Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

 

          Trong suốt mùa Thường niên, Phụng vụ Lời Chúa cho ta cơ hội chiêm ngưỡng Chúa Giê-su thi hành sứ vụ cứu độ, lắng nghe cũng như suy gẫm về những lời giảng và việc làm của Người.  Chúa Cha sai Người đến thế gian để chu toàn sứ mệnh được trao phó.  Trước khi một người bắt tay vào một công việc quan trọng, ta thường được nghe những lời giới thiệu về người ấy.  Các bài đọc hôm nay mượn lời ngôn sứ I-sai-a, lời giảng của thánh Phê-rô Tông đồ và nhất là tiếng Thiên Chúa Cha phán từ trời cao, để chính thức giới thiệu với toàn thế giới Đức Giê-su Ki-tô, Đấng khởi sự sứ vụ rao giảng Tin Mừng và cứu độ nhân loại.

1.  Chúa Giê-su, người tôi trung của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước – Is 42:1-4,6-7)

          Qua lời ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa phán với ta:  “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng”.  Ngôi Lời xuống làm người phàm và trở nên giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.  Người đến không mang danh phận cao quý của bậc vua chúa quan quyền, nhưng xin được làm “người tôi tớ trung tín của Đức Chúa”.  Là người tôi tớ trung tín, Chúa Giê-su đã hoàn toàn sống tinh thần vâng phục Thiên Chúa.  Đáp lại, Thiên Chúa luôn “nâng đỡ, tuyển chọn và hết lòng quý mến” người tôi tớ trung tín. 

Lòng trung tín của Chúa Giê-su được biểu lộ qua tất cả cuộc sống, từ tư duy đến hành động, nhất nhất đều rập theo ý muốn của Thiên Chúa, không bao giờ phản bội, đi ngược lại ý muốn ấy, cho dù có phải cam lòng chịu chết khổ nhục trên thập giá.  Sống trung tín đâu phải chuyện dễ dàng đối với con người.  Do đó, Chúa Giê-su “khi còn sống kiếp phàm nhân…, dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8).  Đổi lại, Thiên Chúa tiếp tục tuyển chọn, nâng đỡ và quý mến người tôi trung.  Hành vi tuyển chọn, nâng đỡ và quý mến không phải là một lần cho tất cả, nhưng là một mối quan hệ liên tục từng giây phút trong cuộc đời.  Khi nói Thiên Chúa tuyển chọn, nâng đỡ và quý mến Đức Giê-su thì có nghĩa là điều ấy nói lên tấm lòng của Người đối với Đức Giê-su và Đức Giê-su đã đáp lại tấm lòng của Thiên  Chúa.

Sau lời giới thiệu người tôi trung của Đức Chúa, ngôn sứ I-sai-a nói đến cá tính và sứ mệnh của ngài.  Người tôi trung này sẽ phản ánh tấm lòng của Thiên Chúa, tấm lòng từ bi nhân hậu và giàu tình thương (Tv 103).  Thần trí của ngài cũng chính là thần khí của Thiên Chúa.  Người tôi trung này được sai đến một thế giới bị thương và yếu đuối như “cây lau bị giập, tim đèn leo lét” đang cần bàn tay bà mẹ của Thiên Chúa săn sóc chữa lành.  Tuy nhiên ngài cũng xử sự cứng rắn như người cha để “làm sáng tỏ công lý” và chỉ bảo giáo huấn con cái.  Sứ mệnh của ngài là giải phóng nhân loại đang sống trong cảnh tối tăm mù lòa và ngục tù tội lỗi.  Đối chiếu với tất cả những gì các sách Tin Mừng đã viết, ta nhận thấy người tôi trung ấy không là ai khác ngoài Chúa Giê-su, Đấng đã thực hiện hết mọi điều các vị ngôn sứ đã nói về Người.

2.  Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong (bài đọc Tân Ước – Cv 10:34-38) 

          Tuy nhiên người tôi trung ấy lại khó được người ta chấp nhận, nhất là người Do-thái.  Do đó, trong bài giảng đầu tiên cho người dân ngoại tại nhà ông Co-nê-li-ô, đại đội trưởng người Rô-ma, thánh Phao-lô đã cho họ biết về “Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của mọi người”.  Qua Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tiếp nhận mọi người, Do-thái cũng như dân ngoại.  Nói về Đức ki-tô, thánh Phê-rô đã tóm tắt như sau:  “Quý vị biết rõ:  Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người.  Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.  Quả thực ở đây thánh Tông đồ đã lập lại tư tưởng của ngôn sứ I-sai-a nói về người tôi trung của Đức Chúa như ta vừa nghe ở trên.  Khác một điều là ngài trình bày cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su như “biến cố” cứu độ.  Vậy biến cố ấy là gì?  Đó là Chúa Giê-su, “người Na-da-rét” (Mt 2:23), đã được Thiên Chúa xức dầu để ra đi thi hành sứ vụ cứu độ, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần và với quyền năng Thiên Chúa.  Người đã đem ân phúc của Thiên Chúa đến cho loài người và giải phóng họ khỏi nanh vuốt ma quỷ.  Giải phóng phải được thực hiện từ gốc rễ.  Mọi người đều bị ma quỷ kiềm chế dưới ảnh hưởng của nó.  Do đó khi Chúa Giê-su chữa lành mọi bệnh tật thể lý hoặc thiêng liêng là Người hóa giải sự kiềm tỏa của ma quỷ.

          “Biến cố Đức Giê-su Na-da-rét” là Tin Mừng bình an được loan báo, trước hết cho nhà Ít-ra-en, và bây giờ cho các dân ngoại được biểu tượng là gia đình ông Co-nê-li-ô.  Thiên Chúa không dành riêng ơn cứu độ cho Ít-ra-en, nhưng cho “bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành thuộc bất cứ dân tộc nào”.  Nếu nhìn vào cách xếp đặt của sách Công vụ Tông Đồ, ta sẽ thấy việc thánh Tông đồ Phê-rô rao giảng Tin Mừng cho nhóm dân ngoại đầu tiên là gia đình ông Co-nê-li-ô sẽ khai mào cho công cuộc truyền giáo của vị Tông đồ dân ngoại là thánh Phao-lô.  Như thế, Đức Ki-tô không chỉ “thi ân giáng phúc và chữa lành” trong cõi Giu-đê mà thôi, nhưng Phao-lô và các vị truyền giáo tương lai sẽ giới thiệu Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong đến với muôn dân.

3.  Chúa Giê-su là “Con Yêu Dấu” của Thiên Chúa Cha (bài Tin Mừng – Mt 3:13-17)

          Bài đọc trích sách ngôn sứ I-sai-a và bài giảng của thánh Phê-rô giúp ta đi vào cuộc đăng quang khởi sự sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Không phải là vẻ huy hoàng của một ông vua trần thế hoặc tổng thống trong ngày nhậm chức, nhưng là khung cảnh đơn sơ và khiêm tốn xảy ra bên bờ sông Gio-đan.  Cũng không phải là một buổi lễ được tổ chức riêng biệt, nhưng là biến cố xảy ra trong khu vực ông Gio-an rao giảng sự sám hối đang khi dân chúng lũ lượt đến xin ông làm phép rửa.  Chúa Giê-su “đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình”, cũng như bao người khác.  Không ai có thể ngờ được danh phận của Người ngoại trừ ông Gio-an.  Lúc đầu ông Gio-an không muốn làm phép rửa cho Người và muốn công bố cho mọi người biết Chúa Giê-su là ai.  Nhưng Người đã ngăn cản ông làm chuyện đó.  “Bây giờ cứ thế đã.  Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”.  Chúa Giê-su không muốn “đốt giai đoạn”, nhưng cứ thế đã, nghĩa là cứ để cho người ta tự ý đáp lại ơn cứu độ bằng cách nhìn nhận Người là ai.  Muốn được cứu độ là việc tự ý, chứ Thiên Chúa không cưỡng ép ai.

          Phần chính của biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa không phải là cuộc gặp gỡ giữa Người với ông Gio-an, nhưng là quang cảnh thần hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa:  Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Cả Ba Ngôi cộng tác với nhau trong việc cứu độ nhân loại.  Đấng thực hiện kế hoạch cứu độ là Chúa Con, nhưng luôn luôn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để giúp cho việc thực hiện đi theo đúng đường lối và tinh thần của Thiên Chúa, có sự hiện diện của Chúa Cha để khích lệ nâng đỡ Chúa Con.  Trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su được kể lại trong sách Tin Mừng, từ đây ta sẽ luôn luôn gặp lại những giây phút kết hiệp thân mật giữa Ba Ngôi.  Những hình ảnh Chúa Giê-su được Thánh Thần thúc đẩy hoặc những lúc Người cầu nguyện với Chúa Cha đều nói lên sự cộng tác chặt chẽ của các Đấng trong kế hoạch cứu độ.

          Điểm đặc biệt trong cuộc thần hiện này là cuộc biểu lộ tình yêu Thiên Chúa.  Thánh Thần lấy hình chim câu đáp xuống trên Chúa Giê-su.  Còn Chúa Cha được diễn tả bằng tiếng nói yêu thương từ trời cao.  Hình chim câu và tiếng nói yêu thương quả thực là những biểu tượng sống động cho sự thắm thiết nồng nàn của tình yêu Ba Ngôi.  Như Thần Khí Thiên Chúa lúc nào cũng ngự trên Chúa Con thế nào, thì tiếng nói yêu thương của Chúa Cha lúc nào cũng vang lên trong tâm hồn Chúa Con như vậy.  Chính trong tình yêu sung mãn của Chúa Cha và Thánh Thần mà Chúa Con được sai đến trần gian thì cũng chính trong tình yêu sung mãn ấy mà Chúa Con đáp lại tình yêu của các Ngài bằng cách chu toàn sứ mệnh được trao phó.  Người đã đáp lại tình yêu một cách trọn vẹn đến nỗi “hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).

4.  Sống Lời Chúa

          Phụng vụ Lời Chúa coi biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa như cuộc lên đường khởi sự sứ vụ cứu độ và rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Buổi lễ lên đường này được cử hành với sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.  Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh như thế nào, ta đã được thấy qua sách Tin Mừng.  Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ta suy nghĩ về danh phận của ta.  Qua Bí tích Rửa tội, ta cũng được gọi là “con yêu dấu” của Thiên Chúa.  Ta cũng được Thánh Thần ngự xuống khi ta được rửa tội và nhất là khi ta lãnh nhận Bí tích Thêm sức.  Nhưng ta có thực sự lên đường hay không và có thi hành sứ mệnh bằng cách sống như một Ki-tô hữu đích thực hay không, thì đó luôn là một mời gọi và thách đố cho ta.

Suy nghĩ:  Thánh Phê-rô nói với gia đình ông Co-nê-li-ô về Chúa Giê-su rằng:  “Quý vị biết rõ:  Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.  Vậy Chúa Giê-su đã đi vào tâm hồn tôi chưa?  Ân phúc Người làm cho tôi là những gì và Người chữa lành tôi thế nào?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái.  Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà