TỈNH THỨC ĐỂ CHỜ CHÚA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, năm A

Mt 24, 37-44

 

Tỉnh thức, chờ đợi và sẵn sàng là những ngôn từ Kinh Thánh dùng rất nhiều để nói đến tính đột xuất, bất ngờ của việc Chúa đến. Hôm nay, Chúa nhật I Mùa Vọng năm A, lại vang lên điệp khúc này :”…Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến “. Tỉnh thức, sẵn sàng là lời thúc bách, là sự cảnh tỉnh của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đối với nhân loại, đối với con người và đối với mỗi người chúng ta.

 

Thực tế, Chúa đã đến trần gian từ lâu, cách đây vài ngàn năm. Suốt thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã cho biết bao người chuẩn bị để dọn đường cho Con Chúa đến và Chúa đã đến khi Mẹ Maria nói lời “ Xin vâng” làm theo ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhân loại vẫn chưa đón nhận Tin Mừng cách tích cực. Nhiều người sống ngay bên Chúa nhưng vẫn không nhận ra Chúa. Do đó, hằng năm, Giáo Hội vẫn mời gọi mọi người hãy sẵn sàng tỉnh thức để chờ đón Chúa đến.Ở đây việc chờ đợi Chúa đến có hai ý nghĩa : chờ Chúa đến, mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người và ý khác chờ Chúa đến trong ngày sau hết hay là đón đợi ngày, giờ chết của mỗi người. Trong Tin Mừng, chúng ta đọc thấy những dấu chỉ như kẻ trộm đến bất ngờ, lụt đại hồng thủy thời ông Noe, quả thực không phải là những điều hù dọa con người, hù dọa chúng ta nhưng những dấu chỉ xẩy đến cho chúng ta hay không biết lúc nào, không biết giờ nào vì Chúa đến bất ngờ, đến đột xuất. Chúa Giêsu nói như thế có nghĩa là Ngài vẫn luôn đến, Ngài thường đến, nhưng con người nào ai hay, nào ai nhận biết. Tuy nhiên, nói như thế, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu toàn bộ Tin Mừng, toàn bộ lịch sử cứu độ.Chúa đến cách bất ngờ, đột xuất ngay khi chúng ta đang làm việc, sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, học hành, dựng vợ gả chồng …thì Chúa đến. Điều này nói lên tính bất ngờ, đột xuất của giờ Chúa đến. Thiên Chúa luôn hiện diện giữa nhân loại, giữa con người, giữa chúng ta. Chính vì thế, chờ đợi không có nghĩa là thụ động nhưng phải luôn làm việc tích cực, ý thức và hoàn toàn tự chủ. Chúa luôn hiện diện.Chúa luôn can thiệp vào đời sống của con người như khi chúng ta đọc Tin Mừng của Chúa. Ngài giúp đỡ mọi người, mọi kẻ ốm đau tật nguyền, nghèo đói, Ngài luôn có mặt…Ngay thời Chúa Giêsu, có những người đã nhận ra Ngài nhưng có những người làm ngơ, cố tình không nhận ra Ngài…Ngày nay, Chúa vẫn có đó, Chúa can thiệp vào mọi trạng huống cuộc đời của con người, miễn là chúng ta mở to đôi mắt đức tin để nhận ra Ngài. Chúa đã đồng hóa mình với những kẻ khó nghèo, kẻ đói khát, kẻ tù tội, kẻ trần truồng, kẻ cô đơn, già nua, neo đơn vv…những kẻ như thế là hiện thân của Chúa, tuy nhiên chúng ta đã làm ngơ hay cố tình không nhận ra ngài.

 

Vâng, các dụ ngôn của Chúa Giêsu hôm nay mang tính hết sức thời sự giúp chúng ta suy nghĩ :

 

Chúa vẫn tiếp tục đến. Nhưng chúng ta phải can đảm chờ đợi. Ngài đến thật bất ngờ, thật đột xuất trong giờ sau hết của chúng ta, bởi vì chúng ta đâu có biết lúc nào chúng ta chết đâu ! Chúa đến như đã đến với năm cô trinh nữ khôn ngoan…” Ta đứng ngoài cửa mà gõ “.

 

Chúa đến với chúng ta ngay khi chúng ta đang làm việc, vậy như thánh Đaminh Saviô, chúng ta cứ tiếp tục làm việc, cứ tiếp tục chơi khi biết rằng Chúa sẽ đến…Chúa đến gặp chúng ta lúc đó thật hạnh phúc.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sẵn sàng, tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ Chúa đến. Xin giúp chúng con biết khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan mang đèn mà lại mà lại mang dầu, để khi tân lang đến thì thắp đèn sáng để đón chàng rể vào tiệc cưới. Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

 

1.Những dấu hiệu báo trước ngày Chúa đến ?

2.Tỉnh thức, sẵn sàng nói lên tính gì ?

3.ý nghỉa kẻ trộm và lụt đại hồng thủy thời ông Noe nói gì ?

4.Khi biết giờ Chúa sắp đến, khi đang làm việc ông bà anh chị em sẽ làm gì?


Suy Niệm Lời Chúa Năm A