Lễ Giáng Sinh

(Lễ đêm)

2007

 

          Mỗi buổi sáng khi hừng đông bắt đầu ló rạng ở chân trời thì bóng tối cũng dần dần tan biến.  Tuy nhiên cảnh tượng xảy ra từ từ nên ta ít để ý tới sự thay đổi từ bóng tối chuyển sang ánh sáng.  Thánh Lễ Ban Đêm của đại lễ Giáng Sinh diễn tả cuộc đột biến từ đêm tối tội lỗi sang chói lọi huy hoàng của mặt trời công chính, cảnh tượng chỉ xảy ra một lần duy nhất để khởi đầu cho một triều đại, Triều Đại Thiên Chúa.  Cuộc đột biến này chắc hẳn phải ghi ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn Ki-tô hữu khi Giáo Hội hằng năm cử hành biến cố Thiên Chúa giáng trần.  Vậy Lời Chúa nói gì với ta về cuộc tỏ hiện của Ánh Sáng giữa đêm tối, của Ân Sủng giữa cảnh vực tội lỗi và của Thiên Chúa giữa nhân loại?

1.  “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Bài đọc Cựu Ước – Is 9:1-6)

          Ngôn sứ I-sai-a nhìn thấy cảnh tượng vô cùng sống động của một cuộc đổi thay cục diện thế giới.  Nhân loại sống trong cảnh tối tăm, áp bức và chiến tranh.  Bỗng nhiên ngoài sự mong đợi của mọi người, ánh sáng bừng lên, không còn cảnh hà hiếp kẻ yếu đuối và chiến tranh điêu tàn nữa.  Tất cả thay đổi xảy ra trong nháy mắt khi “một trẻ thơ chào đời để cứu ta và một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:5).

          Nhưng “trẻ thơ” và “người con” ấy là ai mà lại có thể biến đổi thân phận của toàn thể nhân loại như vậy?  Nếu tham dự các thánh lễ từ ngày 17 đến 24 trước lễ Giáng Sinh, ta nhận thấy mỗi lời Tung hô Tin Mừng đều nêu lên một danh hiệu của Chúa Cứu Thế:  Khôn ngoan của Đấng Tối cao, Thủ lãnh nhà Ít-ra-en, Mầm non từ gốc Gie-sê, Chìa khóa nhà Đa-vít, Đức Em-ma-nu-en, Vua muôn nước, Vầng đông.  Tuy nhiên ở đây ngôn sứ I-sai-a sử dụng bốn danh hiệu để nói về hài nhi và sứ mệnh em sẽ thi hành.  Đó là Cố vấn kỳ diệu, Thần linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở và Thủ lãnh hòa bình.

          Mục đích Hài Nhi Cứu Thế chào đời là để cứu ta.  Ta là “đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm” và là “đám người sống trong vùng bóng tối”.  Người là Vầng đông xuất hiện xua tan bóng tối.  Ta là những kẻ bị tội lỗi thống trị với “ách đè lên cổ” và “gậy đập xuống vai”.  Người là Thần linh dũng mãnh đập tan sức mạnh của Xa-tan.  Với sứ mệnh cứu độ, Hài Nhi Giê-su sẽ đóng những vai trò khác nhau để dẫn đưa ta trong hành trình trở về nhà Cha.  Như một vị Cố vấn kỳ diệu, Người dạy ta biết sống theo đường lối của Thiên Chúa, tức là sống theo Thánh Thần.  Là Thần linh dũng mãnh, Người gìn giữ ta và giúp ta chống lại mọi thứ thần dữ hằng lôi cuốn và cám dỗ ta trong cuộc sống.  Với vai trò là người Cha muôn thuở, Người dạy dỗ và khích lệ ta biết luôn sống trong chức phận làm con cái Thiên Chúa.  Là Thủ lãnh hòa bình, Người dẫn ta vào cuộc sống đầy yêu thương, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em.

          Tất cả những điều trên đều nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.  Tuy nhiên ngôn sứ I-sai-a không quên nhắc nhở ta rằng:  “Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó”.  Yêu thương bao giờ cũng là động lực duy nhất của mọi việc Thiên Chúa làm.

2.  “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (bài đọc Tân Ước – Tt 2:11-14)

          Thánh Phao-lô có lối suy tư thần học tuyệt vời để nói về biến cố Đấng Cứu Thế xuất hiện.  Ngài gọi biến cố Con Một Thiên Chúa đến với nhân loại là “Ân sủng của Thiên Chúa”.  Ngày Đức Ki-tô giáng sinh là lúc Thiên Chúa biểu lộ ân sủng của Người.

          Nhưng điều độc đáo là thánh Tông đồ đã không diễn tả Ân Sủng như một điều trừu tượng, mà là một Ân Sủng bằng xương bằng thịt, cũng giống như Tin Mừng Gio-an đã khẳng định “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Ân Sủng ấy là chính Đức Ki-tô, Đấng đã đến để rao giảng Tin Mừng và “dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.  Người đã chu toàn sứ mệnh cứu thế để thể hiện lời ngôn sứ I-sai-a:  “Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó”.  Thực vậy, tất cả cuộc đời trần thế của Đức Ki-tô là để nói lên tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và để kêu gọi con người phải luôn lấy tình yêu làm chủ động cho đời sống.  Người dạy ta sống đời yêu thương bằng gương mẫu của chính Người khi Người “tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính”.

          Sứ mệnh của Đức Ki-tô là quy tụ “chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện”.  Đường lối của Thiên Chúa đi theo từng bước.  Đầu tiên là Người chọn Áp-ra-ham làm đầu một dân được tuyển lựa giữa muôn dân.  Rồi từ dân tuyển lựa ấy, Người ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế, để Đấng Cứu Thế sẽ làm “trưởng tử” của dân Ít-ra-en Mới.  Tuy nhiên ta đừng quên dân Ít-ra-en Mới phải là “một dân hăng say làm việc thiện”, cũng như ngôn sứ I-sai-a đã mô tả vương quốc mới của vua Đa-vít là vương quốc “kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh”.

3.  “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa” (bài Tin Mừng – Lc 2:1-14)

          Lời tiên báo của ngôn sứ I-sai-a và suy niệm của thánh Phao-lô về biến cố Chúa Cứu Thế đến trần gian giúp ta nhận biết được Thiên Chúa yêu thương ta như thế nào.  Lời tin mừng của sứ thần Chúa đã lập lại tất cả những điều các ngôn sứ loan báo:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít.  “Hôm nay” là ngày hồng phúc Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Em-ma-nu-en, ngày Thiên Chúa ban tặng cho ta người con và ngày vinh quang của Người tỏ hiện.  Thời điểm “hôm nay” luôn mang tính chất hiện tại, áp dụng cho mọi thời kể từ ngày Thiên Chúa làm người.  Cũng thế, “thành vua Đa-vít” không còn là Bê-lem nhỏ bé trong nước Do-thái nữa, nhưng đã vượt giới hạn không gian để trở thành “vương quốc của vua Đa-vít” hoặc “Triều Đại Thiên Chúa” lan tràn tới mọi tâm hồn.

          Lời sứ thần cũng gắn liền với lời ngôn sứ I-sai-a nói về “một trẻ thơ” hoặc “một người con”.  Cũng chỉ là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, chứ không phải một vị hoàng tử trong cung điện huy hoàng.  Nhưng lại là một trẻ sơ sinh sẽ “gánh vác quyền bính trên vai” để thiết lập hòa bình vô tận và sẽ trở thành “lương thực” Thiên Chúa đặt trong máng để nuôi sống nhân loại.  Nếu lương thực của Chúa Giê-su là “thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4:34), thì lương thực của nhân loại được đặt trong máng cỏ cũng sẽ là thi hành những điều Chúa Giê-su đã dạy ta qua lời giảng và lối sống của Người.

          Đối với ta là loài người trần thế, biến cố Thiên Chúa giáng trần là để cứu độ ta và biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa.  Đối với triều thần thiên quốc, biến cố ấy là cơ hội để đạo binh thiên quốc ca tụng Thiên Chúa và tôn vinh tình thương của Người, đồng thời cũng là cơ hội cho tất cả những ai muốn kiếm tìm bình an đích thực, bình an của một quan hệ mật thiết và mới mẻ giữa Thiên Chúa với con người.  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

4.  Sống Lời Chúa

          Giáng Sinh là một biến cố vĩ đại, không phải vì vẻ huy hoàng trần thế, nhưng vì sự cao vời của tình yêu Thiên Chúa.  Hài nhi sinh ra quan trọng không phải vì gốc gác vua chúa, nhưng vì sứ mệnh em sẽ gánh vác và thực hiện sau này.  Thiên Chúa đã từng đến với nhân loại trong sấm sét và khói lửa tại Xi-nai và dân Chúa sợ hãi bạt hồn khiếp vía.  Nhưng lần này, Người đến trong đơn sơ khó nghèo, chan chứa tình yêu thương, là “tin mừng trọng đại và niềm vui cho toàn dân”.  Các bài đọc giúp ta hiểu ý nghĩa tại sao Chúa đến với ta.  Người đến để cứu độ ta bằng cách giải thoát ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và dạy ta sống đời sống mới.  Người đến khai mở một triều đại mới, triều đại của những người được Thiên Chúa đem về làm con cái Người và sẽ cho hưởng phần gia nghiệp với Con Một Người là Đức Ki-tô.

Suy nghĩ:  Ngôn sứ I-sai-a cũng như sứ thần Chúa đã gọi biến cố Giáng Sinh là “niềm hoan hỷ chứa chan” và “niềm vui cho toàn dân”.  Tôi có cảm nghiệm được ý nghĩa đích thực của niềm vui sâu xa này không?  Hay tôi cũng chỉ thấy niềm vui giả tạo và chóng qua của những ngày lễ lạc tầm thường như bao người khác?  Có khi nào tôi quỳ bên Hài Nhi để thấy lòng mình chan chứa niềm vui được cứu độ và được Thiên Chúa ở cùng không?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa;  xin ban cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Đức Ki-tô là Đấng đã chia sẻ kiếp người với chúng con.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện nhập lễ Thánh lễ Ban ngày).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà