CON ĐƯỜNG SỐNG

Lễ Suy Tôn Thánh Giá

 

Ds 21:4b-9

Ga 3:13-17

Pl 2:6-11

 

Ai cũng muốn sống hạnh phúc.  Bởi thế con người cố chiếm hữu càng nhiều càng tốt.  Càng vinh thân phì da, càng hạnh phúc.  Thực tế hạnh phúc vẫn ngoài tầm tay.  Chính vì thế, hôm nay Đức Giêsu muốn mạc khải một con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực cho toàn thể nhân loại.

Dân Do thái đã trải qua những giây phúc kinh hoàng khi “Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân.  Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ítraen phải chết.” (Ds 21:6)  Trong cơn bấn loạn đó, họ chỉ muốn trở về cuộc sống hạnh phúc bình thường.  Nhưng làm sao hạnh phúc nếu không được cứu  ?  Bởi vậy, họ đến năn nỉ ông Môsê : “Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” (Ds 21:7)    Hạnh phúc đã trở về với họ khi Đức Chúa truyền cho ông “làm một con rắn và treo lên cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” (Ds 21:8)

Con rắn đã trở thành dấu chỉ cứu độ.  Nhờ dấu chỉ đó dân Chúa đã được cứu sống.  Nhưng đó mới chỉ là dấu chỉ.  Nguồn ơn cứu độ toàn thể nhân loại chỉ có thể tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô.  Thực vậy, “như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:14-15)  Người Do thái không bao giờ tin con rắn có sức cứu thoát.  Con rắn chỉ giúp họ hướng mắt nhìn lên tới Chúa mà thôi.

Khác với con rắn, chính Đức Giêsu là nguồn ơn cứu độ.  Người là thực tại đã được dấu chỉ từ thời Môsê tiên báo.  Con rắn chỉ thu hút ánh mắt những người Do Thái lâm nạn.  Còn Đức Giêsu lôi kéo mọi người lên với Chúa (x. Ga 12:32).  Nhờ đó họ đi vào cuộc hiệp thông sâu xa với Thiên chúa và anh em đồng loại.  Thánh giá Người tượng trưng cho cuộc kết hiệp hoàn toàn với Đức Kitô.  

Suốt Tân Ước, biết bao nhiêu đoạn nói về cái chết của Đức Giêsu trên thập giá.  Tất cả chỉ vì Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại.  Đức Giêsu đã chọn một lối chết nhục nhã nhất  (1 Cr 1:18, 23; Dt 12:2), hầu cứu con người khỏi thứ lề luật bị nguyền rủa (Gl 3:10-13).   Càng khắt khe, lề luật càng bất lực.  Hơn nữa, thánh giá còn trở thành khí cụ giải thoát con người khỏi nô lệ thế gian và tội lỗi (Rm 6:6) và phương thế giúp họ canh tân chính mình (Gl 3:1; 6:14).  Nhờ thánh giá, chúng ta trở nên những tạo vật mới, con người mới, thừa kế Nước Trời với Con Thiên Chúa làm người (Gl 6:15-16).  Bởi đấy, nhờ Đức giêsu, thánh giá trở thành phương tiện hòa giải nhân loại sa ngã và tội lỗi với Thiên Chúa chí thánh (Ep 2:16; Clù 1:20; 2:14).

Sau cùng, Thánh giá là một biến cố huyền nhiệm tượng trưng toàn thể công cuộc cứu độ của Đức Kitô và việc công bố ơn cứu độ cho toàn thế giới.  Nhờ khổ giá, Đức Giêsu đã hoàn thành toàn thể công trình cứu độ của Giavê trong Cựu ước.  Đó là lối sống trọn tình trọn nghĩa Con Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.  Thánh giá là điểm then chốt trong lịch sử, vì toàn thể lịch sử nhân loại xưa nay tìm được ý nghĩa (New Catholic Encyclopedia 2003:391).  Nếu không có Đức Giêsu chết trên Thánh giá, khổ giá mỗi người sẽ trở thành vô nghĩa.  Bể khổ sẽ là nơi đầy đọa con người mà thôi.

Trái lại, ai tin vào Đấng chịu đóng đinh, Thánh giá sẽ là con đường dẫn tới vinh quang.  Quả thực, “ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:15)  Tin vào Người sẽ không chìm ngập trong bể khổ.  Vì tình yêu Thiên Chúa là sức mạnh đem lại sự sống cho trần gian.  Đúng vậy, “Thiên chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)  Làm sao có thể tin nổi một con người chết trần trụi trên khổ giá lại là nguồn sống cho toàn thể vũ trụ ?  Nhưng nếu tin Thiên Chúa, không thể không nhớ tới lời ngôn sứ Isaia nói về người đầy tớ đau khổ đã thí mạng sống làm của lễ đền tội.  Người đầy tớ đó đến thế gian “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45)  Cái chết của Đức Giêsu là một sự tự nguyện hi sinh mạng sống một cách anh hùng cho muôn người được cứu độ (Ga 10:17-18; 18:4-8; 19:11; Pl 2:8).   Như thế, việc tôn vinh Đức giêsu trên Thánh giá nhắc lại thần học về người tôi tớ Thiên Chúa trong ngôn sứ Isaia 52:13; 53:11-12.

Theo thánh Gioan và Phaolô, Đức Giêsu hi sinh để trở thành hiến tế vượt qua (1 Cr 5:7), một hiến tế khiến Đức Giêsu trở về với Chúa Cha và mở đường cho tội nhân cải tà qui chính.  Hành trình cứu độ từ trần giới về với Chúa Cha (Ga 13:1) ngang qua cái chết, sự phục sinh và thăng thiên ngay vào lúc mừng lễ Vượt qua của người Do thái, vì năm đó Người là chiên vượt qua đích thực (Ga 19:33-36).

Cái chết của Đức Giêsu làm thành một hiến tế giao ước (x. Stk 15; Xh 24:8; Mc 14:24).  Nhờ đó, Người đem về cho Chúa Cha một dân mới tẩy sạch trong máu Người, hiệp nhất với Thiên chúa thành anh em ruột thịt với Người.  Khi chịu đóng đinh Đức Giêsu đã đổ máu đào không phải để Thiên chúa nguôi cơn giận, nhưng để phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa cho con người.  Như thế, nhờ Thánh giá, một gia đình đã được thành lập.  Trong đó, Thiên chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau.  Cảnh đoàn tụ đẹp như mơ.  Tất cả đều nhờ sức mạnh cây Thánh giá.

Hơn nữa, Đức Giêsu đã thiết lập được một vương quốc trong Máu Người (Tt 2:14).  Như vị vua Thiên sai, Đức giêsu bắt đầu cai trị cả vũ trụ từ ngai vàng thánh giá.  Người đã bị quân lính chế diễu là vua (Ga 19:2-3).  Với một thái độ đầy tính cách biểu tượng, Philatô đã tôn phong Người làm vua trên trên toàn dân (Ga 19:13-15).  Người đã tuyên bố quyền vua đích thực trước mặt ông. (Ga 18:33-38).  Người bị đóng đinh dưới tước hiệu là vua vũ trụ (Ga 19:19-20)

Tóm lại, trên đỉnh đồi Canvê, Đức Giêsu đã xuất hiện như người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, linh mục thượng phẩm trở về với Chúa Cha trong hiến tế vượt qua, trung gian giao ước mới, vua thiên sai cai trị khắp vương quốc tư tế là Giáo hội.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B