CHÚA NHẬT 25 QUANH NĂM

(Mát-thêu 20: 1-16a)

 

          Thực khó mà xác định được điểm chính dụ ngôn thợ làm vườn nho muốn nói lên.  Có thể là một câu truyện dùng để khai triển thêm đề tài về phần thưởng dành cho những người theo Đức Giê-su.  Cũng có thể dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa mời gọi mọi người bước vào Nước Trời Người đã thiết lập trong Đức Giê-su.  Nhưng nếu xét theo lối khai triển đề tài của Phụng vụ Lời Chúa, có lẽ ta sẽ chọn ý nghĩa về lòng quảng đại của Thiên Chúa để suy niệm, vì lòng quảng đại ấy đã thiết lập Giáo Hội để quy tụ mọi người tin vào Chúa Ki-tô và đồng thời lòng quảng đại ấy cũng là mực thước để mọi phần tử trong Giáo Hội lấy đó mà đối xử với anh chị em.

 

a)  “Hãy đi vào vườn nho” là lời Thiên Chúa kêu gọi mọi người

 

          Từ sáng sớm tới chiều, gia chủ vườn nho ra ngoài nhiều lần khác nhau để mướn thợ làm.  Mỗi lần như thế, ông đều nói với họ:  “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.”  Lời kêu gọi ấy thật khác thường, không hề nhắc tới việc làm, nhưng chỉ xin họ “hãy đi vào vườn nho” và bảo họ sẽ được trả lương xứng đáng.

          Rõ ràng câu truyện muốn đề cao mối quan tâm của gia chủ đối với những người “ở không, đang đứng ngoài chợ”.  Gia chủ không cần biết tới công việc của mình cho bằng quan tâm đến tình trạng thất nghiệp của những người thợ.  Do đó, lời kêu gọi “hãy đi vào vườn nho” không nhắm mục đích để họ phải làm việc cho gia chủ, nhưng là để họ được trả lương xứng đáng, không phải là một hợp đồng làm ăn, nhưng là một biểu lộ lòng quảng đại và chăm sóc.  Hiểu như vậy ta mới thấy dụ ngôn có ý nói lên lòng quảng đại của gia chủ, tức là Chúa Giê-su.

          Nỗi thao thức của vị Mục Tử nhân lành hoặc của Chủ Vườn nho Giáo Hội là vẫn còn nhiều con chiên không thuộc đàn chiên của Người (Ga 10:16), hoặc vẫn còn nhiều người “đang đứng ngoài chợ”, ở bên ngoài Nước Trời.  Ta có thể dùng hình ảnh những người thất nghiệp đang nóng lòng chờ đợi cho có việc làm để suy tư về tình trạng của những người đang khao khát được gọi vào Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Họ là những người chưa có đức tin, chưa có một cộng đoàn hoặc gia đình đức tin để thuộc về.  Cảm nghiệm thuộc về là một nhu cầu của con người.  Không ai là một hòn đảo.  Cho nên ta có thể hiểu được tâm trạng lo lắng khắc khoải của những người “ngoại cuộc”.  Có một lần tôi cần mấy người dọn đồ để di chuyển.  Tôi lái xe đến McDonald, tại đó lúc nào cũng có những anh em Nam Mỹ đứng ở ngoài đợi xem có ai thuê họ làm gì không.  Xe vừa trờ tới là đã có dăm bảy người chạy đến hỏi có muốn thuê họ không.  Tôi có thể đọc được niềm vui trên gương mặt hai người được tôi mướn và nỗi thất vọng của những người còn lại. 

Thiên Chúa không muốn ai phải thất vọng cả.  Trong vườn nho của Người lúc nào cũng đủ việc làm cho tất cả nhân loại.  Hơn nữa, Người chú trọng hơn tới hoàn cảnh và số phận của họ, tức là muốn cho họ được hưởng phần gia nghiệp của Người.  Do đó, Người không quản ngại đến với họ và bảo họ:  “Các anh hãy đi vào vườn nho.”  Chúa Giê-su trước hết muốn thay đổi quan niệm nơi người Do-thái về lời gọi phổ quát của Nước Trời, nên Người mượn hình ảnh và lời nói của gia chủ để nhấn mạnh đến lòng quảng đại của Thiên Chúa:  “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”  Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do-thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai.  Không phải ta có quyền giới hạn lòng quảng đại của Người.  Trái lại, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém, vì “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót!”  Khi thi hành sứ vụ cứu thế, Chúa Giê-su đã làm theo kế hoạch cứu độ phổ quát này và Người đã đặc biệt đến với những người “đứng chót” trong xã hội (Lc 4:18-19).

 

b)  Lòng quảng đại cần thiết cho đời sống cộng đoàn

 

          Trong cùng một hướng khai triển đề tài về Giáo Hội, lòng quảng đại của Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người phải là mẫu mực để các phần tử trong Giáo Hội đối xử với nhau, đặc biệt trong những sinh hoạt có tính cách xây dựng như sửa lỗi anh chị em, cầu nguyện cho nhau, tha thứ cho nhau, là những đề tài ta đã có dịp suy niệm trong những Chúa Nhật trước.

          Qua dụ ngôn thợ làm vườn nho, ta thấy rõ sự trái ngược giữa lòng quảng đại của gia chủ và lòng ghen tức của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm.  Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, còn ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận ai.  Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những người chưa được làm con cái Người, còn ta chỉ nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ.  Ngay cả trong một cộng đoàn cũng vậy.  Ta thường khó chịu về sự có mặt của những anh chị em xem ra không mấy đàng hoàng và luôn tìm cách loại trừ hoặc kỳ thị chứ không muốn chấp nhận họ.  Chỉ có lòng quảng đại thực mới giúp ta dễ dàng chấp nhận những lỗi lầm yếu đuối của anh chị em.  Tôi nhớ lại những lần lái xe qua những nơi nhiều anh em Nam Mỹ đứng chờ người đến thuê họ đi làm.  Tôi cố gắng chống lại những tư tưởng tiêu cực chợt đến trong đầu óc, như họ là những người lười biếng, làm một ăn hai...  Tôi phải quảng đại thay đổi những ý nghĩ tiêu cực ấy bằng những lý do tích cực hơn, thí dụ họ không có đủ trình độ để kiếm một nghề nghiệp chắc chắn, không có giấy tờ hợp lệ để đi làm, họ cũng đang nóng lòng chờ đợi một công việc nào đó để có tiền thường xuyên gửi về giúp gia đình...

          Tấm gương quảng đại của Chúa Giê-su là những dấu chỉ cho hành trình của ta đáp lại lời Thiên Chúa Cha gọi ta vào vườn nho của Con Một Người.  Người đã đón nhận những kẻ tội lỗi trở về.  Người đã chịu đựng những yếu đuối và tham vọng của các tông đồ.  Người đã xả thân cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Người đã quảng đại đến độ sẵn sàng chấp nhận cái chết trên thập giá cho nhân loại...  Để nêu gương cho ta biết sống cho người khác và xây dựng một cộng đoàn yêu thương.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có vui mừng và hết lòng tạ ơn Chúa vì Người đã cho tôi được làm Ki-tô hữu ngay từ khi mới sinh không? 

          Đối với những anh chị em chưa được diễm phúc làm con cái Chúa, tôi đã nghĩ gì về họ?  Có khi nào tôi làm một điều gì đó để giúp họ nghe được lời mời gọi “Hãy vào vườn nho” của Chúa không?

          Trong đời sống gia đình, tôi quảng đại hay ích kỷ đối với những người thân?  Tôi có thuộc loại biết nghĩ đến người khác trong gia đình hay chỉ biết có mình?  Tôi phải giáo dục con cái trong nhà thế nào để tránh được lối sống cá nhân chủ nghĩa của văn hóa Hoa-kỳ?

          Tôi có quảng đại dành một chút thời giờ để đóng góp vào đời sống và sinh hoạt của cộng đoàn không?  Tôi tự hỏi mình làm được gì cho cộng đoàn, hay chỉ biết đòi hỏi những gì cộng đoàn phải làm cho mình?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa,

          xin cho con quả tim của Chúa.

          Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

          nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

          vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

          để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

          Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

                   mọi trả thù ti tiện.

          Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

                   không một biến cố nào làm xáo trộn,

                   không một đam mê nào khuấy động hồn con.

          Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

                   cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

          Xin cho quả tim con đủ lớn

                   để yêu người con không ưa.

          Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

                   để có thể ôm cả những người thù ghét con.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 3)

 

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

16-9-2005


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà