CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Con đường, sự thật và sự sống

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 14:1-12)

          Chúa Nhật trước, bài Tin Mừng cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời về Chúa Giê-su:  Vị Mục Tử Nhân Lành.  Còn hình ảnh Chúa Giê-su qua bài Tin Mừng hôm nay không sống động, nhưng khô khan và trừu tượng:  con đường, sự thật và sự sống.  Những hình ảnh và ý niệm này tự chúng chẳng nói lên được điều gì.  Do đó, muốn hiểu ý nghĩa của con đường, sự thật và sự sống được áp dụng vào Chúa Giê-su, chúng ta phải đặt chúng trong những mối tương quan giữa Chúa Giê-su với Chúa Cha và giữa Chúa Giê-su với Ki-tô hữu chúng ta.

          Thực vậy, khi Chúa Giê-su nói Người là con đường, là sự thật và là sự sống, chúng ta cần phải biết con đường ấy đưa người ta đi đâu, sự thật ấy nói lên điều gì và sự sống ấy dành cho ai.  Trước hết chúng ta hãy trở lại với khung cảnh Chúa nói những lời này, đó là cuộc tâm sự giữa Thầy và trò trong bữa Tiệc ly.  Người đang cho các môn đệ biết mối tương quan mật thiết giữa Người với Chúa Cha, thì ông Tô-ma hỏi Người về con đường, ông Phi-líp-phê xin Người cho biết Chúa Cha là ai.  Vậy để trả lời những câu hỏi này, Chúa Giê-su đã phát biểu những lời nói trên.  Do đó chúng ta sẽ nắm bắt được ý nghĩa điều Chúa Giê-su nói trong bối cảnh tình yêu kết hiệp giữa Người với Chúa Cha.  Nói khác đi, từ nơi Chúa Cha phát xuất con đường, sự thật và sự sống, để được chuyển tải qua Chúa Giê-su đến với chúng ta.

          Chúa Giê-su là con đường.  So sánh thật là mộc mạc, nhưng vô cùng ý nghĩa.  Con đường nối hai điểm với nhau.  Giữa Thiên Chúa và con người là khoảng cách vô tận không thể qua lại (xem Lu-ca 16:26).  Cho nên Thiên Chúa đã làm một “con đường” bằng xương bằng thịt khi sai Ngôi Lời nhập thể  để nối kết với chúng ta.  Tầm quan trọng của con đường như thế nào chúng ta đã biết, vì nó chuyển thông mọi vấn đề, từ tình cảm, xã hội, kinh tế, văn hóa… và cả truyền giáo nữa.  Tất cả đều tìm kiếm một con đường mà đi.  Vậy chúng ta hãy thử xem con đường Ki-tô đã chuyển tải từ Thiên Chúa đến chúng ta những gì?  Ôi, làm sao kể cho hết được, là tất cả sự phong phú giàu sang của Thiên Chúa, để chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Gio-an 10:10)!

          Khi Chúa Giê-su nói với Phi-la-tô rằng Người đến để làm chứng cho sự thật, ông ta chẳng hiểu gì cả và hỏi lại một câu thật ngớ ngẩn:  “Sự thật là gì?” (Gio-an 18:37).  Sự thật ở đây là tất cả những gì Thiên Chúa muốn tỏ ra cho nhân loại biết thì đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su.  Thánh Gio-an đã tóm tắt tất cả trong một câu để định nghĩa sự thật.  Đó là:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3:16).  Tình Thiên Chúa yêu chúng ta là một chân lý không thể chối cãi.  Bằng chứng lớn nhất và rõ ràng nhất, đó là cái chết của Chúa Giê-su!

          Chúa Giê-su là sự sống.  Ngoài sự kiện Người là nguyên lý phát sinh sự sống, vì “nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Gio-an 1:3), Chúa Giê-su còn là sự sống mới của những ai được gọi làm con Thiên Chúa (Gio-an 1:12).  Việc chuyển thông sự sống của Thiên Chúa đến với chúng ta qua Chúa Giê-su được ví như cây nho đem sự sống đến cho các cành nho (Gio-an 15:1-8).  Sự sống của Thiên Chúa sẽ biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô và nhất là sinh nhiều hoa trái.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hiểu ý nghĩa những hình ảnh về Chúa Giê-su là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải ý thức được sự sống động luôn có trong đó.  Đường mà không có người đi, sự thật mà chẳng ai thèm quan tâm và sự sống không phải là sự sống của chính mình, thì tất cả những thực tại đó chỉ là những bức tranh tĩnh vật thôi!  Nhưng chúng cần phải được sử dụng.  Con đường phải đưa Chúa đến với chúng ta và đưa chúng ta đến với Chúa.  Sự thật phải luôn nhắc nhở rằng Chúa yêu chúng ta và chúng ta phải đáp lại.  Sự sống phải là sống thực, nghe và nói với Chúa, ăn tiệc với Chúa, vui buồn với Chúa… Làm cho sống động những hình ảnh ấy không chỉ là công việc đơn phương của Chúa, mà cần chúng ta cộng tác nữa.

 

                Lm. Đa-minh Trần đình Nhi         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A