THÂN PHẬN NGÔN SỨ

Chúa Nhật 14B Thường Niên

 

Ed 2:2-5

Mc 6:1-6

2 Cr 12:7-10

 

Làm sao có thể đem lại niềm hi vọng cho con người giữa một thế giới đầy những bạo loạn và khổ thống hôm nay?  Tất cả những đều bắt nguồn từ vô minh trước chân lý.  Bởi đấy, cần lắng nghe ngôn sứ là những người loan báo sự giải thoát cho nhân loại.

 

CÓ MỘT NGÔN SỨ GIỮA CHÚNG TA

Ngôn sứ là bộ mặt quen thuộc trong Cựu Ước và truyền thống Do thái.  Họ là người lặp lại những lời Giavê.  Bởi đấy họ trở thành một “chuyên viên” nói về Thiên Chúa, kinh nghiệm về “vinh quang” (Ed 1:26-28), sức mạnh áp đảo (Gr 15:16), sự thánh thiện tuyệt vời của Thiên Chúa (Is 6:1-8).  Bắt nguồn từ  ý thức sâu xa về tôn giáo và chính trị, ngôn sứ cho thấy Giavê đang hướng dẫn về một tương lai, “ngày” cao điểm Thiên Chúa sẽ thực hiện giao ước và xuất hiện vinh quang, từ khi có một cuộc thay đổi sâu xa tự bên trong (Gr 31:31-37; Ed 34:11-30; 36:23-36).

Chính vì thế, Đức Giêsu đã giải thích Kinh thánh và nói những lời tiên tri cho người thời đại để hoàn thành lời ngôn sứ: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” (Đnl 18:18)   “Dân chúng cho Người là một ngôn sư,ù” (Mt 21:46) nghĩa là nhận ra Người là ngôn theo truyền thống Do thái.  Nhưng những người khác lại thấy nơi Người ứng nghiệm lời sách Đnl 18:15-18 khi nói : “Oâng này thật là vị ngôn sứ.” (Ga 7:40)   Bởi thế, nguồn gốc của Người thật cao cả : “Chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel.” (Ed 2:3)

Hơn một ngôn sứ, Đức Giêsu còn làm những phép lạ như những dấu chỉ diễn tả tình yêu và quyền năng của Người được Chúa Cha sai đến.  Khác hẳn mọi người, Đức Giêsu có ảnh hưởng trực tiếp trên dân chúng.  Trước khi họ mở miệng, Người đã bắt ngay được những tư tưởng và bận tâm của họ (Mc 2:1; Mt 12:25; Lc 9:47).  Họ không thể dấu giếm Người điều gì.  Người có thể thấu suốt tâm hồn.  Thực tế, Người còn ý thức mình “còn hơn” một ngôn sứ, “hơn Giona” (Mt 12:41), “cao cả hơn vua Salomôn” (Mt 12:42), “cao cả hơn Đền Thờ.” (Mt 12:16)  Tuy cao cả như thế, Người vẫn không muốn che dấu thân phận bi thương khi phải đối diện với cái chết tàn bạo. Nhưng cái chết đó đã Người cắt nghĩa là việc đền thay tội ác nhân loại.  Mầu nhiệm cứu độ chỉ được mạc khải hoàn toàn khi Người phục sinh.

Nếu không phục sinh, không thể nào hiểu được tại sao một ngôn sứ lại gặp bế tắc trên bước đường công bố chân lý giải thoát cho nhân loại.  Những lạnh lùng của người thân dẫn đến một viễn tượng đau khổ và cái chết.  Đức Giêsu đã phải cay đắng chừng nào khi thốt lên : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4)  Không còn kinh nghiệm nào quí báu hơn !  Không còn thực tế nào phũ phàng hơn !

Chính thực tế phũ phàng đó đã đẩy Chúa vào cõi chết.  “Họ vấp ngã vì Người.” (Mc 6:3)  Nhưng khi phục sinh thân xác Đức Giêsu, Thánh Linh đã biến Người thành “đá tảng góc tường” (Tv 118:22) xây nên tòa nhà Giáo hội.  Như vậy, cái chết của Người đã biến thành một lời tiên tri và một bảo đảm mạnh mẽ nhất cho mọi người thấy giao ước tình yêu Thiên Chúa nên trọn vẹn. 

Người ta cứ tưởng lời ngôn sứ bị đóng khung trong giới hạn thân xác hay hoàn cảnh địa dư và văn hóa.  Thực tế, lời ngôn sứ hoàn toàn lệ thuộc vào niềm tin.  Bởi thế, Đức Giêsu “lấy làm lạ vì họ không tin.” (Mc 6:6)  Chính lòng cứng tin này đã làm cho Người bó tay “không thể làm được phép lạ nào tại đó.” (Mc 6:5)  Nhưng đó lại là lúc Người phá tung biên giới “quê quán của Người” (Mc 6:1) để “đi các làng chung quanh mà giảng dạy” (Mc 6:6) chân lý giải thoát muôn dân.  Một số người xóm làng cứng tin.  Nhưng sẽ có hàng vạn người mở lòng đón nhận Tin Mừng Cứu độ.  Bởi đấy, chắc chắn kèm theo lời giảng là những phép lạ Người sẽ thi thố khắp nơi.

 Cái nhìn bà con đóng khung trong những giới hạn rất trần tục, không đi xa huyết thống và những nhu cầu hằng ngày: “Oâng ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simôn sao ?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ?” (Mc 6:3)  Họ nêu thắc mắc rất chính đáng về quyền uy của Người: “Bởi đâu ông ta được như thế ?  Oâng ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao ?  Oâng ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì ?” (Mc 6:2)   Nhưng làm sao tìm được câu trả lời nếu đóng khung Người trong những giới hạn như thế ? 

Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy Đức Giêsu Kitô “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.” (Lc 24:19)  Người đến hoàn thành và thực hiện lời ngôn sứ xa xưa.  Nhờ Người, cộng đoàn không ngừng sống trong tương quan với trào lưu ngôn sứ.  Trên hết, cơ cấu cộng đoàn tiên khởi nhìn nhận nơi các ngôn sứ có một nguyên tắc căn bản  làm nền tảng xây dựng sức sống Giáo hội (x. Ep. 4:11; 1 Cr 12:28).  Suốt 20 thế kỷ, Giáo hội đã coi ngôn sứ là một trong những đoàn sủng để Giáo hội thi hành nhiệm vụ làm trung gian mạc khải.

 

NGÔN SỨ TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY

Nếu ngôn sứ là một đoàn sủng, mọi người có thể xây dựng cộng đoàn (1 Cr 14:3, 29-32) dựa trên Lời Chúa.  Chính Thánh Linh hướng dẫn các ngôn sứ trong công tác xây dựng cộng đoàn và cho các ngôn sứ thần hứng nói tiên tri (Cv 2:18; 11:28; 19:6; 21:11; 1 Cr 12:28; 1 Pr 1:11; 2 Pr 1:21).  Sứ ngôn là “lời chứng của Đức Giêsu,” (Kh 19:10) mục đích làm cho Lời Chúa trở thành hiện thực, sống động và gần gũi với cộng đoàn.  Vì thế, thánh Phaolô kêu gọi ngôn sứ “xây dựng, khích lệ và an ủi” để “xây dựng Hội Thánh.” (1 Cr 14:3.4)  Những kiểu đe loi, lên án và oán phạt đều biến khỏi những lời ngôn sứ trong Tân Ước. 

Ngôn sứ hướng dẫn cộng đoàn hiện tại trong ánh sáng phục sinh và niềm hi vọng Người quang lâm.  Muốn thế, ngôn sứ phải cẩn thận tìm hiểu lịch sử hiện tại trong nguồn mạch truyền thống và trong ý thức cánh chung.  Nói khác, ngôn sứ phải chuẩn bị đọc được những dấu chỉ thời đại và tạo được những dấu chỉ mới làm cho sứ điệp cứu độ thành sống động cho nhu cầu hiện đại. 

Sứ ngôn luôn luôn và tuyệt đối phải là một lời đầy khích lệ, chân thực và hi vọng. Thánh giá Chúa Giêsu là dấu chỉ mang tính ngôn sứ cao cả nhất.  Dung nhan của Đấng chịu đóng đinh chiếu tỏa vinh quang Chúa Cha chính là sứ điệp cuối cùng nói lên ý muốn cứu độ của Thiên Chúa.  Khi sang thăm Croatia, ĐGH Gioan Phaolô II đã “mời gọi người dân hãy trở nên “nhân chứng trung thành và tông đồ quảng đại” (Zenit 09.06.2003) cho tình yêu Thiên Chúa.  Người còn nói : “Trên khuôn mặt in hằn dấu vết chiến tranh, tôi biết anh chị em rất đau khổ.  Nhưng tôi cũng biết anh chị em cương nghị, can đảm và tràn đầy hi vọng.  Chắc chắn tương lai sẽ khá hơn.” 

Là một ngôn sứ, “giáo dân hăng say dấn thân làm việc tông đồ dưới mọi hình thức …   Hãy học cùng Đức Maria để trở nên những chứng nhân trung thành và những tông đồ quảng đại … để góp phần riêng vào công cuộc tân phúc âm hóa.”   Để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, họ phải nguyện xin Mẹ Maria “phù giúp chúng ta làm chứng cho tình yêu đâm hoa kết trái và cuộc đời đầy ý nghĩa đích thực, xin dạy chúng ta cùng Mẹ xây dựng Vương quốc Thánh Tử, Vương quốc công chính, tình yêu và hòa bình.” (Zenit 09.06.2003)

Lm. Giuse Đỗ vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B