SÁNG MẮT SÁNG LÒNG

Chúa Nhật 4A Mùa Chay

 

 

 

Aùnh sáng và bóng tối vẫn giao tranh ác liệt.   Bóng tối không ngừng gieo rắc tai họa khắp nơi.   Nhưng ánh sáng đã thắng lớn khi Đức Giêsu ra tay “để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa” (Ga 9:3) nơi “một người mù từ thuở mới sinh.” (Ga 9:1)

 

.   

THUI RA MỚI BIẾT BÉO GẦY

 

Mặt trận chia làm hai phe rõ rệt.  Một bên là “môn đệ của ông Môsê” (Ga 9:28).   Bên kia là “môn đệ của ông ấy” (Ga 9:28) tức là Đức Giêsu.  “Các môn đệ của ông Môsê”â lớn tiếng kết án Đức Giêsu “là người tội lỗi.” (Ga 9:24)  Cả anh mù cũng bị lên án : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu.” (Ga 9:34)   Tất cả “không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát.” (Ga 9:16)   Đó là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá con người.   Cả một màn đêm bao phủ tinh thần nệ luật.   Bóng tối đã làm tê liệt khả năng đối thoại và nhìn nhận sự thật.   Đúng như Chúa nói : “Đêm đến, không ai có thể làm việc được.” (Ga 9:4)  

Không chỉ lên án Đức Giêsu, họ còn “đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.” (Ga 9:22)  Anh mù bẩm sinh đã trở thành nạn nhân của lối nhìn khắt khe đó (x. Ga 9:34).  Mặc dù biết rõ sẽ bị lên án, anh vẫn can đảm nói lên sự thật: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy.” (Ga 9:31) Lập luận đanh thép đó đương nhiên dẫn đến kết luận : Đức Giêsu là “người bởi Thiên Chúa mà đến.” (Ga 9:33)  Ý Thiên Chúa là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá và phân hạng con người. 

 

Cuối cùng chiến thắng sẽ thuộc về ánh sáng. Quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã đưa anh mù vào vùng ánh sáng. Phép lạ lớn lao đó không thể không tác động đến toàn thể con người và cuộc đời anh.  Khi còn chìm ngập trong đêm tối, anh như mất tất cả.   Sau khi “đến hồ Silôac mà rửa”, anh đã “nhìn thấy được.” (Ga 9:6-7)   Ánh sáng đã thay đổi toàn diện con người anh. Anh rất  bén nhậy trước nguồn ánh sáng đang ùa tràn vào con mắt và tâm hồn. Anh không thể không nói lên sự thật.    Trước mặt những người Pharisêu anh dõng dạc làm chứng.   Sau khi đã được mạc khải rõ về Con Người, anh còn tuyên xưng : “‘Thưa Ngài, tôi tin.’  Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người,” (Ga 9:38)  với tất cả niềm tri ân cảm tạ hồng ân giải thoát anh khỏi vùng tối tăm.  “Người mù đã được sáng mắt, giờ đây độ sáng tinh thần đang tăng lên nhờ nhận ra Đức Giêsu.” (Faley 1994:258)   Anh đã sáng mắt sáng lòng.

          Người mù bẩm sinh đã đón nhận được ánh sáng và nguồn ân sủng đó, nên đã thành một chứng nhân phi thường cho Đức Giêsu trước quyền bính. Tại sao anh có một sức mạnh lớn lao đó ?  Còn ai cảm nghiệm được bề dầy của đêm tối bằng người mù bẩm sinh ?  Phá sập bức tường tăm tối đó, Đức Giêsu đã chinh phục được trọn vẹn tâm hồn anh mù từ bẩm sinh. Mặc dù không biết Đức Giêsu xuất thân từ đâu (x. Ga 9:12), nhưng anh mù vẫn mạnh mẽ tuyên xưng “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9:17) và “tin vào Con Người,” (Ga 9:35) Đấng từng hứa : “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32, 34)

Phép lạ đã trở thành dấu chỉ rõ nét nhất về nguồn ân sủng đó. “Các môn đệ của ông Môsê” có dư phương tiện để tìm hiểu sự thật. Thế nhưng, dù nắm đầy đủ bằng chứng, họ vẫn không nhích được một bước.   Không hi vọng có một chút thay đổi nào nơi những não trạng duy luật đó.  Họ mất hết bén nhậy trước những thực tại tươi rói của Tin Mừng.  Những đầu óc chai cứng đó không thể mở ra đón nhận bất cứ chân lý mới mẻ nào nữa. Đó là những người chỉ đọc một sách.  Trái lại, người mù bẩm sinh  chưa hề đọc cuốn sách nào lại dễ mở lòng đón nhận chân lý là Đức Giêsu. Trước  luận điệu những người Pharisêu khăng khăng buộc tội Đức Giêsu, anh cương quyết bênh vực  : “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết.  Tôi chỉ biết một điều : trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được !” (Ga 9:25)    Nói thế có khác gì thánh Phaolô đã từng quả quyết: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.” (1 Cr 2:2)  Một chứng từ quá đủ để cho anh tìm ra sự thật giải thoát. Trái lại, vì không tìm ra sự thật đó, nên các người Pharisêu vẫn cứ luẩn quẩn tìm cách kết án Đức Giêsu là người tội lỗi.  Càng tìm cách củng cố lập luận, càng bị sa lầy.  Sau bốn lần hội kiến với các nhân chứng, họ vẫn không tìm ra sự thật.  Đúng hơn, họ đã cố tình bẻ cong và cô lập sự thật.  Không ai điếc bằng người không muốn nghe.  Họ bắt buộc phải nghe một sự thật từ miệng Đức Giêsu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù.”( Ga 9:39)    Bởi đấy, nguy cơ lớn nhất đã đến, khi Đức Giêsu phán quyết : “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội.   Nhưng giờ đây các ông nói rằng :’chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó.” (Ga 9:41)   Cuối cùng mới rõ trắng đen.

 

ÁNH SÁNG TRẦN GIAN.

 

Sau khi bị lên án như thế, chắc chắn người Pharisêu vẫn chưa sáng mắt sáng lòng để nhận ra Đức Giêsu “là ánh sáng thế gian.” (Ga 9:5)    Họ đồng lõa với bóng tối.  Ngày nay, bóng tối đó vẫn phủ ngập trần gian và lăm le triệt hạ ánh sáng.   Thế nhưng, “bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1:5)  Chẳng hạn, bóng tối tràn ngập xã hội Ấn độ khi một nhóm Ấn độ giáo cực đoan tấn công các tu sĩ Công giáo và thí điểm truyền giáo tại Sanjeli, vào ngày 2/3/2002 (ZENIT.org-Fides 5/3/ 2002).  Giáo Hội vẫn không tìm cách trả thù.  Nhưng một đàng, các người Kitô hữu Ấn độ kêu gọi những người thiện chí đoàn kết để cô lập nhóm quá khích cuồng tín và tái lập hòa bình. Đàng khác, Giáo Hội vẫn tin tưởng rằng “việc chung sống nhân danh tôn giáo là con đường dẫn tới hòa bình, chứ không phải là dịp tạo ra chiến tranh. Thập điều Assisi hiện nay gây ấn tượng mạnh vì hòa bình trở thành một cam kết chung, chứ không phải chỉ là lời kêu gọi vượt qua những đối đầu kiểu chiến tranh.” (Riccardi: ZENIT.org-Fides 5/3/ 2002)  Hơn lúc nào, nhân loại cần đến “ánh sáng trần gian” để nhìn ra sự thật và chung sống hòa bình.   ĐGH Gioan Phaolô II quả quyết Giáo Hội Công giáo “sẽ tiếp tục cam kết thập điều Assisi chân chính, sự tha thứ cho nhau và đồng tâm nhất trí với nhau sẽ hướng dẫn nhịp sống nhân loại trong đệ tam thiên niên kỷ này.” (ZENIT.org-Fides 5/3/ 2002)   Người còn cho biết “tinh thần và sự cam kết ở Assisi sẽ hướng dẫn mọi người thiện chí đi tìm chân lý, công lý, tự do, tình yêu để mỗi người có thể hưởng những quyền lợi bất khả nhượng và mỗi quốc gia được hòa bình.” (ZENIT.org-Fides 5/3/ 2002)    Điều 3 trong thập điều Assisi nói rõ : “Chúng tôi cam kết cổ võ một nền văn hóa đối thoại để sự hiểu biết và tin tưởng có thể phát triển giữa cá nhân và các dân tộc  như những điều kiện để đạt đến một nền hòa bình đích thực.” (CWNews 4/0/2002)  Quả thực, khi con người chấp nhận đối thoại, vấn đề nào cũng có thể giải quyết được. Tôn trọng những khác biệt của nhau là điều kiện cần cho cuộc chung sống. Bởi thế, điều 5 trong thập điều Assisi quả quyết : “Chúng tôi cam kết thành tâm và kiên nhẫn dấn thân vào cuộc đối thoại, bất chấp những khác biệt, chúng tôi nhận thức rằng đối diện với những khác biệt đó có thể là một cơ hội lớn để hiểu biết nhau hơn.” (CWNews 4/0/2002)  Nhưng nếu không  có “ánh sáng trần gian”, chúng ta không thể thấy những nét kỳ diệu trong các tôn giáo và văn hóa.  Bởi thế, Đức Giêsu mới bảo đảm cho muôn dân một cuộc sống phong phú và một nền hòa bình lâu dài.

 

Lm. Đỗ Vân Lực, OP

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà