SUY NIỆM CHÚA NHẬT XI - THƯỜNG NIÊN 2002

 

          Trong một thế giới dẫu bị cuốn hút bởi ma lực cạnh tranh không thương tiếc, con người hôm nay lại rất nhạy cảm với những cảnh bị đầy đoạ, đói nghèo, áp bức và bỏ rơi. Người ta dễ bị lôi cuốn bởi những tấm gương hy sinh và quảng đại bao bọc những con người phận nhỏ. Hôm nay, 16.6.2002, tại Roma sẽ diễn ra việc Tôn Phong Hiển Thánh cho Cha Pio, khuôn mặt chứng nhân tiêu biểu của thời đại, khuôn mặt thật gần gũi với thế giới tăm tối của nhân loại. Sự gần gũi đấy ắp sự yêu thương và lòng nhân hậu cảm thông. Và điều ấy được Lời Chúa hôm nay mở ra như là lối vào Nước Trời dành cho Dân Người.

          Thực vậy, ngay từ ngàn xưa, Dân Chúa đã được thừa hưởng Lòng Thương Xót Cứu Ðộ của Giavê, khi còn là những kẻ nô lệ trên đất Ai Cập. Thiên Chúa đã mang họ "như trên cánh chim bằng". Hơn thế, Người còn muốn "giao ước" với họ, cho họ "là một vương quốc tư tế, một dân thánh". GIAO ƯỚC và LỄ TẾ cũng như chính sự THÁNH THIỆN của Thiên Chúa, VƯƠNG QUỐC TƯ TẾ, DÂN THÁNH đó là những vấn đề trọng tâm của toàn bộ mạc khải, tất cả đều có liên hệ đến thế giới tăm tối của nhân loại, vì tất cả là LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa để cho Dân Chúa được "VÀO CÕI SÁNG", "ÐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO". Nhiều lần trong Kinh Thánh đã khẳng định giao ước, lề luật, lễ tế tất cả chỉ nhắm tới việc công bố con đường "HÒA GIẢI", sự tha thứ, để cho tội nhân được sống. Và do đó, chẳng bao giờ con người có thể khẳng định mình trung thành với giao ước, với lề luật, chẳng bao giờ con người có thể dâng một lễ tế chân thực, nếu đồng thời họ lại không khoan dung yêu thương và tha thứ cho các tội nhân. Và vì thế, Dân mới được Chúa Giêsu thiết lập cũng đã được sai "đến với các con chiên lạc nhà Israel".

          Thánh Phaolô trong khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm sự sống nơi Ðức Kitô, coi đó là "bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta", đã tóm tắt mầu nhiệm ấy trong một kiểu nói đặc biệt "Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi." Trong ngữ cảnh của Tin Mừng, thế giới tối tăm, thế giới tội lỗi, thế giới "chiên lạc", cũng là thế giới của "thần ô uế, của bệnh hoạn tật nguyền". Và Chúa Giêsu đã thông ban cho môn đệ quyền năng "chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết chỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ".

          Ngày nay, với khoa học tiến bộ, không mấy ai còn tin rằng những cảnh đen tối cơ cực của nhân loại là sự thao túng của các thế lực tối tăm, người ta đã "GIẢI THIÊNG" thế giới, và mọi người chỉ tin rằng phải cấp bách nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, phải điện khí hóa nông thôn, vùng sâu vùng xa... mới có thể tạo nên một "xã hội tự do,dân chủ, công bằng và văn minh". Không còn ai tin rằng giữa cái bệnh tật, cái nghèo, kể cả cái chết lại có liên hệ gì với thần lực tối tăm, với ma quỷ...với tội lỗi nữa. Chính vì cách nhìn duy lý và duy vật như vậy, con người bằng những giải pháp của mình đã chỉ làm cho thế giới, không riêng thế giới nhân sinh, mà ngay cả thế giới vũ trụ thiên nhiên càng ngày càng rơi vào những khủng hoảng trầm trọng hơn. Ngày nay người ta đang nói tới những "cách mạng xanh", những "ô nhiễm môi trường", những "độc hại của thuốc lá", "những khủng bố sinh học"... Nhưng tất cả hoàn toàn tuỳ thuộc vào thiện chí của mỗi con người, mỗi quốc gia... Trong khi đó một khi "THIỆN CHÍ" lại tuỳ thuộc QUYỀN LỢI cá nhân, cho dù là CÁ NHÂN LỚN như một quốc gia, thì vấn đề chẳng bao giờ có một giải đáp đúng mức. Khi QUYỀN LỢI cũng đồng nghĩa với QUYỀN PHÁ THAI, QUYỀN NHÂN BẢN VÔ TÍNH, QUYỀN CHẾT ÊM DỊU, QUYỀN LY DỊ, QUYỀN CHỐNG KHỦNG BỐ...thì thế giới này đúng chỉ là "BẦY CHIÊN KHÔNG NGƯỜI CHĂN DẮT", nó bị phó mặc cho những tham vọng vô đáy của những cá nhân đầy quyền lực, và những tập đoàn ôm mộng bá chủ. Thế giới này vì vậy cần hơn bao giờ hết MỤC TỬ NHÂN LÀNH VÀ HAY THƯƠNG XÓT.

          Người Mục Tử hôm nay phải là hiện thân của NƯỚC TRỜI ÐANG ÐẾN theo gương MỤC TỬ TỐI CAO, "hoà giải chúng ta với Thiên Chúa". Người mục tử thiết lập trong cuộc sống của mình và với mọi người một nỗ lực "CHẠNH LÒNG THƯƠNG", có nghĩa là một sự nhạy cảm với cảnh "lầm than vất vưởng" của mọi người do tình trạng "không người chăn dắt" để luôn ý thức và sống trung thực với sứ vụ được sai đến để loan báo "sự hòa giải trong Ðức Giêsu". Người mục tử không thể quên rằng, lời loan báo luôn chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ một sự hiến dâng "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy." Trong bối cảnh việc tôn phong hiển thánh Cha Piô, chúng ta có thể khẳng định, cho dù cũng có nhiều kẻ chăn thuê, nhưng Thiên Chúa chẳng bao giờ để cho đàn chiên mình thiếu những Mục Tử xứng đáng do lời cầu nguyện không ngừng của Hội Thánh theo lời dạy của Ðức Giêsu " Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về".

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà