Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm A

Vui Trong Ðợi Chờ

(Ys 35,1-6a.10; Yc 5,7-10; Mt 11,2-11)

 

Phúc Âm: Mt 11, 2-11

"Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?"

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?" Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: "Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con". Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".

 

Suy Niệm:

(Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm A)

(Ys 35,1-6a.10; Yc 5,7-10; Mt 11,2-11)

Ðã gần lễ Giáng sinh, ánh mắt các em vui lên rõ rệt. Giọng thánh ca đã có tác dụng trong lòng mọi người. Giáo hội là người mẹ rất nhạy cảm. Ðể chia sẻ niềm hân hoan đang dâng lên trong lòng con cái, Giáo hội đặt Chúa nhật này làm Chúa nhật màu hồng. Lễ phục có thể dùng màu hồng thay vì màu tím. Và các bài kinh, tiếng hát hôm nay như đi trước niềm vui Giáng sinh. Tuy nhiên đây chỉ là nỗi hân hoan trong bầu khí chờ đợi và thái độ cần thiết là biết nhẫn nhục.

 

A. Vui Trong Ðợi Chờ

Ngay những lời đầu tiên trong sách Isaia đã đầy những từ ngữ: hoan lạc, hân hoan, trổ hoa, nở hoa, nhiệt liệt, reo hò. Diễn được hết ý của nhà tiên tri, thật là khó! Niềm vui trong lòng ông rất to lớn. Nhưng đó chỉ là niềm vui trong tương lai mà khi trình bày tác giả chưa được nếm. Ông nói về niềm vui sau Lưu đày khi Dân Chúa được hồi hương. Quả thật, ai sung sướng bằng Dân được độc lập, giải phóng! Ngày đó người què cũng muốn nhảy, người điếc cũng muốn nghe, người câm chỉ muốn nói. Và đất nước tuy tan hoang nhưng hứa hẹn sẽ nở hoa. Isaia muốn diễn tả niềm vui đó, niềm vui được nhìn thấy quê hương sau những năm đô hộ, nô lệ và lưu đày. Giáo hội mượn lại lời ông để nói đến niềm vui khi Chúa đến. Và thật ra những lời tiên tri kia cũng chỉ thực hiện đầy đủ khi Chúa đến và cứu chuộc chúng ta. Thế nên đó là niềm vui của thời Thiên sai, của Ngày Chúa trở lại. Chỉ khi ấy mọi người què mới đi được, mọi người câm mới nói được, và mọi người điếc mới nghe được. Tất cả mọi khổ sở, đau phiền, bệnh tật, chết chóc bấy giờ mới chấm dứt; và người ta mới có thể nói như Isaia: vĩnh biệt phiền sầu than vãn.

Nhưng mọi sự sẽ xảy ra trong Ngày Chúa đến đều đã khởi sự từ ngày Chúa Giáng sinh. Và Ðức Kitô đã có lý khi bảo người ta: hãy về thuật lại cho Yoan những điều mắt thấy tai nghe, kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại. Những điều đó Chúa đã làm ngay từ Ngày Ngài xuất hiện. Ðó là dấu chỉ thời Thiên sai đã tới. Phải vui mừng! Nhưng chưa phải là Ngày Chúa đến lần sau hết. Nên niềm vui hiện nay còn là niềm vui đợi chờ.

Yoan có hiểu được bài học đó không? Chúng ta ngày nay có biết vui trong đợi chờ không? Hoàn cảnh của Yoan giúp ta đón nhận bài học của Chúa.

 

B. Hoàn Cảnh Của Yoan

Tin Mừng thánh Matthêô hôm nay nói: bấy giờ Yoan Tẩy Giả đang ở trong tù. Một người như ông sao lại phải như thế? Lần trước ông xuất hiện như một nhà đại tiên tri. Toàn dân công nhận nhân đức của ông. Nên từ mọi nơi, thôn quê cũng như tỉnh thành, người ta tuốn đến xin ông dội nước cho để thống hối tội lỗi. Uy tín của ông cao đến độ dám có những lời rất nghiêm nghị với bậc cai trị dân. Thế mà đột nhiên, ông bị bắt và ở tù. Tại ông đã cảnh cáo vua Hêrôđê loạn luân cướp vợ của anh mình. Yoan buồn vì số phận hiện nay ư? ông đã quá biết số phận của các tiên tri. Có lẽ ông đã không sai người đến hỏi Chúa Yêsu như Tin Mừng hôm nay kể, nếu ông đã không giới thiệu Ngài như Chúa nhật trước chúng ta đã thấy. Ông loan báo Ngài là Ðấng sẽ đến để xét xử công minh, để phân biệt thóc với trấu và để ném trấu vào lửa cháy. Thế mà sao Ngài vẫn dửng dưng đối với việc ông ngồi tù và trước hành vi bất chính rõ rệt của Hêrôđê. Vậy Ngài có phải là Ðấng sẽ đến để xét xử công minh không?

Ðó có thể là thắc mắc duy nhất trong đời Yoan. Chắc chắn đó là vấn nạn của mọi thời đại Cựu Ước và của chính chúng ta ngày nay. Ðiều làm cho mọi thế hệ loài người khó hiểu đến nỗi muốn vùng lên không tin tưởng gì nữa và thấy đời thật vô lý: là cớ sao kẻ dữ cứ sống phây phây và kẻ lành bị khổ cực đến thế? Chúa đã đến có phải là Ðấng phân xử công minh không? Trường hợp của Yoan là hoàn cảnh của chúng ta, là vấn đề của đời sống con người. Lời Chúa giải đáp cho Yoan thật đáng chú ý.

 

C. Giáo Lý Của Chúa

Chúa đã trả lời ngay câu hỏi của Yoan. Người bảo người ta hãy về nói cho ông biết Ðấng Thiên Sai, Ðấng Xét Xử đã đến rồi. Cứ xem các việc Người làm thì rõ. Kẻ què đi được, người câm nói được, kẻ mù xem thấy. Isaia đã tiên báo những điềm đó; nay đang ứng nghiệm. Nhưng Chúa đã thêm: "Phúc cho người không vấp ngã vì Ta" nghĩa là phúc cho người không bực bội khó chịu vì thái độ của Ta, khi thấy Ta không hoàn toàn như họ nghĩ. Chúa muốn nói với Yoan và chúng ta rằng: Ngài chính là Chúa, nhưng Ngài không hoàn toàn như ta nghĩ đâu! Ta phải tin Ngài chứ không được xét đoán Ngài. Nếu Ngài phải y như ta nghĩ, thì Ngài không còn là Chúa của ta nữa. Thiên Chúa vượt quá mọi khả năng của ta. Chúng ta phải tin Ngài, phó thác mọi sự nơi Ngài. Có như vậy, chúng ta mới là tín hữu.

Nhưng để giúp Yoan và chúng ta tin tưởng, Chúa đã quay ra nói với mọi người về Yoan. Ngài ca tụng ông là người lớn nhất sinh ra bởi người nữ. Ngài công nhận các nhân đức và sự thánh thiện của ông. Ngài là Ðấng phân xử công minh ngay từ khi Ngài đến. Nhưng việc phân xử của Ngài mới chỉ là khởi sự. Nó chỉ kết thúc khi Ngài sẽ trở lại. Lúc đó thóc sẽ được đưa vào lẫm và trấu sẽ bị quăng vào lửa. Ai tin ở Ngài mới được vào Nước Trời. Và bất cứ ai được vào Nước đó cũng sẽ lớn hơn Yoan nếu ông không tin và không chấp nhận đường lối của Chúa.

 

D. Thái Ðộ Của Ta

Chắc chắn Yoan đã sung sướng khi nhận được câu trả lời của Chúa và biết rằng Chúa thấu hiểu tâm can của mình. Ông tin ở Chúa và đã sống phó thác hoàn toàn. Thánh Yacôbê trong bài thư hôm nay khuyên ta noi gương cam khổ và kiên tâm, tức là các tiên tri, những vị đã tuyên ngôn Danh Chúa. Chúng ta hãy bắt chước Yoan Tẩy Giả là khuôn mặt đáng kính của Mùa Vọng Phụng vụ. Hoàn cảnh của ông giúp ta hiểu thân phận con người của mình sống ở trần gian trong thời kỳ trông đợi Ngày Chúa đến. Chúng ta hãy vui mừng hân hoan. Không phải vì tất cả đã sáng sủa, tươi tắn như lễ phục màu trắng đẹp trong ngày lễ Giáng sinh. Mọi sự sẽ chỉ được phơi bày ra một cách công khai trong Ngày Chúa trở lại. Nhưng ngay bây giờ, Chúa cũng đã đến rồi. Giáo lý của Ngài đã bắt đầu phân xử lương tâm mọi người. Mỗi người đọc giáo lý của Chúa và nghe tiếng lương tâm mình đã tự biết mình thánh thiện hay tội lỗi như thế nào. Chúa phán xử ngay trong lòng mọi người. Còn ở ngoài, chưa phải là lúc Chúa đến trong uy quyền thật sự, lành dữ chưa hoàn toàn phân minh. Ai tin vào đường lối của Chúa đã được an tâm, hân hoan trong tâm hồn. Ðời tuy chưa trắng đẹp hoàn toàn nhưng cũng đã mặc màu hồng vui hơn màu tím nhờ có niềm tin giúp ta nhìn đời.

Thế nên ta hãy chấp nhận lời khuyên của thánh Yacôbê: hãy kiên tâm chờ ngày quang lâm của Chúa. Kìa coi nhà nông, kiên tâm chờ cho đến mùa... Thế nên đừng phàn nàn oán trách nhau. Một thái độ như thế chắc chắn không dễ gì. Không dễ gì có thể sống hòa thuận như Phụng vụ dạy ta lần trước. Hôm nay, Phụng vụ chỉ thêm cho ta phương thức để tạo bầu khí thuận hòa. Ðó là theo gương Yoan kiên tâm nhẫn nhục tin tưởng vào đường lối của Chúa và không vấp ngã vì Ngài.

Và cũng như mọi lần, Phụng vụ cống hiến cho ta sức mạnh để thi hành các nhân đức khi mời gọi ta tham dự mầu nhiệm Thánh Thể. Ở đây, ta thấy Chúa kiên tâm trong mầu nhiệm đau khổ để đem niềm tin vào tâm hồn chúng ta, để ta bắt chước Chúa khởi sự thời đại Thiên Sai hầu dần dần đi tới ngày nhìn lại quê hương mặt đất này, chúng ta sẽ thấy như Isaia mọi nơi đều trổ hoa. Và cả những nơi hoang địa cũng hân hoan vì niềm vui vĩnh cửu đã đội trên đầu mọi người và vĩnh biệt phiền sầu than vãn.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A