DÂN THIÊN CHÚA

Chúa Nhật 23A Thường Niên

 

 

Tin Mừng hôm nay đi vào thực tế của đời sống cộng đoàn.   Những giải pháp Tin Mừng đưa ra để giải quyết những tranh chấp đều nằm trong chiều hướng giáo huấn của Đức Giêsu.

 

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

 

Tương quan giữa các phần tử chung sống trong Giáo Hội Dân Chúa không đơn giản.  Không thể hi sinh cá nhân cho cộng đoàn.   Cũng không thể hi sinh cộng đoàn cho cá nhân.  Chính vì thế, nếu muốn sống Tin Mừng, cần nhạy cảm trước những tình cảm tha nhân.  “Chỉ với sự tế nhị và quan tâm đó, người ta mới có thể sống chung trong gia đình Thiên Chúa do Đức Giêsu qui tụ.” (The New Interpreter’s Bible 1995:vol.viii, 378)   Dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đưa ra đường lối giải quyết vừa bảo vệ quyền bính lẫn quyền lợi cá nhân.  

Quả thế, nếu không giải quyết những tranh chấp giữa các phần tử một cách khéo léo, Giáo Hội có thể bị phân hóa.   Tiến trình giải quyết những mâu thuẫn cần phải được tuân thủ chặt chẽ.    Đường lối thiên lệch chỉ  biết lắng nghe một chiều.   Không phải bất cứ lỗi lầm nào cũng có thể công bố cho cộng đoàn.   Vấn đề sẽ ra nghiêm trọng, vì chạm tới tự ái của cá nhân.   Đường lối đơn giản nhất là phải tôn trọng danh dự của người anh em.   Bởi thế, Đức Giêsu mới nói : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” (Mt 18:15)  Không tuân theo tiến trình này, nhiều người đã mất khôn ngoan.  

Dĩ nhiên cũng có những phần tử ương ngạnh, chống đối quyền bính và cộng đoàn.   Dùng đường lối tình cảm cũng không chinh phục được họ.   Muốn giải quyết vấn đề, cũng không thể dùng quyền bính trấn áp.   Sự thật sẽ được hé lộ dần dần qua “lời hai hoặc ba chứng nhân.”  (Mt 18:16)  Nếu công khai hóa lầm lỗi anh em nhanh quá, chắc chắn họ sẽ mất mặt.   Bởi đó, cần phải có thời gian mới giải quyết ổn thỏa và cứu vãn được quyền lợi cá nhân lẫn cộng đoàn.   Vội vã chỉ gây bất mãn và chia rẽ mà thôi !

Có những cá nhân quá mù quáng không muốn chấp nhận bất cứ một tiêu chuẩn khách quan nào.  Đối với họ, nhân chứng chỉ là những người hùa theo quyền bính. Họ không chấp nhận bất cứ một phán quyết nào, vì nghĩ rằng mỗi người có một lối sống và tiêu chuẩn riêng.  Bao giờ họ cũng vỗ ngực tự xưng là duy nhất đúng và bắt mọi người phải tôn trọng.  Làm sao có thể thuyết phục những phần tử như vậy trong khi Giáo Hội không thểù dùng những phương tiện chế tài như  chính quyền ?

Giáo Hội không thể là một đám “cá đối bằng đầu”.   Giáo Hội phải cóù quyền bính.   Nếu không, sẽ không bao giờ giải quyết được những mâu thuẫn.   Thật vậy, chính Đức Giêsu đã hứa : “Dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới dất anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 18:18)   Nếu còn đức tin, chắc chắn họ phải nghe theo Giáo Hội.   Người ta có thể xin Giáo Hội can thiệp vào những trường hợp tranh chấp giữa các phần tử trong cộng đoàn Giáo Hội.  Nhưng đó chỉ là giai đoạn cuối cùng trong tiến trình phức tạp mà thôi.

Nhưng nếu không còn đức tin, chắc chắn người phạm lỗi cũng chẳng vâng nghe Giáo Hội.  Lúc đó họ được coi “như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18:17)  Đúng hơn, họ bị loại ra khỏi Giáo Hội.  Trong quá khứ, Giáo Hội đã đưa ra nhiều phán quyết dựa trên quyền bính quá mức, chứ không theo tiêu chuẩn Tin Mừng.   Thật vậy, nhiều vị cao cấp trong Giáo Hội đã không kiên nhẫn và khôn ngoan đủ để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề trước khi đưa ra phán quyết.  “Quyền cầm buộc và tháo cởi” không bảo đảm sự thật luôn luôn ở phía những người cầm quyền.   Do đó, nếu đòi các phần tử cộng đoàn phải có đức tin, chẳng lẽ những người cầm quyền trong Giáo Hội không cần phán đoán theo Tin Mừng ?   Như thế có phải lạm dụng lòng tin của Dân Chúa không ?

Sự căng thẳng giữa cấp thừa hành và người thi hành quyền bính đời nào cũng có.   Nếu “sống đời Kitô hữu là sống liên kết thành cộng đoàn,” (The New Interpreter’s Bible 1995:vol.viii, 379)  thì “cộng đoàn không những có sứ mệnh giữ gìn và hòa giải một phần tử đi hoang với cộng đoàn, nhưng còn duy trì sự toàn vẹn của cộng đoàn như dân Thiên Chúa thánh thiện, sống dựa trên giao ước tình yêu.” (The New Interpreter’s Bible 1995:vol.viii, 379)  Chính giao ước tình yêu nhắc nhở “anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8)  Tất cả chỉ vì tình yêu là mối dây ràng buộc độc nhất giữa các phần tử và là sức mạnh giải quyết mọi vấn đề.   “Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu đều liên hệ tới tình trạng luân lý của mỗi phần tử, và với tinh thần thương yêu và tha thứ cộng đoàn can thiệp để thực thi công tác mục vụ hơn là chỉ cố vấn mà thôi.”  (The New Interpreter’s Bible 1995:vol.viii, 379)  Các người lãnh đạo Giáo Hội cũng được Thiên Chúa đặt “làm người canh gác cho nhà Israel” (Ed 33:7) mới của Đức Giêsu.  Cũng như ngôn sứ Eâdêkien, họ luôn nhớ lời Chúa : “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Ed 33:7)   Nhiều vị đại diện Thiên Chúa quên mất vai trò đích thực của mình và không còn khả năng nghe lời Chúa nữa.   Bởi thế, nếu lắng nghe lời Chúa, họ sẽ phải cẩn thận tuân hành tiến trình xét xử để tránh những hành vi độc đoán và hấp tấp.   Tin Mừng tránh cho người lãnh đạo khỏi thiên vị và hành động vội vã, cộng đoàn khỏi xáo trộn cực độ và bị xoi mòn dần vì những đối kháng không giải quyết được (xc. Paul S. Minear, Mathew : The Teacher’s Gospel, 102).

Quyền bính rất cần để duy trì sự hiệp nhất Giáo Hội.    Thế nhưng Giáo Hội tồn tại không phải chỉ nhờ kỷ luật.   Trước tiên, Giáo Hội là cộng đoàn cầu nguyện.   Cầu nguyện là sức mạnh giữ vững Giáo Hội.   Cầu nguyện bảo đảm cho Giáo Hội và nhân loại sự hiện diện sung mãn và trợ lực cần thiết của Thiên Chúa.   Thật vậy, “nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ  ban cho.   Vì ở đâu có hai  ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:19-20)  Không ngờ một số người nhỏ bé đó có thể làm thành một cộng đoàn cầu nguyện, thu hút được sự quan tâm của Thiên Chúa.   Số người nhỏ bé dễ dàng tìm thấy ngay trong cảnh gia đình, “một đối tượng đang bị đe dọa và tấn công từ các trào lưu tư tưởng, luật pháp, phong tục, lối sống và hành vi tượng trưng cho những thách đố lớn lao và đang nỗ lực phá hủy và làm biến dạng gia đình.” (Đức Hồng y Giovanni Battista Re : Zenit 4.9.2002)  Bởi vậy, khi phân tích đề tài “Hoàn cảnh và Viễn tượng gia đình tại Mỹ Châu”, ĐHY Giovanni Battista Re nói việc ưu tiên chăm sóc mục vụ gia đình có tính cách quyết định tương lai Phúc âm hóa và chính nhân loại.(Zenit 4.9.2002)

ĐHY nói tiếp : “trước cơn đại hồng thủy duy vật và khoái lạc … chỉ còn niềm hi vọng cứu độ duy nhất là sự thánh thiện của gia đình.” (Zenit 4.9.2002)   Sự thánh thiện đó tìm thấy trong cảnh gia đình sum họp trước bàn thờ cầu nguyện và trong cuộc sống tràn ngập tình yêu của mọi phần tử trong Giáo Hội tại gia đó.


 Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP