CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Giúp nhau sửa lỗi trong bối cảnh cộng đoàn

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Mát-thêu 18:15-20)

         Sau khi tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, ông Phê-rô được Người đặt làm “tảng đá”, để trên đó Người xây Giáo Hội Người tại trần gian.  Như vậy, Giáo Hội không chỉ là một thực thể thiêng liêng, nhưng còn là một tổ chức hữu hình gồm những con người với tất cả những mạnh mẽ cũng như yếu đuối của bản chất nhân loại.  Mọi chi thể trong Thân thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô cần phải được biến đổi trở nên giống như Người.  Song song với việc tập tành nhân đức, Ki-tô hữu phải thay đổi con người mình bằng cách chấp nhận việc sửa lỗi mà anh chị em giúp mình bằng tất cả thiện chí và yêu thương.     

         Sửa lỗi trong bối cảnh cộng đoàn không phải là việc dễ làm đối với cả người có lỗi lẫn người sửa lỗi.  Vì lòng tự ái, người có lỗi khó chấp nhận việc sửa lỗi.  Vì ngại ngùng và sợ mất lòng, người sửa lỗi cũng không muốn gây phiền hà cho người có lỗi và cho chính mình.  Để vượt thắng được những khó khăn này, Chúa Giê-su đã thẳng thắn đưa ra một phương thức gồm ba bước:  (1) anh và nó;  (2) anh, nó và người thứ ba;  (3) nó và cộng đoàn.  Cả ba bước đều nhắm cùng một mục đích, là “chinh phục được người anh em”.  Thứ tự của ba bước ấy không thể thay đổi, mà nhất định phải theo, để giúp cho người có lỗi không bị tổn thương danh dự.  Từng bước một, nếu bước trước thất bại thì mới sử dụng bước sau.  Nhờ đó, cả người có lỗi lẫn người sửa lỗi, cả hai đều có thì giờ để suy nghĩ chín chắn và đưa ra những đề nghị cũng như chấp nhận mới.  Thời gian là một yếu tố cần thiết trong việc sửa lỗi, vì người ta không thể thay đổi trong một sáng một chiều, nhưng nhiều khi là cả một tiến trình dài.

         Trong bước thứ hai, sự hiện diện của người thứ ba không phải để tạo áp lực trên người có lỗi, nhưng “để mọi công việc được giải quyết”.  “Mọi công việc” ở đây được hiểu như là việc giúp cho người có lỗi nhận ra được đâu là đúng, đâu là sai.  Sự hiện diện của người thứ ba muốn nói với người có lỗi rằng việc sửa lỗi này là hành vi bác ái, nhắm lợi ích của một sự thay đổi, hãy mạnh dạn tin vào thiện chí và tình yêu thương người khác dành cho họ.  Những người sửa lỗi có những “lời” muốn nói với họ.  Không phải là lời gay gắt kết án, hạ thấp giá trị, hoặc thậm chí là đe dọa người có lỗi.  Nhưng là “lời” yêu thương của Chúa Ki-tô nói với mỗi người chúng ta:  “Còn tôi, tôi cũng không lên án chị đâu.  Hãy ra về và đừng phạm tội nữa”.  Lời của những người này là lời khích lệ:  Bạn ơi, chúng ta đều là con người, đều có những yếu đuối.  Cho nên chúng ta không lên án nhau, nhưng khích lệ nhau hãy can đảm đứng dậy và đáp lại lời gọi của Chúa:  Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện.

         Tuy nhiên còn một bước cuối cùng:  sự can thiệp của Hội Thánh, hoặc “nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh”.  Vâng, đi thưa Hội Thánh.  Nhưng “đi thưa” như thế nào đây?  Có phải là những tố cáo thiếu suy nghĩ của người đi thưa không?  Có phải là cách hành xử giống như kiểu “pháp đình tôn giáo” đã được Giáo Hội áp dụng thời Trung cổ để thẳng tay giết những người có tư tưởng khác với “giáo lý đích thực” của Giáo Hội không?  Không đâu.  Trái lại, Giáo Hội Mẹ và Thầy phải biểu lộ được “lòng thương xót” đích thực của Thiên Chúa, như những vị Giáo hoàng mới đây thường nhấn mạnh.  Giáo Hội phải là nhân chứng cuối cùng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi!

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Chúng ta thấy sự sắp đặt của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thật tuyệt vời, đặc biệt là đoạn thư gửi tín hữu Rô-ma của thánh Phao-lô, ngài quả quyết với chúng ta rằng dù ở bất cứ bước nào trong diễn trình sửa lỗi, thì yêu thương vẫn là tư thế tuyệt đối không thể thiếu.  “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái;  vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật”.  Sửa lỗi mà thiếu tình yêu thì khác gì lên án cách độc đoán.  Sửa lỗi mà vội vàng, nhảy qua bước đầu hoặc bước thứ hai, là ngu xuẩn hoặc không có lòng bác ái, có thể vì ghen tị hoặc tìm ích lợi riêng tư.  Món nợ tương thân tương ái của chúng ta bao gồm cả việc sửa lỗi nhau trong bối cảnh cộng đoàn.  Chúng ta hãy trả nợ cho anh em mà giúp họ nên tốt hơn.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm A