SỨ MỆNH TOÀN CẦU

Chúa Nhật 4 B Phục Sinh, B

 

Lời Chúa

Cv 4:8-12

Ga 10:1-4

1 Ga 3:1-2

 

 Ngày nay vấn đề toàn cầu hóa đang được đặt ra ráo riết, để đáp ứng kịp thời với chiều kích lớn lao của kỹ thuật, kinh tế, chính trị, dân số v.v. Trong khi não trạng “lũy tre xanh” biến mất, thế giới hôm nay trở thành nhỏ bé như một ngôi làng. Nhưng con người lại không biết nhau như một phẩm giá, nhưng như một đơn vị hay như những mã số vô nghĩa. Thông tin ồn ào lấn át cả những tiếng nói của sự thật và luân lý. Đã đến lúc tìm một nền tảng và chiều hướng để việc toàn cầu hóa không mất ý nghĩa và không nguy hiểm cho chính con người.

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

    Nền tảng đó có thể tìm thấy nơi Đức Giêsu, Đấng đã Phục Sinh để trở thành “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm 8:29)  Một mình Người mới vạch ra nổi hướng đi cho toàn thể nhân loại, vì Người chính là “Mục Tử nhân lành.” (Ga 10:11) “Đức Giêsu chính là Mục Tử khuôn mẫu vì tinh thần hi sinh và ý chí tận hiến cuộc đời cho con chiên.” (Faley 1994:321)  Chính nhờ sự hi sinh can trường của vị Mục Tử, mọi người đã trở thành con cái Thiên Chúa. Bởi thế, sau Phục Sinh, Người đã có sức mạnh qui tụ mọi người dưới mái gia đình Thiên Chúa. Tất cả trở thành anh em, có quyền hưởng ơn cứu độ như nhau.

    Nếu Đức Giêsu không chết, bức tường ngăn cách vẫn còn đó. Không có cách nào xích lại gần Thiên Chúa và tha nhân. Chính cuộc hi sinh lớn lao đó đã xác định bản chất mục tử của Người. Ngược lại, thay vì chết cho con chiên, người chăn chiên mướn sẵn sàng để con chiên chết thay mình. Quả thực, tư lợi vẫn là tiêu chuẩn phân biệt chân giả. Hơn nữa, người mục tử chân thật đích thân quen biết từng con chiên. Đức Kitô thông cảm với từng Kitô hữu như Chúa Cha hiểu biết Người. Rõ ràng đối với Kitô hữu, Đức Giêsu là một vị Mục Tử chân thật và duy nhất.

    Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành. Người là vị Mục Tử “cao thượng” hay “lý tưởng”, chứ không chỉ là vị Mục Tử tốt lành theo nghĩa bình thường (The New Jerome Biblical Commentary 1990:968). Người có một trái tim bao la và một cái nhìn sâu sắc về một tương lai tươi sáng của nhân loại. Vòng tay Người luôn bao bọc mọi hạng người, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, già nua, yếu đuối, tội lỗi. Người là vị Mục Tử lý tưởng vì dám đồng hóa với những người thua thiệt đó và đã chết để tranh đấu cho quyền làm người của họ. Không những quyền làm người, nhưng cả quyền làm con Thiên Chúa họ đã dành lại được nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Người.

    Đức Giêsu không dừng lại nơi biên giới Kitô giáo. Người muốn mở rộng vòng đai. Chính Chúa quả quyết : "Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.” (Ga 10:16)  Nghĩa là sứ mệnh Người bao trùm cả dân ngoại. Giấc mộng quá lớn đó phải được Giáo hội chia sẻ. Nói khác, Người muốn “nhấn mạnh đến sứ mạng toàn cầu của Giáo hội.” (Faley 1994:323)  Sứ mệnh đó được ân sủng Thiên Chúa bảo đảm. “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người.” (Rm 5:15)  Trong nguồn ân sủng lớn lao đó, Kitô hữu mạnh dạn lên đường làm chứng cho Đức Giêsu, như chính Người đã “tự ý hi sinh mạng sống mình,” (Ga 10:18) do đó đã được “Chúa Cha yêu mến.” (Ga 10:17)  Không có gì lớn mạnh hơn tình yêu Thiên Chúa. “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,” nên Kitô hữu rất vững dạ an tâm (Tv 63:3). Càng hi sinh, họ càng có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa và càng mở rộng chiều kích sứ mệnh cứu độ. “Chính nhờ Đức Kitô quảng đại hiến thân, tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại càng tỏ hiện.” (Faley 1994:323)

 

TOÀN CẦU HÓA

    “Mục Tử nhân lành” có một cái nhìn toàn cầu khi muốn vươn tới “những chiên khác không thuộc ràn này,” những người cũng sống trong tương quan sâu xa với Người và cũng được Người “hi sinh mạng sống.”  Khi mở rộng chiều kích sứ mệnh như thế, Đức Giêsu không quên những nhu cầu từng cá nhân. Ước vọng sâu xa nhất của cá nhân cũng như chiều hướng cao cả của cộng đoàn đều được Người chú ý tới. Vì chính Người đã hứa : “Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10:16)

    Nếu không có một “Mục Tử nhân lành,” nhân loại có thể bị nghiền nát dưới sức mạnh của chiều hướng toàn cầu hóa. Chính ĐGH Gioan Phaolô II cảnh giác : “Những thực tại mới đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình sản xuất, như là việc toàn cầu hóa: tài chánh, kinh tế, thương mại, lao động, những sự kiện này không bao giờ được phép vi phạm phẩm giá con người hoặc không coi con người là trung tâm của các thực tại này hoặc vi phạm tới nền dân chủ của quần chúng.” (VietCatholic 2/5/2000)  Biết bao vấn đề đã nảy sinh từ những vi phạm như thế. Bởi vậy, cần nhắc lại cho các nhà lãnh đạo thế giới về một nền luân lý toàn cầu. “Nền luân lý toàn cầu tìm hiểu bản chất và những nguyên nhân sinh ra những vấn đề luân lý quốc tế và tìm cách làm cho các cá nhân và cộng đồng nêu các vấn đề đó lên.” (Adeney 1995:100)  Chẳng hạn, vì quyền lợi kinh tế, người ta có thể phá hủy môi sinh trên địa cầu hay coi thường những nguyên tắc công bình.

    “Luân lý toàn cầu đặt nền tảng trên việc Thiên Chúa tạo thành toàn thể vũ trụ và việc Người ‘thấy thế là tốt đẹp’ (Stk 1:31).”  Coi thường luân lý toàn cầu là nguyên nhân sinh chiến tranh. Bởi thế, Kitô hữu cần có những hoạt động tích cực trong việc cổ động và sống luân lý đối chiếu với luân lý toàn cầu ngay trong gia đình và cộng đoàn của mình. Tất cả đều nằm trong kế hoạch Phúc Âm hóa thế giới.

    Cần có một hướng đi cho công cuộc toàn cầu hóa hôm nay. Con người phải là trung tâm và cao điểm của mọi nỗ lực toàn cầu hóa. Nếu không, những hậu quả tai hại khôn lường sẽ xảy ra. Thật vậy, “toàn cầu hóa là một hiện tượng của đời sống hôm nay về mọi mặt, nhưng hiện tượng này cần phải áp dụng cách khôn khéo, đừng gây ra tai hại. Điều cũng thiết yếu là phải toàn cầu hóa tính cách đại kết liên đới con người với nhau.” (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic 2/5/2000)  Nếu vấn đề đại kết được nêu lên như một nỗ lực toàn cầu, chắc chắn mọi người sẽ sớm thấy cảnh hòa bình lâu dài. Mọi người liên hệ với nhau như anh em và đều có trách nhiệm đối với nhau. Những giới lệnh thương yêu của Đức Giêsu liên hệ khẩn thiết tới nền luân lý toàn cầu (Adeney 1995:106). Chính ở điểm này, chúng ta thấy nổi bật vai trò cá nhân đối với việc toàn cầu hóa tính cách đại kết giữa các dân tộc. Thực vậy biết bao nhiêu vấn đề toàn cầu do những cá nhân tạo nên như bạo hành, xì ke ma túy, đĩ điếm, bệnh liệt kháng, phá thai, hôn nhân đồng tính v.v. Quả thực, “cá nhân giừ một vai trò rất quan trọng trong việc làm lành hay dữ. Bởi đó, việc cải hóa cá nhân có thể có một tầm quan trọng” (Adeney 1995:106) trong việc đẩy mạnh việc toàn cầu hóa mối tương quan đại kết trên thế giới.

    Nhưng trong việc toàn cầu hóa liên đới giữa các dân tộc, cá nhân chỉ có thể tạo được sức mạnh thực sự nơi cộng đồng.  Đó là lý do tại sao Đức Giêsu luôn kêu mời chúng ta liên kết với Người và với anh em trong một Giáo hội. Chỉ khi nào tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại được thực hiện trong Giáo hội, những vấn đề toàn cầu mới được giải quyết và Tin Mừng mới được thế giới lắng nghe. Cần đào sâu niềm tin vào tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử để ngày càng nhận ra sứ mệnh toàn cầu của Đức Giêsu.  Sứ mệnh toàn cầu hóa chứng tá Tin Mừng đòi hỏi Kitô hữu thay đổi não trạng và nếp sống để đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của thời đại hôm nay.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B