THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Chúa Nhật 4A Mùa Vọng

 

 

 

Nhiều người sống như không cần đến Thiên Chúa. Thực tế, thế giới không thể tồn tại nếu không có Thiên Chúa. Riêng đối với các tín hữu, Thiên Chúa không những hiện hữu nhưng còn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.

 

THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI.

 

Tin Mừng Mathêu hôm nay cho thấy sự hiện diện kỳ diệu ấy trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.   Làm người để chia sẻ thân phận hữu hạn giữa bao thử thách đau thương.   Chính vì thế, ngay từ đầu Người đã xác định vị thế trung gian nối kết giữa trời đất.  Người là “Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1:23)   Thiên Chúa không còn xa lạ với con người nữa.  Người là “Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:4) có thể phá hủy hàng rào tội lỗi ngăn cách nhân loại với Thiên Chúa. 

Người đến để “hoàn thành lời sấm về Đấng Emmanuen.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:635)   Từ lòng Mẹ, Người đã sinh ra để trở nên đồng hình đồng dạng với anh em nhân loại.   Đó là sự thật được sứ thần minh xác với ông Giuse: “Bà sẽ sinh con trai.” (Mt 1:21)  Nhưng đồng thời Người cũng đem một nhân tố khác biệt có tính cách quyết định số phận trần gian.   Nhân tố đó chính là bản tính Thiên Chúa sẽ đưa cả nhân loại tiến lên.   

Nhưng như thế cũng chưa đủ để Đức Giêsu có thể đi vào cơ cấu xã hội.   Quả thực, Người phải thuộc về một dòng họ để thỏa mãn những đòi hỏi pháp lý cho cuộc hòa nhập vào Dân Chúa.  Chính thiên thần đã cho ông Giuse thấy vinh dự lớn lao đang chờ đón ông : “Này ông Giuse, con cháu Đavít, ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu.” (Mt 1:20.21)   Như thế, Người thuộc về dòng họ Đavít, một dòng họ đã được thừa hưởng lời hứa.   Chính trong dòng họ này, Người có thể thực hiện tất cả những chương trình cứu độ.   Nếu thuộc về một dòng họ khác, chắc chắn Người đã không thể mang vào mình lời hứa vô cùng quan trọng đó.   Lời hứa đã thấm nhập vào tận huyết mạch dòng họ Đavít.   Lời hứa đã thành hiện thực nơi con người Đức Giêsu Kitô.  

Không chỉ hiện diện với nhân loại, Thiên Chúa còn “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1: 21)    Đó là lý do tại sao Con Thiên Chúa xuống thế làm người.    Nếu có một đức tin sâu xa, sẽ thấy nơi Người cả một mầu nhiệm vĩ đại.   Mầu nhiệm ngay từ khi được dựng thai trong lòng Mẹ.  Quả thế, “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1:20)   Trong cơn hoang mang tột độ, phải có niềm tin lớn lao như ông Giuse mới có thể chấp nhận một sự thật chướng kỳ như thế.   Kinh thánh đã chứng minh ông “là người công chính,” (Mt 1:19) nghĩa là, người hết lòng tin tưởng và sống theo lề luật.   Lòng ông bị xé rách giữa đòi hỏi của lề luật và danh tiếng của Maria.   Giữa lúc ông đang muốn cao chạy xa bay, sứ thần đã đến kềm chân ông lại.  Được sứ thần trấn an, ông hết sức vui mừng.  Niềm vui thứ nhất vì được “đón bà Maria vợ ông về.” (Mt 1:20)   Thứ hai vì ông được quyền “đặt tên cho con trẻ là Giêsu.” (Mt 1:21)   Còn người cha nào được vinh dự lớn hơn nữa không !   Danh Giêsu gói trọn cả sứ mạng cứu thế, vì Giêsu có nghĩa là “Giavê cứu độ.”   Thế là nhờ Thánh Linh, ông Giuse thấy tất cả công trình Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Người Con yêu dấu này.  Oâng thật diễm phúc vì đã sống vào một thời điểm lịch sử vô cùng quan trọng, thời điểm cánh chung tràn ngập Thánh Linh.

Từ nay nhân loại bước vào một thời đại mới, thời đại đồng hành với Thiên Chúa.  Đúng hơn, “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta,” để ban muôn “ân sủng và bình an” (Rm 1:7) cho nhân loại.   Nếu Con Chúa không nhập thể, làm sao chúng ta được thánh hóa để trở thành “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh” (Rm 1:7) ?    Từ ơn gọi vô cùng cao quí đó, chúng ta có thể đem “Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 1:3) mà giải thoát muôn dân.  Sứ mệnh đó chỉ được hoàn thành trong quyền lực Thánh Linh.   Tất cả sẽ trở thành sự thật, nếu chúng ta ý thức mình “là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 1:6) và biết “vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.” (Rm 1:5)    Nghĩa là, sẵn sàng hiến toàn thân phục vụ Đức Kitô “để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa,” (Rm 1:1) một Tin Mừng luôn mang tính hiện đại.

 

TIN MỪNG HÔM NAY.

 

Tin mừng đó luôn mang dáng dấp của Thiên Chúa làm người.   Nếu Thiên Chúa đã nhập cuộc, người tín hữu không thể lạnh lùng trước những đòi hỏi Tin Mừng cứu độ.   Muốn cứu độ chính mình và tha nhân, phải lợi dụng mọi cơ hội để loan báo Nước Thiên Chúa (x.Mt 4:17) hay phải chết như Đức Giêsu (x.Mt 26:28).   Giáo hội đang theo sát vết chân Thày Chí Thánh đem Tin Mừng hòa bình cho nhân loại hôm nay.

Chỉ có Tin Mừng mới có thể đáp ứng khát vọng thâm sâu và lớn lao nhất của nhân loại.  Tất cả nhân loại đang ngưỡng vọng hòa bình.   “Hòa bình thực sự là hoa trái của công lý.  Nhưng vì công lý của nhân loại luôn mỏng dòn và không hoàn thiện, bị giới hạn vì tính ích kỷ của cá nhân và phe nhóm, công lý cần phải được bao gồm và hoàn thiện bởi sự tha thứ có giá trị chữa lành và tái lập lại từ căn bản các mối quan hệ bị gẫy đổ giữa con người với nhau.” (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic 12/12/2001)    Nếu khăng khăng đòi hỏi thi hành công lý, chắc chắn luật pháp phải được thi hành trọn vẹn, nghĩa là không thể không trả thù.   Nếu thánh Giuse cũng tố cáo Đức Maria theo đúng luật pháp, chắc chắn Mẹ đã bị vùi dập dưới cơn mưa đá của quần chúng.   Không phải bất thứ công lý nào cũng sinh ra hòa bình.   Thực vậy, “hòa bình là con đẻ của công lý và sự tha thứ.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 11/12/2001)    Công lý mà không tha thứ sẽ dẫn đến bất công, nguyên nhân sinh ra chiến tranh bất tận.   Bởi thế, ĐGH Gioan Phaolô II đã đánh tan huyền thoại cho rằng công lý chỉ đạt được nhờ bạo động.   Người gọi khủng bố là “một tội ác thực sự chống lại nhân loại”, vì nó “dựa trên óc khinh dể mạng sống con người.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 11/12/2001)

Bọn khủng bố đã “phàm tục hóa tôn giáo khi tuyên bố mình khủng bố nhân danh Thiên Chúa, bạo hành tha nhân nhân danh Thượng Đế.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 11/12/2001)    Thượng đế của họ hoàn toàn lạnh lùng, chỉ biết một thứ công lý trên mây xanh, chứ không biết thực tế con người.   “Rõ ràng ĐGH đã ám chỉ đến bọn Hồi giáo quá khích của Bin Laden, những người Do thái giáo quá khích chỉ nhắm tiêu diệt dân Palestine và những nhóm Kitô giáo quá khích vui mừng vì cuộc phá hủy ở Afghanistan, mở đường cho những nỗ lực ‘phúc âm hóa’ của họ.” (FIDES/CWNews 11/12/2001)   Con người đã phạm những tội ác tầy trời khi ra tay loại trừ tội ác.   Đúng như Đức Phật đã nói : “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng.”

Nói khác, trong hoàn cảnh nhân loại, công lý chỉ có thể vãn hồi khi có sự tha thứ.   Công lý mà không kèm theo sự tha thứ là một thứ công lý cơ giới.   Thứ công lý đó không thể sinh ra hòa bình.   Nhưng làm sao có thể tha thứ, nếu không khám phá tất cả chiều kích tình yêu lớn lao nơi mầu nhiệm “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” ?  (Ga 1:14)   Có cảm nghiệm và sống tình yêu sâu nhiệm đó, mới thấy được tất cả lý do tại sao Đức Giêsu dạy : “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44)   Tình yêu kẻ thù xây dựng trên sự tha thứ, chứ không dựa trên công lý.   “Chính vì thế ĐGH cho thấy có một con đường tha thứ.  Đây là con đường của những ‘người theo Đức Kitô’, một con đường ‘bắt nguồn từ Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa làm tiêu chuẩn’, nhưng cũng có thể đạt đến ‘trong ánh sáng của lý trí nhân loại.’” (FIDES/CWNews 11/12/2001)  Chỉ khi nào tha thứ, con người mới bắt đầu khám phá mầu nhiệm Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta và mới tìm được con đường dẫn tới hòa bình.


Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà