CHỨNG TỪ HI VỌNG

Chúa Nhật 6A Phục sinh

 

 

Hơn lúc nào thế giới cần đến niềm hi vọng.   Nhưng ai có thể đem lại niềm hi vọng cho nhân loại ?  Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong lời Chúa hôm nay.

 

TẠI SAO HI VỌNG ?

Giữa những bấp bênh của cuộc sống hôm nay, con người trải qua nhiều nỗi thất vọng khác nhau.  Càng thất vọng, con người càng không tìm được lẽ sống và không biết bám víu vào đâu.   Hôm nay, Đức Giêsu mạc khải lẽ sống chính là sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa trong tâm hồn tín hữu.   Đó là câu “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em.” (1 Pr 3:15)    Rất huyền nhiệm và rất xác thực !

Thật vậy, sở dĩ thế gian đầy dẫy những con người thất vọng vì không có con đường giải thoát.   Khắp nơi tràn ngập những gian trá, lừa đảo.  Thế gian : gian là thế !   Chính vì thế, “Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người.” (Ga 14:17)   Thế gian sống trong ảo vọng.  Không thể tìm thấy niềm hi vọng trong những mớ ảo vọng đó.  

Trái lại, niềm hi vọng của người Kitô hữu vững chắc như chính Thần Khí sự thật.   Niềm hi vọng đó vô cùng lớn lao, “vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.” (Ga 14:17)  Người luôn hiện diện giữa cộng đoàn và trong tâm hồn các tín hữu để bảo vệ họ khỏi nanh vuốt Satan là cha mọi sự dối trá.  Bè lũ chúng đang âm mưu kéo sập các cộng đoàn Dân Chúa và cô lập hóa các Kitô hữu.

Nhưng Đức Giêsu đã hứa : “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.” (Ga 14:18)     Cho dù kéo bè kéo cánh, kẻ thù vẫn không thể áp đảo các Kitô hữu.   Dù bị hất hủi hay phản đối, họ vẫn không cô đơn, vì niềm tin đã khơi lên niềm hi vọng lớn lao trong tâm hồn và cuộc đời họ.   Chính những lúc đau khổ và trống vắng nhất là những lúc họ đầy ắp ân sủng. Với nguồn ân sủng lớn lao, “Thầy sẽ đến cùng anh em” (Ga 14:18) để đối phó kịp thời với những âm mưu đen tối.   Chính tình yêu đã thúc đẩy bước chân Người đến với chúng ta.   

Chính con mắt đức tin làm cho “anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em sẽ sống” (Ga 14:19) với tất cả niềm vui và tràn đầy hi vọng.   Người môn đệ không thể thể sống mà không có Thầy.   Sự sống Thầy bảo đảm cho tín hữu không phải rơi vào hố diệt vong.   Ai có thể cất mạng sống Thầy ?   Ai có thể thể tách lìa họ khỏi Thầy ?   Còn sống là còn hi vọng.   Đó là lý do tại sao họ vẫn giữ được niềm hi vọng dù phải sống giữa những hoàn cảnh tuyệt vọng.   Các thánh tử đạo là một bằng chứng hùng hồn.  Không một lý do tự nhiên nào có thể giải thích nổi những hành vi gan dạ đó.    Không phải nhờ ý chí vững mạnh hơn người.   Cũng không phải vì cuồng tín.   Trái lại, từ cảm nghiệm sâu xa của niềm tin, “anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14:20)   Thế chân vạc đó đủ bảo đảm cho tín hữu sống vững mạnh giữa những chao đảo trong cuộc sống.  

Lọt vào tương quan ba chiều đó, người tín hữu sẽ vô cùng bình an và hạnh phúc.  Từ nguồn mạch tình yêu đó, “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14:16)    Như thế, dưới sự phù trợ của Thánh Linh, người tín hữu sẽ lao mình vào cuộc chiến để dành phần thắng cho Nước Chúa.   Đó là lý do tại sao các môn đệ có thể mạnh mẽ “rao giảng Đức Kitô” (Cv 8:5) khắp thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy.  

Nhưng làm sao có thể rao giảng “Đức Kitô Giêsu, niềm hi vọng của chúng ta” (1 Tm 1:1), nếu người môn đệ không được mạc khải về Người ?  Làm sao được mạc khải nếu không đi vào tương quan sâu xa với Ba Ngôi ?   Thật vậy, “ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14:21)   Có cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa như thế, mới có thể rao giảng Tin Mừng của niềm hi vọng cho muôn dân.   Khả năng rao giảng bắt nguồn từ chính nỗ lực liên kết với Thầy trong tình yêu.  Thật vậy, “ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.” (Ga 14:21)  Điều răn là mối giây ràng buộc môn đệ với Thầy chí thánh và là chiếc cầu đến với nhân loại.  Chính “Thầy đã giữ điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15:10)  Chính vì thế, “thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khi, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3:18) để đem niềm hi vọng cho toàn thể nhân loại và “để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15:11)  Niềm vui chính là dấu chỉ niềm hi vọng tràn ngập tâm hồn.   Đó là lý do tại sao người môn đệ có thể đặt hết niềm tin tưởng và tình yêu nơi Đức Giêsu Kitô.   Quả thực, “lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em” (Cl 1:5-6a) như một sức mạnh giải thoát. 

 

NIỀM HI VỌNG HÔM NAY.

Nhân loại đang cần sức mạnh giải thoát đó, vì cơn thất vọng đã tràn ngập khắp nơi.   Giáo Hội cũng có trách nhiệm một phần về cơn thất vọng đó, vì đã tạo ra những gương mù cho nhân loại, nhất là cho giới trẻ.   Việc Giáo Hội xin lỗi nhân loại đã chứng minh trách nhiệm đó.  Vấn đề hôm nay không chỉ dừng lại ở đó.  Nhưng Giáo Hội phải đi xa hơn để đem lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại bù đắp lại những lỗi lầm và mở ra một vận hội mới cho hạnh phúc nhân loại.

Vận hội mới chỉ  đến khi “Giáo Hội hết sức góp phần vào việc làm cho gia đình và lịch sử nhân loại ngày càng nhân bản hơn.”  (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02)   Muốn thế, Giáo Hội không thể rời xa niềm tin vào Đức Giêsu như niềm hi vọng duy nhất của nhân loại và địa vị con người.   Quả thực, “rõ ràng vì con người được ban cho một địa vị khác thường, nên không thể giản lược cuộc sống vào những điều kiện xã hội, kinh tế, văn hóa hay chính trị thiếu nhân bản.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02)    Nhân loại càng lâm vào cơn thất vọng bao nhiêu, Giáo Hội càng cần xác tín sứ mệnh “không những truyền thông sự sống Thiên Chúa cho dân chúng, nhưng một cách nào đó còn chiếu giãi ánh sáng phản chiếu đời sống đó trên toàn thể trái đất.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02)  Đem lại sự sống đó là trả lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại.

Giáo Hội phải là niềm hi vọng giữa những người mất niêm hi vọng.  Giáo Hội “trở nên tiếng nói của những người không tiếng nói, đồng thời phải cho mọi người thấy rằng nhân phẩm luôn phải ở trung tâm mọi chương trình địa phương, quốc gia và quốc tế.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02)     Tiếng nói của Giáo Hội phải là tiếng nói của niềm hi vọng, phát xuất từ tâm hồn đầy ắp tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi  và từ “những cộng đoàn Kitô hữu đang sống tình liên đới nhân loại cách sâu xa và chân thành, giàu tính hiệp thông và tình bằng hữu.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 30/04/02)    Nhưng “thật đáng tiếc, thay vì nhìn Giáo Hội như một nơi tự nhiên có thể gặp gỡ Đức Kitô, nhiều bạn trẻ thấy Giáo Hội như một thực thể xa lạ, không đáng tin lắm và không có khả năng nói truyện với người thời đại.” (Hội Nghị các giám mục Aâu Châu : Zenit 30/04/02)   Muốn cải tiến, Giáo Hội phải gấp rút “coi các bạn trẻ Kitô hữu không phải chỉ như một lãnh vực hay đối tượng đặc biệt của mục vụ, nhưng phải được nhìn nhận và đón nhận như một hồng ân Đức Kitô ban cho Giáo Hội trong tất cả các sứ mệnh đang thực hiện.” (Hội Nghị các giám mục Aâu Châu : Zenit 30/04/02)

 

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà