Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A

Dọn Mừng Giáng Sinh

(Ys 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)

 

Phúc Âm: Mt 24, 37-44

"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.

"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".

 

Giới Thiệu Mùa Vọng:

1. Năm Phụng Vụ:

Thiên Chúa đã có một chương trình, một kế hoạch đối với vũ trụ nói chung và loài người nói riêng. Nói đúng hơn, Người dự tính cho loài người một lịch sử thật tốt đẹp và xếp đặt mọi sự theo quan niệm đó. Dự liệu của Người được trải ra trong thời gian. Và từ ngày đầu tiên tạo thành thiên địa cho đến ngày thế mạt được gọi là Lịch Sử Cứu Ðộ.

Giáo hội muốn chúng ta sống Lịch sử này trong chu kỳ một năm Phụng vụ. Từ lễ này qua lễ kia, Phụng vụ của Giáo hội trải ra cho chúng ta thấy chương trình và kế hoạch cứu chuộc mầu nhiệm của Chúa; để chúng ta đón nhận ơn lành Chúa ban, đem lịch sử cứu độ vào trong tâm hồn và đời sống của mình, hầu được cứu chuộc và tham gia và chương trình cứu thế.

2. Các Mùa Phụng Vụ:

Năm Phụng vụ bắt đầu từ hôm nay, với Chúa nhật I Mùa Vọng. Vì sao lại khởi sự vào một ngày mà xã hội không thấy có gì khác thường? Lịch sử cho biết, ngay từ đầu, Giáo hội đã mừng ngày Chúa Phục sinh, tức là các ngày Chúa nhật và đặc biệt ngày Chúa nhật Phục sinh. Biến cố Phục sinh là khởi điểm của niềm tin, lòng cậy và tình mến của Giáo hội đối với Ðức Kitô. Mừng biến cố này một hôm, Giáo hội không lấy làm thỏa mãn. Các ngày Chúa nhật nhắc lại cũng không đủ. Mầu nhiệm Phục sinh không những gồm việc Chúa sống lại, mà còn bao hàm việc Người lên trời và ban Thánh Thần xuống. Nên Mùa Phục Sinh kéo dài mãi tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau khi Chúa sống lại, ngày Thánh Thần xuống chan hòa trên các môn đệ Chúa.

Ðể các tín hữu dọn mình đón nhận các ơn phong phú của mầu nhiệm Phục sinh, và nhất là để các tân tòng chuẩn bị sâu sắc việc nhập đạo, trở thành Dân được cứu chuộc nhờ mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, Giáo hội đã đặt ra Mùa Chay, gồm 4 tuần lễ và Mùa Tử Nạn, gồm 2 tuần lễ, trước lễ Phục sinh. Suýt soát tất cả 40 ngày nhắc lại việc Chúa chay tịnh 40 ngày trước khi ra đi cứu thế. Tuần lễ I của Mùa Tử nạn, vì cử hành những mầu nhiệm thánh thiện nhất của lịch sử cứu độ, nên được gọi là Tuần lễ Thánh.

Như vậy, trong nhiều thế kỷ đầu, Giáo hội chỉ chú trọng đến mầu nhiệm Phục sinh, bao gồm mọi mầu nhiệm khác trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cho mãi tới thế kỷ VI, Phụng vụ mới dứt khoát chọn một mầu nhiệm nữa làm một cái trục thứ hai để khai triển, dẫn vào mầu nhiệm Phục sinh. Ðó là mầu nhiệm Chúa Nhập Thể cứu đời. Lễ Sinh nhật và Hiển linh của Ðức Kitô trở thành một Mùa Phụng vụ mới, gọi là Mùa Giáng Sinh và Hiển Linh. Và cũng như Mùa Phục sinh đã được chuẩn bị bằng một số tuần lễ làm thành Mùa Chay và Mùa Tử nạn, thì Mùa Giáng sinh - Hiển linh cũng được sửa soạn bằng 4 tuần lễ Mùa Vọng, mà mục đích cũng là để chuẩn bị tâm hồn tín hữu và giúp đỡ tân tòng chịu phép Rửa tội.

Nhưng đang khi biến cố Phục sinh rõ rệt đã xảy ra vào dịp lễ Vượt Qua của người Dothái, việc Chúa giáng sinh vào đúng ngày nào, ai mà biết rõ? Vậy vì sao lại chọn ngày 25 tháng 12 để xếp đặt Mùa Giáng sinh và Mùa Vọng như hiện nay?

3. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh:

Thực ra, lúc đầu người ta chỉ chú trọng đến việc Chúa chịu chết và sống lại, vì là hành vi dứt khoát cứu chuộc chúng ta. Ðến khi muốn biết rõ ngày nào Chúa sinh ra, Ðức Mẹ đã về trời rồi, không còn chứng nhân chắc chắn nào để hỏi nữa. Nhưng không thể không có ngày giờ Chúa sinh ra. Chọn ngày giờ nào thích hợp hơn cả? Ở Ðông phương, người ta tính Ðông chí là ngày 6 tháng 1; còn ở Tây phương, đó lại là ngày 25 tháng 12. Cả Ðông Tây đều mừng rỡ trong ngày Ðông chí, ngày mùa Ðông xuống đến điểm cuối cùng, và mặt trời lại bắt đầu đi lên quỹ đạo, đem ánh sáng mới sưởi ấm trần gian sau những ngày đông lạnh buốt. Tạo vật bắt đầu hồi sinh. Sự sống mới lại xuất hiện, ngày Ðông chí thật thích hợp để kỷ niệm ngày Chúa đem sự sống mới xuống thế gian. Lương dân quý mến ngày đó đến nỗi hân hoan mừng rỡ chào đón mặt trời đi lên như vị thần đem sự sống đến cho loài người. Và như trong các cuộc liên hoan quá độ, không thiếu những hành vi say sưa, dâm dật không tốt đẹp. Giáo hội muốn con cái mình "luôn vui với người vui", nhưng không muốn có những lạm dụng. Không được thờ mặt trời, vì không phải là thần thánh mà chỉ là tạo vật. Không được say sưa tửu sắc. Chúa mới là Mặt Trời Công Chính; và ánh sáng của Người mọc lên phải đuổi xa tội lỗi và băng hoại. Thế là ngày 25 tháng 12 được chọn ở Tây phương để mừng Ngày Chúa Giáng Sinh; còn Ðông phương chọn ngày 6 tháng 1 để mừng Chúa Hiển Linh khi cho Ngôi Sao của Người mọc lên trên nền trời phía Ðông. Nhưng Giáng sinh cũng là Hiển linh và câu chuyện Ngôi Sao lạ hiện ra ở Ðông phương cũng gắn liền với việc Chúa Giáng sinh. Giáng sinh - Hiển linh làm thành một Mùa Phụng vụ; và 4 tuần lễ đi trước là Mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn tín hữu và giáo huấn tân tòng.

4. Thực Hành Thế Nào?

Khỏi nói đến việc dạy dỗ tân tòng. Theo lịch sử và xếp đặt của Phụng vụ, Mùa Chay mới là thời gian chuẩn bị chính để tân tòng chịu thanh tẩy. Nhưng Mùa Vọng cũng đã được coi như giai đoạn phụ. Lễ Ðêm Giáng sinh thật thích hợp để người tân tòng thấy họ được "kéo ra khỏi nơi tối tăm và đưa vào trong Nước ánh sáng của Chúa". Chọn Mùa Vọng để khởi sự giáo huấn tân tòng cho đến Ðêm Phục sinh, lại càng quý hóa, vì họ sẽ có thời gian tập sống đạo dài hơn. Dĩ nhiên chúng ta đã biết phải dạy dỗ tân tòng như thế nào rồi.

Việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận mầu nhiệm Giáng sinh, thực tế có thể khó hơn, vì sẽ đòi cá nhân chúng ta phải cố gắng đối với chính mình. Ðừng đơn sơ nghĩ rằng chỉ cần đi xưng tội, dọn mình mừng lễ là xong! Quả thật, Phụng vụ dùng lễ phục màu tím để nói lên thời giờ thống hối ăn năn. Nhưng các Thánh ca và Kinh lễ Mùa Vọng lại chứa chan những cảm tình nồng nhiệt, phấn khởi. Nhất là từ ngày 17 tháng 12 trở đi, thời gian đầu tiên chuẩn bị lễ Giáng sinh, với các tiền khúc bắt đầu bằng tiếng "Ôi", Phụng vụ chỉ muốn đốt to dần dần ngọn lửa tình yêu nồng nàn đi đón Chúa Cứu Thế mỗi ngày mỗi tới gần.

Như vậy tâm tình chính phải phát triển trong Mùa Vọng là tình yêu. Người tín hữu hãy đốt lửa lòng mình lên để khao khát Chúa hơn. Không phải để rồi khư khư giữ lấy Chúa cho thỏa mãn khát vọng của mình. Nhưng vì Chúa đến với chúng ta là Cứu Chúa, nên người tín hữu phải khao khát Chúa Cứu Thế, Ðấng đến cứu mình khi cứu chuộc mọi người. Do đó không thể chờ đón Người một cách riêng rẽ. Phải chia sẻ tâm tình trông đợi với mọi người. Phải khơi dậy cả một niềm tin yêu cứu thế trong môi trường mình sống. Mùa vọng tự bản chất không phải là mùa đạo đức cá nhân riêng rẽ, nhưng là mùa sống tập thể, vừa truyền giáo vừa công giáo.

Huấn giáo, sửa mình, tin yêu, bác ái là những công tác lớn của Mùa Vọng. Chúng ta đọc Lời Chúa để tu thân hầu mến Chúa và thương người hơn thì Nước Chúa không những sẽ tới mà còn lan rộng. Mầu nhiệm Chúa Nhập thể giáng thế cứu đời đã xảy ra ngày trước trong lịch sử, sẽ như dội lại ở nơi ta, đem ơn cứu độ lan xa hơn như làn sóng, để sang năm bằng giờ lại cuộn lên, lấy đà đổ xuống mang ơn cứu thế đi xa hơn nữa, cho đến mút cùng địa cầu, để cuối cùng ở chân trời thế mạt Ðức Kitô sẽ lại xuất hiện như Vừng Ðông, tỏa sáng vinh quang trên toàn thể vũ trụ và đặc biệt trên cả nhân loại được cứu độ, thiết lập Nước Trời hạnh phúc vĩnh cửu, cho Vinh Danh Chúa Cha đã xếp đặt một kế hoạch cứu độ tốt đẹp như vậy.

5. Các Chúa Nhật Mùa Vọng Năm A:

Tổng quát:

Danh từ Mùa Vọng đúng về ý nghĩa, nhưng cần giải thích. Nôm na mà gọi thì đây là "Mùa Chúa Ðến" (bởi chữ Adventus, advenire là đến). Danh từ này, các tín hữu ngày xưa có lẽ đã mượn của dân ngoại. Thời đó ở Tây phương (cũng giống như ở Việt Nam) và lúc Ðông chí hay sang Xuân, dân ngoại có thói quen rước thần hoàng. Ðó là ngày thần đến ở với dân làng trong suốt năm. Nhưng Chúa chúng ta không chỉ đến để ở giữa chúng ta, như một Ðấng "Emmanuel", mà còn để cứu chuộc chúng ta. Thế nên Mùa Vọng không phải là thời gian sắm sửa trang hoàng cho một ngày đại lễ, nhưng là muà khát khao ơn cứu độ.

Người ta có thể tưởng Phụng vụ muốn đồng hóa mùa này với thời gian dân Israel ngày xưa trông chờ Ðấng Cứu Thế. Cao độ của việc mong đợi này thể hiện trong giai đoạn lưu đày. Thế nên Phụng vụ mượn các bài đọc Cựu Ước mùa này trong sách Isaia, quyển II. Nhưng phải cẩn thận! Không được đồng hóa Mùa Vọng với lịch sử Israel gần ngày Chúa đến. Phụng vụ không diễn xuất, không đóng kịch. Chúng ta không giả vờ sống lại tâm tình của Dân Chúa ngày xưa. Nhìn về Ngày Chúa "sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết", chúng ta thật sự phải trở thành những người chờ đợi Ngày Chúa đến cứu Dân Người. Chúng ta mượn lại những lời sách Isaia để hướng dẫn, kích thích những tâm tình thật sự chúng ta phải có để sống đúng giai đoạn hiện tại. Như lời thánh Phaolô nói Cựu Ước đóng vai trò "quản giáo" hay mẫu giáo, cần cho tuổi lớn lên, ta phải sống nhờ Tân Ước.

Các lời thư thánh Phaolô trong các bài đọc II sẽ nhắn nhủ ta những thái độ Kitô giáo trong thời gian trông chờ Ngày Chúa quang lâm. Chính thánh Tông đồ cũng chỉ rút ra những bài học đó từ Mạc khải của Chúa Giêsu mà các bản Tin Mừng còn làm vọng lại. Chúng ta sẽ được nghe những đoạn Tin Mừng về Gioan Tẩy Giả và về Ðức Maria trước ngày sinh con. Như vậy các bài đọc III cũng rõ rệt muốn cho chúng ta đào sâu mầu nhiệm chờ Ngày Chúa đến. Isaia, Gioan Tẩy Giả, Ðức Maria sẽ hướng dẫn chúng ta trong mùa này. Và ta sẽ được sức mạnh để sửa soạn ngày Chúa đến như các ngài, nhờ ở chính thần lực Thánh Thể mà ta được chịu lấy mỗi khi tham dự thánh lễ.

Như vậy, ta tạm coi ngày Chúa nhật I như để nghe tiếng nói của Isaia, giới thiệu ý nghĩa sâu xa của Mùa Vọng, cũng như để nói lên thái độ tổng quát của tâm hồn người tín hữu trong khi chờ mong Chúa đến.

Chúa nhật II và III cũng còn vọng tiếng nói của Isaia, nhưng nơi Gioan Tẩy Giả, vị Thần sứ đến trước Chúa cho ta thấy những sửa soạn cụ thể và khẩn trương hơn vì kìa "Con Thiên Chúa gánh tội thiên hạ đã đến".

Chúa nhật IV dọn dẹp chính nơi Chúa ngự đến trong lòng Trinh nữ Maria. Ðó là chuẩn bị cuối cùng và mật thiết, đưa ta vào mầu nhiệm đón nhận Chúa Kitô như là bằng chứng của tình yêu nơi Thiên Chúa: Người đã yêu thương ta đến nỗi đã ban chính Con Một Người đến cứu chuộc chúng ta, để ai đón nhận Người Con ấy cũng sẽ yêu mến Cha trên trời như Ngài và bắt chước Ngài trong việc thi hành ý Cha trên trời là cứu độ trần gian về cho Người. Bốn Chúa nhật Mùa Vọng đưa ta đến nếp sống đạo chân thực mến Chúa-yêu người vậy.

 

Suy Niệm:

(Chúa Nhật 1 Mùa Vọng Năm A

(Ys 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44)

Với những bài Thánh Kinh trên, Phụng vụ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa Mùa Vọng, cũng như về thái độ căn bản của người tín hữu trong Mùa này.

 

A. Ý Nghĩa Mùa Vọng

Isaia đã nói về tương lai. Ông nhìn thấy "vào những ngày mai sau, hết thảy mọi nước sẽ tuốn lên Ðền thờ Thiên Chúa... Ngài sẽ phân xử mọi dân tộc và thiên hạ sẽ rèn gươm làm cày, nghĩa là không còn luyện binh đao nữa". Ðó là cái nhìn của nhà tiên tri. Ông không nghĩ rằng xã hội lý tưởng kia sẽ xảy ra vào thời ông. Ngược lại ông chắc chắn dân tộc Israel đang đi vào con đường đen tối. Nói rằng đây là những lời an ủi ông đưa ra trước để nói về thời phục hưng sau lưu đày, cũng chỉ một phần nào đúng thôi; vì xã hội tốt đẹp ông nhìn thấy lý tưởng quá, khó xảy ra trong một quê hương bị nạn binh đao tàn phá. Cũng có người tưởng, đoạn văn Isaia ở đây là một văn phẩm sau thời gian lưu đày. Dân Israel được khuyến khích trở về Yêrusalem xây dựng lại Ðền thờ của Chúa. Nhưng lịch sử cho biết số người trở về cũng không rầm rộ đắc thắng và cuộc trùng tu Ðền thờ đã gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, những lời tiên tri không ám chỉ tương lai gần thời Isaia. Cùng lắm cái nhìn thời cuộc lúc bấy giờ chỉ là khởi điểm hay điểm tựa để nhà Tiên tri phác họa ra tương lai của niềm tin. Ông diễn tả đức tin mạnh mẽ của ông vào Lời Chúa. Ngay từ đầu, với Abraham, Ngài đã hứa cho Israel trở thành dân đông đảo và mọi nước sẽ được chúc phúc ở trong ông. Lời hứa mỗi ngày mỗi được củng cố, đào sâu và phổ biến. Dần dần lịch sử đã mở mắt và hướng dẫn cho dân Israel để họ hiệu Lời Hứa trên sẽ không thực hiện đầy đủ trong các biến cố lịch sử do con người tạo ra. Họ ý thức rằng: duy chỉ một mình Chúa có thể thực hiện Lời Hứa trên: và khi Ngài ra tay làm sự nghiệp vĩ đại ấy, lịch sử sẽ đi vào thời đại hoàn toàn mới mẻ, thời đại của chính Thiên Chúa, của Ðấng Thiên Sai mà Ngài sai đến. Như vậy, lời sách Isaia ở trên nói về thời Thiên Sai, thời Ðấng Cứu Thế.

Chúng ta biết: Ngài đã đến. Ðó là Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Và các lời sách Isaia cũng đã thực hiện. Các dân tộc đã tuốn về nhà Chúa là Giáo hội và người ta đang đi trong đường lối của Ngài. Tuy nhiên chúng ta đều biết, chưa có sự hoàn toàn và đầy đủ. Chính Ðức Kitô, trong bài Tin Mừng hôm nay, bảo chúng ta phải chờ đợi "Ngày Con Người sẽ đến", khiến thật sự, các lời tiên tri Isaia chỉ thực hiện hoàn toàn sau này, trong tương lai. Vậy dùng những lời ấy để khai mạc Mùa Vọng, và dùng chính lời Tin Mừng để giải thích rõ lời Tiên tri, Phụng vụ hôm nay đã nói lên ý nghĩa đích thực của mùa này, là hướng lòng chúng ta về Ngày "Con Người sẽ đến". Vì thế chủ yếu của Mùa Vọng không nhằm việc dọn mừng lễ Giáng sinh; nhưng muốn khơi lại niềm tin về Ngày Chúa sẽ trở lại, để tất cả cuộc đời của chúng ta là Mùa Vọng, trông đợi "Ngày Chúa lại đến".

 

B. Vai Trò Của Việc Dọn Mừng Giáng Sinh

Tuy nhiên việc dọn mừng lễ Giáng sinh rất cần thiết cho Mùa Vọng. Cả đời chúng ta phải chờ Ngày Chúa trở lại. Nhưng để nuôi dưỡng và phấn khích lòng chờ đợi này, chúng ta cần làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến trong xác thịt hầu khi thấy Chúa đã nhập thể thế nào, chúng ta được thêm vững tin về việc Ngài sẽ trở lại như thế. Và nhất là chúng ta cần đến ơn Nhập thể của Chúa, mới biết chờ đợi và mới có khả năng chờ đợi Ngày Con Người sẽ đến sau này. Có thể nói Phụng vụ muốn giúp chúng ta dọn mừng lễ Chúa Giáng sinh để ta thêm khả năng sửa soạn cho Ngày Chúa trở lại. Như vậy Mùa Vọng nhắm lễ Giáng sinh như mục tiên gần để vươn tới và đạt tới mục tiêu cuối cùng là Ngày Ðức Kitô lại đến để phân xử các nước và phán xét mọi dân tộc.

Nhưng việc dọn mừng lễ Giáng sinh chỉ có thể đóng được vai trò vừa nói, nếu Phụng vụ không phải chỉ là kính nhớ hay nhớ lại. Phụng vụ phải mang đến ơn Chúa Giáng sinh thật sự, nghĩa là phải làm sống lại thật sự cho chúng ta sự kiện Ðức Kitô đã làm người. Phụng vụ phải hiện đại hóa cho chúng ta ngày nay việc Ngài đã giáng sinh ở Bêlem ngày trước, để chúng ta được tiếp nhận Ngài như Ðức Maria và thánh Giuse, để chúng ta lại được như các Tông đồ lắng nghe Lời Chúa và thấy các việc Ngài làm, hầu chúng ta có thể chờ đợi Ngài trở lại. Thành ra không kể việc Chúa đã đến một lần trong lịch sử khi sinh ra làm người, và không kể việc Ngài sẽ đến sau này trong tương lai, còn có việc Ngài đến cách mầu nhiệm trong tâm hồn tín hữu nhờ việc lãnh nhận Bí tích với niềm tin yêu. Việc Ngài đến cách mầu nhiệm này là kết quả của việc Ngài đã đến trong xác thịt; và là bảo chứng cho việc Ngài sẽ đến trong vinh quang. Chúng ta dọn mình mừng lễ Giáng sinh, vì thế, vừa để tạ ơn vừa để xin ơn. Nhớ lại việc Chúa đã giáng sinh, chúng ta cảm mến các ơn lành Người ban để biết chờ mong hạnh phúc viên mãn sẽ đến sau này.

 

C. Làm Thế Nào?

Isaia đã khuyên nhà Yacob, hãy đi trong ánh sáng của Chúa. Thánh Phaolô cũng bảo, hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng. Vì Chúa đã đến trong thế gian khi Ngài giáng sinh làm người. Ngài đã đem giáo lý chân thật làm ánh sáng dẫn đưa các tín hữu của Ngài trên đường lữ thứ trần gian. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta biết thái độ căn bản trong thời "Con Người chưa đến". Ngài bảo: "Vậy chúng con hãy sẵn sàng". Và để chúng ta hiểu rõ khẩu lệnh này, chính Ngài đã cho chúng ta hai thí dụ, hay hai dụ ngôn để so sánh. Ngài nói: hãy nhớ lại thời Noe; cho đến khi nước lụt ập đến cuốn đi tất cả. Thật ra sách Khởi nguyên còn yếm thế hơn. Tác giả nói thời ấy người ta cứ ăn uống, cưới xin như không có việc gì sắp xảy tới. Như vậy, Ngài không cảnh cáo riêng gì kẻ tội lỗi. Ngài dạy mọi người không được sống "bình chân như vại", chỉ lo việc đời này, dường như không có đời sau. Không có việc Chúa trở lại, không có lễ Giáng sinh sắp tới. Những người sống như vậy chắc chắn sẽ không được ơn gì của lễ Giáng sinh và sẽ ngỡ ngàng khi Ngày Con Người đến. Và để diễn tả sự ngỡ ngàng này, Chúa Yêsu đã lấy hình ảnh hai người (đàn ông) cùng đang ở ngoài đồng và hai người (đàn bà) cùng đang xay bột ở nhà. Người sẵn sàng chờ đợi Chúa đến sẽ được Ngài đem đi (hưởng nơi hạnh phúc); còn người không chờ đợi sẽ chưng hửng thấy người bạn cùng làm với mình được cất lên trời, còn mình phải ở lại nơi trần tục. Như vậy rõ ràng Chúa muốn bảo chúng ta, đang khi chu toàn các phận sự ở đời này, phải thao thức về việc Ngài trở lại. Và ai sống như thế, chắc chắn sẽ được như lời Thánh Tông đồ nói: không bê tha tửu sắc và giành giật gây chuyện với người khác, một sẽ càng ngày càng mặc lấy Chúa Yêsu để trở nên giống Ngài.

Chúa còn lấy một thí dụ khác để nói lên thái độ sống đạo căn bản. Nếu người chủ hộ biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt ông sẽ thức đến lúc đó, không để cho nó đào ngạch khoét vách. Nhiều lời khác như thế đã tạo nên trong Giáo Hội thói quen canh thức cầu nguyện ban đêm. Ở đây, Chúa không đòi mọi người đến mức độ đó. Ngài chỉ bảo: vì chẳng biết giờ nào, Con Người sẽ đến, nên luôn luôn phải sẵn sàng. Và như trên đã nói, thái độ sẵn sàng là luôn nuôi dưỡng ý thức việc Chúa trở lại, để chúng ta được xứng đáng trong Ngày Chúa đến cất nhắc chúng ta lên với Ngài. Ý thức đó phân biệt người tin với kẻ không tin. Người không tin chỉ biết nói đến những sự việc đời này; còn kẻ tin làm tất cả mọi việc ở trần gian mà vẫn không ngơi quy hướng mọi sự về đời sau và Chúa. Họ phải làm tốt các nhiệm vụ trần gian để được nhìn thấy là xứng đáng trong Ngày Chúa trở lại. Không những thế, họ còn biết rằng bất cứ giây phút nào Chúa cũng muốn đến gõ cửa tâm hồn họ để vào ở với họ trong tình thân mật. Nên thái độ sẵn sàng đòi họ giữ tâm hồn trong trắng và muốn cầu nguyện tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn Ngài.

Như vậy, khi nếu cao ý thức "Chúa Sẽ Ðến" Mùa Vọng muốn chúng ta trở thành những con người có thái độ sẵn sàng, sẵn sàng đối với ơn Chúa đến viếng thăm và làm giàu cho đời sống, nên luôn luôn thao thức sống đẹp lòng Chúa. Thái độ ấy phải thực hiện ngay trong việc dâng lễ, để có Chúa đến trong tâm hồn, chúng ta có khả năng đón mừng lễ Giáng sinh và được Chúa cất nhắc khi Ngài lại đến.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A