CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Phê-rô 4: 13-16

          Chúng ta bị bách hại là vì chúng ta mang danh Chúa Ki-tô. Nhưng thánh Phê-rô nói đó không phải là một gánh nặng, mà hãy coi như niềm vui và là dịp để cảm tạ Chúa. Sự kiện bị bách hại một mặt làm chúng ta đau khổ, nhưng mặt khác nó lại nói lên sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi chúng ta: chúng ta là con cái tuyển chọn của Cha trên trời, chúng ta được chia sẻ vào sự sống của Chúa Ki-tô, và Chúa Thánh Thần bênh vực cũng như bảo đảm cho chúng ta vinh quang trên trời.

          Lời khích lệ cốt yếu của thánh Phê-rô để kết thúc bức thư của ngài là ngài muốn nói với chúng ta về mối liên hệ giữa sự sống lại của Chúa Ki-tô và sự sống lại của chúng ta. Mối liên hệ ấy chính là sự chia sẻ những đau khổ của Chúa Ki-tô. Sự sống lại của Chúa Ki-tô là nguyên lý cho sự sống lại của chúng ta. Nhưng nguyên lý ấy chỉ được thể hiện với điều kiện là chúng ta phải chia sẻ những đau khổ của Chúa Ki-tô. Như thế thánh Phê-rô đã nhìn bách hại dưới lăng kính đức tin, đức cậy và đức mến. Ðức tin, vì chúng ta là con cái của Chúa Cha, anh em với Chúa Ki-tô và sống theo Thánh Thần Thiên Chúa. Ðức cậy, vì chúng ta hy vọng và trông chờ ngày Chúa quang lâm (3:15). Ðức mến, vì chúng ta gắn bó với thánh ý của Thiên Chúa và muốn trung thành với Người.

          a) Vinh dự được chia sẻ những đau khổ của Ðức Ki-tô

          Trong Tám mối phúc, Chúa Giê-su đề cập tới điều này ở mối phúc thứ tám: "Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính... Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa" (Mt 5: 10-11). Những lời lẽ khích lệ của thánh Phê-rô trong thư hầu như lập lại nguyên vẹn tư tưởng của Chúa Giê-su trong bài giảng trên núi. Thánh Phao-lô cũng lấy việc chia sẻ những đau khổ của Ðức Ki-tô như lẽ sống cho ngài, đến nỗi ngài coi là một vinh dự và vui mừng vì "những gian nan thử thách Ðức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1:24; xem Rm 8:17; 1 Tm 2:12; 2 Cr 4:10).

          Nhưng chia sẻ với thái độ nào là điều rất quan trọng. Chúa Giê-su đã phác họa thái độ ấy: "Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5:12). Người đời không thể chấp nhận thái độ nghịch lý ấy. Mình bị bách hại, đau khổ thì mình phải buồn bã, phải căm thù và phải vùng lên để lật ngược tình thế. Nhưng Chúa Giê-su lại phóng cái nhìn xa hơn, không dừng lại ở những đau khổ tạm thời, mà tới hạnh phúc và vinh quang bất diệt. Ðau khổ vì lẽ công chính, vì đại nghĩa luôn luôn có một ý nghĩa cao cả. Do ý nghĩa cao cả ấy, Ki-tô hữu có cơ sở để nhìn đau khổ bách hại theo ý nghĩa khác với người đời và tìm được can đảm khích lệ để chấp nhận với thái độ của chính Ðức Ki-tô.

          b) Một lối sống luôn hợp thời: không xấu hổ làm Ki-tô hữu

          Từ ý nghĩa mới của đau khổ do bách hại vì đức tin, chúng ta có một lẽ sống nói lên căn tính đích thực của mình là Ki-tô hữu. Lối sống ấy Chúa Giê-su đã nói đến trong bài giảng trên núi: các môn đệ Người phải sống vì lẽ công chính và cho lẽ công chính. Nói về đau khổ, thánh Phê-rô muốn ám chỉ những việc tù tội, giam cầm, chịu khổ hình và bị giết tín hữu phải chịu chỉ vì họ là Ki-tô hữu. Người đời khi bị đưa ra tòa, bị tù, bị xử tử do tội ác họ đã phạm, thì đó là một điều tủi hổ cho gia đình, bà con họ hàng. Nhưng đối với Ki-tô hữu, khi bị bách hại, tù tội vì danh Chúa, thì đó là một bằng chứng nói lên vinh dự của họ. Trong ba thế kỷ đầu, chịu tử đạo đã trở thành một đường lối tu đức phổ thông trong lịch sử Giáo Hội. Người ta ước ao được chết tử đạo để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Lối sống ấy không mất đi, nhưng nó được thể hiện một cách khác theo hoàn cảnh xã hội Ki-tô hữu đang sống. Ngày nay có lẽ tử đạo bằng máu ít khi xảy ra, nhưng tử đạo bằng những đau khổ tinh thần, âm thầm và cam go vẫn đem lại cho Ki-tô hữu những thử thách lớn lao. Sống với căn tính Ki-tô hữu đích thực là một phương thức tôn vinh Chúa và là một ơn gọi dành cho mọi người chúng ta.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi nhận định bách hại và chịu đau khổ vì sống đức tin hôm nay như thế nào? Từ đâu? Do ai? Mức độ nào?

          Thánh Phê-rô viết: "Ðược chia se những đau khổ của Ðức Giê-su..." Ngài muốn nói gì? Cá nhân tôi đã cảm nghiệm thế nào về điều ấy? Tôi cảm thấy thế nào về sự chia sẻ ấy?

          Là chứng nhân của Chúa Ki-tô, tôi có cảm nhận sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần không? Chia sẻ với nhóm một kinh nghiệm nói lên sự nâng đỡ ấy.

          Chúa Giê-su thường nói: "Anh em hãy... để người ta thấy mà ngợi khen Cha trên trời." Tôn vinh Thiên Chúa là lý tưởng sống của Chúa Giê-su. Còn tôi?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp. Hoặc đọc kinh sau đây:

          Lạy Chúa Cha hằng hữu, xin cho con được mạnh mẽ.

          Lạy Chúa Con vĩnh cửu, xin cho con được mạnh mẽ.

          Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho con được mạnh mẽ.

          Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, xin cho con được mạnh mẽ;

          Lạy Thiên Chúa duy nhất của con, xin cho con được mạnh mẽ.

                                                          - Thánh I-nhã Loyola

                                                          (Trích trong nhật ký của Ngài)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà