CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tâm Sự Của Thiên Chúa, Chủ Vườn Nho

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is :1-7;  Pl 4:6-9; Mt 21:33-43)

          Đã bao giờ bạn nghe Thiên Chúa tâm sự với bạn khi Người       gặp chuyện buồn chưa?  Ít người chúng ta nghĩ như vậy.  Nhưng là chuyện có thực đấy.  Hôm nay trong Phụng vụ Lời Chúa,  cả Chúa Cha lẫn Chúa Con đều chia sẻ với chúng ta về chuyện các Ngài bị phản bội:  Cha thì bị dân riêng Người chối bỏ;  Con thừa tự của Người cũng bị dân riêng ấy “bắt lấy, tống ra khỏi vườn nho và giết đi”.  Tuy nhiên ý nghĩa chính của cả hai câu chuyện không chỉ mang tính lịch sử, mà còn có ý nghĩa thiêng liêng áp dụng vào đời sống mỗi người chúng ta nữa.

          Trước hết tâm sự của Thiên Chúa được gói ghém trong một bài ca.  Âm nhạc và thơ phú là phương tiện tuyệt vời nhất để diễn tả tình cảm.  Chúng ta hãy lắng nghe một người hát cho bạn thân mình nghe bài ca kể lại câu chuyện của chính người bạn thân ấy.  Đây là chuyện tình giữa chủ vườn nho và vườn nho của mình.  Đầu tiên bài ca kể lể mọi công việc đích thân người bạn đã làm để tạo nên vườn nho của mình, từ việc tậu thửa đất “trên sườn đồi màu mỡ”, rồi “ra tay cuốc đất nhặt đá”, đến việc tìm kiếm “giống nho quý đem trồng”.  Anh còn dự phóng cho tương lai, nên “giữa vườn, anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” để sản xuất rượu.  Mọi công việc chuẩn bị hoàn toàn chu đáo, chỉ còn đợi thời gian cây nho lớn lên, sinh trái tốt.  Nhưng tiếc thay, vườn nho đã phản bội công lao vất vả của anh!  “Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại!”  Thế là chủ vườn nho thất vọng, định tâm phá bỏ vườn nho.  Bạn có nghĩ là nhất định anh ta sẽ phá bỏ không?  Nếu chủ vườn cũng là con người như chúng ta, việc phá bỏ không thể tránh khỏi.  Nhưng chủ vườn đây lại là chính Thiên Chúa và vườn nho là nhà Ít-ra-en.  Cho nên Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót sẽ chẳng bao giờ phá bỏ Ít-ra-en đâu, mà Người sẽ đổi mới nó để nó trở thành Giáo Hội Chúa Ki-tô.

          Là tâm sự khó giãi bày, nên Chúa Cha đã ví von ca hát để gửi gấm nỗi lòng.  Bây giờ đến lượt Chúa Giê-su cũng vậy.  Người không sử dụng bài ca, nhưng kể một câu chuyện dụ ngôn.  Kể dụ ngôn cho nó nhẹ nhàng mang vẻ tâm sự hơn là nói thẳng!  Cũng là câu chuyện vườn nho, với những công việc rào giậu, xây tháp canh, khoét bồn đạp nho.  Nhưng câu chuyện lại hướng về các tá điền canh tác vườn nho.  Họ được mướn làm việc trong vườn để giúp vườn nho đem lại một mùa hái nho phong phú.  Nhưng thay vì nộp hoa lợi cho chủ vườn nho, bọn tá điền lại bách hại những người đầy tớ do chủ sai đến thu hoa lợi.  Tệ hơn nữa, họ còn giết chính người con thừa tự của chủ vườn nho nữa.  Hơn ai hết, các thượng tế và kỳ mục Do-thái hiểu rõ Chúa Giê-su kể dụ ngôn ấy để nói về chính họ.  Có thể nói về chúng ta hôm nay đấy!

          Nhưng Chúa không chỉ hát bài ca hoặc kể dụ ngôn cho dân Ít-ra-en thôi đâu, mà cho chúng ta nữa.  Chúng ta có thể áp dụng cả hai câu chuyện vào đời sống mình.  Nếu chúng ta coi mình là “vườn nho” của Chúa thì chúng ta đừng quên Chúa đã đem hết cả tình yêu để chăm sóc dưỡng nuôi chúng ta, mong chúng ta là những đứa con ngoan ngoãn sẽ sinh những hoa trái tốt lành.  Còn nếu chúng ta nhận mình là một trong số những tá điền làm vườn nho thì chúng ta hãy ra sức canh tác vườn nho là chính mình, đồng thời canh tác vườn nho Giáo Hội của Chúa để có được mùa hái nho phong phú. 

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Làm sao để vườn nho được phong nhiêu và đem lại hoa lợi?  Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô giúp chúng ta bí quyết.  Với ngài, sự phong nhiêu của vườn nho được biểu lộ qua “bình an của Thiên Chúa là bình an vượt trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”.  Mà có kết hợp với Chúa Ki-tô là cây nho thì chúng ta mới sinh trái!  Vậy bí quyết sinh trái là hãy nhận đinh “những gì là chân thật, là chính trực tinh tuyền, là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, là đức hạnh, đáng khen” để đem ra thực hành.  Xin lập lại là chỉ để ý thôi thì chưa đủ, mà phải đem ra thực hành nữa.  Chúng ta đều có khả năng nhận định được đâu là điều tốt hay điều xấu, đâu là những gì Chúa muốn chúng ta làm.  Nhưng từ nhận định đến thực hành là con đường dài đấy!  Thánh Phao-lô chia sẻ:  Bạn đã học, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, hãy đem ra thực hành!  Cảm tạ thánh Phao-lô!

             Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A