NGUỒN SỐNG

Chúa Nhật 20B Thường Niên

 

Cn 9:1-6

Ga 6:51-58

Ep 5:15-20

Thay vì hiệp nhất, Thánh thể lại trở thành cớ cho các Kitô hữu chia rẽ.   Chia rẽ vì không biết đâu là sự thật về sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích.  Lịch sử Giáo hội cho thấy niềm tin vào mầu nhiệm này đã tạo nên bao kỳ công vô cùng lớn lao trong Giáo hội.  Hơn nữa, một chút nghiên cứu sâu xa cũng có thể cho ta nắm vững ý nghĩa lời Chúa khi lập bí tích Thánh thể.

Thực vậy, Chúa Giêsu quả quyết : “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6:55)  Xác quyết đó đã làm chói tai người Do thái.  Họ chỉ hiểu sự vật theo lẽ tự nhiên.  Chỉ trong Thần khí mới có sức mạnh siêu nhiên để hiểu mạc khải về mầu nhiệm Thánh Thể.  Chỉ Thần khí mới nâng con người lên lãnh vực siêu nhiên để thấy được sự thật nơi xác quyết đó.  Thật thế, “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)

 “Những chữ trong công thức ‘truyền phép’ Thánh thể không đủ chứng tỏ Mình Máu Chúa hiện diện  thật sự.  Động từ ‘là’ không loại trừ ý nghĩa biểu tượng (x. Ed 5:5; Mt 13:37-38; Ga 15:1, 5).  Tuy nhiên, trong văn hóa Sêmít, nếu chỉ có biểu tượng, không đủ thiết lập giao ước.  Để lập giao ước, đòi phải có lễ vật thực sự, chứ không chỉ có những dấu chỉ của những vật đó mà thôi (St 15:9-18; Xh 24:5).”  (New Catholic Encyclopedia  2003:5, 411)

Không những mạc khải về thực tại sự sống nơi thân xác Người, Đức Giêsu còn muốn cho thấy thái độ và hiệu quả của những con người tin tưởng và đón nhận thực tại đó nữa.  Người muốn cho mọi người thấy thịt máu Người vô cùng cần thiết cho ơn cứu độ.  Thật vậy, Người đã quả quyết : ai đón nhận thân mình Người sẽ “có sự sống nơi mình,” (Ga 6:53) “được sống muôn đời,” (Ga 6:54; 58) và “ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:56)  Từ đó, họ sẽ tìm được tất cả ý nghĩa và giá trị đích thực cho con người và cuộc đời.

Sự sống ấy trào dâng từ Chúa Cha.  Chính sự sống ấy khiến Đức Giêsu làm được mọi sự.  Giờ đây sự sống ấy lại cuồn cuộn chảy vào những ai “ăn thịt và uống máu Con Người.” (Ga 6:53)  Sự sống như quyện vào nhau. Đó là điều Chúa Giêsu đã mạc khải: “Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6:57)  Chính sự sống này sẽ quyết định tất cả.  Không có sự sống ấy, trần gian sẽ băng hoại.  Muốn tránh cơn băng hoại đó, người tín hữu “hãy bước đi trên con đường hiểu biết,” (Cn 9:6) và “sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:15-16) “mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:20)

Tương quan sâu xa giữa Đức Giêsu và người tín hữu được thiết lập trong bí tích Thánh Thể.  Đó là cái nhìn thần học của thánh Gioan và cũng là kinh nghiệm sống động của cộng đồng Gioan.  Chính trong cộng đồng này, tín hữu đã thấu hiểu và cảm nghiệm sâu xa Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện “để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51)  Từ đó, họ cũng đón nhận được sức mạnh xây dựng cộng đoàn.  Trong cộng đoàn tông đồ này, họ đã “cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng” và “đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa.” (Ep 5:19)  Chính khi chia sẻ tình yêu Thánh Thể ø với anh em, họ đã xây dựng thành công Giáo hội tiên khởi.  “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ.  Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.  Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến.  Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2:46-47)

“Lễ bẻ bánh” chính là tiệc Thánh Thể (Mc 14:22; 1 Cr 11:24; Cv 2:42-47).  Tin mừng Lc 24:13-35 cũng cho thấy hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh.  “Hình như thánh sử Luca dùng từ này để chỉ về Thánh Thể.  Có lẽ thánh sử có ý cho thấy, trong khi Kinh thánh hướng tới Đức Kitô, chỉ có Thánh thể mới cho phép Kitô hữu nhận thức và chiếm hữu Người trọn vẹn.” (New Catholic Encyclopedia  2003:2, 600)  Chính trong thịt và máu Đức Kitô, tín hữu tiên khởi đã làm nên một thân thể và tạo thành một sức mạnh kiên cường đến nỗi “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16:18)

Sức mạnh đó ngày nay vẫn còn.  Giáo hội trổ sinh một mùa màng tươi tốt nuôi sống muôn dân.  Thứ sáu 11/07/03 vừa qua, Liên Minh các tổ chức Caritas kết thúc tổng hội thứ 17 với tựa đề : “Việc Toàn cầu hóa sẽ thành công nếu mọi người đều hưởng phúc lợi từ đó.” (Zenit 14/07/03)  Tuyên bố chung nói : Caritas Quốc tế “cam kết hoạt động cho xã hội người nghèo và những người bị tách ly ra khỏi xã hội đang dần dần được toàn cầu hóa.  Nghĩa là, sự liên đới phải được toàn cầu hóa, và Liên Minh Caritas phải tận tụy thực hiện mục tiêu này trong bốn năm tới.” (Zenit 14/07/03)  Caritas hi vọng thực hiện đầy đủ nghị quyết trong tông thư  ‘Tân Thiên Niên Kỷ’.  ĐGH Gioan Phaolô II kêu gọi phải có ‘sáng tạo mới’ trong công cuộc bác ái.   Caritas giải thích : “Trong kế hoạch hoạt động, các thành viên tổ chức Caritas Quốc tế tái cam kết làm cho tiếng nói người nghèo được lắng nghe trong các thực thể quốc tế, và thực hiện việc liên kết giữa những người có trách nhiệm quyết định và dân chúng chịu ảnh hưởng quyết định đó.” (Zenit 14/07/03) 

Tổ chức Caritas chuyên phục vụ những người nghèo khổ trên thế giới.  Tổ chức lấy sức mạnh từ niềm tin nơi Đức Giêsu, tấm bánh bẻ ra cho muôn dân.  Biết bao Kitô hữu cũng đang theo sát gót Đức Kitô phục vụ trên khắp nẻo đường đời.  Đó là những người khôn ngoan đang cố gắng “tận dụng thời buổi hiện tại” (Ep 5:16) để giải thoát nhân loại khỏi “những ngày đen tối.” (Ep 5:16)


Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B