Lễ Mình Thánh Chúa A

Thịt Tôi là Của Ăn Thật

 

Gv 6,51-58: 51 Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, ấy là thịt mình Ta vì sự sống thế gian". 52 Người Do Thái xô xát nhau mà rằng: "Làm sao ông ấy có thể cho ta ăn thịt mình được?" 53 Vậy Ðức Yêsu nói với họ: "Quả thật quả thật, Ta bảo các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi không có sự sống nơi mình các ngươi. 54 Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời. và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết. 55 Vì thịt Ta là thật của ăn, và máu ta là thật của uống. 56 Kẻ ăn thịt Ta và uống máu Ta thì lưu lại trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. 57 Cũng như Cha, Ðấng hằng sống, đã sai Ta, và Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta. 58 Bánh này là bánh bởi trời xuống; không phải như cha ông các ngươi đã ăn và đã chết; kẻ ăn bánh này sẽ sống đời đời".

 

Để có thể hiểu văn mạch của đoạn 6:51-58, cần phân tích cấu trúc của chuơng 6. Chương nầy gồm hai đoạn: tường thuật hai câu chuyện làm bánh hoá ra nhiều (cc. 1-15) và Chúa Giêsu đi trên nước (cc. 16-21), và diễn từ về Bánh hằng sống tại hội đường ở Capharnaum (cc. 22-59). Diễn từ nầy có thể chia thành hai phần: 6:22-40 và 6:41-58. Phần còn lại của chương 6 là đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người về sự thách đố của diễn từ đối với họ (cc. 60-65), và đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô về căn tính của Người (cc. 66-71).

 

Đoạn 6:41-59 có thể chia thành hai phần: - Chúa Giêsu nói về bánh ban từ trời xuống (6: 41-51); và Chúa Giêsu ban bánh nầy làm của ăn (6:52-59). Hai đoạn nói kết với nhau qua từ ngữ “sarx” (cc. 51.52). Đoạn tin mừng của Chúa nhật hôm nay thuộc về phần hai. Phần nầy dẫn vào bằng câu hỏi của người Do thái về việc ban thịt để ăn (c. 52) và diễn từ kết thúc với câu 59.  Trong khi đó các câu 53-58 khai triển chủ đề “ăn thịt” và “uống máu”. 

 

Câu hỏi của người Do thái (c. 52). Trong cuộc tranh luận trước với người do thái, từ vấn đề “bánh bởi trời” (c. 31) Chúa Giêsu dẫn họ đến tuyên bố Người là bánh hằng sống thật (c. 35), rồi “Tôi là bánh từ trời xuống” (c. 41); và cuối cùng, bánh bởi trời xuống nầy chính là “thịt của Tôi” (c. 51). Tuy nhiên, người do thái không hiểu những điều Người nói (x. 6:41-42.52). Họ hiểu “sarx” là “thịt” theo nghĩa đen, là phần thịt mềm bao bọc xương cốt của của thân thể đang sống, chung cho người và thú vật (x. 3:6). Cách đặt câu hỏi “Làm sao có thể”, pōs dunatai, diễn tả ý nghĩ là điều ấy không thể xảy ra được. Như Nicôđêmô nghĩ là một người khi đã già rồi, không thể sinh ra lại được (3:4.9); như người Pharisêô nghĩ là Thiên Chúa không thể nhận lời một người tội lỗi để cho người đó làm phép lạ (9:16). Vậy, trong câu hỏi người do thái muốn nói là đối với họ không thể có chuyện Chúa Giêsu lấy “thịt” của Người cho họ ăn được.

 

Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 53-58). Các câu nầy được khai triển theo cấu trúc đối đảo:

  1. 6:53: Người không ăn và uống máu …không có sự sống đời đời
  2. 6:54: Người ăn.. có sự sống đời đời
  3. 6:55: Thịt Thầy thật là của ăn và Máu Thầy thật là của uống.

B’  6:56: Người ăn…ở trong Thầy cũng như Thầy ở trong người ấy

A’. 6:58: Cha ông … đã chết

Cách trình bày với cấu trúc nầy muốn nhấn mạnh sứ điệp chính nằm ở câu 55 là thịt và máu của Người mới là của ăn và của uống thật (6:55).

 

Sars” và “haima” của Người Con Nhân Loại (c. 53) là xác và máu của Con Thiên Chúa làm người, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (1:14). Tước hiệu “Người Con Nhân Loại” gắn liền với kinh nghiệm cuộc thương khó, cái chết và phục sinh. Do đó, có thể hiểu là Chúa Giêsu ban thịt và máu nầy trong cái chết và sống lại của Người; bởi đó thịt và máu nầy mang lại sự sống đời đời.

         

Hành động trōgō sarx “nhai thịt”, và pinō haima “uống máu” của Người được lập lại tới bốn lần trong mỗi câu (cc.54.56.57.58). Đến lúc phải thực hành. Trong ngữ cảnh của chương 6, dân chúng đói khát, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều cho họ ăn (6:1-13). Họ muốn tôn Người làm vua, vì Người giải quyết được lương thực cho họ (6:15), và họ tìm kiếm Người chỉ vì mục đích nầy, “bởi vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (6:24-26). Câu chuyện nầy được thuật lại với mục đích giáo huấn là họ cũng phải đi xa hơn và tìm kiếm của ăn chân thật do Chúa Giêsu ban.  Động từ trōgō, “nhai, ngấu nghiến” diễn tả hành động đưa thức ăn vào thân thể cách cụ thể và hiện thực hơn cả động từ ethiō, “ăn”. Vậy, Người là Bánh để được ăn, và Máu để được uống. Lời giáo huấn nầy nhắm đến mọi người.

         

Hiệu quả của việc ăn uống nầy là để “có sự sống đời đời” (c. 53) và “ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (c. 56). Về “sự sống đời đời”, muốn có sự sống nầy phải tin vào Con Thiên Chúa (3:15.16; 3:16; 6:47); nghe lời Con Thiên Chúa và tin vào Người (5:24).

Chính trong sarxhaima nầy chứa đựng sự sống nầy. Nói cách khác đây là sarxhaima của Đấng Sống Lại. Động từ anistēmi “làm cho chỗi dậy” trong Gioan thường dùng cho Chúa Giêsu. Chính Người làm cho người tin vào Người hoặc ăn thịt và uống máu Người được chỗi dậy “trong ngày sau hết” (6:36.40.44.54). Chúa Giêsu có sự sống trong Người (10:28; 17:2). Theo nghĩa nầy và trong viễn cảnh của sự sống lại ngày sau hết, sarxhaima là của ăn và của uống thật (c. 55). Về của ăn, brōsis, Chúa Giêsu đã dùng chữ nầy để chỉ chính của ăn của Người (4:32). Đây là của ăn thật, alethēs, vì của ăn nầy có đặc tính là không hư nát mà tồn tại trong sự sống đời đời, và do Chúa Giêsu ban cho (6:27). Điều nầy sẽ được thực hiện cách dứt khoát trong bữa Tiệc Ly. Vậy của ăn thật chính là của ăn do Chúa Giêsu ban trong đó có sự sống đời đời.

         

Hai câu tiếp theo 57 và 58 giải thích về nguồn mạch của sự sống đời đời trong của ăn và thức uống thật. Chúa Giêsu đặt sự sống nầy trong tương quan với Chúa Cha. Người cho thấy sự sống nơi Người đến bởi Chúa Cha, dia ton patera (c.57). Như thế chính nơi Người, thịt và máu, có sự sống đời đời; bởi đó, ai ăn Người, được sống nhờ Người, dia eme. Gioan thường dùng cách trình bày là mọi tương quan thông hiệp với Chúa Giêsu đều gắn liền với Chúa Cha như là nguồn mạch; qua đó làm nên một thực thể duy nhất: làm vinh danh (5:23); yêu mến (15:9); tuân giữ giới răn (15:10); ở trong (17:21), sai đi (20:21). Vậy, Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.

 

Câu 58 tổng kết lại những điều đã đề cập trước trong diễn từ. Chúa Giêsu nhắc lại “bánh bởi trời”, manna, mà người do thái nghĩ là do Môsê ban cho (c. 31). Người tuyên bố là cha ông họ đã ăn bánh ấy và đã chết, vì không phải là bánh thật. “Bánh thật bởi trời”, chú ý tính từ alethinon “thật”, chỉ do Thiên Chúa ban (6:32-33). Bánh nầy ban sự sống đời đời. Phần cuối của câu 58 lập lại từng chữ trong câu 51 “bánh nầy ban sự sống đời đời” để đóng khung lại diễn từ về bánh hằng sống.

 

Chúa Giêsu là của ăn và của uống thật. Đời sống đức tin chỉ được nuôi dưỡng bằng lương thực nầy. Chúa Giêsu ban chính Người cho chúng ta. Hãy đến lãnh nhận mà ăn.

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến



Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A