Chúa Nhật VI Phục Sinh

 

          Phụng vụ Lời Chúa tuần trước đã mở đầu phần suy niệm về Mầu nhiệm Giáo Hội, với Chúa Giê-su là đường dẫn ta về Nhà Cha và ta hết thảy là những viên đá sống động Chúa dùng để xây dựng Giáo Hội.  Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho ta biết Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, là sự sống và tình yêu kết hợp Chúa Giê-su với Chúa Cha, kết hợp ta với Chúa Giê-su và trong Chúa Giê-su ta được kết hợp với Thiên Chúa.

1.  Thánh Thần, sức sống truyền giáo của Giáo Hội (bài trích sách Công vụ Tông Đồ – Cv 8:5-8.14-17)

          Sau khi lãnh nhận Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ tuần, từ Giê-ru-sa-lem các Tông đồ lao mình vào công cuộc rao giảng Tin Mừng.  Bắt đầu tại Giê-ru-sa-lem, bài giảng của ông Phê-rô đã lôi cuốn ba ngàn người trở lại và xin chịu phép rửa.  Đạo Chúa phát triển mạnh mẽ, nhưng bách hại cũng bắt đầu và các Ki-tô hữu bị loại ra khỏi những sinh hoạt tại Đền Thờ và hội đường (Ga 16:2).  Họ xa khỏi những vùng bị bách hại và đi tới đâu là giúp đạo Chúa lan tràn tới đó.  Các Tông đồ cũng mỗi người một ngả, đem Tin Mừng đến cho những người ngoài Do-thái.  Tông đồ Phi-líp-phê tới miền Sa-ma-ri rao giảng Tin Mừng.

          Sa-ma-ri bị coi như phần đất dân ngoại và dân Do-thái khinh miệt người dân Sa-ma-ri.  Nhưng Thánh Thần đã dẫn đưa ông Phi-líp-phê đến đây để đem Tin Mừng xóa bỏ ranh giới ngăn cách giữa người Do-thái và Sa-ma-ri.  Ơn cứu độ của Thiên Chúa không phân biệt chủng tộc hoặc giai cấp.  Bất cứ ai đón nhận Tin Mừng và được lãnh phép rửa thì đều trở nên con cái Chúa, làm môn đệ Đức Ki-tô.  Thánh Thần không chỉ tác động trên những vị rao giảng Tin Mừng, nhưng còn thay đổi cả những người đón nhận Tin Mừng nữa.  “Thật thế, tất cả chúng ta, là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể.  Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:13).  Dân một thành tại Sa-ma-ri đã được nghe ông Phi-líp-phê giảng, được chứng kiến những phép lạ chữa lành và được rửa tội.  Những điều này đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố và dân chúng.  Thánh sử Lu-ca tóm tắt tình huống ấy trong một câu:  “Trong thành, người ta rất vui mừng”.  Vui mừng vì giờ đây mọi người là anh chị em chung một niềm tin vào Đức Ki-tô và cùng nhận ra nhân phẩm của nhau cũng như ơn cứu độ Chúa ban cho.  Quả thực vai trò của Thánh Thần là canh tân bộ mặt trái đất!

          Một điều hiển nhiên nữa về hoạt động của Thánh Thần, là Người liên kết mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội.  Sau khi nghe biết hoạt động rao giảng Tin Mừng của ông Phi-líp-phê, từ Giê-ru-sa-lem, ông Phê-rô và Gio-an đã xuống Sa-ma-ri gặp gỡ các tín hữu, cầu nguyện và đặt tay để Thánh Thần xuống trên họ.  Thánh Thần đã kết nối việc truyền giáo tại Sa-ma-ri với Giáo Hội mẹ tại Giê-ru-sa-lem và củng cố tính duy nhất của Giáo Hội toàn cầu.   

2.  Thánh Thần liên kết Chúa Giê-su và mọi Ki-tô hữu với nhau (bài Tin Mừng – Ga 14:15-21)

          Giáo Hội không chỉ là những tòa nhà và thánh đường lớn nhỏ bên Rô-ma hoặc khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu là sức sống và sự liên kết giữa Chúa Giê-su với các phần tử trong Giáo Hội, như Đầu liên kết với các chi thể.  Trong cuộc đàm thoại bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã nói về sức sống và sự liên kết này của Giáo Hội.

          Trước hết Chúa Giê-su cảm thấy bịn rịn và quyến luyến với các môn đệ hơn lúc nào hết, vì sắp sửa đến lúc phải xa nhau.  Bao nhiêu kỷ niệm chia sẻ với nhau trên đường truyền giáo, những vui buồn khi được người ta tiếp nhận cũng như lúc bị chối từ, những giáo lý mới mẻ về Thiên Chúa và Nước Trời qua những dụ ngôn dễ hiểu, tình thầy trò khắng khít và những bài học về cầu nguyện, về yêu thương và tha thứ…  Làm sao tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa Chúa Giê-su và các môn đệ?  Làm sao Chúa Giê-su không để cho các môn đệ phải sống cảnh “mồ côi”?    Đó chính là vai trò của Chúa Thánh Thần. Thân xác Chúa Giê-su ra đi, nhưng tâm hồn và tinh thần Người ở lại với các môn đệ.  Người xin Chúa Cha thực hiện việc “ở lại” này bằng cách “sẽ ban cho họ một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với họ luôn mãi”.  Đấng Bảo Trợ ấy là Chúa Thánh Thần.

          Ở lại với nhau trong thân xác là điều quan trọng, vì xa mặt có thể cách lòng.  Nhưng quan trọng hơn vẫn là ở lại với nhau trong tâm hồn, vì có khi bên nhau nhưng lòng lại rất xa nhau.  Giờ đây Chúa Giê-su nhấn mạnh đến việc ở lại trong cõi lòng, trong tinh thần, tức là bản chất của Giáo Hội.  Cõi lòng của Chúa Giê-su chính là “Thần Khí sự thật”, một cõi lòng bị thế gian chối từ.  “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11).  Trái lại, các môn đệ đã đón nhận cõi lòng yêu thương của Chúa Giê-su, họ đã mặc lấy tinh thần hoặc Thần Khí của Người, đã tập sống theo tinh thần điều răn mới về yêu thương của Người.  Do đó, tuy Người không có mặt thể xác, nhưng sự hiện diện tinh thần của Người lại càng rõ ràng hơn nếu các môn đệ biết sống yêu thương (Ga 13:35).  Vậy trong thời gian chờ đợi Chúa Giê-su lại đến trong ngày cánh chung, các môn đệ càng phải làm cho mọi người nhận ra được sự hiện diện của Người giữa họ qua việc họ sống các điều răn của Người.

          Sau khi nói về sự hiện diện bằng Thần Khí của Người trong các môn đệ trên trần gian, Chúa Giê-su chỉ cho họ tương lai “được sống” vĩnh viễn với nhau.  Ngày ấy, “anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng được sống”.  Cuộc hành trình sống những điều răn của Chúa Giê-su và theo tinh thần của Người sẽ đưa ta tới đích điểm cuộc đời, tức là khi nhận ra được “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”.  Tất cả được “ở trong” nhau là nhờ Thánh Thần, Tình Yêu liên kết Chúa Cha, Chúa Giê-su và các môn đệ của Chúa Giê-su.

3.  “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em” (bài Thánh Thư – 1 Pr 3:15-18)

          Khi ta được rửa tội là ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và hứa từ bỏ tinh thần của ma quỷ thế gian để sống theo tinh thần của Chúa.  Tuy nhiên, vì hậu quả của tội nguyên tổ, ta vẫn bị lôi kéo giữa hai thứ tinh thần:  tinh thần của Chúa và tinh thần của ma quỷ tội lỗi.  Mà tinh thần của ma quỷ xem ra lại dữ dằn, “vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).  Đứng trước nguy hiểm ấy, thánh Phê-rô khuyên ta “hãy tôn Đức Ki-tô làm Chúa ngự trị trong lòng ta”.  Tôn Đức Ki-tô làm Chúa ngự trị lòng ta có nghĩa là ta hãy để cho Thần Khí của Người đổ xuống đầy ắp tâm hồn ta, để Thần Khí ấy dẫn dắt ta như đã dẫn dắt Chúa Giê-su và các Tông đồ trên đường truyền giáo.  Ta hãy để cho Thánh Thần luôn ngự trong ta, để Người giúp ta chống lại sức lôi cuốn của tà thần ma quỷ, giúp ta “sống tiết độ và tỉnh thức” trước tấn công của ma quỷ.  Thánh Phê-rô cũng chỉ vẽ cho ta sống thế nào để suy tôn Đức Ki-tô là Chúa.  Trước hết là ta phải “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của ta”.  Người chung quanh sẽ hỏi ta:  bạn hy vọng điều gì?  Ta sẽ trả lời:  chúng tôi hy vọng Chúa sẽ quang lâm, sẽ trở lại để đưa mọi kẻ thuộc về Người về Nhà Cha.  Tuy nhiên không phải là câu trả lời thuộc lòng và lý thuyết, mà phải là câu trả lời biểu lộ qua những việc làm.  Những việc làm là “ăn ngay ở lành trong Đức Ki-tô, giữ lương tâm ngay thẳng, thà chịu khổ vì làm việc lành hơn là vì làm điều ác”.  Đúng là sống theo tinh thần của Chúa Ki-tô, vì khi sống tại thế, Người là mẫu gương ăn ngay ở lành, lương tâm ngay thẳng và chịu khổ chết nhục vì phần rỗi của ta.  Muốn suy tôn Người, ta hãy để cho tinh thần Người sống động trong ta và nói theo thánh Phao-lô, “với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21).  Chúa Ki-tô đã sống như “Đấng Thánh”, vì Người tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa.  Cũng vậy, ta sẽ là những “đấng thánh” nếu ta sống theo lời dạy của Chúa Giê-su và có Ba Ngôi Thiên Chúa “ở lại” với ta.

4.  Sống Lời Chúa

          Thánh Thần mà Chúa Cha sai đến để ở lại với ta sẽ tiếp nối công việc của Chúa Giê-su đã khởi sự trên trần gian.  Giáo Hội là bí tích được thiết lập với linh hồn cũng như sức sống là Chúa Thánh Thần, để giúp cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được tiếp tục.  Tin Mừng của Chúa Giê-su và cái chết của Người đã cho ta căn tính làm con cái Chúa, nhưng Thánh Thần sẽ hướng dẫn ta sống thế nào cho đúng danh nghĩa ấy.  Khi ta sống đời sống mới trong Thần Khí Chúa Ki-tô là ta biểu lộ được việc “ở lại” của Ba Ngôi trong ta, cho người khác thấy được sức sống của các chi thể Giáo Hội, đồng thời tham dự vào việc truyền giáo mà Thánh Thần đang thúc giục nơi ta.

Suy nghĩ:  Thánh Phê-rô khuyên ta hãy tôn Đức Ki-tô làm Chúa ngự trị trong tâm hồn ta.  Ai hoặc điều gì đang chiếm ngự tâm hồn tôi lúc này?  Tiền bạc, danh vọng, đam mê?  Tôi có để cho tình yêu của Chúa và Lời Người biến đổi con người tôi từ tư tưởng tới hành động không?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, trong những ngày vui này, xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Ki-tô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con và làm cho chúng con được đổi mới.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật VI Phục Sinh)  

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà