HẠT GIỐNG TIN MỪNG

Chúa Nhật 15A Thường Niên

 

 

Nhân loại đau khổ vì những người cực đoan đang gieo rắc những tư tưởng ngông cuồng làm xáo trộn tâm hồn và cuộc sống con người.  Muốn cứu vãn tình thế, cần phải có những người thợ lành nghề gieo hạt giống Lời Chúa mạnh tay hơn nữa.

 

NHỮNG KIỂU SỐNG CHẾT

 

Quan sát trên cánh đồng, Đức Giêsu thấy hạt giống mang nhiều thân phận khác nhau.  Hạt giống cũng có nhiều kiểu chết khác nhau.   Có thứ chết khô vì nắng cháy.  Chết nghẹt vì bụi gai (x. Mt 13:6-7).    Còn gì vô nghĩa bằng chết khô và chết nghẹt ?     Nhưng ngay cả khi gieo vào đất tốt, hạt giống cũng phải “chết đi mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12:24)    Đó là thứ chết để sống phong phú và tốt đẹp hơn.  Thật là cái chết đầy ý nghĩa !   Chính Đức Giêsu đã “bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21) để phục sinh toàn thể nhân loại.   

Như thế, Đức Giêsu đã đem hạnh phúc đến cho loài người.   Đúng hơn, Người đã trở thành hạnh phúc đích thực cho muôn dân, một hạnh phúc nhân loại đã từng mơ ước.    “Quả thế, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi …” (Mt 13:17).   Ngay hiện tại, hạnh phúc đó cũng vẫn xa tầm tay với nhiều người.   Ngược lại, hạnh phúc đó lại  mạc khải đặc biệt cho các môn đệ.   Quả thế, “mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc , vì được nghe” (Mt 13:16) và “hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.” (Mt 13:11)   Mầu nhiệm Nước Trời hé mở cho thấy ranh giới giữa sống và chết.   Nhờ mầu nhiệm ấy, các môn đệ hiểu tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời đều hệ tại hạnh phúc đích thực đó.  

 

Hạnh phúc bao trùm toàn diện con người.  Nếu không thấu hiểu “lời rao giảng Nước Trời”(Mt 13:19), không thể hưởng hạnh phúc đích thực đó.  Đa số sẽ không hiểu lời rao giảng đó.  Đứng trước Mạc khải hay Nước Thiên Chúa, nhân loại có thể chia ra làm bốn hạng người : ngu dốt (Mt 13:19),   nông cạn (Mt 13:21), mê đắm (Mt 13:22), biết điều  (Mt 13:23).   Hạng cuối cùng lại được phân thành ba loại, tùy khả năng “sinh hoa kết quả.” (Mt 13:23)   Bảng lượng giá dựa trên tiêu chuẩn Lời Chúa.   “Chỉ những ai yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn (đến mức tử đạo trong thời bách hại), và hết sức (tài sản) (Đnl 6:5) mới thực sự hiểu Lời Chúa.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:656)

Tất cả đều tùy thuộc đức tin.   Càng sẵn sàng đặt niềm tin và hi vọng nơi Thiên Chúa, càng mau hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời.   Đúng hơn, “tình yêu Thiên Chúa thuần khiết là con đường giúp ta đón nhận và hiểu biết lời rao giảng Nước Trời.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:656)   Chỉ những người thấu hiểu và yêu mến Lời Chúa, mới được kể là người biết điều.   Biết điều trở thành tiêu chuẩn đánh giá lòng người.   Càng biết điều, càng dấn thân mãnh liệt.  Giá trị người tín hữu tùy thuộc mức độ dấn thân thực hiện “kế hoạch và đường lối Thiên Chúa để chiến thắng những mãnh thần hầu tạo nên lịch sử và nhất là xây dựng luật công bình.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:656)     Hạt giống Lời Chúa đang cạnh tranh ráo riết với cỏ lùng để cống hiến một vụ mùa tươi tốt cho toàn thể nhân loại.   Cỏ lùng chính là sự bất công đang tràn ngập mặt đất.   Cỏ lùng tưởng chừng như đang lấn lướt mọi mặt (x. Mt 13:24-30).   Nhưng “cuối cùng, Thiên Chúa sẽ kiểm soát toàn bộ và chiến thắng lẫy lừng.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:656)

Chính Thiên Chúa đã xác nhận điều đó : “Một khi xuất phát từ miệng Ta, lời Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta giao phó.” (Is 55:11)   Thiên Chúa muốn trao cho người môn đệ sứ mệnh thành lập  một “Nước công chính, bình an và hoan lạc” (Rm 14:17) trên mặt đất.   Được Thiên Chúa bảo đảm như thế, tại sao sứ giả Tin Mừng không lên đường ?   Trước những thế lực và cơ chế bất công, tại sao phải sợ đến nỗi không dám gieo hạt giống Lời Chúa vào những mảnh đất màu mỡ  ?    Dù đang bị bách hại vì Lời Chúa, họ nên xác tín rằng : “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta.” (Rm 8:18)   Niềm hi vọng sẽ là tất cả sức mạnh giải thoát họ khỏi cảnh hư nát (x. Rm 8:21)   Hơn nữa, niềm “trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc cả thân xác chúng ta.” (Rm 8:23)   Hiện tại, “chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu” (Rm 8:23) để chiến thắng mọi bất công.   Đó là một bảo đảm lớn nhất cho bước chân sứ giả loan báo Tin Mừng.

 

MÙA MÀNG PHONG PHÚ

 

Chính nhờ “Thần Khí như ân huệ mở đầu”, các sứ giả Tin Mừng đang gặt hái những hoa quả phong phú trên khắp thế giới.   Công cuộc Phúc âm hóa nhân loại đang tiến hành qua những nỗ lực tranh đấu cho công bình xã hội trong các nước nghèo.  Chẳng hạn ĐGH Gioan Phaolô II đã kêu gọi giúp đỡ những người bản xứ và các dân tộc Nam Mỹ gốc Phi châu nghèo đói nhất, hậu quả những đàn áp bất công.   “Giúp đỡ những người nghèo là mệnh lệnh Phúc âm truyền cho mọi Kitô hữu, những người không bao giờ được phép bỏ qua những anh em kém may mắn.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 9/7/02)    Chính ĐGH Gioan Phaolô II đã thể hiện lệnh truyền đó khi thành lập Hội “Tiến Bộ các Dân Tộc” ngày 13/02/1992 nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày khởi sự Phúc âm hóa trong Thế Giới Mới.   Từ năm 1993 đến 2001, Hội đã yểm trợ 1.596 đề án, tốn phí tất cả 13,1 triệu.   Đó là do những đóng góp hoàn toàn tình nguyện của những tín hữu thập phương nhằm gieo hạt giống Tin Mừng vào những miền đất đầy dẫy cỏ lùng bạo lực bất công.   Nơi đây “những nhóm người bị bỏ rơi nhất không có cả những nhu cầu cấp thiết nhất.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 9/7/02)   Bởi đấy, trong ngày kỷ niệm mười năm thành lập Hội ‘Phát Triển Các Dân Tộc’, ĐGH Gioan Phaolô II đã nói : Hội “muốn là một dấu chỉ diễn tả sự gần gũi nhất của tôi với những người đang sống trong những hoàn cảnh thiếu thốn nhất và đang bị xã hội khinh thường hay chính quyền thường không thể làm gì giúp họ.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 9/7/02)   Khi đón nhận được những nghĩa cử tình thương đó, chắc chắn những người nghèo đó sẽ cảm thấy tất cả sức mạnh của Tin Mừng tình yêu.

Nhìn sang các nước Á Phi, công cuộc Phúc âm hóa cũng đang thu hút Giáo Hội toàn cầu.   Mỗi lục địa có những vấn đề khác nhau.   Theo ĐHY Sodano, tại nước Sudan Bắc Phi, Giáo Hội đang dấn thân vào việc Phúc âm hóa và phát triển con người, dù  đang phải sống giữa một môi trường ảnh hưởng Hồi giáo nặng nề.   Người Sudan cần tái khám phá ý nghĩa sự tương kính và hợp tác giữa Kitô hữu và người Hồi giáo.   Cộng đoàn Kitô hữu không đòi hỏi gì hơn quyền tự do tôn giáo, tự do loan báo Tin Mừng như một sứ điệp hòa bình và hi vọng.” (Zenit 05/07/02)    Những nước nằm dưới ảnh hưởng Hồi giáo và Cộng sản đang cố sức ngăn chặn sứ điệp này.   “Nhưng Lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích !” (2 Tm 2:9)  Sức mạnh chân lý không nằm trong bạo lực.  Hạt giống Tin Mừng không lệ thuộc sức mạnh hay cơ sở vật chất, nhưng phát triển trong tâm hồn con người, nhất là những người trẻ hôm nay.   Chính vì thế, trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới sắp tới đây, “tân Phúc âm hóa sẽ là một trong những biến cố then chốt.” (Zenit 05/07/2002)   Các bạn trẻ sẽ được kêu gọi suy nghĩ về ơn gọi theo Đức Kitô họ đã lãnh nhận ngày chịu phép thanh tẩy và suy niệm về ý nghĩa cuộc đời Kitô hữu, như muối đất,  phải thêm hương vị thánh thiện cho trần gian.” (Zenit 05/07/2002)  

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP
 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà