CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Niềm tin vào Chúa Ki-tô là sự sống lại và sự sống

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 11:1-45)

         Mặc khải về Chúa Ki-tô vẫn theo mức độ tăng tiến qua phụng vụ của ba Chúa Nhật liên tiếp, vượt những trở ngại nội tâm cũng như ngoại tại để tiến đến tột đỉnh:  Chúa Giê-su là sự sống lại và sự sống đời đời của chúng ta.  Danh hiệu này của Chúa Giê-su được tỏ ra qua biến cố Chúa cho ông La-da-rô đã chết bốn ngày được sống lại.  Đặc biệt trong lần tỏ ra này, những người tuyên xưng đức tin lại là những bạn hữu của Chúa Giê-su, khác với trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri và người mù bẩm sinh tại Giê-ru-sa-lem.  Vậy sự khác biệt này có thể giúp chúng ta suy nghĩ lại đức tin của mình là những “bạn hữu” hôm nay của Chúa Giê-su.

         Sự thân thiết giữa Chúa Giê-su và gia đình anh La-da-rô là điều hiển nhiên ai cũng biết.  Hai cô chị đã gọi La-da-rô là “người Thầy thương mến”.  Chính Chúa Giê-su cũng gọi anh là “La-darô, bạn của chúng ta”.  Ngay đến kẻ thù của Chúa Giê-su cũng nhận ra điều ấy, họ bảo:  “Kìa xem, ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”  Để nói lên sự thân thiết này, thánh sử Gio-an ghi:  “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô. 

         Nhưng hiện thời anh La-da-rô đã chết.  Tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su là việc dành cho người sống, nhưng việc anh La-da-rô đã chết rồi được sống lại sẽ là một bằng chứng hùng hồn nói lên chân lý của niềm tin Chúa Ki-tô là sự sống lại và là sự sống.  Chúa trì hoãn không đến ngay lúc được tin anh La-da-rô bị đau nặng, mà đợi sau khi anh chết rồi Chúa mới đến.  Giải thích sự trì hoãn này, Chúa bảo các môn đệ:  “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó, để anh em tin”.  Rõ ràng là Chúa Giê-su muốn dùng cơ hội này để:   Người mặc khải chân lý Người là sự sống lại và sự sống đời đời, các môn đệ tin vào Người, và nhiều người trong số những người Do-thái được chứng kiến việc Đức Giê-su làm tin vào Người.

         Như vậy, tâm điểm của câu chuyện Tin Mừng hôm nay phải là những lời đối thoại giữa Chúa Giê-su và cô Mác-ta, cũng như lời tuyên xưng của cô.  Cô đã tin vào uy quyền giảng dạy và quyền năng chữa lành của Chúa Giê-su.  Giờ đây cô tuyên xưng thế giá của Chúa trước mặt Thiên Chúa Cha:  “Bây giờ con biết:  Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”.  Chúa liền cho cô biết về điều Người xin cùng Thiên Chúa, là:  “Em cô sẽ sống lại!”  Ngay sau lời tuyên bố của Chúa:  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống… Chị có tin không?”, cô đã vội vàng thưa:  “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.  Thật là lời tuyên xưng đầy đủ.  Không những cô tin Chúa Giê-su là sự sống lại và sự sống đời đời, mà cô còn tin Người là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian!  Một điều chúng ta thấy rõ ràng là cả ba bài Tin Mừng của ba Chúa Nhật liên tiếp đều nói lên cùng một lời tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.

Sống sứ điệp Tin Mừng

           Một hình ảnh đầy ý nghĩa trong câu chuyện Tin Mừng có thể giúp chúng ta áp dụng vào đời sống đức tin, đó là hình ảnh anh La-da-rô sau khi Chúa gọi, liền ra khỏi mộ, nhưng “chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn”.  Rồi Chúa phán:  “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.  Có phải đây là hình ảnh của chính chúng ta, những người với đức tin bị tội lỗi ràng buộc nên không thể đi và thể hiện đức tin bằng việc làm?  Qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Chúa hứa:  “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh” (bài đọc 1).  Thánh Phao-lô cũng quả quyết: “Nhưng nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống” (bài đọc 2).  Như thế, tuyên xưng Chúa Giê-su là sự sống lại và sự sống chính là để cho Chúa Cha “hồi sinh” chúng ta, để cho Chúa Ki-tô “ở trong” chúng ta, và để cho Ch     úa Thánh Thần “chi phối” chúng ta.

         Chúng ta sẽ cử hành cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa tuần tới.  Ý nghĩa danh hiệu “Đấng Ki-tô” được diễn tả đầy đủ qua cuộc Thương Khó và Chúa Nhật Phục Sinh công bố chân lý Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống.  Vậy chúng ta, các “bạn hữu” của Chúa đã sẵn sàng tuyên xưng đức tin để được sống đời đời với Chúa chưa?

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi




Suy Niệm Lời Chúa Năm A