CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Tình Yêu Trong Đức Tin

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 15:21-28)

         Đối với Do-thái, người đàn bà Ca-na-an trong bài Tin Mừng hôm nay là người ngoài cuộc, hoặc ngoại giáo.  Nhưng cách Chúa Giê-su đối xử với người ngoại giáo có giống như chúng ta đối xử với họ không?  Ngôn sứ I-sai-a chuyển lời của Thiên Chúa đến chúng ta:  “Người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa… đều được Ta dẫn lên núi thánh” (bài đọc I).  Còn thánh Phao-lô thì quả quyết với các tín hữu gốc dân ngoại rằng:  “Khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (bài đọc II).  Câu chuyện Tin Mừng về người đàn bà Ca-na-an và hai bài đọc trên đều nhắm đến điểm chính là tình yêu đối với đức tin.  Thiên Chúa yêu nhân loại nên kêu gọi cả dân Do-thái lẫn dân ngoại tin vào ơn cứu độ.  Còn người đàn bà Ca-na-an yêu con gái mình nên không quản ngại chấp nhận thân phận “chó má” để tin Chúa Giê-su và khẩn cầu Người giải thoát con bà khỏi quỷ ám.

         Dĩ nhiên vì yêu thương con cái mình là người đàn bà Ca-na-an, nên Thiên Chúa kêu gọi bà hãy tin vào Người.  Chắc chắn bà biết ít nhiều về Thiên Chúa mà người Do-thái thờ phượng.  Rồi qua tin đồn hoặc mắt thấy tai nghe, bà cũng biết Chúa Giê-su là một người đặc biệt.  Danh hiệu “Con vua Đa-vít” đối với bà là danh hiệu diễn tả phẩm giá cao quý nhất có thể gán cho một người Do-thái, cho nên bà dùng danh hiệu ấy để kêu van Chúa Giê-su giúp đỡ bà.  Vậy chúng ta hãy xem bà biểu lộ lòng tin đối với Chúa Giê-su như thế nào.

         Trước hết bà đến với Chúa do động lực thúc đẩy là tình yêu bà yêu thương đứa con gái bị quỷ ám.  Bà bộc bạch với Chúa:  “Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”.  Tình mẫu tử còn giúp bà sẵn sàng chấp nhận bất cứ khó khăn nào, miễn là con gái bà được khỏi.  Chắc chắn Chúa Giê-su biết rõ điều này, nhưng Người tạo cơ hội để bà biểu lộ ba đức tính đan kết với nhau:  tình yêu, lòng khiêm nhường và đức tin.  Tình yêu thúc đẩy bà kiên trì và không bỏ cuộc, dù có bị khinh miệt mắng mỏ là “lũ chó con”.  Cũng vậy, lòng khiêm nhường giúp bà bình tĩnh chấp nhận thân phận người dân ngoại của bà và cả sự “khinh miệt” giả đò của Chúa Giê-su.  Khiêm nhường và tin luôn tỷ lệ nghịch với nhau.  Mức độ khiêm nhường càng thấp thì mức độ đức tin càng cao.  Cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy Chúa Giê-su tuyên dương đức tin của người đàn bà Ca-na-an nay:  “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!”  Bởi vì bà quá khiêm nhường và vì Chúa đã nhận thấy tất cả tấm lòng khiêm nhường của bà trước những thử thách Người tạo ra.

         Câu chuyện Tin Mừng đòi chúng ta đặt lại vấn đề tình yêu trong đức tin.  Khiêm nhường là thước đo đức tin.  Nhưng tình yêu mới là sức sống của đức tin nếu chúng ta hiểu đức tin là mối tương quan sống động giữa ta với Chúa.  Không biết thì không yêu mến.  Khi đã biết và tin Chúa thì lòng mến phải là yếu tố đưa Chúa từ trí óc xuống trái tim chúng ta, vì đức tin không nằm trong đầu óc, nhưng trong tâm hồn!  Vì thế, tin Chúa không phải là luôn miệng kêu “lạy Chúa, lạy Chúa”, nhưng là tuân giữ tất cả những điều Người truyền dạy, nhất là thực thi đức ái.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Chúng ta có nghĩ là Chúa Giê-su cố tình tạo điều kiện cho người đàn bà Ca-na-an tuyên xưng đức tin mạnh mẽ của bà không?  Có chứ.  Nhưng có lẽ Chúa Giê-su muốn làm như thế, để các môn đệ Người có cơ hội nhìn lại đức tin của họ.  Họ là những người theo Chúa, vậy mà ngay cả đến ông Phê-rô cũng bị Chúa chê là “kẻ kém lòng tin”!  Dấu hiệu và lý do kém lòng tin là vì các môn đệ chưa có một mối tương quan mật thiết với Chúa Giê-su.  Có lẽ họ vẫn theo Chúa chỉ vì ngưỡng mộ một “người làm phép lạ”, hoặc vì lý do cá nhân như tham vọng thăng tiến chẳng hạn, chứ chưa phải vì yêu mến Người.  Đây cũng là điểm để chúng ta xét lại đức tin của mình!

         Tuy nhiên, theo ngôn sứ I-sai-a và thánh Phao-lô, tình yêu là động lực khiến Chúa kêu gọi chúng ta đến và tin vào Người.  Lời kêu gọi hãy tin cũng là lời kêu gọi hãy yêu mến.  Vì yêu, Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ơn cứu độ.  Đáp lại tình yêu, hoặc muốn được cứu độ, chúng ta cũng phải lấy tình yêu mà đáp lại.  Cứu độ không phải là hành động một chiều và độc đoán của Chúa, nhưng cũng là hành động hồi đáp của chúng ta trước tình yêu của Người.  Cho nên yêu mến để vững tin và được cứu độ là điều Chúa mong đợi nơi ta.          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A