CUỘC PHIÊU LƯU

Lễ Thánh Gia

 

Nhân loại đang choáng váng vì những cảnh gia đình đổ nát.   Nhiều vấn đề lớn hôm nay sẽ được giải quyết nếu bắt đầu từ gia đình.   Bởi vậy cần nhìn vào gia đình Nadarét để tìm một giải pháp tốt đẹp nhất cho những vấn nạn gia đình hôm nay.  

 

LY HƯƠNG.

 

Đức Giêsu đã xuất hiện với những khó khăn chồng chất trong một gia đình.  Khó khăn lớn nhất đe dọa tới chính mạng sống Hài Nhi Giêsu.  Chính sứ thần đã báo mộng cho ông Giuse : “Vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy !” (Mt 2:13)   Giữa cơn quẫn bách, con đường giải thoát đã mở ra trước mắt, khi “sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại.” (Mt 2:13)   Thiên Chúa đã can thiệp để giải thoát chính Con Mình.

Nhưng trước tiên, Hài Nhi có thể thoát nạn và vui hưởng những ngày tự do nơi đất khách quê người không, nếu ông Giuse không vâng lời tuyệt đối lệnh truyền đó ?  Chính sự vâng lời đã dẫn đến cuộc sống an vui và tự do.   Oâng vâng lời bồng bế gia đình lìa bỏ quê hương, vượt biên sang Ai cập.   Sẽ có ngày trở về quê cha đất tổ.   Nhưng ra đi hay trở về không quan trọng.   Quan trọng là làm sao nhận ra và tuân hành Thánh Ý.  Thực tế ông Giuse đã cùng gia đình ở lại Ai cập cho đến khi vua Hêrôđê băng hà.” (Mt 2:15)   Sống nơi đất khách, bao giờ ông cũng ôm giấc mộng hồi hương.   Chỉ có nơi quê hương, con người mới đích thực sống cuộc sống của mình.   Ngoài quê hương chỉ là nô lệ, xa lạ, tăm tối. 

Giữa cảnh tha hương, ông Giuse chỉ có một kim chỉ nam duy nhất là Thánh Ý Thiên Chúa.   Bởi vậy, khi nhận được lệnh sứ thần, “ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen,” (Mt 2:21)   “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai cập,” (Mt 2:15; Hs 11:1)  thoát miền đất đầy bóng tối tử thần.  Từ một kinh nghiệm cứu Ítraen Dân Chúa thoát ách nô lệ Ai cập, “thánh Mathêu muốn cho thấy Đức Giêsu là người khởi đầu tái thiết toàn thể dân tộc Ítraen như một cuộc xuất hành mới đầy lý tưởng (x. Mt 19:28; 21:43).    Việc trốn chạy này là một cuộc xuất hành mới với một tân Môsê vĩ đại hơn.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:636)    Tương lai đang mở ra cho nhân loại …

Khi về đến quê cha đất tổ, “vì nghe biết Aùckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó.” (Mt 2:22)   Một quyết định sai lầm lúc này sẽ dẫn đến những hậu quả khốc hại cho Hài Nhi.   Oâng Giuse đang đứng trước ngã ba đường.   Giữa lúc ông hoang mang như thế, “được báo mộng, ông lui về miền Galilê.” (Mt 2:22)   Trong hoàn cảnh nào, ông cũng quyết định dựa trên Thánh ý.   Không phải ông không đủ trưởng thành.   Dù có thâu thập đủ tin tức, ông cũng dựa vào Đấng khôn ngoan tuyệt đối để khỏi ân hận về sau.   Cuối cùng theo hướng Thánh ý, ông đã đưa gia đình “đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét.” (Mt 2:23)    Trong đường lối Thiên Chúa quan phòng, thời ấy vua Herod Antipas đang xây thủ đô tại Sepphoris, một thành giáp ranh Nadarét.  Theo khôn ngoan tự nhiên, ông Giuse đã chọn Nadarét làm nơi cư trú cho gia đình.   Chắc chắn ở đó ông có thể thoải mái kiếm kế sinh nhai nuôi sống  gia đình và bảo đảm cho tương lai cậu bé Giêsu (x.The New Jerome Biblical Commentary 1990:636)  

Thánh ý đã hướng dẫn ông Giuse chọn Nadarét “để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng : Người sẽ được gọi là người Nadarét.” (Mt 2:23)   Viết thế, thánh Mathêu “ám chỉ Đức Giêsu là ‘người được thánh hiến’ trong dòng tộc Samson và Samuel.   Nếu vậy, có thể thánh Mathêu muốn nói Đức Giêsu đầy sức mạnh để cứu độ dân Người.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:636)   Thánh Giuse quả thật đã được Thiên Chúa tuyển chọn đặc biệt để góp phần đặc biệt công trình cứu độ muôn dân.

 

GIA ĐÌNH TRONG SỨ MẠNG CỨU ĐỘ.

 

Cũng như thánh Giuse, chúng ta “là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12)  để hoàn thành sứ mạng lớn lao trong gia đình.  Gia đình không phải là một nơi náu ẩn của những con người tầm thường với những việc không tên.   Theo ý định Thiên Chúa quan phòng, gia đình là hình ảnh sống động nhất diễn tả tất cả khả năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.   “Tình cha và mẹ, theo ý muốn của Thiên Chúa, được đặt trong mối tương quan thông phần vào quyền sáng tạo của Thiên Chúa, và do đó, có một quan hệ hỗ tương nội tại.” (ĐGH Gioan Phaolô II : VietCatholic News, 23/9/2000)   Không có gia đình, con người không thể hoàn thành sứ mạng sáng tạo đó.  

Muốn hoàn thành sứ mạng cứu độ,  con người phải “có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau.” (Cl 3:13)  Nghĩa là trong môi trương nhỏ bé đó, con người cũng có thể tìm được đầy dẫy những cơ hội làm chứng cho Thiên Chúa.   Nếu cứ luẩn quẩn với cái tôi, con người sẽ không tìm được lối thoát và không thể hoàn thành sứ mạng cứu độ.   Nhưng nếu có cái nhìn của thánh Giuse, họ sẽ thấy “cái tôi là cái đáng ghét.”  Đáng ghét vì trong ngữ học Việt Nam “TÔI” chỉ được ghép với ba dấu sắc, huyền và nặng: TỐI, TỒI, TỘI.   Đóng khung trong cái tôi là chìm vào cõi u tối.   Trong đó chỉ thấy những chuyện tồi bại và tội lỗi.  Khi nào thoát được cái tôi, con người sẽ thật sự tìm được ánh sáng, sự thật và sự sống. Đúng thế “ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !” (Ga 11:9)   Aùnh sáng Đức Giêsu đem tới là tình yêu Thiên Chúa.   Bởi đó, muốn sống hạnh phúc, “anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo,” (Cl 3:14) nguồn mạch sáng tạo và sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa.  

Mối dây bác ái đó không chỉ liên kết mọi phần tử gia đình, nhưng còn kết hiệp họ với Thiên Chúa.   Thực vậy, “gia đình Kitô hữu được kêu gọi làm cho thiên hạ thấy mình là một nơi cầu nguyện chung, khi cầu nguyện như vậy, trong tự do của người con, người ta thưa chuyện với Thiên Chúa bằng cách gọi Người với cái tên trìu mến "Lạy Cha chúng con". Chúa Thánh Thần giúp chúng ta khám phá gương mặt của Chúa Cha như kiểu mẫu trọn vẹn của tình Cha trong gia đình.” (ĐGH Gioan Phaolô II : VietCatholic News, 10/10/2000)    Thánh Giuse đã họa lại trọn vẹn hình ảnh Chúa Cha để cho mọi người cha biết cách ứng xử trong những lúc gia đình gặp thử thách.

Hình ảnh người cha trong gia đình Nadarét chắc chắn đã in sâu  vào tâm khảm Đức Giêsu trong suốt thời gian ẩn dật.   Chính nhờ những năm tháng sống dưới sự che chở của Thánh Giuse, Đức Giêsu đã học được cách phục vụ mọi người.   Thật vậy, “Chúa cứu chuộc từng sống ẩn dật tại Nazareth trong phần lớn đời Ngài, về mặt ‘con người’,  Người đã ‘tuân phục’(Lc 2, 51), Đức Maria mẹ Ngài và Thánh Giuse người thợ mộc.   Đức ‘tuân phục’ thảo hiền này lại chẳng là biểu lộ đầu tiên sự vâng phục Cha Người ‘cho đến chết’ (Ph 2, 8), nhờ đó Người đã cứu chuộc thế gian sao ?” (ĐGH Gioan Phaolô II : VietCatholic News,23/9/2000)  

Chính trong môi trường tình yêu đó, Đức Giêsu đã học nơi thân phụ Giuse tất cả gương cương nghị trong khi thi hành Thánh Ý Thiên Chúa.   Quả thực, từ khi chấp nhận cưới Đức Maria, thánh Giuse đã “liều nhắm mắt đưa chân.”   Trong cuộc phiêu lưu đó, cùng với Đức Maria, thánh nhân chỉ biết sống cho Đức Giêsu, mở đường cho một dân mới, một dân nhiệt thành làm điều thiện và không ngừng tranh đấu chống lại mọi cảnh nô lệ, áp bức và tội lỗi.   Chính Đức Giêsu, nhờ bàn tay Mẹ Maria và thánh Giuse, sẽ dẫn muôn dân về Đất Hứa chan hòa ánh sáng và sự sống.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà