CHÚA NHẬT 3 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 1: 10-13, 17

          Chúa Nhật trước, chúng ta đã nhận thấy hoàn cảnh chia rẽ, bè phái của giáo đoàn Cô-rin-tô là mối ưu tư hàm ẩn trong lời chào thăm của thư thánh Phao-lô gửi cho tín hữu Cô-rin-tô và nhắc nhở họ hãy nhận định lại họ là ai và cộng đoàn của họ là gì. Phần trích dẫn 1 Cr 1:10-13,17 hôm nay bắt đầu đi thẳng vào chủ đề được đề cập đến trong chương 1-4: "Nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau."

          Thánh Phao-lô được "người nhà của bà Khơ-lô-e" cho ngài biết tình trạng chia rẽ của giáo đoàn. Chắc chắn vì bà đích thực lo lắng cho cộng đoàn, nên không muốn giữ thái độ "tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy vào". Nhưng bà thấy có bổn phận phải cho vị chủ chăn Phao-lô biết thực trạng cộng đoàn để ngài kịp thời chỉnh đốn.

          Nhận định sâu sắc của thánh Phao-lô về lý do và thực tại chia rẽ phe phái làm chúng ta phải suy nghĩ. Nhận định ấy không chỉ đúng cho giáo đoàn Cô-rin-tô, mà còn đúng cho mọi cộng đoàn tín hữu mọi nơi mọi thời. Theo ngài, lý do gây phe phái là vì người ta vịn lẽ mình thuộc về một "lãnh tụ" khác. A-pô-lô là một tân tòng thuộc cộng đoàn Cô-rin-tô, nhưng lại rất sốt sắng và tài ba lỗi lạc, gây ấn tượng sâu xa trên cộng đoàn. Kê-pha, tức là thánh Phê-rô, vị đại diện của Chúa Ki-tô, tượng trưng cho giáo quyền trung ương mà mọi người lúc đó đã thừa nhận, hoặc chính ngài đã có đến Cô-rin-tô. Cuối cùng là Phao-lô, vị tông đồ khai sinh giáo đoàn Cô-rin-tô. Qua ba khuôn mặt sáng giá này, những người chủ trương phe phái có thể tìm ra những lý do, những tự hào để "nhân danh" các vị ấy mà bảo rằng mình hoặc nhóm của mình là "số dách", là "number one"! Chính vì thế thánh Phao-lô mới nhắc nhở họ: "Nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta." Chỉ có Ðức Ki-tô chịu đóng đinh mới là Thầy, là nguyên lý hiệp nhất mà thôi.

          Nếu suy nghĩ sâu xa hơn chút nữa, chúng ta có thể nhận ra những mầm mống chia rẽ ấy tựu chung có ba trường hợp. Thứ nhất, người ta muốn về phe với một cá nhân nào đó thuộc cộng đoàn, thí dụ A-pô-lô của cộng đoàn Cô-rin-tô, hoặc một ông trùm, ông biện hay một giáo dân có ảnh hưởng lớn trong một giáo xứ. Thứ hai, người ta muốn về phe với cha xứ, hoặc cha phó để lập thành những lực lượng đối nghịch. Thứ ba, người ta viện lẽ mình thuộc về Giáo Hội nói chung, muốn giữ đạo tại tâm... nên coi thường cả quyền bính của giáo hội địa phương mà đại diện là giám mục hoặc linh mục. Dĩ nhiên, A-pô-lô, Phao-lô, Kê-pha, hoặc cá nhân linh mục hay giáo dân trong một giáo xứ, tất cả đều đáng ngưỡng mộ. Nhưng họ đã bị đem ra làm bình phong cho những mưu đồ chia rẽ phe phái trong một cộng đoàn. Tội nghiệp các ngài! Tuy nhiên cảnh chia rẽ phe phái trong một giáo xứ ngày nay đòi chúng ta phải suy xét kỹ càng, và đôi khi phải khiêm nhượng thú nhận rằng chính ông trùm ông trưởng hoặc cha chính cha phó đã thực sự là nguyên nhân gây ra phe phái làm tan nát hình ảnh hiệp nhất trong tình bác ái.

          Ðức Ki-tô đã chịu đóng đinh (nghịch lý của thập giá) là để giao hòa và hiệp nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa nhân loại với nhau. Do đó, gây chia rẽ phe phái trong một cộng đoàn chính là phản bội công trình hiệp nhất của Ðức Ki-tô, chẳng khác gì đóng đinh Người lại một lần nữa! Bài đọc Tân Ước Chúa Nhật này quả thực đã quảng diễn chủ đề Hội Thánh trong một chiều kích hết sức thực tế: cộng đồng đã được Chúa kêu gọi và thánh hiến cần phải hiệp nhất một lòng một ý, vì Chúa Ki-tô đã chịu đóng đinh để thực hiện sự hiệp nhất ấy. Trọng tâm của Tin Mừng là chính Chúa Ki-tô, chứ không phải những người rao giảng Tin Mừng.

          Thánh Phao-lô còn có một lối dạy dỗ đặc biệt: ngài chia sẻ chính sứ vụ và kinh nghiệm sống đức tin của chính mình. Suy niệm về chia sẻ của thánh Phao-lô, chúng tôi nhận thấy lời chú thích n) và o) trong bản dịch của Nhóm Phiên dịch Phụng vụ các Giờ Kinh rất hữu ích và xin phép lập lại ở đây. Chú thích n): Ðối với thánh Phao-lô, rao giảng Tin Mừng để gây lòng tin là điều cốt yếu. Còn làm phép rửa thì bất cứ ai cũng có thể làm được. Câu này cũng nhắc chúng ta nên coi trọng sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng của Ðức Ki-tô hơn là chú ý đến năng suất số người chúng ta đã rửa tội. Chú thích o): Thánh Phao-lô đặt cái khôn của loài người đối lập với sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1:24 và 2:6). Sự khôn ngoan của Thiên Chúa là thể hiện công trình cứu độ toàn diện: công chính hóa, thánh hóa và cứu chuộc loài người. Vì vậy, tất cả phương tiên Người dùng để hoàn thành công cuộc ấy đều được coi là khôn ngoan, tuy loài người cho là điên dại: thập giá, lời rao giảng, những gì yếu kém, hèn mạt, không đáng kể (cc. 27-28). Thánh Phao-lô không lên án phần trí tuệ của khôn ngoan loài người, vì nó là một ân huệ Chúa ban, giúp con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa; điều đáng lên án là cái khôn ngoan lý sự, tự mãn (của phần đông người Hy-lạp) hoặc đòi hỏi Thiên Chúa làm theo nguyện vọng của mình (như đa số người Do-thái đòi hỏi). (c.20). Sức mạnh của Thiên Chúa là dùng chính những gì thế gian cho là điên dại, để thắng cái khôn ngoan của nó (cc. 18 và 25), làm cho kế hoạch cứu độ của Người được thành tựu. Khi so chiếu hai lẽ khôn ngoan trên, thánh Phao-lô cũng nói rõ lập trường hoạt động của ngài: không rập theo óc tính toán (xã hội Cô-rin-tô thường ngả theo chiều hướng này), nhưng theo đường lối thập giá Ðức Ki-tô.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Với thiện chí như bà Khơ-lô-e, nhóm đứng đắn chia sẻ kinh nghiệm tình trạng phe phái của cộng đoàn mình đang sống. Nhận định những lý do chia rẽ, trách nhiệm của chính mình trong những chia rẽ ấy và sẽ tích cực làm gì để xây dựng cộng đoàn.

          Qua chia sẻ kinh nghiệm của thánh Phao-lô, tôi học được gì và sẽ đem áp dụng cho việc xây dựng cộng đoàn của tôi như thế nào?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Xin hiệp nhất chúng con..."

Ða Minh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà