Chúa Nhật 14 mùa Thường niên

 

          Chúa Giê-su Ki-tô biểu lộ những đường nét khác nhau của dung mạo Thiên Chúa.  Người là “hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15), cho nên đón nhận Người là ta có thể nhận ra được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.  Các bài đọc hôm nay cho ta một số phác họa về dung mạo Chúa Ki-tô qua hình ảnh Đức Vua Bình an đến với Giê-ru-sa-lem và qua những lời Người nói về chính Người là Đấng mang lại sự an nghỉ và sự sống.  Suy niệm về việc đón nhận Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô trình bày một phương cách tốt nhất, đó là hãy sống theo Thần Khí của Đức Ki-tô, tức là ta hãy “diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ” trong ta.

1.  Chúa Ki-tô là “Đức Vua khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con”  (bài đọc Cựu Ước – Dcr 9:9-10)

          Lúc khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem trước khi chấp nhận cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su đã sai mấy môn đệ đi tới nhà một người bạn và xin họ cho mượn một con lừa con để Người cỡi vào thành thánh.  Điều này đã được ngôn sứ Da-ca-ri-a loan báo cuối thế kỷ 4 trước công nguyên.  Vị ngôn sứ đang nhìn thấy một gương mặt vô cùng độc đáo của Thiên Chúa đến với dân Ít-ra-en:  “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi:  Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9).  Đức Vua của Ít-ra-en không phải là vị anh hùng ngồi trên lưng ngựa đánh đông dẹp bắc, mà là Đấng Chính Trực và Toàn Thắng cỡi lừa vào thành thánh Giê-ru-sa-lem.  Ngựa biểu tượng cho chiến tranh và cho kiêu căng, còn lừa biểu tượng cho hòa bình và cho khiêm nhu.  Mục đích Đức Vua đến với Ít-ra-en là dẹp tan mọi thứ chiến tranh, để thiết lập một vương quốc bình an.  Sẽ không còn ngăn cách, thù địch giữa con người với con người và giữa con người với Thiên Chúa.  Mọi hậu quả ấy đều do tội lỗi gây nên và chúng sẽ bị quét sạch dần dần.  Rõ ràng là Đức Vua đang đến, mở đầu cho một cuộc chiến tay đôi giữa quyền lực của Thiên Chúa và ảnh hưởng của tội lỗi, giữa sự sống và sự chết.  Viễn tượng chiến thắng của Đức Vua là điều phải xảy đến:  “Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9:10).

          Nhưng Đức Vua ấy là ai và Ngài đã làm gì để chiến thắng trong cuộc chiến cam go đó?  Hình ảnh Đức Vua ấy chính là Chúa Ki-tô trong cung cách khiêm tốn ngồi trên lưng lừa.  Chúa Ki-tô đã lấy chính đức khiêm nhượng và vâng phục để chiến thắng tội lỗi và sự chết.  Thánh Phao-lô đã dùng một so sánh nổi tiếng để tôn vinh chiến thắng của Chúa Ki-tô.  “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy” (Rm 5:17).  Về sự khiêm nhượng của Chúa Ki-tô, ta đã được nghe thánh Phao-lô nói đến nhiều lần, nhất là với bài thánh thi trong thư Phi-líp-phê 2:6-11.  Sự kiêu căng và bất tuân của A-đam đã mang lại hậu quả khốc liệt cho nhân loại, thì sự khiêm nhượng và vâng phục của Chúa Ki-tô đã sinh ân phúc lớn lao là sự công chính và chiến thắng tội lỗi.  Người quả thực là “Đấng Chính Trực” và “Đấng Toàn Thắng” như lời ngôn sứ Da-ca-ri- đã báo trước.

2.  Chúa Ki-tô có lòng hiền hậu và khiêm nhường (bài Tin Mừng – Mt 11:25-30)

           Sứ mệnh của Chúa Ki-tô là được sai đến với những kẻ nghèo hèn, bệnh tật tâm hồn lẫn thể xác, bị áp bức giam cầm (Lc 4:18-19), hoặc như trong lời cầu nguyện tạ ơn của Người, là Người đến để mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho “những người bé mọn” (Mt 11:25).  Những người bé mọn là hình ảnh ám chỉ tất cả những ai mang tinh thần đơn sơ như trẻ em, hoàn toàn tín thác và đặt mình dưới sự dẫn dắt của “Mô-sê Mới” là Chúa Giê-su, để Người dẫn họ về nhà Cha.  Họ cũng là những người “đang vất vả mang gánh nặng nề” cần được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Những người ấy trước hết là những người Do-thái đang sống dưới ách nặng nề của Lề Luật và những giải thích nặng phần hình thức do các kinh sư và Pha-ri-sêu.  Nhưng cũng có thể là tất cả những người đang quằn quại dưới sức ép của kiếp sống con người.  Giờ đây, Chúa Giê-su đưa ra lời mời gọi và bảo đảm Người sẽ cho họ một đáp số về những “vất vả cuộc đời”:  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).  Lời mời gọi của Chúa thẳng thắn và chắc chắn, nói lên cốt lõi sứ mệnh của Người.  Những người vỗ ngực là “bậc khôn ngoan thông thái” của thế gian đâu cần đến Thiên Chúa và mầu nhiệm Nước Trời.  Họ tin một mình họ có đủ khả năng quyết định vận mệnh cho mình, tự giải quyết và khắc phục những khó khăn cuộc đời bằng những phương tiện khoa học, triết học và xã hội, chứ không cần đến tôn giáo hoặc đức tin.  Nhưng đối với những “kẻ nghèo hèn” (anawim) của Đức Chúa thì khác.  Họ biết mình không thể làm được gì nếu không có Thiên Chúa ở cùng.  Do đó, họ cần có một Đấng gọi là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa-ở-cùng-chúng ta.  Đấng ấy đã được ngôn sứ Da-ca-ri-a báo trước và Người đã đến, đã mời gọi toàn thể nhân loại tới với Người.  Vậy ta hãy xem Người sẽ cho ta được “nghỉ ngơi bồi dưỡng” như thế nào.

          Trước hết, Chúa Giê-su dạy:  “Anh em hãy mang lấy ách của tôi”.  Kể cũng lạ đời!  Đã mang lấy ách thì làm sao nghỉ ngơi được.  Người Do-thái khổ sở vì cái “ách” của Lể Luật, đó là một thí dụ cụ thể.  Nhưng Chúa Giê-su khẳng định:  “Ách của tôi êm ái, và gánh của tôi nhẹ nhàng”.  Đúng vậy, “ách” của Chúa Giê-su là luật yêu thương, luật mến Chúa yêu người.  Nếu tình yêu đã trở nên động lực đích thực cho hành động, thì thực hiện hành động không còn gây khó chịu khổ đau cho ta.  Vì yêu thương con cái, cha mẹ dù có vất vả hy sinh cũng không thấy đó là một cái ách nặng nề nữa.  Vì yêu thương, Chúa Giê-su đã vui lòng chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ ta.  Do đó, ta mang lấy ách của Chúa Giê-su có nghĩa là ta sống luật yêu thương Người đã dạy và đã nêu gương.

          Tiếp đến, Chúa Giê-su mời gọi ta hãy học với Người.  Học với Chúa Giê-su chính là làm môn đệ Người.  Có biết bao điều ta có thể học nơi Chúa.  Nhưng ở đây Người nhấn mạnh đến lòng hiền hậu và khiêm nhượng.  Đó là kết quả của một tình bác ái đích thực, như thánh Phao-lô đã đề cập đến trong bài ca đức mến (1 Cr 12:31-13:13).  Chiêm ngưỡng lòng hiền hậu và khiêm nhượng của Chúa Giê-su là một đề tài vô cùng phong phú và bất tận.  Tất cả cuộc đời Chúa Giê-su biểu lộ những đức tính này qua mối quan hệ giữa Người với tha nhân và với Thiên Chúa.  Ta khó nhận ra lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua những suy luận tu đức hay thần học, nhưng ta thấy ngay được Thiên Chúa nhân hậu như thế nào qua cách đối xử của Chúa Ki-tô với mọi người, ngay cả đối với những kẻ thù của Người.  Một Ki-tô hữu đích thực không thể đối xử với anh chị em theo triết lý “người đối người khác gì loài lang sói” (homo homini lupus), nhưng phải quảng đại, tha thứ đối với anh chị em.  Chẳng lạ gì khi kết thúc bài dạy về kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến việc tha thứ cho anh em.  Đó chính là một nghĩa cử nảy sinh từ lòng hiền hậu và khiêm nhượng vậy.

3.  Noi gương sống của Chúa Giê-su, ta phải sống theo Thần Khí của Người (bài đọc Tân Ước – Rm 8:9.11-13)

          Đáp lời mời gọi hãy đến và học nơi Chúa Giê-su, tức là làm môn đệ Chúa, thánh Phao-lô cho ta một nguyên tắc hành động:  ta phải có Thần Khí của Chúa Ki-tô thì mới diệt trừ được những hành vi ích kỷ nơi ta.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã cho ta thấy Thần Khí hoặc Tinh Thần của Người là lòng hiền hậu và khiêm nhượng.  Nếu lòng hiền hậu và khiêm nhượng là kết quả của đức mến đích thực thì ngược lại những hành vi ích kỷ là hậu quả của lòng ghen tương ganh ghét.  Cũng vậy, đức mến đem lại sự sống, còn ghen ghét đưa đến cái chết.  Thần Khí của Chúa Ki-tô đã làm cho Người sống lại từ kẻ chết và trở thành sự sống muôn đời cho tất cả những ai sống theo Thần Khí của Người.  Nói khác đi, lòng hiền hậu và khiêm nhượng của Chúa Ki-tô đã cứu độ nhân loại và phục hồi cho họ địa vị làm con cái Chúa để được sống muôn đời.  Diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nghĩa là thay vì chỉ sống cho ta, coi ta là cái rốn vũ trụ và không màng tới những người anh chị em “đang vất vả mang gánh nặng nề”, thì ta sẽ quan tâm đến họ hơn và lo lắng chăm sóc cho họ.

          Đặc biệt trong thư gửi tín hữu Ga-lát, thánh Tông đồ đã phân tích rõ hai lối sống:  sống theo tính xác thịt và sống theo Thần Khí.  Có một danh sách dài gồm những việc do tính xác thịt (Gl 5:19-21) và danh sách những đức tính của Thần Khí mà thánh Augustinô đã gói ghém trong một câu:  Cứ yêu mến đi, rồi bạn hãy làm những điều bạn muốn.  Để kết luận, thánh Phao-lô Tông đồ chỉ cho ta một hướng đi:  “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5:25).  Và tiến bước ấy sẽ đưa ta tới sự viên mãn để được chung phần gia nghiệp với Chúa Ki-tô.

4.  Sống Lời Chúa

          Giữa cuộc sống khổ ải trần gian này, nhiều khi ta quá mệt mỏi đến độ muốn buông xuôi hoặc đi tìm những thú vui trần gian để khỏa lấp.  Nếu cứ tiếp tục như thế là ta đang đi vào con đường hư mất.  Nhưng Chúa Giê-su đã đến với ta để giúp ta nhận biết sống hiền hậu và khiêm nhường là kết quả của một tình yêu đích thực.  Ta đến với Chúa để học cách sống của Người, để rồi ta thực hành bài học ấy khi ta đối xử hiền hậu và khiêm nhường đối với anh chị em.

Suy nghĩ:  Khi đối xử với anh chị em, tôi đã thiếu lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lời nói và việc làm như thế nào?  Một vài thí dụ cụ thể nào giúp tôi nhận ra mình ác độc và kiêu căng đối với anh chị em?  Hiền hậu và khiêm nhường có phải là đặc nét của căn tính Ki-tô hữu không?  Tại sao?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, nhờ Con Chúa hạ mình xuống, Chúa đã nâng loài người sa ngã lên;  xin rộng ban cho các tín hữu Chúa niềm vui thánh thiện này:  Chúa đã thương cứu họ ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi, thì xin cũng cho họ được hưởng phúc trường sinh.  Nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 14 mùa Thường niên)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà