THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG ( Mt 16, 16 )

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 16, 13-23

 

Sau khi đã qui tụ, huấn luyện các môn đệ một thời gian tương đối dài, Chúa Giêsu muốn biết người ta nghĩ gì và các môn đệ nghĩ gì về Chúa. Đồng thời,đã đến lúc Chúa phải nói rõ cho các môn đệ biết mình là ai. Do đó, Chúa Giêsu đưa riêng các ông ra một nơi thanh vắng, rồi qua lời lẽ của thánh Phêrô, cho nhân loại biết ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, và chính Đấng ấy lại chịu đau khổ, chịu chết, phục sinh…

 

Vâng, Chúa Giêsu đã kết nạp 12 môn đệ, dạy dỗ, huấn luyện các ông để các ông sẽ tiếp nối sứ mạng của Ngài sau này. Chúa Giêsu  đã dạy các môn đệ về lòng mến, về kỷ luật, về sạch, về dơ và cả những mưu mô của ma quỉ chống đối. Sau một thời gian dài khi Chúa Giêsu đã có danh tiếng trong xã hội, Ngài đã nghe nhiều người xì xào về Ngài: người thì cho Ngài là Êlia, là Gioan Tẩy Giả, người cho Ngài là một Ngôn sứ nào đó.Tất cả những danh hiệu đó mới chỉ nói lên một phần nào sứ vụ của Ngài mà thôi. Hôm nay, Chúa Giêsu đưa các ông lên một miền thật xa, một nơi hoang vắng, tĩnh lặng để giúp các ông nhận rõ hơn niềm tin của các ông và cũng cho các ông thấy rõ Ngài hơn và sứ vụ của Ngài. Chúng ta có thể coi đây là một cuộc tĩnh tâm giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Và đây mở màn cho những tiết lộ. mặc khải bi quan về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài, về điều kiện để theo Chúa, về cuộc biến hình trên núi vv…Trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 16,13-23, Chúa Giêsu đã dùng từ ‘ Con Người ‘ để ám chỉ về mình. Ngài muốn nói mình vừa là Con Thiên Chúa, vừa là người. Êlia và Giêrêmia là hai vị ngôn sứ lớn đã sống vào thế kỷ 9 và 7 trước Công nguyên. Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống.Cụm từ này thật rõ ràng vì ở nhiều nơi dùng từ “Con Thiên Chúa“, còn ở đây dùng‘ Người Con của Thiên Chúa ‘, nên được nối tiếp các câu sau. Lời tuyên xưng của Phêrô là do Thiên Chúa Cha mặc khải, còn tự ý Phêrô không thể nào nói được. Chính vì niềm tin của Phêrô mà tên của Phêrô được đổi ( tên này cũng có nghĩa trọng trách, sứ mạng của Ông ), đồng thời chính Phêrô là nền tảng cho một công trình lớn, công trình vĩ đại sau này.Phêrô có môt niềm tin cứng như đá tảng, nên không một sức mạnh, một quyền lực, kẻ thù nào có thể phá được.Khi đã ca ngợi Phêrô và các môn đệ về niềm tin vững chắc, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về tương lai của mình, Con Thiên Chúa mà phải chấp nhận cái chết tang thương theo ý của Chúa Cha để cứu độ nhân loại, cứu chuộc con người. Thánh Phêrô can ngăn Chúa vừa nói lên tấm lòng yêu mến Chúa, vừa nói lên ý nghĩ trần gian thì khác với ý định của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi quay lại cuộc hành trình của Phêrô, chúng ta hết sức ngạc nhiên vì con người này. Cả đêm thả lưới không được con cá nào.Nhưng nghe lời của Chúa, Phêrô đã vâng lời thả lưới, Ông và các bạn đã bắt được mẻ cá lớn 153 con. Phêrô quá ngạc nhiên vì mẻ cá này, Ông vội nghĩ đến con người yếu kém, bất xứng, tội lỗi của mình, Ông sấp mình dưới chân Chúa mà thưa “ Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi “ ( Lc 5, 8 ).Trước sự khiêm tốn thẳm sâu của Phêrô, Chúa đã tuyển lựa Ông :” Đừng sợ, từ nay Anh sẽ là người chài lưới người “ ( Lc 5, 10 ). Sau này, Phêrô lại chối Chúa, nhưng con người của Phêrô luôn biết ăn năn, sám hối, do đó Chúa luôn yêu thương Ngài, cắt nhắc Ngài :” Hãy chăn dắt chiên Mẹ, chiên Con của Thầy “.

 

Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ rằng tin Ngài là Con Thiên Chúa, chứ không chỉ tin một con người được Chúa gửi đến. Đấng Con Thiên Chúa lại hóa kiếp làm người, hòa đồng với con người ngoại trừ tội lỗi, chịu đau khổ, chịu chết để đưa con người lên hàng Con Cái Thiên Chúa để con người cùng hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Lời Chúa cũng nói với chúng ta hôm nay: tin vào Thiên Chúa không phải như bất cứ một con người nào hay bất cứ Đạo nào. Đạo của Thiên Chúa phát xuất từ trời cao, có sức mạnh, sức cuốn hút làm cho mọi người được hạnh phúc.

 

Xin mượn lời của Jean-Yves Garneau để kết luận bài chia sẻ hôm nay :” Tác giả Tin Mừng làm nổi bật nhân vật Phêrô.Chính Ông và chỉ có mình Ông, tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa Hằng Sống.Chính Ông, và chỉ có mình Ông, được Chúa Giêsu ban cho một cái tên mới ( Người là Phêrô, Kepha-Tảng Đá ). Chính Ông, và chỉ có mình Ông, được Người giao chìa khóa Nước Trời. Những chìa khóa ấy dành cho việc cầm buộc và tháo cởi, nghĩa là nó trao cho Ông Phêrô cái quyền bắt buộc phải có để đem một người gia nhập cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô, hay loại người ấy ra khỏi đó.Còn có nghĩa là nó cho ông được phép quyết định điều gì là tương hợp hay không tương hợp với giáo huấn của Đức Kitô.Ở những điểm cơ bản, đức tin của toàn thể Hội Thánh luôn luôn phải lấy đức tin của Ông Phêrô làm điểu qui chiếu “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm sâu xa lòng thương tha thứ của Chúa để chúng con noi gương bắt chước Phêrô khiêm nhường thẳm sâu  nhận ra tình thương thứ tha của Chúa và quyết tâm bước theo Chúa tới cùng.Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Ai đã tỏ cho Phêrô biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống ?

2.Phêrô cản ngăn Chúa thế nào ?

3.Ai đã đổi tên cho Phêrô ?

4.Đổi tên có ý nghĩa gì ?

5.Đạo Thiên Chúa có giống bất cứ một Đạo nào do con người lập ra không ?

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A