CHÚA NHẬT 17 QUANH NĂM

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 8: 28-30

          Bài đọc hôm nay tóm kết những đề tài chính mà thánh Phao-lô đã trình bày trong 8 chương, từ đầu bức thư tới bây giờ: Thiên Chúa kêu gọi mọi người, tuyển chọn, làm cho họ nên công chính để họ được hưởng vinh quang. Tính cách năng động của kế hoạch này (chúng ta được tuyển chọn -> được nên công chính -> được vinh quang) cho thấy mọi sự diễn tiến theo ý định của Thiên Chúa. Ðây cũng là đề tài cho những bài đọc của các Chúa Nhật kế tiếp, nhắm mục đích giúp chúng ta xác tín rằng kế hoạch ấy chắc chắn có hiệu quả đối với những ai yêu mến Thiên Chúa. Ðể giải thích tính cách năng động và hữu hiệu của kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô sử dụng một chuỗi từ, bắt đầu từ việc tiền định tới việc kêu gọi, rồi làm cho nên công chính, và cho hưởng phúc vinh quang. Vậy bài đọc hôm nay muốn chúng ta suy nghĩ về kế hoạch của Thiên Chúa đã được Người sắp đặt tự đời đời mà thánh Phao-lô gọi là việc "tiền định", không phải như là một ý định độc đoán của Thiên Chúa nhưng là ý định tràn đầy yêu thương và tôn trọng tự do của con người.

a) Ý định của Thiên Chúa là làm cho mọi sự sinh ích cho những ai yêu mến Người

          Có lẽ một trong những điều dễ gây hiểu lầm nhất trong giáo lý của thánh Phao-lô về ơn cứu độ là việc người ta có cảm tưởng Thiên Chúa "tiền định" cho một số người được cứu rỗi, một số người bị luận phạt. Nhưng đó không phải là điều thánh Phao-lô muốn nói. Cách suy nghĩ của chúng ta về việc tiền định này thường là căn cứ vào kết quả (một số được cứu rỗi, một số bị luận phạt) để kết luận rằng đó là do ý định độc đoán của Thiên Chúa từ trước muôn đời; cho nên nếu Chúa không "định" cho chúng ta được lên thiên đàng thì dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng vô ích. Ðây là thuyết định mệnh hoặc định số (determinism) và con người không có sự chọn lựa, không có tự do. Nhưng Phao-lô hiểu ngược hẳn lại. Ðối với ngài, đây là một chương trình của tình yêu Thiên Chúa. Vì yêu nhân loại, Thiên Chúa "muốn" làm bất cứ điều gì có thể sinh ích cho họ. Thiên Chúa chỉ "định" làm một kế hoạch chung cho nhân loại. Kế hoạch đó là:

- mục đích là giải thoát họ khỏi tội lỗi và đem về hưởng phúc vinh quang với Người,

- phương tiện là cho họ có khả năng trở nên công chính nhờ cuộc Khổ nạn và cái chết của Ðức Ki-tô,

- cách thức là trở nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô.

Ðó là chương trình đã được Người "định". Nhưng Thiên Chúa không đi xa quá những gì Người đã hoạch định, để rồi "định" cho một số người được hưởng phúc, một số người bị luận phạt, mà Người tôn trọng việc tự do đáp trả của mọi người. Nếu người ta muốn yêu mến Người, muốn được vinh quang, thì đây, phương tiện và cách thức đã sẵn sàng, chỉ cần họ thực sự muốn và đáp trả. Bảo đảm họ sẽ đạt tới mục đích họ ước ao. Ðược vinh quang hay bị luận phạt là do họ tự ý chọn lựa. Lấy một thí dụ cho dễ hiểu. Làm bậc cha mẹ, chúng ta muốn hoặc định cho con cái sẽ có được một tương lai tốt đẹp tùy theo khả năng của chúng. Chúng ta cung cấp cho chúng phương tiện cần thiết như ăn uống, tiền bạc, học hành... Nhưng việc chúng có thành đạt hay không lại còn phải tùy thuộc nơi chúng.

b) Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người

          Khi sai Con Một đến, Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người. Theo đó, Ngôi Hai làm người là Ðức Giê-su sẽ sống vâng phục, chết trên thập giá, sống lại và như thế Người đã chiến thắng tội lỗi và thần chết. Chiến thắng ấy đã biến đổi thân phận loài người, cho họ một tư cách mới trước mặt Thiên Chúa, tức là được nên công chính. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước căn bản, điểm khởi hành cho một hành trình trở về nhà Cha. Trong cuộc hành trình đức tin ấy, Thiên Chúa đặt Ðức Ki-tô như gương mẫu cho mọi người theo. Thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh sống động hơn để diễn tả việc noi gương này, đó là "nên đồng hình đồng dạng" với Ðức Ki-tô. Nghĩa là Thiên Chúa mong muốn chúng ta hãy suy nghĩ với não trạng của Ðức Ki-tô, hành động theo cung cách của Ðức Ki-tô. Còn hơn thế nữa, chúng ta được mời gọi hãy chia sẻ tích cực vào chính sự sống của Ðức Ki-tô, đến độ "cùng chịu đóng đinh với Ðức Ki-tô vào thập giá" hoặc "tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2:19-20). Ðời sống này, thánh Phao-lô gọi là "sống theo Thần Khí."

c) Tính cách năng động và tích cực của kế hoạch cứu độ cho chúng ta thấy điều gì nơi Thiên Chúa?

          Thuyết định mệnh vẽ nên một Thiên Chúa độc đoán. Còn giáo lý thánh Phao-lô về ơn công chính hóa, cứu rỗi và vinh quang cho chúng ta thấy lòng săn sóc ân cần của Thiên Chúa đối với việc cứu độ loài người. Việc "tiền định" của Thiên Chúa mà thánh Phao-lô nói đến chỉ diễn tả một khía cạnh về phía Thiên Chúa, đó là thái độ tích cực, đầy thiện chí của Người và sự bảo đảm hữu hiệu do kế hoạch của Người. Thánh Phao-lô không có ý đề cập đến số phận cá nhân và trách nhiệm của từng người trong việc cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó khi chiêm niệm về kế hoạch cứu độ, chúng ta không thể không cảm nhận lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa, như thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su đã nức nở khóc trước hình ảnh gà mẹ ấp ủ con dưới cánh làm cho Chị nghĩ tới tình yêu Thiên Chúa.

          Phải nhận ra tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua Ðức Ki-tô, đó là kết luận của phần trình bày (8:31-34), đồng thời cũng nói lên một sứ điệp quan trọng cho Ki-tô hữu: cứ vững lòng, vì "không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (8:39).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Sử dụng thêm đoạn Ê-phê-xô 1:3-14 và Cô-lô-xê 1:15-20, chia sẻ những xác tín về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, hát một bài Tạ ơn.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà