Chúa Nhật II mùa Vọng, A

 

          Phụng vụ Lời Chúa tuần trước cho ta một cái nhìn chung kế hoạch cứu độ Chúa sẽ thực hiện để đưa nhân loại tội lỗi về với Người.  Người muốn tái lập sự bình an trong quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau.  Các bài đọc ngày thường trong tuần thứ nhất mùa Vọng đã quảng diễn chủ đề trên.  Bài đọc I (ngôn sứ I-sai-a) dùng những hình ảnh khác nhau để diễn tả Triều Đại mới đầy bình an và niềm vui của Dân mới.  Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giê-su thi hành sứ vụ cứu thế, biểu tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa trước những khát vọng và những đau khổ của nhân loại.  Một tuần lễ chỉ tạm đủ để giới thiệu đề tài về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Bước sang tuần II mùa Vọng, Phụng vụ Lời Chúa chú tâm đặc biệt tới vai trò của Chúa Giê-su Ki-tô trong việc thực hiện kế hoạch ấy.

1.  “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người” (bài Tin Mừng)

          Mỗi bài đọc nói về một khía cạnh đặc biệt vai trò của Chúa Giê-su.  Trước hết ta bắt đầu với bài Tin Mừng.  Thông thường ta hay chú trọng tới vai trò của ông Gio-an Tẩy giả qua bài Tin Mừng hôm nay.  Nhưng nếu đọc cả ba bài đọc, có lẽ ta sẽ có một cái nhìn khác, nghĩa là bài Tin Mừng thay vì đề cập tới vai trò của ông Gio-an thì lại đề cao vai trò của Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến để thi hành sứ vụ cứu độ.

          Tại miền Giu-đê, ông Gio-an xuất hiện như “tiếng người hô trong hoang địa”.  Như thế vai trò của ông không hơn không kém chỉ là một lời hô mà thôi.  Nhưng ông hô lên điều gì thì đó mới là điều quan trọng.  Vậy ông hô lên cho mọi người biết: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa… Đấng đến sau tôi thì quyền phép hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người”.  Xác nhận như thế, ông Gio-an bảo ta đừng chú ý tới ông, nhưng hãy chú ý đến Đấng ông rao giảng.  Nói với các môn đệ mình, ông còn vui vẻ nhìn nhận uy quyền của Chúa Giê-su một cách tuyệt đối:  “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:30).  Người Do-thái tự hào có tổ phụ Áp-ra-ham và vỗ ngực họ là con cháu ngài.  Nhưng đối với ông Gio-an, điều đó chẳng có nghĩa lý gì nếu đem so sánh Áp-ra-ham với Đấng Cứu Thế, vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham”.  Sau này, chính Chúa Giê-su đã xác nhận điều Gio-an nói khi Người nói với người Do-thái về nguồn gốc của Người:  “Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi.  Ông đã thấy và ông đã mừng rỡ… Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8:56-57).

          Điều mới lạ ông Gio-an Tẩy giả cho người Do-thái biết về Đấng Cứu Thế, là “Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Mt 3:11).  Ông làm phép rửa bằng nước, một cử chỉ biểu tượng để kêu gọi người ta sám hối, và phép rửa của ông chẳng rửa sạch được tội lỗi loài người.  Nhưng chỉ có phép rửa của Chúa Giê-su, rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa, mới có thể xóa sạch tội lỗi trần gian, đúng như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo về Người.

2.  Chúa Giê-su là Đấng đầy tràn Thần khí của Thiên Chúa (bài đọc Cựu Ước)   

          Qua cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a, Chúa Giê-su là Đấng tái tạo hòa bình, xóa bỏ mọi chia rẽ và đưa muôn loài muôn vật trở về trong sự hài hòa với nhau và với Thiên Chúa.  Nhưng để thực hiện sứ mệnh ấy, Người không thể chỉ hành động theo đường lối và khả năng con người, mà phải nhờ vào Thánh Thần.  Chính vì thế, “Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này:  thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2).  Ngôn sứ còn chỉ cho ta thấy một viễn tượng hòa bình mà con người hoàn toàn bất lực không sao thực hiện nổi.  Làm sao “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ… bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục… Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta”?  Những kẻ tội lỗi được ví như sói, beo, sư tử, rắn lục, hổ mang.  Nhưng Đấng Cứu Thế sẽ đến và “hơi miệng Người thở ra (thần khí) giết chết kẻ gian tà” (tội lỗi và ma quỷ) để tiêu diệt khả năng của tội lỗi và thần chết nơi ta, biến đổi ta từ những kẻ tội lỗi trở thành người công chính.

Chúa Giê-su đã thi hành sứ mệnh cao cả ấy khi Người “được đầy Thánh Thần” hoặc “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy”.  Người bênh vực ta như những người “thấp cổ bé miệng”, những kẻ nghèo hèn của Đức Chúa.  Tương đương với hình ảnh Đấng Cứu Thế theo ngôn sứ I-sai-a, chính Chúa Giê-su đã nói lên cùng một hình ảnh ấy khi Người tuyên đọc Sách Thánh trong hội đường Na-da-rét.  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4:18-19).  Suốt cuộc đời trần gian và thi hành sứ vụ cứu thế, Chúa Giê-su sống, hành động và rao giảng trong quyền năng Thánh Thần, kể từ lúc Mẹ Ma-ri-a mang thai Người do “Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ” (Lc 1:35) cho đến khi Người trao lại Thần Khí cho Đức Chúa Cha trên thập giá (Ga 19:30).

3.  Chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến (bài đọc Tân Ước và bài Tin Mừng)

          Thánh Gio-an Tẩy giả và ngôn sứ I-sai-a đã giới thiệu cho ta về Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế.  Người đến để cứu độ mọi người, Do-thái cũng như dân ngoại (Rm 15:8-9).  Đáp lại, “các dân tộc sẽ tìm kiếm Người và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang” (Is 11:10).  Việc cứu độ mang hai chiều kích:  một đàng Chúa đến với ta, đàng khác ta nghe tiếng Chúa mời gọi và đến với Người.  Con đường Chúa đến với ta là con đường yêu thương.  Tình yêu đã khiến Chúa “trút bỏ vinh quang” (Pl 2:7) từ trời đến với ta, thì tình yêu cũng phải là con đường đưa ta đến với Người.  Vậy con đường tình yêu đưa Chúa đến với ta và đưa ta đến với Chúa là con đường thế nào?

          Thánh Phao-lô nói lên một nét vô cùng độc đáo của tình yêu trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Rô-ma: yêu thương là đón nhận nhau.  Ngài viết:  “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em”.  Đón nhận không trừ ai, vì Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến với “những người được cắt bì” (Do-thái), thì Người cũng thương xót các dân ngoại để họ được “cất lời cảm ta, dâng điệu hát cung đàn mừng danh thánh Chúa”.  Định nghĩa này của thánh Phao-lô thật là đơn sơ, nhưng cũng thật là khó thực hiện.  Làm sao ta đón nhận nhau trong khi có biết bao khác biệt, bất đồng giữa ta với người khác.  Vì nghĩ rằng đón nhận nhau là chuyện không thể có, nên một ông triết gia người Pháp mới quả quyết “hỏa ngục là kẻ khác”!  Trái lại, thánh Phao-lô căn cứ vào nguyên lý Chúa Ki-tô đã đặt ra là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” để áp dụng vào việc đón nhận nhau:  Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em.  Ta tốt lành thánh thiện, Chúa đón nhận ta đã đành; nhưng ta xấu xa tội lỗi, Chúa vẫn đón nhận ta, như Người đã đón nhận những kẻ tội lỗi và thu thuế được kể lại thường xuyên trong sách Tin Mừng.

          Trở lại với bài Tin Mừng, ta được nghe những lời thẳng thắn của thánh Gio-an Tẩy giả kêu gọi ta “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.  Đối với ngài, muốn dọn đường tình yêu là phải sám hối một cách hữu hiệu.  Không phải là thứ sám hối trên môi miệng, nhưng là thứ sám hối sinh hoa quả tốt.  Tình yêu đích thực mới sinh được hoa quả tốt đẹp.  Thực là một thách đố to lớn khi ta phải thành thật tra vấn mình về lối sống yêu thương.  Nếu ta là một cây thiếu hoặc không có nhựa sống yêu thương, thì làm sao đời sống ta có thể nảy sinh quả tốt được.  Tra vấn để mà sám hối và sám hối để mà yêu thương.  Nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và Xa-đốc muốn đến nhận phép rửa của ông Gio-an như một thứ bùa phép, nghi thức bề ngoài để “trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, chứ không muốn thật lòng thay đổi và sống yêu thương để dọn đường đón nhận Đấng Cứu Thế.  Do đó, họ đã bị ông Gio-an thẳng thắn cảnh cáo.  Với ông Gio-an, sám hối có nghĩa là nếu ta không thực sự mến Chúa yêu người, thì giờ đây ta phải thay đổi lối sống ấy, nhìn thấy Chúa trong anh chị em và nhìn thấy anh chị em trong Chúa.

4.  Sống Lời Chúa

          Sứ mệnh của Chúa Giê-su là thiết lập một vương quốc an bình và yêu thương.  Người đến thi hành sứ mệnh ấy hoàn toàn dưới sự hướng dẫn và quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Tuy nhiên vương quốc an bình và yêu thương ấy phải được xây dựng ngay trong tâm hồn của mỗi người, bằng cách để cho Chúa Giê-su và Tin Mừng của Người đến thay đổi con người của ta.  Cuộc thay đổi nay không diễn ra trong nháy mắt hoặc trong một thời gian ngắn, nhưng là cả một tiến trình suốt cuộc đời.  Vì thế, mỗi ngày ta hãy chuẩn bị cho Chúa đến bằng mọi cách, nhưng cách hay nhất và cũng khó nhất, đó là cách sống yêu thương.

Suy nghĩ:  “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau”, đó là lời cầu nguyện của thánh Phao-lô cầu xin cho anh chị em tín hữu Rô-ma.  Tại sao kiên nhẫn và an ủi lại giúp ta được đồng tâm nhất trí với nhau?  Kinh nghiệm nào cho tôi thấy thiếu kiên nhẫn và chê trách đã làm gia đình tôi, nhóm tôi hoặc cộng đoàn tôi bị phân rẽ hoặc chống đối nhau?  Làm sao chúng tôi có thể trở về con đường yêu thương hiệp nhất?

Cầu nguyện:  Bài hát “Đâu có tình yêu thương” hoặc “Xin hiệp nhất chúng con”.  Cũng có thể cầu nguyện bằng “Kinh hòa bình” của thánh Phan-xi-cô.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà