lệ để trách móc họ như một người ngoại cuộc. Hãy nghĩ rằng rất có thể khi ở trong hoàn cảnh của họ, mình cũng sẽ cư xử chẳng khác gì họ, thậm chí có thể tệ hơn họ.

2) Chỉ khi giai đoạn 1 không thành công thì mới nên sử dụng tiếp giai đoạn 2: «nếu người ấy không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa…». Trong giai đoạn này, lầm lỗi của người anh em bị công khai hóa hơn, nhưng chỉ công khai trong một giới hạn nhỏ bé. Điều này cũng gây một áp lực nhẹ nhàng đòi buộc người ấy phải sửa lỗi. Song song với áp lực ấy, sự tham gia thêm của một vài anh em thân cận cũng tạo tính thuyết phục hơn.

3) Giai đoạn 2 mà vẫn không thành công thì đành phải đi đến giai đoạn 3: «Nếu người ấy không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh». Giai đoạn này mức độ công khai, sự thuyết phục và áp lực tạo ra từ đó trở nên nhiều và mạnh hơn nữa. Nhưng tính công khai vẫn còn phải giới hạn trong phạm vi nội bộ của tập thể (hội đoàn, giáo xứ, giáo phận, hay giáo hội địa phương…) chưa nên để lộ cho người ngoài Giáo Hội biết.

4) Giai đoạn 4: «Nếu Hội Thánh mà người ấy cũng chẳng nghe, thì hãy kể người ấy như một người ngoại hay một người thu thuế». Có những trường hợp người sai lỗi vẫn cứ ngoan cố với lỗi lầm của mình, thì phải tạo áp lực mạnh hơn nữa là coi người ấy như một người ngoài cộng đoàn hay ngoài Hội Thánh. Đây là giai đoạn bất đắc dĩ chỉ nên sử dụng sau khi đã dùng những biện pháp nêu trên nhiều lần mà vẫn không thành công. Nếu người ấy sửa lỗi, thì ta lại tiếp tục coi họ như người trong cộng đoàn hay trong Giáo Hội.

Tất cả những giai đoạn trên chỉ là những biện pháp để đưa người anh em sai lỗi của ta về đường ngay nẻo chính. Tất cả đều phải được thực hiện trong tâm tình yêu thương. Không nên bêu xấu, hạ nhục người anh em của mình. Nếu tất cả những biện pháp trên đều thất bại, thì ta đành phải chấp nhận giới hạn khả năng sửa lỗi của mình. Điều này không có nghĩa là loại trừ họ, coi họ không còn là anh em của mình, hoặc mình không còn phải yêu thương hay không còn trách nhiệm gì đối với họ nữa. Chỉ nên dùng những biện pháp thật mạnh như nhờ luật pháp ngoài đời can thiệp, hay công bố cho mọi người biết khi lỗi lầm ấy thật sự có hại cho Giáo Hội hay xã hội, và mình đã dùng tất cả những cách khác mà người có lỗi vẫn cố chấp không chịu thay đổi.

Thử suy nghĩ một người cha hay mẹ khi thấy con cái hư đốn thì sửa dạy chúng ra sao. Khi đã làm nhiều cách mà chúng không sửa đổi, thì phải kiên nhẫn tìm cách khác nữa. Khi đã tìm hết cách mà con không sửa đổi, thì cha mẹ chỉ biết khóc thầm, chịu đựng đau khổ, chứ không thể từ bỏ con hay ruồng rẫy con được. Không cha mẹ nào thật sự yêu thương con mà lại chấp nhận từ bỏ con, giết con hay không quan tâm tới chúng nữa, cho dẫu lầm lỗi của chúng nặng nề tới đâu. Vì nếu đã làm hết cách, thì dù có từ bỏ chúng cũng không làm chúng sửa lỗi, trái lại, còn đẩy chúng đến những lầm lỗi nặng nề và tai hại hơn. Nếu chúng ta thật sự yêu thương những anh em lỗi lầm của mình, chúng ta cũng sẽ xử sự như vậy.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, kẻ thù, kẻ tội lỗi mà con còn phải yêu thương huống gì những người anh em của con còn vướng có chút ít khuyết điểm lầm lỗi! Xin cho con biết yêu thương họ thật sự qua cách đối xử của con đối với họ, nhất là qua cách con sửa lỗi cho họ. Cách con sửa lỗi cho họ thế nào chính là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thấy con có thật lòng yêu mến họ hay không.    


Joan Nguyễn Chính Kết


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà