lỜi chỨng cỦa gioan

(Gioan 1,29-34 – CN II TN - A)

 

1.- Ngữ cảnh

           Nhờ có Lời Tựa và lời chứng giải thích của Gioan, chúng ta được chuẩn bị đón Đức Giêsu đến. Bây giờ tác giả TM thông tin lần đầu tiên cho chúng ta biết Người xuất hiện. Ông chưa mô tả công việc Người làm, mà chỉ cho biết là Gioan thấy Người đến và làm chứng cho Người thế nào mà thôi. Lời chứng này về Đức Giêsu có tầm quan trọng đặc biệt. Quả thật, ta không thấy ngay được là Người thật sự là ai. Không phải chỉ cần nhìn thấy Người là đã đủ để hiểu Người là ai và mang đến điều gì. Do đó, Gioan đã được phái đến để làm chứng về Người. 

 

2.- Bố cục

Bản văn được kết cấu theo dạng chuyển hoán như sau:

c. 29

 

c. 34

Gioan thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa

 

Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (là Con TC?)

 

 

 

c. 30

 

c. 33b

Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi

 

Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần

 

 

 

c. 31

 

c. 33a

Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước

 

Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi

 

c. 32

Gioan còn làm chứng: Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người

 

Cả khối có tính thống nhất nhờ được đóng khung bởi hai câu làm chứng của Gioan, cc. 29 và 34. Đỉnh cao hoặc khúc ngoặt là c. 32 (Thần Khí). Vậy, do cấu trúc, đoạn văn này tập trung vào thị kiến về Chúa Thánh Thần từ trời xuống và ngự trên Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là đối tượng để Gioan làm chứng.

 

3.- Vài điểm chú giải

- Tôi đã không biết (31.33a): Hai câu 31 và 33 đóng khung c. 32: Gioan đã không biết (oida) Đấng mà ông phải làm chứng cho. Trong TM IV, có hai động từ “biết”:

 

 

Ga

I, II, III Ga

Kh

ginôskein

56

26

04

eidenai (oida)

85

16

12

 

Gioan ưa dùng động từ oida hơn: trong các bản văn Ga, không hề có danh từ gnœsis (sự hiểu biết). Theo các nhà chú giải (như I. de la Potterie, Spicq, Abbott), ginôskein có nghĩa là “đạt được hiểu biết về”, còn eidenai (oida) là “biết rõ về”. Ginôskein thường được Ga dùng để nói về sự hiểu biết bằng những phương tiện con người (x. Ga 4,1; 6,15); còn eidenai (oida) thường được dùng để nói về sự hiểu biết sâu xa, hiểu biết bằng trực giác (c. 31). Tuy nhiên, có những khi tác giả dùng cả hai động từ theo cùng một cách như nhau: Đức Giêsu biết Cha (eidenai trong 7,29; 8,55; ginôskein trong 10,15; 17,25); Đức Giêsu biết mọi sự hoặc mọi người (eidenai trong 16,30; 18,4; ginôskein trong 2,24); “nếu các ông biết tôi thì hẳn cũng biết Cha tôi” (eidenai trong cả hai phần của 8,19; ginôskein eidenai trong 14,7); thế gian không biết Cha hoặc Đức Giêsu (eidenai trong 7,28; 8,19; 15,21; ginœskein trong 1,10; 16,3; 17,25; 1 Ga 3,1.6).

Dù sao, ở đây, tác giả không có ý nói rằng Đức Giêsu chỉ là một người xa lạ đối với Gioan, mà muốn nói rằng ông chỉ không biết Người trong tư cách Mêsia: ông chưa nhận được ánh sáng đức tin, ông chưa thấy được Người là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn. Về điểm này, Gioan còn ở trong tình trạng tương tự với người Do Thái (Ga 1,26), họ cũng chưa biết gì về chân tính của Đấng đang ở giữa họ. Câu truyện sông Giođan có vai trò mạc khải, đưa lại cho Gioan cái nhìn đức tin.

Việc Gioan thấy Thần Khí có hai mục tiêu: kéo ông ra khỏi tình trạng tăm tối (không biết) và đặt để ông trong ơn gọi đích thật. Khi đó, từ tư cách người làm phép rửa trong nước, ông trở thành chứng nhân của Thần Khí, hoặc đúng hơn, chứng nhân của Đấng có Thần Khí ngự trên. Chính vì việc này mà ông đã đến. Phép rửa trong nước chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho vai trò chủ yếu này. Điều này được diễn tả bằng luật ngữ pháp: So sánh Ga 1,31, “Tôi đến làm phép rửa (baptizôn: phân-từ hiện tại diễn tả một sự kiện) với Ga 1,7, “ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (mệnh đề chỉ mục đích) và với Ga 1,31, “Tôi đến làm phép rửa trong nước để (hina) Người được tỏ ra cho Ít-ra-en”. Thị kiến đã lôi Gioan ra khỏi tình trạng không biết, lại tỏ bày cho ông biết sứ mạng đích thực của ông, đồng thời giúp ông có khả năng hoàn tất sứ mạng ấy.

- Tôi đã thấy Thần Khí (32): Lời chứng của Gioan bắt đầu với lời tuyên bố này ở c. 32, “Tôi đã thấy (tetheamai) Thần Khí”, và ở c. 34: “Tôi đã thấy (heôraken [horan] và tôi làm chứng” (= vì tôi đã thấy, tôi làm chứng). Vậy việc làm chứng được đặt trên một việc “thấy” (Ga 3,11.32; x. 1 Ga 1,2; 4,14).

          Thật ra, cái nhìn khả giác cũng quan trọng, nhưng là để giúp người ta biết một điều người ta không thấy và làm chứng về thực tại ẩn giấu này. Tại sông Giođan, Gioan đã thấy một sự kiện bên ngoài: Thần Khí xuống và ngự trên Đức Giêsu (Ga 1,32), nhưng điều ông làm chứng là tư cách Mêsia của Đức Giêsu. “Thấy” ở đây không phải là một cái nhìn tầm thường, nhưng là cái nhìn đưa tới đức tin, cái nhìn khám phá ra rằng biến cố là một dấu chỉ. Người nào đã thấy thì làm chứng về ý nghĩa của biến cố được kể lại. Có thể nói người ấy làm chứng về ý nghĩa đó như đã thấy trong biến cố. Tác giả diễn tả những sắc thái này qua 5 động từ đều có nghĩa là “thấy” sau đây:

(1) blepein: “Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình” (c. 29). Động từ này diễn tả một tri giác thị giác mà thôi.

(2) theasthai: “Tôi đã thấy Thần Khí” (c. 32). Động từ này diễn tả việc “thấy” như một sự chiêm ngưỡng, quan sát biến cố đang diễn tiến để khám phá ra ý nghĩa. Nó diễn tả một sự tiệm tiến về tri giác: “Tôi đã thấy Thần Khí xuống (phân từ katabainon) … và ngự (aorist lối trình bày[1] emeinen)”.

(3) horan: Động từ này diễn tả việc “thấy” kèm theo hiểu biết thật sự. “Ngươi thấy Thần Khí…” (c. 33b): động từ ở thì aorist lối tiếp thuộc đệ nhị[2] để diễn tả điều ông sắp được thấy. “Tôi đã thấy nên xin chứng thực” (c. 34): động từ ở thì quá khứ hoàn thành lối trình bày[3] để diễn tả rằng Gioan đã nhạn được mạc khải về tư cách Mêsia của Đức Giêsu ở mức sâu sắc đến nỗi kể từ nay, ông có thể làm chứng cách đảm bảo và bền bỉ.

(4) theôrein: “Nhìn” có sự tập trung, phải mất nhiều giờ hơn blepein, từ đó có một sự hiểu biết sâu xa hơn blepein: cái nhìn này đưa tới việc chấp nhận Đức Giêsu là Đấng làm những điềm thiêng dấu lạ, một con người kỳ diệu, nhưng đấy chưa phải là đức tin thật sự (x. 2,23; 4,19; 6,2). Thật ra cũng có những luật trừ: a) nghĩa “nhận thức sâu xa” (6,40; 17,24); b) nghĩa thể lý, tức tương tự blepein (20,12.14; 14,17; x. 1 Ga 3,17).

(5) idein: tương tự horan, tức là “thấy” kèm theo sự hiểu biết thật sự (4,48; 6,14.30). Nhưng có khi idein cũng được dùng để nói về cái nhìn thể lý (1,39; 5,6; 6,22.24; 7,52; 12,9; x. 1 Ga 5,16; 3 Ga 14).

          R.E. Brown cho rằng nếu đi từ dạng vật chất nhất của cái nhìn đến dạng cao siêu nhất, thì nên xếp theo thứ tự: blepein, theôrein, horan, idein (eidon), theasthai, với bảng thống kê sau:

 

Ga

1, 2, 3 Ga

Kh

blepein

17

1

13

 

theôrein

24

1

2

58

horan

31

8

7

114

idein (eidon)

36

3

56

 

theasthai

6

3

 

22

 

- Thần Khí: Đối tượng trung tâm của thị kiến là Thần Khí, giống như trong các TMNL: Mt 3,16 (Thần Khí Thiên Chúa: Theou, không quán từ); Lc 3,22 (Thánh Thần); Mc 1,10 (Thần Khí); Ga 1,32 (Thần Khí, nhưng thêm “từ trời” [ex ouranou, không quán từ] để nói về nguồn gốc thiên giới, tức là Thần Khí Thiên Chúa, là Thánh Thần).

- ngự trên Người (32): Ga, cũng như MtLc, nói rằng Thần Khí ngự xuống “trên (epi) Đức Giêsu” (Mc: eis). Điều tuyệt đối thuộc về Ga, đó là Thần Khí “ngự (ở lại) trên” Người (menein epi: cc. 32.33). Các nhà chú giải thường nghĩ đến Is 11,2: “Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này (anapausetai ep’auton) …”. Chỉ có điều là Bản LXX dùng động từ anapausetai (to rest upon). Tác giả TM IV chọn động từ menein (to dwell) có lẽ do ngài quen sử dụng động từ này theo nghĩa thần học. Cũng như sự kiện Thần Khí ngự trên mầm non nhà Đavít trong Is 11,2, động từ menein trong Ga 1,32-33 là một dấu chỉ được ban cho vị Tẩy Giả biết về quan hệ thường hằng, thân mật và hoàn hảo giữa Thần Khí Thiên Chúa và Đức Giêsu. Động từ “ở lại” có tính cách tĩnh, nối với epi  để diễn tả đặc tính sống động của quan hệ này (F. Godet).

- tựa chim bồ câu từ trời (32): Cả ba TMNL đều nói đến điểm này, với hôs (as; like) để so sánh (Mt dùng hôsei để nhấn mạnh). Lc xác định rằng Thần Khí đã ngự xuống “dưới một hình dáng” (sômatikê eidei; in bodily form: Lc 3,22). Còn tại sao con bồ câu lại trở thành biểu tượng của Thần Khí, thì không hoàn toàn rõ ràng. Rất có thể hành động bay lượn của Thần Khí trên mặt nước nguyên thủy trong St 1,2 đã gợi ra hình ảnh một cánh chim bay lượn (tương tự trong Đnl 32,11), nhưng bản văn ấy không hề nói là một con bồ câu (trừ một bản văn thuộc truyền thống kinh sư). St 8,8 thì nói rằng Nôê đã thả một con bồ câu, nhưng không hề khẳng định rằng con bồ câu này là Thần Khí. X. Léon-Dufour gợi ý con bồ câu có thể gợi ra tình yêu của Thiên Chúa (x. Dc 2,14; 5,2) hoặc cuộc tạo dựng mới (x. St 1,2).

          Trong truyền thống Do Thái, con bồ câu có một ý nghĩa biểu tượng, liên hệ đến Israel, đặc biệt với Israel đang lưu đày (Hs 7,11; 11,11; Is 60,8; Tv 55,7-8; 68,13; 74,19; Dc 1,15; 2,14; 5,2; 6,8) và cũng được các nền văn chương ngụy thư hoặc kinh sư sử dụng. Từ đó A. Feuillet cho rằng con bồ câu đi xuống và ngự trên Đức Giêsu tượng trưng và tiên báo điều sẽ là hoa trái chính của cuộc đổ tràn Thần Khí: đó là việc thành lập Israel mới, cộng đoàn hoàn hảo của thời đại ân phúc. Vậy, điều được diễn tả không phải trực tiếp là Thần Khí, mà là hậu quả đối với dân Thiên Chúa khi Thần Khí hiện diện nơi Đức Giêsu. Cũng như vào ngày lễ Ngũ Tuần, các lưỡi lửa không trực tiếp tượng trưng Thần Khí, nhưng là các ngôn ngữ mà các Tông Đồ được ơn Thánh Thần soi sáng sẽ nói ra, và sâu xa hơn, tượng trưng công việc phúc-âm-hóa thế giới, thì cũng vậy, con bồ câu trong Phép Rửa diễn tả ý tưởng này là Dân thiên sai phải chọn điểm khởi hành nơi bản thân Đức Giêsu-Mêsia, là Vua và Tôi tớ của Đức Chúa (Yhwh).

- Chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (33b): Đây là công thức cung cấp chìa khóa chú giải cho thị kiến, vì công thức này giải thích ý nghĩa của bản thân Đức Giêsu trong tương quan với Israel. Công thức này cũng có trong các TMNL và trong Cv, nhưng có khác biệt đáng kể: trong Mt (3,11) và Lc (3,16), lời loan báo phép rửa trong Thánh Thần được liên kết với hình ảnh lửa và quay hướng về Đấng “mạnh hơn” sắp đến, đó là Đấng Mêsia đến để thực hiện cuộc phán xét cánh chung. Trong viễn tượng ấy, Thần Khí, vì được liên kết chặt chẽ với lửa, là sức mạnh của Thiên Chúa, là hơi thở vô địch, sẽ thực hiện cuộc phán xét này (x. Is 4,4tt). Đây là trận gió vũ bão sẽ giết chết những kẻ gian ác (x. Is 11,4).

Tuy nhiên, công trình này cũng là công trình ân phúc, nhằm thiết lập Dân Thiên Chúa của thời cánh chung, Dân được thanh luyện và thánh thiện (Mc 1,8 không nói đến lửa; x. Cv 1,5). TM IV cũng ở trong chiều hướng này, nhưng điều nổi bật vẫn là bản thân Đức Giêsu:

(1) Bằng ba lần Gioan xác định tư cách của mình (Ga 1,26.31.33), tác giả không nhắm đối lập hai phép rửa mà là hai nhân vật Gioan – Giêsu;

(2) Bằng việc sử dụng phân-từ hiện tại với quán từ xác định để diễn tả một chức năng lâu bền và tiêu biểu, chứ không chỉ là một hành động đúng lúc: “Chính là Đấng làm phép rửa (ho baptizôn, “le baptisant”) trong Thánh Thần” (1,33b).

Vậy có hai nhân vật được đặt đối lập trong vai trò lịch sử, chứ không phải là hai vai trò: Gioan có vai trò làm chứng; Đức Giêsu có vai trò làm phép rửa trong Thánh Thần.

Bởi vì không có quán từ đứng trước “Thánh Thần”, ta hiểu tác giả không muốn lưu ý về chính Thánh Thần, nhưng lưu ý về hành động, ảnh hưởng của Ngài. Do đó có thể dịch: “trong quyền lực Thánh Thần”. Nhưng công thức này có nghĩa gì?

(1) Trong viễn tượng của TM IV, phép rửa trong Thánh Thần ấy không có nghĩa là cuộc phán xét cánh chung theo truyền thống Mt–Lc;

(2) Đây cũng không phải là phép rửa được nói đến ở Ga 3,22 và 4,1, bởi vì phép rửa ấy không phải là phép rửa trong Thánh Thần.

Vậy, phải chăng là phép rửa Kitô giáo? Rất có thể, theo nghĩa gián tiếp; nhưng ở đây viễn tượng được mở rộng hơn nhiều. Phép rửa trong Thánh Thần nhắm đến và xác định hoạt động, công trình của Đức Giêsu, nhìn toàn bộ. Sứ mạng của Đức Giêsu đối với loài người chủ yếu sẽ là một phép rửa “trong Thánh Thần”. Hầu như các nhà chú giải đều đồng ý quy chiếu công thức ấy về các bản văn Cựu Ước loan báo cuộc tuôn đổ Thần Khí Thiên Chúa xuống trên cộng đoàn vào thời cánh chung (Is 32,15tt; 44,3tt; Ed 36,25-29; Ge 3,1tt). Mục tiêu là để có một dân tộc thánh thiện, quy phục lề luật Chúa, một dân tộc “nhận biết” Ngài (x. 1 QS IV,19-23…). Do có Thánh Thần ngự xuống và cư ngụ nơi mình, Đức Giêsu được coi là người thực hiện cuọc tuôn đổ Thần Khí thời cánh chung. Chính Người thực hiện việc này. Điều mới mẻ trong mạc khải Tân Ước là Đức Giêsu, Đấng Mêsia, được làm một công việc mà Cựu Ước dành riêng cho Thiên Chúa (x. Cv 2,32tt).

- Chiên Thiên Chúa (29.36): Tác giả nghĩ đến con chiên Vượt Qua, hay là con chiên được sát tế tại Đền Thờ, hoặc Người Tôi Tớ Đức Chúa trong sấm ngôn Is 53,7? Dường như khó có thể cho rằng đây là con chiên Vượt Qua hoặc con chiên của hy lễ thường ngày, bởi vì không có chỗ nào cho thấy chúng đền tạ tội lỗi. Riêng quan niệm đây là “con chiên Vượt Qua” thì cũng khó vững, tuy có câu “không một khúc xương nào sẽ bị đánh dập” được cho là của Xh 12,46 (x. Ga 19,36). Bởi cũng có câu Tv 34,21: “Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không dập gãy”, mà câu này thì nói về những người hiếu trung được Thiên Chúa bảo vệ. Đàng khác, những câu trích Cựu Ước trong phần II của TM IV, ngoại trừ Dcr 12,10 (x. Ga 19,37), đều xuất phát từ Bộ Thánh Vịnh (Tv 41,10 = Ga 13,18; Tv 35,19 và 69,4 = Ga 15,25; Tv 22,18 = Ga 19,24; Tv 22,16 = Ga 19,28), khiến chúng ta dễ cho rằng tác giả đang nghĩ tới Tv 34 hơn là Xh 12.

Người ta có thể nghĩ đến liên hệ với Is 53: bởi vì cả hai bản văn đều trình bày lễ hy sinh dưới dạng một con chiên gánh lấy tội lỗi thế gian. Tuy nhiên, trong sấm ngôn Is, con chiên được sử dụng không phải để nói đến thân phận hy lễ, nhưng để nói đến sự hiền lành, chịu đựng, phục tùng của Người Tôi Tớ. Hơn nữa, động từ airein (“xóa bỏ”; take away) của Ga không tương đương với động từ pherein (“mang lấy, gánh chịu; to bear) của Is 53,4. Cũng nên ghi nhận rằng quan niệm về một Đấng Mêsia chịu đau khổ hoàn toàn xa lạ với thời ấy (x. quan niệm của Gioan Tẩy Giả trong Mt [3,12; 11,2-3] và Lc [3,17; 7,18-19]), và sự kinh ngạc của các tông đồ khi nghe loan báo Khổ Nạn (Mc 9,32; Lc 24,21…).

Do đó, tuy có những học giả (x. NJBC) cho rằng hình ảnh “con chiên” tổng hợp XhIs, ta có thể diễn tả như sau: Vào giờ Đức Giêsu chết, trong khi dường như Người hoàn toàn bị bỏ rơi, Chúa Cha không bỏ rơi Người. Ga thích diễn tả tư tưởng này (Ga 8,29; 16,32). Đoạn Dcr 12,10 cũng diễn tả một cái chết đưa tới chiến thắng. Những ai đã đâm Đức Giêsu sẽ phải nhìn lên Người như nhìn một vị chiến thắng, để từ nơi cạnh sườn đã bị đâm thủng, họ nhận được ơn cứu độ bởi nước và máu, tức những biểu tượng của bí tích Rửa tội và Thánh Thể (ý tưởng của Is 53).

- Xóa bỏ: Động từ airein có nghĩa là “nâng lên”, từ đó vừa có nghĩa là “mang, vác trên mình”, vừa có nghĩa là “lấy đi, cất đi, làm biến mất”. Tác giả TM IV thường dùng động từ này theo nghĩa thứ hai (x. Ga 2,16; 5,8-12; 10,18; 1 Ga 3,5).

- Tội trần gian: Cụm từ này ở số ít nhắm đến toàn bộ tội lỗi của thế gian trong tất cả chiều rộng lẫn những hậu quả.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

          Công việc làm chứng của Gioan, tác giả đã nói đến trong Lời Tựa (Ga 1,6-8.15) và trong phần đầu của TM. Gioan làm chứng trước mặt phái đoàn được gửi đến từ Giêrusalem (1,19-28) và trước các môn đệ của ông nữa (1,35-37). Ở đây, mọi sự tập trung vào nội dung lời chứng của ông. Ông nói cho biết Đức Giêsu là ai và Người sẽ làm gì, và cho thấy chính ông đã được Thiên Chúa làm cho có khả năng nêu ra chứng từ ấy.

          Gioan bắt đầu và kết thúc việc làm chứng bằng cách chỉ cho thấy Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” (1,29) và là “Con Thiên Chúa” (1,34). Ông cho thấy hai hành vi căn bản của Đức Giêsu là nhận lấy nơi mình tội lỗi trần gian và ban phép rửa trong Thánh Thần. Con Thiên Chúa đến như là Chiên Thiên Chúa: công thức này cho thấy bản chất của việc Người đến, tương quan của Người với loài người và với Thiên Chúa, và công trình của Người cho loài người. Đức Giêsu không đến với quyền lực lật đổ mọi sự và ánh sáng chói loà: Người đang ở giữa loài người, nhưng loài người không biết Người (1,26). Gioan cũng chẳng biết Người trước khi được mạc khải (1,31.33). Do đó, Đức Giêsu có thể dễ dàng bị bỏ quên như một con chiên. Người đến với loài người, không phương thế tự vệ, không quyền lực hay sức mạnh (x. Mt 10,16). Người muốn chinh phục lòng tin và sự ưng thuận tự ý của họ, chứ không ép buộc hoặc lấn lướt họ; cũng vì thế, Người có thể phải gánh chịu bạo lực và ý thích của loài người. Nhưng trong tư cách là Chiên Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa; Thiên Chúa là mục tử của Người, nên Người hoàn toàn được an toàn.

Công việc của Chiên Thiên Chúa hệ tại việc nhận lấy nơi mình tội lỗi của thế gian và xóa nó đi. Trước mặt Người là một thế giới mang dấu ấn của tội lỗi, của lối cư xử sai lạc đối với Thiên Chúa. Bởi vì đối với các thọ tạo, chỉ đạt được ý nghĩa tròn đầy của cuộc sống và thành công nếu chúng sống trong tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, thì tội lỗi chính là đánh mất ý nghĩa của cuộc đời và phải chết. Trước tiên, Đức Giêsu được nhìn nhận như là Đấng mang trên mình tất cả tội lỗi và giải thoát toàn thể tạo thành khỏi tình trạng mất hướng và khỏi phải chết (Ga 4,42; x. 3,17). Sứ mạng của Người khiến nhớ tới Bài ca IV về Người Tôi Trung, trong đó có câu Is 53,12: “Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”. Đức Giêsu sẽ hiến dâng mạng sống theo lệnh của Chúa Cha (Ga 10,17-18), và khi đã bị treo trên thập giá, Người trở thành dấu chỉ ơn cứu độ (3,14-15). Trong tư cách Chiên Thiên Chúa và Con Thiên Chúa, Đức Giêsu hành động như Thiên Chúa và cất đi tội lỗi của thế gian: bằng cách đó, Người tỏ bày lòng thương xót của Thiên Chúa. Cũng có thể nói chính Thiên Chúa, qua Con của Ngài, tỏ bày lòng thương xót và tình yêu của Ngài đối với thế gian trong khi thế gian lại rất thiếu sót đối với Ngài (x. 3,16).

Đấng đến trong sự khiêm nhường và không vũ khí đó lại có một phẩm giá vô song. Gioan đã tuyên bố là ông không xứng đáng làm một việc phục vụ khiêm tốn nhất của nô lệ cho Người (Ga 1,27); bây giờ ông lấy lại lời chứng trước đó (1,15) để nói về Người: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (1,30). Tất cả mọi sự đã được tạo thành nhờ Người (1,3.10) và Người cũng đã can thiệp vào trong lịch sử Israel (x. 8,56; 12,41). Nền tảng của tất cả những điều này là đời sống của Người luôn luôn hiệp thông với Chúa Cha (x. 1,1-2).

Gioan cũng có khả năng nhận biết Đức Giêsu và loan báo Người là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33). Đức Giêsu không chỉ cất đi tội lỗi và củng cố lại tương quan với Thiên Chúa, mà còn nhờ Thánh Thần, ban sự sống không bao giờ cạn kiệt của Thiên Chúa và thiết lập một tương quan mới với Ngài. Phép rửa của Người có sức thanh luyện và tái sinh. Ai nhận phép rửa của Người thì đạt tới sự sống thần linh do Chúa Cha và Chúa Con dẫn tới. Nếu Đức Giêsu làm được  như thế là vì Người là Con Thiên Chúa (1,34), Người sống từ muôn đời trong sự hiệp thông bình đẳng với Thiên Chúa.

          Gioan cho thấy tư cách chứng nhân của ông là hợp pháp. Bởi vì có hai lần ông đã nhận định rằng ông đã không biết Đức Giêsu bằng sức riêng (Ga 1,31-33); ông không biết Đức Giêsu bằng đầu óc hoặc cảm hứng riêng. Chính Đấng đã sai phái Người, đã dạy cho ông biết dấu chỉ hầu nhận biết Người, đó là việc Thần Khí ngự xuống (1,33). Như thế, Gioan không chỉ làm chứng về điều ông đã thấy, nhưng cả về ý nghĩa của điều đó: phẩm giá và hoạt động của Đức Giêsu.

 

+ Kết luận

TM IV không tường thuật phép rửa của Đức Giêsu, nhưng nhắc tới phép rửa này dưới dạng một lời chứng của Gioan về Đức Giêsu, dựa theo sự hướng dẫn của Thánh Thần: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực”. Các bản văn cổ nhất (x. Mc) gợi ý rằng cuộc thần hiển sau phép rửa được dành cho riêng Đức Giêsu mà thôi. Ngoài ra, lời tuyên bố từ trời, các thính giả không thể hiểu được, bởi vì họ chưa nghe Đức Giêsu giảng. Tuy nhiên, tác giả TM đã liên kết Gioan vào kinh nghiệm này vì muốn cho thấy ông là vị tiền hô của người môn đệ, là kẻ thấy và tin. Đối với tác giả, trước tiên không phải là tiếng nói của Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là sự hiện diện của Thánh Thần trong Người.

Chính là đi từ điểm này mà tác giả TM xác định tính chân thực của phép rửa Đức Giêsu mang lại, là phép rửa ban sự sống của Thần Khí (x. Ga 3,5). Người tín hữu có thể chú ý đến sự phong phú của phép rửa Kitô giáo: nhờ phép rửa này, ta được đi vào trong đời sống thần linh bởi sự sống mà Con Thiên Chúa đổ vào lòng ta nhờ Chúa Thánh Thần.  

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Nội dung của lời chứng Gioan cho thấy vị trí tuyệt đối duy nhất và sứ mạng của Đức Giêsu. Ở đầu và ở cuối TM IV, tác giả nhấn mạnh về sự cần thiết phải có việc làm chứng để có thể đến với Đức Giêsu, bởi vì Người không cho người ta nhận biết Người qua các thị kiến, các soi sáng bên trong hoặc những bằng chứng bên ngoài. Gioan, vị chứng nhân, đã đưa các môn đệ đến với Đức Giêsu (Ga 1,35-37); tới lượt mình, các ông này cũng trở thành chứng nhân (x. 1,41.45; 19,35) và được mời gọi làm chứng (x. 17,18; 20,21).

2. Đức Giêsu đến như là Người Tôi Trung của Đức Chúa. Chúng ta nhớ lại một vài câu của Is 53 nói về nhân vật huyền bí này: “Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. […].  Người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53,6-7.12). Đức Giêsu sẽ thay mọi người gánh lấy tội lỗi và các hậu quả của tội lỗi. Người im lặng, không hề phản kháng, Người mang trên mình tất cả những đau khổ và hiến dâng chính mạng sống mình. Nhờ đó, Người có thể đưa lại ơn cứu độ và đời sống ân sủng cho chúng ta. Chúng ta tưởng niệm công trình cứu độ Đức Giêsu đã thực hiện và học lấy bài học của Người khi ra đi tìm cách cứu thế với Người.

3. Trước khi lên rước lễ, chúng ta nhắc lại câu nói của Gioan: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Phải chăng đây chỉ là một hình ảnh thi vị, lãng mạn, nhưng xa lạ với dân Á-đông (con chiên) khiến chúng ta phải nghĩ đến việc tìm một hình ảnh thay thế (hội nhập văn hóa!)? Hay là đây là một hình ảnh đầy ắp những ý nghĩa thuộc Cựu Ước, những ý nghĩa liên quan đến việc cứu độ chúng ta? Có nhận thức rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, chúng ta mới khiêm tốn thưa, như viên sĩ quan (Mt 8,8): “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…”.

4. Chúng ta cũng suy nghĩ về cung cách làm chứng của Gioan. Ông biết tư cách của mình và biết công việc phải chu toàn. Được Thiên Chúa hướng dẫn qua các dấu chỉ, ông đã nêu lên một chứng từ đơn giản và rõ ràng về Đức Giêsu. Người tín hữu bắt chước vị Tiền Hô, cứ làm chứng trong mức độ hiểu biết lúc này. Qua dòng thời gian, Thiên Chúa sẽ tiếp tục dạy dỗ để người ấy có thể nêu lên một chứng từ rõ nét và sắc bén hơn về Đức Giêsu.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 



[1] aorist indicative.

[2] subjunctive second.

[3] perfect indicative.


Suy Niệm Lời Chúa Năm A