Chúa Nhật 20 mùa Thường niên, A

 

          Trong đề tài về Nước Trời, thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma trong Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu từ tuần trước đã đề cập tới tính cách phổ quát của ơn cứu độ, nghĩa là vì người Do-thái không đón nhận Chúa Ki-tô và Tin Mửng, nên việc rao giảng đã được chuyển hướng về phía Dân ngoại.  Lời Chúa hôm nay đặc biệt trình bày khía cạnh phổ quát ấy, nhất là bài Tin Mừng kể lại việc Chúa nhìn nhận lòng tin của người phụ nữ Ca-na-an.

1.  Thiên Chúa mở rộng tay đón nhận mọi người tại núi thánh ơn cứu độ của Người (bài đọc Cựu Ước – Is 56:1.6-7)

          Si-on là núi thánh Thiên Chúa chọn làm dấu chỉ Người  ở với dân Ít-ra-en.  Tại đấy có Giê-ru-sa-lem, trung tâm thờ phượng Thiên Chúa.  Dân Do-thái dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng lòng về thánh đô và ít nhất mỗi năm một lần họ cố gắng tới viếng thăm Đền thờ, tham dự những ngày đại lễ.  Tuy Dân ngoại bốn phương cũng có thể tới Đền thờ, nhưng họ chỉ được bước chân vào tiền đình dân ngoại dành riêng cho họ mà thôi.  Cách phân biệt Dân ngoại với Do-thái như thế muốn nói lên rằng ơn cứu độ chỉ dành riêng cho dân Chúa.  Giờ đây tình huống đã thay đổi.  Thay vì giới hạn ân sủng cho dân riêng, Thiên Chúa đã mở rộng ơn cứu độ cho mọi người không trừ ai.  Qua ngôn sứ I-sai-a, Chúa phán:  “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa… đều được Ta dẫn lên núi thánh”.

          Nhưng thế nào là những kẻ “gắn bó cùng Đức Chúa”?  Đó là những ai “tuân giữ điều chính trực và thực hành điều công minh”.  Những điều này bao hàm trong luân lý tự nhiên của con người.  Do đó, thực hành điều chính trực và công minh nằm trên bình diện con người nói chung, không kể gì là Do-thái hay Dân ngoại.  Đây chính là điểm cốt yếu của ơn cứu độ, vì Chúa Giê-su xuống thế làm người là để cứu độ toàn thể nhân loại.  Khi Người cùng chia sẻ bản chất nhân loại với tất cả mọi người chứ không riêng người Do-thái, thì Người cũng chia sẻ ơn cứu độ cho tất cả mọi người.  Đã là con người, dù Do-thái hay Dân ngoại, hễ ta tuân giữ điều chính trực và thực hành điều công minh là ta được Thiên Chúa mời gọi đón nhận ơn cứu độ qua Chúa Ki-tô.  Nếu ta thực tâm mở lòng đáp lại lời gọi cứu độ của Thiên Chúa, ta sẽ được Người “dẫn lên núi thánh” tức là đồi Can-vê để lãnh nhận ơn công chính hóa nhờ cái chết đổ máu của Chúa Giê-su, và ta sẽ được “hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Chúa” nghĩa là được vui sống trong Giáo Hội là Đền thờ Giê-ru-sa-lem Mới. 

          Giáo Hội có mặt ở khắp nơi, làm “núi thánh” của Thiên Chúa để mọi người có thể tới, không còn phải đứng ở ngoại vi Đền thờ như Dân ngoại ngày xưa, nhưng là được tháp nhập làm chi thể của Thân Thể Mầu nhiệm Chúa Ki-tô.  Nhờ Chúa Ki-tô và Giáo Hội, ta được “gắn bó cùng Thiên Chúa”, nhận lấy sự sống thiêng liêng như cành nho được sống nhờ thân nho vậy.

2.  Động lực khiến Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ta là do lòng thương xót (bài đọc Tân Ước – Rm 11:13-15.29-32)

          Thiên Chúa đã “đổi ý” khi Người không còn giới hạn ơn cứu độ dành riêng cho dân Ít-ra-en, nhưng cho hết những ai muốn “gắn bó với Người”.  Động lực “đổi ý” chính là do lòng thương xót, vì Người là Thiên Chúa “đầy lòng xót thương”.  Lòng thương xót đích thực không lựa chọn đối tượng đặc biệt, nhưng được biểu lộ cho mọi người.  Toàn thể nhân loại là đối tượng của lòng thương xót của Thiên Chúa.  Người thương xót ta vì Người muốn ta được hạnh phúc vĩnh cửu sau cuộc đời gian khổ này.  Tuy ta không vâng phục Người, nhưng Người vẫn không chấp tội ta và vẫn tìm đủ cách để kéo ta trở lại với Người.  Thánh Phao-lô nêu lên một thí dụ cụ thể:  cả Dân ngoại lẫn Do-thái đều được Thiên Chúa xót thương.  “Trước kia anh em (Dân ngoại) đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót;  họ (Ít-ra-en) cũng thế:  nay họ không vâng phục Thiên Chúa vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót”.  Như thế cả Dân ngoại lẫn Do-thái đều có những điểm chung, là “tội không vâng phục Thiên Chúa”, nhưng vẫn “được Thiên Chúa thương xót”.  Chỉ có điều khác nhau là thời gian:  trước kia và nay.  Nhưng điều khác nhau này lại cho ta thấy đặc tính lòng thương xót của Thiên Chúa là “muôn năm vững bền” (Tv 135).

          Lòng thương xót của Thiên Chúa đã biến đổi thân phận con người.  Trước hết thánh Phao-lô gọi sự biến đổi này là “từ cõi chết bước vào cõi sống”.  “Không vâng phục” gợi lại cho ta sự kiện nguyên tổ A-đam đã không vâng phục Thiên Chúa mà phạm tội, cho nên tội lỗi đã đi vào trần gian và “tiền công của tội lỗi là sự chết”.  Kể từ đấy, nhân loại sống trong cõi chết.  Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện qua Chúa Ki-tô đã chiến thắng thần chết và đem lại sự sống cho tất cả những ai đón nhận ơn cứu độ nơi Chúa Ki-tô.  Nói khác đi, lòng thương xót của Thiên Chúa đưa nhân loại “từ cõi chết bước vào cõi sống”.  Để kết luận về lòng thương xót của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đưa ra một nhận định thật dí dỏm và cũng vô cùng sâu sắc.  Ngài nói:  “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.  Ai dám nói mắc tội tổ tông là sự mất mát hay thiệt thòi to lớn?  Không phải vậy đâu, vì nếu ta không bị “giam hãm trong tội không vâng phục”, tức là không mắc tội tổ tông, thì làm sao ta biết được Thiên Chúa thương xót nhân loại dường ấy.  “Ôi!  Tội A-đam quả là cần thiết, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Ki-tô.  Ôi!  Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này!” (Công bố Tin Mừng Phục Sinh, đêm Canh thức Vượt Qua).

3.  Chúa Giê-su thể hiện lời hứa mở rộng ơn cứu độ cho muôn dân (bài Tin Mừng – Mt 15:21-28)

          Chúa Giê-su đến để hoàn tất những điều các ngôn sứ đã loan báo.  Người rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thực hiện những phép lạ để biểu tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, ưu tiên cho dân Ít-ra-en, nhưng đặc biệt lần này gặp gỡ người đàn bà Ca-na-an, Người sẽ thực hiện lời tiên báo của ngôn sứ I-sai-a.  Người không loại bỏ Dân ngoại, trái lại, Người luôn tiếp đón những ai đến với Người, thí dụ viên đại đội trưởng người Rô-ma (Mt 8:5-10.13; Lc 7:1-10; Ga 4:46-54), người cùi trong đám mười người được chữa lành (Lc 17:11-19).  Chẳng những tiếp đón họ, đôi khi Chúa Giê-su còn lui tới miền đất của Dân ngoại.  Nếu như Người thực sự muốn loại bỏ Dân ngoại, thì việc gì Người phải lui tới như vậy.  Chẳng lẽ trong đất Ít-ra-en không có chỗ cho Người nghỉ chân hay sao.  Thực vậy, Chúa Giê-su lui tới đất Dân ngoại để chờ đợi, như Người đã chờ và gặp gỡ người phụ nữ Sa-ma-ri.  Hôm nay, Người “lui về miền Tia và Xi-đôn” cũng là để nghỉ ngơi và chờ đợi.  Người đàn bà Ca-na-an đến gặp Chúa Giê-su, mang theo nỗi khổ đau của người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám hành hạ.

          Dĩ nhiên đây là câu truyện phép lạ chữa lành, được mô tả với những chi tiết khiến ta có thể quá chú ý tới cách cư xử của Chúa Giê-su hoặc của người đàn bà Ca-na-an mà coi nhẹ mục đích chính của câu truyện là Chúa tán dương đức tin của một người Dân ngoại.  Trước hết là lời xưng hô của người đàn bà Ca-na-an:  Lạy Ngài là con vua Đa-vít.  Xưng hô như thế, người đàn bà đã xác tín sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Làm sao một người Ca-na-an lại có thể tôn trọng và xưng tụng một người Do-thái như thế nếu bà không thực tâm nhìn nhận thế giá của Chúa Giê-su?  Chúa biết lòng tin của bà, nhưng Người cũng muốn cho những người chung quanh biết lòng tin ấy.  Do đó, Người chủ ý tạo cơ hội để bà nói lên tất cả lòng tin kính đối với Người, cũng là cách để giúp những kẻ khác thêm lòng tin vào Người.  Những lời thân thưa của bà còn cho ta thấy những yếu tố căn bản của đức tin.  Về phía Chúa, uy thế của Chúa cần phải được nhận biết;  về phía ta, sự khiêm tốn là nền tảng để ta nhìn nhận uy quyền của Chúa.  Cho nên ta càng hết lòng khiêm tốn thì đức tin càng mạnh, chứ không phải vì ta hiểu biết.  Lòng tin của người đàn bà Ca-na-an mạnh là vì bà nhìn nhận quyền năng dấu ẩn của Chúa, mặc dù theo văn hóa và tôn giáo người Ca-na-an họ không thể nhìn nhận quyền năng ấy.  Lòng tin mạnh mẽ của bà biểu lộ rõ rệt theo mức độ khiêm tốn của bà, từ việc bà van xin mà Chúa cứ làm lơ như không thèm tiếp cho đến lúc bà chấp nhận mình ngang hàng với chó má.  Chúa quả thực là Đấng quyền uy, nên ta có là thân chó thì càng làm tăng thêm thế giá của Người và càng đáng cho Người xót thương.  Lời cầu “xin dủ lòng thương tôi!” là lời cầu phát xuất từ đáy con tim khiêm tốn và chứng tỏ lòng tin lớn lao của bà.  Chúa cho bà cơ hội tuyên xưng lòng tin và Người nhìn nhận lòng tin của bà.  Người không chỉ nói với riêng bà, nhưng nói với tất cả đám đông chung quanh:  “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”  Bà đã tuyên xưng lòng tin Chúa trước mặt mọi người thì Chúa cũng tuyên dương lòng tin của bà trước mặt mọi người.

4.  Sống Lời Chúa

          Tính phổ quát của ơn cứu độ phải là điều đặc biệt cho ta suy nghĩ, xác tín và cảm tạ Thiên Chúa.  Nếu Chúa không “dủ lòng thương ta” thì ta sẽ mãi mãi ngồi trong bóng tối sự chết và bị tội lỗi thống trị.  Qua ngôn sứ I-sai-a và nhất là qua Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã xác nhận rõ ràng tính phổ quát của ơn cứu độ Người ban cho nhân loại vì lòng xót thương.  Cùng với thánh Phao-lô, ta tin chắc rằng:  “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý”.  Người ban ơn và kêu gọi ta qua Chúa Ki-tô Con Một Người.  Nhưng ơn cứu độ ấy có được ta đón nhận hay không thì còn do quyết định của ta.  Chúa khởi sự, ta đáp lại và cộng tác.  Nếu ta cứ tiếp tục đáp lại, ân sủng Người sẽ giúp ta hoàn tất.

Suy nghĩ:  Nhiều lần tôi cầu xin Chúa điều này điều nọ, “nhưng Người không đáp lại một lời”.  Vậy lòng tin mạnh mẽ của người đàn bà Ca-na-an dạy tôi điều gì trong những trường hợp như thế?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa, xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 20 mùa Thường niên)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà