Chúa Nhật 23 mùa Thường niên, A

 

          Con đường người môn đệ Đức Ki-tô phải đi là con đường thập giá, qua đau khổ tiến đến vinh quang.  Tuy nhiên đối với cuộc sống cộng đồng, nhất là trong những tương quan với anh chị em, môn đệ Đức Ki-tô phải phản ảnh một góc cạnh vô cùng độc đáo của lối sống Ki-tô, đó là giúp đỡ và nhắc nhở anh chị em trở nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn, hay nói khác đi, đó là giúp anh em sửa đổi những lỗi lầm.  Tác vụ ngôn sứ của Chúa Ki-tô làm cho Người trở thành người anh cả nhắc bảo sửa dạy đàn em nhân loại.  Động lực duy nhất khiến Người thẳng thắn chỉ vạch những lỗi lầm sai trái của nhân loại là vì tình yêu.  Những điểm này đã được Lời Chúa trong Phụng vụ Thánh Lễ hôm nay trình bày.

1.  Tác vụ ngôn sứ là giúp người khác sửa đổi nên hoàn thiện (bài đọc Cựu Ước – Ed 33:7-9)

          Trước kia ngôn sứ được gọi là tiên tri.  Ngày nay ta sử dụng từ ngôn sứ để tránh hiểu lầm các ngài là những người chỉ “nói tiên tri” hoặc báo trước những điều sắp xảy tới.  Dĩ nhiên nói tiên tri là một phần của tác vụ ngôn sứ, nhưng chủ yếu là các ngài chuyển sứ điệp của Thiên Chúa đến cho người khác, các ngài “nói thay” cho Thiên Chúa.  “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33:7).

          Nội dung các sứ điệp thường là những điều mời gọi dân Chúa sửa đổi cách sống, cải tà quy chính, từ bỏ tà thần để quay lại với Thiên Chúa.  Do đó, khi trình bày những sứ điệp này, vị ngôn sứ chẳng khác gì “người canh gác cho nhà Ít-ra-en”, báo động cho dân chúng biết nguy cơ sụp đổ, chết chóc, tiêu diệt họ sẽ phải chịu nếu không thực hành điều chính trực Thiên Chúa chỉ dạy.  Khi Thiên Chúa kêu gọi ai làm ngôn sứ thì Người trao cho họ nhiệm vụ “canh gác” đó và họ phải “nói để cảnh cáo kẻ gian ác từ bỏ con đường xấu xa”.  Nói là bổn phận của vị ngôn sứ, còn nghe và thi hành là bổn phận của kẻ gian ác.  Người canh gác có bổn phận phải la to lên để cảnh báo kẻ gian ác, còn kẻ gian ác có chịu nghe hay không thì đó là trách nhiệm của nó.  Bất cứ ai không chu toàn bổn phận của mình, ngôn sứ cũng như kẻ gian ác, đều bị trừng phạt, là “phải chết”.  Đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, bài đọc 1 của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đã mô tả tác vụ giúp người khác sửa đổi đời sống là tác vụ chính ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã thi hành.  Đọc sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, hầu như ta chỉ thấy những việc “hạch tội”, nhất là tội Giê-ru-sa-lem và Sa-ma-ri đã bất trung cùng Thiên Chúa mà theo các thần ngoại.  Ngài đã chu toàn tác vụ của ngài.

          Hình ảnh ngôn sứ Ê-dê-ki-en được áp dụng cho Chúa Giê-su, vị Đại Ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến trần gian để nói với nhân loại chứ không phải chỉ để nói thay cho Thiên Chúa.  Chúa Giê-su là chính Lời của Thiên Chúa, khác với các ngôn sứ là lời của loài người được Chúa dùng để chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa (Dt 1:1).  Chúa Giê-su đến trần gian để giúp nhân loại thay đổi tận gốc rễ, từ căn tính cho đến lối sống và số phận tương lai.  Người được Thiên Chúa đặt làm “người canh gác” cho nhà Ít-ra-en Mới.  Lời rao giảng đầu tiên của Người trong tác vụ ngôn sứ là:  “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1:15).  Trong suốt thời gian rao giảng, Chúa Giê-su đã kêu gọi người ta thay đổi tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau.  Tất cả phải lấy tình yêu làm căn bản để hành xử, giữ Lề Luật vì yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân, kể cả việc sửa lỗi anh em cũng phải lấy tình yêu làm động lực.  Thi hành tác vụ ngôn sứ, Chúa Giê-su đã đặc biệt đến với những người tội lỗi để giúp họ quay về đường chính nẻo ngay.  Người tiếp đón họ với tình yêu nồng nhiệt, bất chấp những lời kết án của nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.  Tóm lại, Người đã làm đủ cách để giúp người ta sửa đổi, bằng lời giảng, gương sáng và đôi khi bằng những lời tố cáo thẳng thắn.  Cũng chính vì nói thẳng và nói thật, Người đã phải chịu những chống đối đưa dần tới cái chết khổ nhục.

2.  Động lực khiến ta giúp anh em sửa đổi là tình yêu (bài đọc Tân Ước – Rm 13:8-10)

          Giúp người khác sửa đổi là một phần của tác vụ ngôn sứ.  Nhưng giúp người khác sửa đổi phải là do động lực chính đáng.  Nhiều khi ta “sửa lưng” người khác là vì tức tối bực bội, hoặc tệ hơn nữa là muốn hạ nhục họ cho bõ ghét, nhất là khi ta sống trong một cộng đoàn và không thể tránh khỏi những va chạm cá nhân hoặc tập thể.  Ta thường bị lôi kéo giữa hai điều:  một đàng phải thi hành tác vụ ngôn sứ để giúp người khác sửa đổi trong tinh thần yêu thương, đàng khác ta dễ bị tính kiêu căng hoặc ganh ghét xúi giục ta làm cho người khác phải thua kém ta.  Nếu không có lòng yêu thương đích thực, ta sẽ biến việc sửa lỗi anh chị em thành việc nói hành nói xấu hoặc làm cho họ mất mặt trước những người khác.  Vì tầm quan trọng của động lực yêu thương nên thánh Phao-lô không ngần ngại gọi yêu thương là “món nợ tương thân thương ái”.  Ngài còn quả quyết về hiệu năng của lòng yêu thương:  “Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8).  Tiếp theo, ngài đan cử một số lề luật liên quan đến việc yêu người và không làm hại người khác, thí dụ không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp hoặc ham muốn…  Cuối cùng ngài nêu lên một nguyên tắc luân lý nói chung, đồng thời sẽ được áp dụng đặc biệt trong việc sửa lỗi anh chị em, là:  “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại” (Rm 13:10).

          Chắc chắn đây là nguyên tắc luân lý cần thiết nhất ta phải theo mỗi khi thi hành tác vụ ngôn sứ để sửa lỗi anh chị em.  Mỗi lần ta muốn giúp người khác sửa đổi, điều trước tiên là ta phải tự hỏi mình:  tôi làm điều này vì lòng yêu thương đích thực hay vì ý nào khác?  Lòng yêu thương giúp ta nhận ra mục đích của việc sửa lỗi, nhưng lòng yêu thương ấy cũng phải giúp ta biết chọn lựa phương tiện hoặc cách thức nào để “nói” với anh chị em mà vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp.  Tóm lại việc sửa lỗi anh chị phải tuyệt đối đặt trên nền tảng yêu thương, là điều Chúa Ki-tô đã thi hành trong suốt sứ mệnh cứu độ của Người.

3.  Thực hành việc sửa lỗi anh chị em (bài Tin Mừng – Mt 18:15-20)

          Để giúp các môn đệ thi hành hữu hiệu tác vụ ngôn sứ giúp anh chị em sửa đổi, Chúa Giê-su đã cho họ những lời khuyên vô cùng thực tế.  Trước hết, sửa lỗi anh chị em là một bổn phận. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”.  Đó là mệnh lệnh, chứ không phải là việc ta muốn làm hay không tùy ý.  Nhưng sửa lỗi như thế nào đây?  Chắc chắn không phải là đùng đùng nổi giận, gặp ngay anh chị em rồi mắng sa sả họ trước mặt người khác cho họ chừa!  Nhưng có từng bước khác nhau phải lần lượt theo thì mới bảo toàn được lòng yêu thương.  Bước thứ nhất là giữa ta với người cần sửa đổi.  Nếu không thành công, bước thứ hai sẽ là giữa một nhóm vài ba người với người cần sửa đổi.  Bước cuối cùng là giữa cộng đoàn với người cần sửa đổi.  Tiến theo từng bước như vậy trước hết giúp cho người cần sửa đổi khỏi bị mất danh dự, đồng thời dễ nhận ra được động lực yêu thương nơi người giúp họ sửa đổi.  Tuy nhiên, việc thêm người từ một người đến hai ba người rồi đến cả cộng đoàn không được trở thành một thứ áp lực, trái lại là cơ hội để người cần sửa đổi nhận ra tình thương mỗi lúc một tăng thêm từ một cộng đoàn gồm những người sống giới răn yêu thương của Chúa.  Việc sửa lỗi anh chị em là một hành vi yêu thương, cho nên nếu người cần sửa đổi biết nghe và hối cải thì đó cũng là hành vi đáp lại tình yêu thương của anh chị em hoặc cộng đoàn dành cho mình.

          Song song với phương cách gặp gỡ người có lỗi để giúp họ sửa đổi, còn một điều ta cần làm trong việc sửa lỗi anh em, đó là cầu nguyện.  Cầu nguyện giúp ta biết hành động theo ý Chúa.  Cầu nguyện khi sửa lỗi anh chị em sẽ giữ vững động lực yêu thương để ta hành động theo tinh thần yêu thương.  Sau hết, cầu nguyện làm cho việc sửa lỗi được thành công, bởi vì việc thay lòng đổi dạ không phải là do áp lực, nhưng còn do ơn thánh Chúa tuôn đổ vào tâm hồn người sửa lỗi cũng như người cần phải sửa đổi.  “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20).  Sự hiện diện của Chúa trong việc sửa lỗi anh chị em biến việc ấy thành một việc đạo đức và thiêng liêng, vượt trên cả luân lý bình thường của người đời.

4.  Sống Lời Chúa

          Sửa lỗi anh chị em là một trong những việc thuộc tác vụ ngôn sứ.  Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ta lãnh nhận chức năng vương giả, tư tế và ngôn sứ của Chúa Giê-su.  Thi hành chức năng ngôn sứ trong việc giúp anh chị em sửa đổi, ta có nguyên tắc động lực yêu thương mà thánh Phao-lô nhắc nhở, nhất là phương cách thực tế Chúa Giê-su đã dạy ta theo từng bước.  Dục tốc bất đạt, sửa lỗi anh chị em cần phải kiên nhẫn đi theo từng bước một, vì  “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc…” (1 Cr 13:4tt).  Có như vậy, việc sửa lỗi không còn là việc nặng nề ta ngại làm hoặc trở nên tồi tệ hơn, trái lại là cơ hội để những người anh chị em con cái Chúa giúp nhau nên hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng thiện hảo.

Suy nghĩ:  Xét lại cách tôi đã sửa lỗi người khác, từ người trong gia đình tới bạn bè bên ngoài.  Tôi có lấy lòng yêu thương làm động lực duy nhất không?  Hay vì những ý đồ khác?  Có khi nào tôi đã thực sự cầu nguyện cho những người anh chị em cần sửa đổi chưa?  Trong gia đình, tôi có bắt chuớc thánh nữ Mô-ni-ca, cầu nguyện và kiên nhẫn để sửa dạy con cái không?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa là Thiên Chúa tình yêu, xin dùng Thánh Thần Tình Yêu của Chúa mà biến đổi tâm hồn chúng con.  Xin cho tư tưởng của chúng con phù hợp với tư tưởng của Chúa.  Bấy giờ, đối với anh em cũng như đối với Chúa, chúng con sẽ chỉ có một mối tình.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu xin ơn bác ái).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

5-9-2008

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà