SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI 2002

 

          Những câu vắn gọn của bài Tin Mừng trong Thánh Lễ hôm nay là một trình bày thật sinh động niềm tin của người Kitô hữu chúng ta, đồng thời cũng nói lên cái cốt lõi của đời sống ấy. Hai bài đọc còn lại thì muốn diễn giải từ một góc nhìn khác của cùng một thực tại đức tin. Và những hiểu biết hay cảm nhận chúng ta có được về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi đều đã đi từ nền tảng mà Lời Chúa mạc khải cho ta ở đây.

          "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một... Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ." đấy là tất cả niềm hy vọng, đức tin và lẽ sống của Người Kitô hữu . Lời công bố, lời rao giảng ấy làm thành cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo. Trong đó chúng ta thấy điểm xuất phát là từ "Thiên Chúa yêu thế gian". Và Tình Yêu ấy được thực hiện bằng việc "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian" với một sứ mạng là "cứu độ thế gian". Việc cứu độ ở đây là làm cho thế gian "tin vào danh của Con Một Thiên Chúa". Như thế chúng ta, những người Kitô hữu, hẳn là người đã phải đặt hết niềm tin của mình vào "Danh Con Một Thiên Chúa"?

          Chúng ta có thể cùng thánh Phaolô để nói về Danh Con Một Thiên Chúa chính là "đầy tràn ân sủng", "là đầy tình thương của Thiên Chúa", "là ơn thông hiệp của Thánh Thần" ? đó cũng chính là điều đức Giêsu muốn nói với Nicôđêmô khi Người đề cập đến phép rửa tái sinh mà người Kitô hữu lãnh nhận. Như thế, "Danh Con Một Thiên Chúa" không bời "xác thịt" mà "bởi Thần Linh", là "đấng từ trời xuống". Nơi Người, người ta có thể "thấy Cha" và "thấy ngón tay của Thiên Chúa"(Lc,11,20). Và mầu nhiệm "Danh Con Một Thiên Chúa" chính là mạc khải trọn vẹn Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì vậy, khi muốn trình bày mầu nhiệm Giáo Hội cách trung thực, công đồng Vaticanô II, đã phải trở về nguồn mạc khải, để trình bày Giáo Hội và mọi yếu tố cấu thành Giáo Hội dưới ánh sáng Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Và theo đó đời sống Kitô hữu dù họ là ai phải quy chiếu về đó. Nếu Mô sê chỉ dám khẩn cầu "Xin Người cùng đi với chúng con", thì ở đây, trong mỗi người Kitô hữu là "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta". Vấn đề là Kitô hữu chính là một cuộc sống biểu thị "thông hiệp Thần Linh" này.

          Theo đó, tuy vẫn hiện diện trong trần gian, vẫn đảm nhận mọi trách nhiệm giữa lòng thế giới, nhưng người Kitô hữu lại có cuộc sống "không thuộc về thế gian". Nếu như người thế gian chỉ quan tâm làm ra của cải vật chất, làm ra nếp sống văn hóa vật chất, thì người Kitô lại quan tâm làm cho mỗi một và tất cả mọi thực tại trần gian trở thành vinh quang của Danh Con Một Thiên Chúa : "là ân sủng, là tình thương, là ơn thông hiệp".

          Qua những suy nghĩ ấy, chúng ta có thể hiểu vấn đề ở đây không có chút gì liên quan đến những phạm trù : "lên án" "luận tội" "xét xử". Bởi vì mầu nhiệm Danh Con Một Thiên Chúa, và do đó mầu nhiệm Kitô hữu là việc đem "ân sủng, tình thương và ơn thông hiệp của Thiên Chúa" vào muôn loài, muôn vật, để như Phaolô nói "Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người". Như thế tự bản thân sứ vụ cứu độ chỉ là một đề nghị, và mỗi người có toàn quyền tự do đón nhận hay khước từ.

          Qua những biến động không ngừng của thế giới, rõ ràng lời đề nghị của Kitô giáo xem ra còn qúa yếu ớt. Ngày lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta phải tăng cường thêm nỗ lực, phải tăng thêm lời cầu nguyện, và nhất là phải làm sáng tỏ chân tính "Thần Linh" nơi chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà