Chúa Nhật 11 mùa Thường niên, A

 

          Ta rất quen thuộc với phát biểu chân lý về tình thương của Chúa trong Tin Mừng Gio-an:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Các bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay soi sáng cho ta hiểu phần nào chân lý ấy qua những gì Chúa làm cho dân Ít-ra-en và nhất là qua Đức Giê-su Ki-tô là nguồn ân huệ của Thiên Chúa.

1.  Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en là hình ảnh Người yêu thương ta (Bài đọc Cựu Ước – Xh 19:2-6a)

          Yêu thương biểu lộ qua hành động.  Thiên Chúa đã yêu thương dân Người qua những điều Người làm cho họ, từ lúc Người kêu gọi Áp-ra-ham cho tới khi đem họ ra khỏi Ai-cập và đưa vào Đất hứa.  Người đã truyền cho ông Mô-sê nói cho dân chúng biết Người yêu thương họ đến mức nào.  Ai-cập đã đối xử tàn ác với họ nên bị Thiên Chúa trừng phạt bằng đủ thứ tai họa.  Trên đường ra khỏi Ai-cập, cánh tay che chở của Người “tựa như cánh chim bằng” đã bao bọc và nâng đỡ Ít-ra-en.  Người đã làm cho họ tất cả những gì giúp họ trở thành một dân tộc trổi vượt trên các dân tộc khác.  Tuy nhiên Người chỉ yêu cầu họ duy nhất điều này, là “nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta” (Xh 19:5).  Ông Mô-sê truyền lại mệnh lệnh của Chúa cho Ít-ra-en, chuẩn bị giúp họ đón nhận giao ước, tức Lề Luật Chúa sẽ ban.  Giao ước là bảo đảm cho mối quan hệ giữa Ít-ra-en với Thiên Chúa.  Bao lâu họ tuân thủ giữ Lề Luật thì Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa duy nhất của họ và Người sẽ coi họ là “một vương quốc tư tế, một dân thánh”.

          Vì yêu thương, Chúa đã đến với Ít-ra-en trước khi họ đến với Người.  Người hành động giống như một người “xin xỏ” tình yêu của kẻ khác, “bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một niềm thành tín” (Tv 99:5).  Chuyện tình giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en cũng được lập lại trong đời sống thiêng liêng của mỗi người Ki-tô hữu.  Tình yêu của Chúa đầy ắp trong cuộc đời ta, từ khi ta hiện diện trong lòng mẹ cho tới lúc này.  Người đã dùng tình yêu của bà mẹ để ấp ủ ta và cho ta được lớn lên.  Tình mẹ dạy cho ta biết thế nào là tình yêu của Chúa.  Song song với sự phát triển thể xác, đời sống thiêng liêng của ta có đủ cơ hội để lớn lên và tương quan giữa ta với Chúa có thể trở nên tốt đẹp mỗi ngày một hơn.  Tất cả đều do tình yêu Chúa dành cho ta để ta được làm và sống phận làm con Chúa.  Người nói với ta như đã nói với Ít-ra-en:  Con sẽ là sở hữu riêng của Ta.  Vậy ta sẽ đáp lời gọi của Người như thế nào?  Dù đôi khi ta không đáp trả tình Chúa yêu ta, nhưng ta xác tín rằng ta vẫn nằm sâu trong đáy tim của Thiên Chúa.

2.  Cái chết của Chúa Ki-tô là thước đo lường tình yêu Thiên Chúa đối với ta (bài đọc Tân Ước – Rm 5:6-11)

          Làm sao đo lường được tình yêu, hoặc làm sao biểu lộ được mức độ của tình yêu?  Cách thức Thiên Chúa đo lường tình yêu quả thực là độc đáo:  dùng cái chết của Con Một yêu dấu để đền bù tội lỗi của nhân loại.  Thánh Phao-lô đã hùng hồn tôn vinh cách thức yêu thương của Thiên Chúa như sau:  “Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng.  Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi;  đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:7-8).  Thiên Chúa đã sử dụng cách thức thua thiệt đơn phương ấy để ta “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:18-19).  Thánh Tông đồ gọi cái chết của Đức Ki-tô là “bằng chứng”, một bằng chứng nói lên được mọi chiều kích của tình yêu Thiên Chúa.  Những chiều kích phong phú ấy là ta được nên công chính, được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được hòa giải với Người, được cứu độ nhờ sự sống của Đức Ki-tô và nhất là ta được “sở hữu” Thiên Chúa là niềm tự hào.  Đúng vậy, nếu Thiên Chúa đã muốn Ít-ra-en là “sở hữu” của Người (Xh 19:5), thì Người cũng muốn Người là “sở hữu” của ta để ta có niềm tự hào.  Tự bản chất ta là “bụi đất”, là hư không, nên làm gì có niềm tự hào.  Nhưng nếu ta có Thiên Chúa là chủ tể toàn cõi đất (Xh 19:5b) tức là ta có tất cả.

          Tình yêu Thiên Chúa luôn luôn đi tới cùng (Ga 13:1), chứ không yêu nửa vời!  Do đó ta thấy thánh Phao-lô đã diễn tả con đường tình yêu của Thiên Chúa khởi đi từ việc làm cho ta “được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra” tiến đến việc “cứu ta khỏi cơn thịnh nộ” của Người để ta được sống, tức là việc ta được Người cứu độ.  Nói khác đi, Thiên Chúa làm đủ mọi cách để ta có thể “sở hữu” Người, chiếm được Người làm gia nghiệp của ta.

3.  Tình yêu Thiên Chúa khiến Người “chạnh lòng thương” (bài Tin Mừng – Mt 9:36-10:8)           

          Ta nghe nói hoặc suy niệm về tình yêu Thiên Chúa không chỉ bằng những suy nghĩ, nhưng còn bằng những tình cảm sống động của một con người là Chúa Giê-su.  Nói “Thiên Chúa chạnh lòng thương” thì vẫn còn khó hiểu, vì Thiên Chúa là Đấng vô hình và siêu việt.  Nhưng khi thánh sử Mát-thêu kể lại “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương” là ta hiểu ngay và có thể hình dung ra khung cảnh dân chúng đáng thương, nét mặt ưu tư của Chúa, giọng nói xúc động của Người…  Chúa Giê-su đang diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng ngôn ngữ và cảm xúc của loài người.  Thiên Chúa đang dùng con mắt của Chúa Giê-su để thấy đám đông dân chúng đang “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.  Người đang dùng môi miệng của Chúa Giê-su để nói với ta:  “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.  Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa chia sẻ quyền năng của Người cho một số môn đệ Chúa Giê-su để họ chữa lành và khu trừ các thần ô uế.  Sau hết, qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa muốn cho ta biết chân lý phục vụ là “anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”.  Nếu ta biết mình được Thiên Chúa ban ơn cứu độ, thì ta cũng phải biết chia sẻ ơn cứu độ ấy với anh chị em.  Nếu ta được Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện, thì ta cũng phải yêu thương anh chị em vô điều kiện.

          Cách Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu Thiên Chúa dạy ta nhiều bài học về yêu thương.  Trước hết là bài học “chạnh lòng thương”.  Ta không chạnh lòng thương được là vì ta không vượt ra khỏi con người của ta để nhìn thấy những người chung quanh ta.  Thấy được người khác chưa đủ, nhưng phải thấy được sự “lầm than vất vưởng” của họ, tức là cảm nhận được những đau khổ thiếu thốn của họ.  Ta thấy biết bao người ăn xin dọc đường, nhưng ta không muốn nhìn nhận nỗi khó khăn thực sự của họ, trái lại ta còn lý luận họ là người làm biếng không chịu đi làm… thì làm sao ta có thể “chạnh lòng thương” đối với họ được.  Từ việc chạnh lòng thương, Chúa Giê-su dẫn ta đến những việc cụ thể phải làm để sống lòng thương ấy.  Người dạy ta phải cầu nguyện, phải “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.  Tiếp đến, Người chia sẻ những gì Người có với các môn đệ, để họ cùng với Người loại trừ đi những “lầm than vất vưởng” của anh chị em.  Bài học chia sẻ này cũng nêu lên một nguyên tắc truyền giáo:  đã được cho không thì cũng phải cho không.  Có lẽ ít khi ta nhận thức rằng mình đã lãnh nhận đức tin như một ân huệ được Chúa cho không thì ta cũng phải chia sẻ đức tin ấy với người khác như là cho không, bởi vì “chạnh lòng thương” đích thực sẽ không bao giờ có chuyện tính toán hơn thiệt.

4.  Sống Lời Chúa

          Tình yêu Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên ta mà thôi, nhưng còn đi xa hơn nữa, là cứu độ ta.  Thiên Chúa đã đi trọn con đường yêu thương của Người bằng cách sai Con Một đến với ta để cho ta thấy tình yêu đó lớn lao như thế nào.  Ý nghĩa của tình yêu ấy được biểu lộ trên thập giá.  Với thanh gỗ dọc, nó nối Thiên Chúa với loài người.  Với thanh gỗ ngang, nó nối con người với nhau.  Chúa Giê-su không chỉ nói cho ta biết về tình yêu, nhưng Người còn là gương mẫu yêu thương.  Như Chúa Giê-su đã “mến Chúa yêu người” thế nào, ta cũng phải mến Chúa yêu người như vậy.

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su nói với các môn đệ:  “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.  Những lời này nói gì với tôi?  Tôi có cầu nguyện cho việc truyền giáo không?  Tôi có thể làm gì cho mùa gặt của Chúa trong hoàn cảnh hiện thời?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa muốn cho hết thảy mọi người được ơn nhận biết Chúa, Chúa lại muốn đón nhận tất cả vào Nước Chúa hiển trị.  Xin đưa mắt nhìn cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la và gửi nhiều tay thợ lành nghề đem Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo.  Nhờ đó, từ các dân tộc trên khắp hoàn cầu sẽ xuất hiện một dân mới không ngừng phát triển:  đó là đoàn dân được Lời Chúa quy tụ và được các bí tích của Chúa nâng đỡ phù trì.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho việc rao giảng Tin Mừng)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà