LỄ CHÚA BA NGÔI,năm B

Mt 28, 16-20

 

BA NGÔI LÀ MỘT

 

Lúc nhỏ tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại có Ba Ngôi và Ba Ngôi lại là một Chúa. Các Sơ, các Thầy và các Giáo lý viên không giải đáp thỏa đáng thắc mắc của tôi. Thú thực, thời đó, các bài giảng của các Cha xứ cũng chưa làm tôi hiểu về Chúa Na Ngôi lắm. Nhưng càng lớn lên, càng được học hành và càng chìm sâu vào chiêm niệm, cầu nguyện, tôi càng hiểu rõ hơn mầu nhiệm vô cùng cao sâu của Đạo. Tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa vì tình thương của Ngài và hạnh phúc sống trong mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

MỘT CÁCH GIẢI THÍCH : Câu giải thích người ta thường dùng để cắt nghĩa Ba Ngôi Thiên Chúa là một ngón tay có ba đốt, ba đốt chỉ là một ngón tay hay một cái trứng có vỏ, có tròng trắng, tròng đỏ nhưng cũng chỉ là một cái trứng mà thôi.Hoặc nước có thể hiện diện dưới ba dạng : thể hơi, thể rắn, thể lỏng. Ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất vv…Dùng cách loại suy này cũng chỉ hiểu một phần nào về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi mà thôi.Thực tế những hình ảnh này không tránh khỏi vụng về, thiếu sót khi trình bầy về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vâng, những cách giải thích, những hình ảnh dùng để diễn tả về một mầu nhiệm chẳng khác chi như thánh Augustinô đã nói giống như lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào lỗ cát.

 

CHÚA MẠC KHẢI MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI : câu Kinh Thánh danh tiếng, rõ nhất nói về Chúa Ba Ngôi :” Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần “ ( Mt 28, 19 ). Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng đã tuyên xưng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi thật đơn giản, thật xác tín: Chúa cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần để ra đi loan báo Tin Mừng và rửa tội cho muôn dân. Thánh Gioan định nghĩa:” Thiên Chúa là tình yêu”. Thánh Augustinô nói :” Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mầu nhiệm Tình Yêu “. Do đó, chúng ta chỉ có thể cảm nhận sâu xa về Ba Ngôi Thiên Chúa khi chúng ta sống quan hệ yêu thương. Hình ảnh rõ nét và ấn tượng nhất về mầu nhiệm Ba Ngôi trong Kinh Thánh là lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả ở sông Giorđăng :” Một hình chim bồ câu bay lượn trên mình Người, và trên trời có tiếng phán :” Con là Con Ta yêu dấu “ ( Mt 1, 11 ). Đây là hình ảnh rất sống động về Chúa Ba Ngôi.  Thánh Tôma Aquinô nói trong cuộc Hiển Dung Ba Ngôi cùng xuất hiện : “ Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa Con trong con người, Chúa Thánh Thần trong áng mây sáng chói “. Chúa Giêsu cũng đã xác nhận:” Ta và Cha là một “ ( Ga 14, 10 ).” Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta “ và “ Mọi sự của Cha có đều là của Ta “ ( Ga 16, 15 ) hoặc “ Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy “ (Ga 14, 23 ). “ Cha sẽ ban cho các ngươi một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các ngươi luôn mãi “ ( Ga 14, 16 ).

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ : Hằng ngày chúng ta đã nhiều lần làm dấu thánh giá :” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “ hoặc chúng ta đọc kinh tin kính, kinh sáng danh là chúng ta tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi là sống yêu thương, chia sẻ, hiệp thông :” Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy “ ( 1 Ga 4, 16 ).

Chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện bởi vì nhờ cầu nguyện mầu nhiệm Chúa ba Ngôi mới hoạt động tích cực trong đời sống thường nhật của mỗi người chúng ta.

 

Lạy Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con hiệp nhất trong tình yêu, để chúng con chứng minh cho sự hiệp nhất của Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B