CANH THỨC

Chúa Nhật 1A Mùa Vọng

 

 

Sau biến cố 11/9/2001, Hoa Kỳ hầu như luôn đặt trong tình trạng báo động.   Dân Mỹ trở nên tỉnh thức hơn trước những mưu mô phá hoại của những kẻ khủng bố.  Nước Mỹ phải chi hàng tỉ Mỹ kim mới có thể đề phòng và ngăn ngừa được khủng bố kiếm được sự bình an.   Trước những lo lắng về tương lai, Đức Giêsu cũng kêu gọi các Kitô hữu “hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44)

 

CĂNG THẲNG.

 

Đức Giêsu đã dùng hai hình ảnh lịch sử và thực tế để mô phỏng về “ngày Con Người quang lâm.” (Mt 24:37)   Lịch sử Kinh Thánh tả lại sinh hoạt “trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu.   Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.” (Mt 24: 38-39)   Số phận cuối cùng đã được định đoạt trong nháy mắt.   Ai cũng biết cuộc đời mình phải có lúc kết thúc, nhưng không biết lúc nào.   Chính sự vô tri đó đã khiến cho họ có thể nhởn nhơ vui chơi với hiện tại và xây dựng lâu đài tình ái cho tương lai.

Biến cố kinh hoàng đó vẫn không chấm dứt niềm hi vọng, vì số người được cứu không nhỏ.  Thật vậy, “bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” (Mt 24:40-41)   Người được đem đi là người được cứu độ.  Tại sao một hoàn cảnh lại có thể sinh ra hai số phận khác nhau như vậy ?  Thế mới hay hoàn cảnh không thể quyết định cho bằng thái độ bên trong, tức là niềm tin đích thực của con người.   Niềm tin đó cũng là một bí ẩn đối với con người.  Mặc dù niềm tin chưa đủ, nhưng cũng giúp con người có thể tỉnh thức trước biến cố lớn lao cuộc đời.  Vì đối tượng của niềm tin chính là Con Người hay Chúa của vận mệnh chúng ta.  Niềm tin đó sẽ đặt con người trong sự căng thẳng giữa hiện tại và tương lai khi “Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44)  Chính sự căng thẳng đó sẽ giúp con người canh thức chờ mong giờ phút “Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24:42)  Không có đức tin đó, người ta không biết chờ đợi, không biết tỉnh thức.  Họ thỏa mãn với những giây phút hiện tại.   Họ không có tương lai để chờ đợi.  Nếu có, tương lai đó chỉ là những tiện nghi vật chất hay danh vọng nhất thời.  Đó là những thứ không có bề dầy lịch sử và chiều sâu niềm tin.

Nếu suy nghĩ sâu xa hơn, con người sẽ thấy mình không thể ngủ yên trước những căng thẳng chờ đợi “Con Người sẽ đến.”   Căng thẳng đó không làm xáo trộn cuộc sống.  Trái lại, “Con Người sẽ đến để cứu những gì đã mất” (Lc 19:10) vì tội lỗi nhân loại.  Tội lỗi vì con người không tỉnh thức trước những mưu mô phá hoại của kẻ thù.   Bao giờ hết kẻ thù, mới có bình an.  Chỉ có bình an thực sự “trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12:33)   Bao lâu còn sống nơi trần thế, con người cần sống trong tư thế của người chủ nhà, “phải canh thức, không để kẻ trộm khoét vách nhà mình.” (Mt 24:43)   Nếu hớ hênh để kẻ trộm lẻn vào trong nhà, tất nhiên tài sản và mạng sống sẽ bị đe dọa.  Nguy hiểm khôn lường !   Chỉ có tỉnh thức mới ngăn ngừa nổi những mất mát lớn lao đó !

Tỉnh thức không những tránh được những tai họa, nhưng còn bảo vệ gia đình hướng tới một tương lai tốt đẹp.   Bởi vậy, đứng trước niềm hi vọng lớn lao, “anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:44)   Chúa đến để đem theo ân thưởng là ơn cứu độ.   Người ta có thể mất phần thưởng đó, nếu để giây phút đó vụt qua !   Vậy phải làm gì để có thể tỉnh thức sẵn sàng chờ mong Chúa đến ?   Trước hết, cần phải nhớ “hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo.  Đêm sắp tàn, ngày gần đến.   Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.” (Rm 13:11-12)    Những việc làm đen tối tức là những hành vi “chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương, chiều theo xác thịt mà thỏa mãn dục vọng.” (Rm 13: 13.14)   Những hành vi đó phát xuất từ thái độ sống ích kỷ.   Trái lại, những “vũ khí của sự sáng” là những hành vi công chính và bác ái.   Tóm lại, muốn tỉnh thức, “chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày,” (Rm 13:13) sống như “con cái ánh sáng.” (Lc 16:8)

“Con cái ánh sáng” (Lc 16:8) “sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12) là chính Đức Giêsu, vì Người “là ánh sáng thế gian.” (Ga 8:12)   Trên trần gian, mọi người đều có thể nhận được “ánh sáng của Đức Chúa” (Is 2:5) là Đức Giêsu Kitô.   Người đến để “soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.” (Lc 1:79)   Bởi thế, cần tìm về với Người để sống bình an.   Chỉ những người sống trong ánh sáng mới có thể canh thức để kịp thời đón nhận nguồn sống và nguồn sáng là Đức Giêsu Kitô.

 

NHỮNG NGƯỜI CANH THỨC.

 

Đức Giêsu không phải là kẻ trộm. Nhưng Người sẽ đến như kẻ trộm. Người không dấu giếm sự thật về việc Người đến, mặc dù ngày giờ vẫn bí mật. Nghe lời Người, nhiều người đang ráo riết chuẩn bị để kịp thời đón Chúa. Vậy ai là những người đang canh thức ngày đêm để xứng đáng lãnh nhận hồng ân Thiên Chúa trong ngày trọng đại đó ?

Đã đến lúc “ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.” (Is 2:3)   Chỉ trong Nhà Chúa mới có đủ phương tiện canh thức, chờ mong Chúa đến, vì “núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.” (Is 2:2)  Từ đó mới có ưu thế quan sát mọi kẻ thù đang vây bủa chung quanh.   

Ngày nay, có đủ loại kẻ thù đang tấn công dân Chúa.  Nếu không có những giáo huấn khôn ngoan, những nguyên tắc luân lý vững chắc và đức tin sáng suốt, Giáo hội không thể giúp dân Chúa tỉnh thức trước những thách đố của thời đại. Ví dụ, làm sao dân Chúa có thể vẫn trung thành với Giáo hội trong khi dấn thân đối thoại với các tôn giáo khác.  Làm sao có thể canh thức giữa đêm đen trần gian với bao nhiêu thử thách trong ngoài ?  Làm sao vẫn tin Chúa yêu thương tuyệt đối giữa bao đau khổ giày vò tinh thần và thể xác ?   Làm sao vẫn có thể giữ vững lập trường trước những phong trào nữ quyền quá khích ?

Muốn đứng vững giữa bao nhiêu thách đố thời đại đó, cần phải có nguồn ân sủng lớn lao là Đức Kitô.   “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)   Chỉ một mình Người mới có thể ổn định mọi sự trong bình an của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ có “bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.” (Cl 3:15)   Sự bình an đó chỉ có thể chiếm được sau những ngày giờ canh thức trong căng thẳng của đức tin. Có canh thức, mới thấy cái giá phải trả cho sự bình an.  Chính vì thế, trong những giờ phút này, tổng thống Bush đang khuyến cáo dân Mỹ canh thức.   Những ngày tháng rất  khó khăn đang chờ đợi trước mặt.   Riêng trong giới Công giáo, mức canh thức của có thể tính theo thống kê. Chẳng hạn, theo Catholic World News (16/11/2001), tại Hoa kỳ, chừng năm mươi tư phần trăm đi lễ hằng tuần, tám phần trăm dự lễ hằng ngày. Giới già ( 50 đến 64 tuổi) dự lễ hằng tuần nhiều hơn giới trẻ (25-34 tuổi) : 49-43%. Hơn hai phần ba người Công giáo còn cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, phá thai là sai lầm và nhiều người đồng ý đồng tính luyến ái là vô luân.   Bốn mươi tư phần trăm cho rằng thụ thai trong ống nghiệm là vô luân. Sáu mươi mốt phần trăm cũng cho rằng việc nghiên cứu tế bào gốc là sai lầm. Từ sau biến cố 11/9/2001, một phần tư những người Công giáo sống đức tin mạnh hơn. Thực tế chắc chắn còn lâu mới biết được mức độ canh thức của toàn thể dân Chúa.

(Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà