Lễ Chúa Giêsu Lên Trời Năm A

Lần Gặp Gỡ Cuối Cùng

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20)

 

Phúc Âm: Mt 28, 16-20

"Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy".

Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu đã chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".

 

Suy Niệm:

Ngày lễ Chúa Lên Trời, tự nhiên chúng ta muốn ngước mắt nhìn lên: nhớ lại việc Người thăng thiên và chiêm ngưỡng Người trong vinh quang Thiên Chúa. Nhưng những việc ấy tỏ ra khó làm và ít kết quả. Nhớ lại việc Chúa về trời, chúng ta sẽ chẳng thấy gì hơn những lời Luca đã viết: "Nói thế rồi Ngài cất mình lên trước mắt họ, và một đám mây đã quyện lấy Ngài đi khuất mắt họ" (Cv 1,9). Còn chiêm ngưỡng Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đang ngự trong vinh quang Thiên Chúa, không chắc chúng ta sẽ có thể nói gì hơn những lời thư Phaolô: "Quyền lực Người đã thi thố ra nơi Ðức Giêsu Kitô, tức là đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, và đặt Người ngự bên hữu mình ở trên trời, vượt qua mọi cấp trật: thiên phủ, quyền năng, thế lực cùng thiên chủ..." (Ep 1,20-21).

Như vậy trong ngày Lễ Chúa lên trời, chúng ta không được ưu đãi nhiều đề tài để suy nghĩ dễ dàng sao?

Bài Tin Mừng Matthêô vừa nghe mở ra một phương hướng nhiều hứa hẹn. Chúng ta hãy nhớ lại lần gặp gỡ cuối cùng ở trần gian giữa Chúa Phục sinh với các môn đệ. Chúng ta hãy chú ý nghe mệnh lệnh Người để lại trước khi về trời. Và chúng ta sẽ thấy ngày nay mỗi khi muốn làm đẹp lòng Ðấng ngự trên trời, chúng ta phải thi hành mệnh lệnh đó.

Làm như vậy, chúng ta sẽ đáp ứng lời thiên sứ trong ngày lễ Chúa Lên Trời, khi người nói với các môn đệ: "Hỡi những người xứ Galilê, sao còn ngước mắt nhìn lên trời?". Chúng ta bắt chước các môn đệ, trở về với mặt đất, nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã sống và đã làm, đặc biệt trong lần gặp gỡ cuối cùng trước khi về trời, để tìm ra ý định của Người đối với đời sống trần gian của chúng ta.

 

A. Lần Gặp Gỡ Cuối Cùng

Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại nhiều lần Chúa Phục sinh hiện ra với các môn đệ. Nhưng chỉ hai thánh sử Marcô và Luca có những lời kết thúc mọi lần gặp gỡ ấy. Marcô viết: sống lại lúc tảng sáng, ngày thứ nhất trong tuần, trước tiên Ngài hiện ra cho Maria Magđala... Sau đó Ngài tỏ mình ra cho hai người trong nhóm họ ở trên đàng... Sau cùng Ngài đến với chính nhóm Mười Một đang khi họ dùng bữa... Và sau khi đã nói cùng họ xong, Chúa Giêsu được nhắc về trời và lên ngự bên hữu Thiên Chúa (16,9-19).

Marcô cho ta có cảm tưởng mọi lần Chúa Phục sinh hiện đến đều xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần và Người đã lên trời cũng trong chính ngày ấy. Như vậy rõ ràng Marcô không đồng ý với Luca trong bài sách Công vụ hôm nay, vì tác giả này viết: Chúa Giêsu chỉ về trời 40 ngày sau khi sống lại và đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ.

Nhưng chính Luca cũng lại mâu thuẫn với mình nữa. Trong sách Công vụ thì ngài viết như thế, còn trong sách Tin Mừng thì ngài lại viết hầu giống như Marcô. Ngài cũng thuật rằng: Ngày thứ nhất trong tuần Chúa Phục sinh tỏ mình ra cho hai môn đệ đi Emmau vào lúc sau khi ngày đã xế chiều. Ngay giờ đó họ đã chỗi dậy trở về Giêrusalem và gặp thấy các bạn đang sum họp cùng nhau... Họ đang còn nói thì Ngài đã đứng giữa họ... Rồi Ngài dẫn họ đến tận Bêthania: đoạn giơ tay, Ngài chúc lành cho họ. Và xảy ra là đang khi Ngài chúc lành cho họ, thì Ngài tách lìa họ và được nhắc lên trời (24,13-51).

Luca có thể quên những điều ngài vừa viết khi soạn sách Công vụ các Tông đồ không? Và ngài có ý gì khi khẳng định việc Chúa Lên Trời khác nhau như vậy?

Ðọc kỹ các sách Kinh thánh, chúng ta có thể thấy rằng, trong sách Tin Mừng, Luca đã theo Marcô. Và cả hai đều muốn tô đẹp ngày Chúa nhật Phục sinh. Ðối với cả hai, đó là ngày Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ. Chắc chắn các ngài đã không muốn thuật lại hết mọi lần Chúa hiện ra. Các ngài đã lựa chọn kể lại một vài lần hiện ra đặc sắc. Và câu các ngài viết để thuật lại việc Chúa Lên trời thực ra nhằm mục đích kết thúc mọi lần Chúa sống lại hiện ra hơn là muốn khẳng định Chúa đã lên trời trong chính ngày Chúa nhật Phục sinh.

Nhất là trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy hai môn đệ đã phải trở về Giêrusalem vào lúc tối. Ðến nơi, họ gặp các Tông đồ, rồi được Chúa hiện ra chung cho mọi người và sau đó tất cả được Người dẫn đến Bêthania để chứng kiến việc Người lên trời. Như vậy, Người lên trời vào lúc đêm tối ư?

Không, lối hành văn của hai bản Tin Mừng Marcô và Luca trên đây không ghi lại lịch sử theo chi tiết thời gian. Hai tác giả muốn loan truyền Tin Mừng cứu độ: Ðức Kitô đã sống lại ngày thứ nhất trong tuần; Người đã hiện ra dạy dỗ các môn đệ nhiều lần; và lần cuối cùng Người đã cho họ thấy Người lên trời. Còn "lần cuối cùng" này xảy ra vào ngày nào, lúc nào, thì không tác giả nào muốn xác định theo lịch sử thời gian. Hai thánh Marcô và Luca, "bề ngoài" có vẻ như muốn quả quyết là vào cuối ngày thứ nhất trong tuần, nhưng thật sự như chúng ta đã thấy, cả hai chỉ muốn dùng việc lên trời để kết thúc mọi lần hiện ra; và các lần hiện ra này lại được xếp cả vào ngày thứ nhất trong tuần để tô điểm cho ngày Chúa sống lại. Ta có thể nói hai bản văn Tin Mừng Marcô và Luca là hai bài thần học về ngày Chúa Nhật: đó là ngày Chúa sống lại hiện đến với các môn đệ. Ðồng thời cũng là những bài thần học về mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Mầu nhiệm này bao gồm việc Người sống lại, hiện ra với các môn đệ và lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa.

Theo Luca, chúng ta có thể nghĩ Chúa sống lại như mặt trời lúc rạng đông và Người về trời như vừng ô lúc lặn; còn cả ngày, thì ánh sáng Người chiếu soi cho các môn đệ. Luca kể chuyện Chúa đã liên tiếp hiện ra trong một ngày. Nếu chúng ta gom mọi lần hiện ra đó vào một và coi như chỉ là những diện khác nhau của việc Chúa sống lại tỏ mình ra cho các môn đệ, thì khi Người hiện đến họ biết Người đã sống lại và lúc Người biến đi họ biết Người đã về trời. Không vậy thì phải hỏi Người ở đâu? Nhưng họ đã không hỏi vì đã tin quyền năng Thiên Chúa đã phục sinh Ðức Giêsu từ nơi kẻ chết, thì mặc nhiên họ đã nhận ra rằng Người đã được nhắc lên trong vinh quang Thiên Chúa. Hai người trong nhóm họ đã viết lại việc Người lên trời cách hữu hình chẳng qua để muốn nói rằng từ nay Chúa sống lại không hiện ra nữa.

Nhưng tại sao Luca trong sách Công vụ lại nói đến con số 40 ngày như là thời gian để Chúa Phục sinh hiện ra dạy dỗ các môn đệ? Có thể lần hiện ra cuối cùng đã xảy ra vào ngày thứ 40 sau khi Chúa sống lại. Nhưng có thể hơn là Luca có một ẩy ý gì đây khi nêu ra con số này.

Chúng ta biết Môsê đã ở trên núi 40 ngày; dân được chọn đã đi trong sa mạc 40 năm; Êlya đã đến núi Horeb 40 ngày và nhất là chính Ðức Kitô đã chay tịnh 40 ngày trong sa mạc. Con số 40 ngày trở thành biểu tượng thời gian kết hợp với Thiên Chúa và được Thiên Chúa dạy dỗ. Có lẽ Luca muốn nói lên hạnh phúc và địa vị ưu việt của các Tông đồ. Các ngài là những người được Chúa sống lại hiện đến dạy dỗ trong 40 ngày. Như vậy các ngài đã có giáo lý đầy đủ của Chúa phục sinh và chúng ta phải kính nể, tin yêu giáo lý ấy.

Bởi vì chính đoạn sách Công vụ các Tông đồ hôm nay không có ý trình bày việc Chúa lên trời, đó là những lời mở đầu cho cả một cuốn sách. Tác giả nói đến nhiều ý tưởng mà tựu trung là để chuyển từ cuộc sống trần gian của Ðức Kitô sang thời đại hoạt động của các Tông đồ. Nên vai chính trong đoạn văn này là Phêrô và các bạn ông. Họ là những người được Ngài tuyển lựa dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, được tiếp xúc với Chúa Phục sinh trong 40 ngày là thời gian đầy đủ và lý tưởng, được Ngài dạy dỗ cặn kẽ về hoạt động tương lai và cuối cùng được thấy Ngài về trời để biết rõ nay đã đến thời đại của họ. Chính vì vậy mà bài sách Công vụ hôm nay kết thúc bằng câu: "Ðấng vừa bỏ các ông mà siêu thăng, sẽ đến cùng một thể như các ông đã thấy Ngài đi lên trời", để hàm ý nói rằng: các ông phải đi làm việc cho đến ngày Ngài lại đến.

Như vậy chúng ta không còn lý do nào nữa để cứ nhìn lên trời mãi. Hãy đi thi hành mệnh lệnh Chúa để lại mà cả hai bài sách Công vụ lẫn bài Tin Mừng đều tường thuật.

 

B. Lệnh Chúa Truyền

Bài sách Công vụ cho ta thấy: suốt 40 ngày Chúa Giêsu đã hiện ra cho các môn đệ mà nói về Nước Thiên Chúa. Rồi đang lúc đồng bàn với họ, Ngài truyền cho họ chớ rời xa Giêrusalem... nhưng hãy đợi chịu lấy quyền năng của Thánh Thần... rồi sẽ là chứng tá cho Ngài đến tận cùng trái đất.

Cụ thể, các Tông đồ phải ở lại Giêrusalem chờ lãnh ơn Thánh Thần rồi ra đi làm chứng cho Chúa Giêsu. Lệnh truyền có vẻ đơn sơ, nhưng nhiều ý nghĩa và hậu quả. Sau ngày Chúa thực hiện những hành vi quyết định để cứu thế qua việc chịu chết và sống lại, Giêrusalem trở thành nơi phát xuất ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần sẽ xuống trên các Tông đồ ở Giêrusalem để tung họ đi vào thế giới. Họ sẽ phải làm chứng về Chúa Giêsu nhưng nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Thời đại của Giáo hội vì thế là thời đại của Chúa Thánh Thần làm việc với các Tông đồ, mà đối tượng là làm chứng cho Chúa Giêsu.

Thánh Matthêô trong bài Tin Mừng hôm nay không dùng những từ ngữ như thế, nhưng ngài cũng không nói khác Luca. Ngài đã tả Chúa sống lại hiện ra lần cuối cùng ở trên núi. Núi nào, ngài không nói rõ, dường như để chúng ta nhớ lại những lần Ðức Giêsu đã chay tịnh trên núi, đã giảng dạy trên núi và đã biến hình trên núi. Và tất cả những kỷ niệm đó đều có thể tăng thêm ý nghĩa cho việc Người đứng trên núi hôm nay với các môn đệ.

Việc Người được các Tông đồ thờ lạy và tuyên bố được Chúa Cha ban cho mọi quyền trên trời dưới đất, phải chăng không muốn gợi lại câu chuyện Satan cám dỗ Người hãy thờ lạy nó để được tất cả trời đất làm vương quốc? Và hôm nay Người đã sống lại vinh quang mà đứng trên núi, làm sao không khiến Phêrô nhớ lại hôm Người biến hình. Và nếu Người đã có lần ngồi trên núi giảng về Tám mối phúc thật, thì hôm nay Người cũng đang lệnh cho các Tông đồ: hãy ra đi làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ, rửa tội cho người ta nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy dỗ họ giữ mọi lệnh truyền. Và nay, Ta ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế.

Thánh Matthêô đã diễn tả lệnh truyền qua nếp sống của Hội Thánh. Ngài dùng các công thức Rửa tội của Hội Thánh. Ngài nói đến sự hiện diện của Chúa ở với Hội Thánh cho đến tận thế như là bảo chứng việc Chúa phù trợ Hội Thánh nhờ Thánh Thần. Nghĩa là đối với thánh Matthêô, thời đại của Hội Thánh cũng là thời đại của các Tông đồ làm việc với sự cộng tác và nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Và đối tượng sinh hoạt của Hội Thánh cũng là làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ Chúa Giêsu qua việc rao giảng Người cho họ và rửa tội cho họ nhân Danh Ba Ngôi.

Do đó với những lời lẽ khác nhau, bài sách Công vụ và bài Tin Mừng hôm nay đều ghi lại lệnh Chúa truyền cho các môn đệ trước khi Người về trời. Họ phải đón nhận Thánh Thần và ra đi làm chứng về Chúa Giêsu để thiên hạ trở thành môn đệ Người. Lệnh truyền này được ban bố sau khi Chúa sống lại để tập họp nhóm Mười Một qua các lần hiện ra để họ tin mầu nhiệm Phục sinh và được dạy dỗ về Nước Trời.

Ngày lễ Chúa Lên Trời, Phụng vụ muốn cho chúng ta thấy nhóm Mười Một ấy đã thực sự trở thành chứng nhân của Chúa Phục sinh. Họ còn phải chờ đón ơn Thánh Thần mới có thể ra đi tuyên chứng. Nhưng việc họ đã được huấn luyện xong nói lên thời gian của Chúa Giêsu ở trần gian đã kết thúc. Người lui khỏi họ mà về trời để thời đại của Hội Thánh khởi sự. Lễ Chúa Lên Trời vì thế có ý nói lên sự kiện mới trong đời sống của Hội Thánh và của chúng ta hơn là một biến cố nữa trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Bởi vì như lời Kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc: chính vì chúng ta mà Người đã sinh ra làm người v.v... Và hôm nay Người về trời cũng là vì chúng ta. Nên chúng ta phải suy nghĩ về cuộc đời của mình nhân việc Người lên trời để ngày lễ hôm nay đạt được kết quả.

 

C. Thi Hành Lệnh Chúa

Trong 40 ngày chúng ta đã cử hành mầu nhiệm Phục sinh, chúng ta đã suy nghĩ về những lần Chúa sống lại hiện ra với các môn đệ. Và nhất là chúng ta có thể nói được như Phêrô rằng: chúng tôi là những người được chọn để ăn uống với Người sau khi Người đã sống lại, vì từ ngày đó chúng ta vẫn tham dự Thánh lễ và Tiệc Thánh. Chúng ta phải coi mình như các môn đệ 40 ngày sau khi Người Phục sinh: sẵn sàng lãnh lấy trách nhiệm tiếp nối sứ mạng của Người ở trần gian. Phải ra đi khỏi nơi Bàn tiệc này như núi thánh, để gặp mọi người và làm chứng cho họ về Nước Thiên Chúa. Việc Chúa Giêsu về trời nói lên rằng: thời đại của Hội Thánh và của chúng ta đã khởi đầu. Công cuộc cứu thế từ nay chuyển sang chúng ta.

Dĩ nhiên chúng ta không đơn độc. Còn Thánh Thần nữa. Và phải có Thánh Thần chúng ta mới thi hành được sứ vụ. Từ hôm nay Giáo hội khuyên ta hợp ý cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Và như cộng đoàn các môn đệ xưa, Giáo hội chờ đợi Thánh Thần với Ðức Mẹ. Nay cũng là tháng Năm, tháng hoa của Mẹ chúng ta. Con cái Mẹ hãy sốt sắng vây quanh Người để cầu xin ơn Thánh Thần xuống dồi dào trên Giáo hội và trong các tâm hồn.

Tuy nhiên, những ngày tới không phải chỉ là những ngày cầu nguyện. Phêrô và các Tông đồ đã làm việc đang khi chờ đợi ơn Thánh Thần. Các ngài chọn người thay chỗ Giuđa. Và phải là người có tư cách để làm chứng, tức là không những đã ở trong hàng ngũ môn đệ và biết Chúa Giêsu, nhưng nhất là phải tin Người đã sống lại để đem sức sống mới vào thế gian. Vì sứ mệnh của Giáo Hội tựu trung là đem vào đời sống của con người mầm mống của sự phục sinh sau này, tức là sự sống trường cửu của chính Thiên Chúa.

Sự sống này giờ đây Chúa sẽ ban thêm cho chúng ta trong Thánh lễ này để hôm nay và hằng ngày, chúng ta đem tăng cường cho sự sống của mọi người, khi chúng ta phấn đấu cho đời sống loài người mỗi ngày một đẹp hơn, tốt hơn và hạnh phúc hơn.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A