Chúa Nhật V Phục Sinh

(2009)

 

          Vườn nho là hình ảnh Kinh Thánh Cựu Ước sử dụng để ám chỉ dân được Thiên Chúa tuyển chọn.  Ít-ra-en là vườn nho của Thiên Chúa, Đấng luôn mong đợi cây nho trong vườn ấy sẽ mang lại những hoa trái tốt đẹp.  Tin Mừng thánh Gio-an trình bày một số chủ đề thay thế, trong đó Chúa Giê-su nói đến Vườn Nho Mới là Giáo Hội sẽ thay thế Ít-ra-en.  Người chính là Cây Nho Mới phát sinh sự sống mới và mang lại những hoa trái đích thực.  Đề tài cây nho trong bài Tin Mừng giúp ta suy niệm về sự sống mới của ta và bổn phận giúp cho sự sống ấy sinh hoa trái như nguyện ước của Thiên Chúa là người trồng nho.

1.  Hình ảnh Giáo Hội Chúa Ki-tô:  “Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là người trồng nho, và anh em là cành” (bài Tin Mừng – Ga 15:1-8)

          Những lời tuyên bố trên của Chúa Giê-su đã cho ta một hình ảnh đầy đủ về Giáo Hội.  Vườn nho không thể tự mình mà có được, nhưng phải có chủ là người đã chuẩn bị mọi sự:  chọn đất tốt “trên sườn đồi màu mỡ, ra tay cuốc đất nhặt đá, chọn giống nho quý, xây vọng gác, khoét bồn đạp nho” (Is 5:1-2).  Thiên Chúa đã làm những việc ý nghĩa như thế khi Người chuẩn bị thiết lập Vườn Nho Mới là Giáo Hội.  Tuy nhiên điều quan trọng nhất đối với Người là phải chọn giống nho quý đích thực.  Giống nho quý “Ít-ra-en” đã khiến cho Người thất vọng:  “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi đã chẳng làm?  Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?” (Is 5:4).  Do đó, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một xuống trần gian làm cây nho quý để gầy dựng một vườn nho mới hoàn toàn như mong đợi của Người.

          Cây nho mới Thiên Chúa đem trồng nơi trần gian phải là cây nho mang chính nhựa sống của Người để chia sẻ với nhân loại, như Chúa Giê-su đã nói:  “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6).  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10).  Cho nên “những ai đón nhận [Chúa Ki-tô], tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12).  Nhựa sống từ thân nho chuyển sang các cành làm cho chúng tiếp tục sống và phát triển.  Mức độ phát triển sung mãn của cành được nói lên qua sự kiện chúng nảy sinh hoa trái.  Tuy nhiên để đạt được mức độ này, cành phải trải qua tiến trình cắt tỉa, đôi khi thật đau đớn.  Nhà vườn cắt tỉa bằng dao kéo.  Cắt tỉa nhắm mục đích giúp cho cành có khả năng đón nhận được nhựa sống nhiều hơn.  Còn Thiên Chúa thì cắt tỉa linh hồn ta bằng lời của Người qua Chúa Giê-su.  Ta không thể tránh né việc cắt tỉa này, vì không nhờ nó, linh hồn ta sẽ trở nên khô cằn, vô sinh, mà “không sinh hoa trái thì Người chặt đi” (Ga 14:2).  Lời Chúa tác động sẽ giúp ta loại trừ đi những nhánh lá nhỏ bé vô dụng, vì chúng chỉ hút đi nhựa sống làm cho cành thêm èo ọt.  Đúng vậy, nhìn vào đời sống tâm linh của ta, ta có thể nhận ra những điều không tốt tuy nhỏ bé, nhưng lại có sức gây tại hại hết sức to lớn.  Chúng không đánh quỵ ta nhất thời, nhưng sẽ làm cho sự sống linh hồn ta yếu dần yếu mòn cho đến khi sự sống của Thiên Chúa trong ta bị những điều xấu ấy tiêu diệt lúc nào không hay.

          Khi nói tỉ dụ cây nho, Chúa Giê-su cứ lập đi lập lại nhiều lần sự kiện “ở lại trong Thầy” giống như “cành nho gắn liền với cây nho”.  Đó chính là mối quan tâm khẩn thiết của Người.  Người ý thức bổn phận chuyển tải sự sống của Thiên Chúa sang ta và làm cho đời ta nảy sinh hoa trái vĩnh cửu, với điều kiện cần và đủ là ta “phải ở lại trong Người”.  Cành nho tự nó không thể sống và sinh trái.  Bắt buộc nó phải “gắn liền” với thân nho.  Chúa Giê-su không thể dùng cách nào hơn để diễn tả sự cần thiết của sự gắn liền hay việc “ở lại trong Người”, vì thế Người chỉ còn biết lập đi lập lại những từ ấy cả chục lần trong tám câu đầu của chương 14 Tin Mừng Gio-an.  “Ở lại trong Thầy” có thể diễn nghĩa bằng trăm ngàn cách thức khác nhau, miễn là nó nói lên ta đang sống trong quan hệ yêu mến Chúa Ki-tô.  Tính cách sáng tạo của tình yêu đích thực không bao giờ bị hạn chế.  Khi ta yêu mến Chúa, thực sự muốn “ở lại trong Thầy”, ta sẽ làm theo óc sáng tạo của tình yêu mến.  Nghe lời Chúa, suy niệm lời Chúa, sống lời Chúa và rao giảng lời Chúa là tất cả những gì phải đi vào đời sống hằng ngày của ta, rất bình thường giống như ăn uống ngủ nghỉ;  đồng thời ta cũng phải vui mừng chấp nhận một tiến trình “cắt tỉa” của lời Chúa tác động linh hồn ta, tuy đau đớn nhưng lợi ích lại lớn lao vô cùng.

          Hình ảnh Giáo Hội là hình ảnh Thiên Chúa và nhân loại cùng cộng tác với nhau để làm cho tình yêu phát triển sung mãn và sinh hoa trái.  Thiên Chúa Cha là “người trồng nho” mong nhìn thấy hoa trái tốt.  Chúa Giê-su là cây nho để thông chuyển cho ta sự sống Thiên Chúa.  Thánh Thần là tình yêu hoặc là chính sự sống Thiên Chúa.  Còn ta phải là những cành nho gắn liền với cây nho, chịu cắt tỉa bằng cây “dao hai lưỡi” là lời Chúa để được đầy tràn sự sống Thiên Chúa và sinh hoa trái vĩnh cửu.

2.  Thánh Gio-an giới thiệu cho ta một cách “cắt tỉa” rất thực tế:  sống điều răn yêu thương (bài đọc Tân Ước – 1 Ga 3:18-24)

          Cố gắng từ bỏ nết xấu và tập tành nhân đức là công việc cắt tỉa cành nho để nó được mạnh hơn và có khả năng sinh hoa kết quả hơn.  Như vậy thì có biết bao nhiêu điều cần phải cắt tỉa, biết làm sao đây!  Cụ già Gio-an đã dày kinh nghiệm mục vụ bảo những con bé nhỏ đừng có lo.  Ngài dạy con cháu cứ lo cắt tỉa cái việc yêu thương thật lòng trước đã.  Ngài chỉ cho ta phải đi từng bước như sau.

          Trước hết ta cần phải đặt lại nguyên tắc rõ ràng.  Thói thường vì ta không yêu thương thật lòng nên dùng miệng lưỡi để che lấp sự giả dối của ta.  Ta dùng những mỹ từ để nói rằng ta yêu thương, hoặc nói nôm na như thánh Gio-an là ta “yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi”.  Do đó nguyên tắc của yêu thương là:  “Phải yêu thương cách chân thật bằng việc làm” (1 Ga 3:18).  Để giải thích thêm về nguyên tắc yêu thương này, thánh Tông đồ của tình yêu nói rằng nếu chúng ta yêu thương cách chân thật và bằng việc làm thì chúng ta mới “đứng về phía sự thật”, nghĩa là đứng về phía Thiên Chúa và yêu theo cách của Thiên Chúa.  Còn yêu thương theo kiểu thế gian là kiểu “đầu môi chót lưỡi”, kiểu lừa gạt giống như “Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ” (Kh 12:9).

          Tiếp đến thánh Gio-an dạy ta áp dụng nguyên tắc yêu mến chân thật và bằng việc làm vào việc mến Chúa yêu người.  Nếu ta thực lòng yêu mến Chúa thì ta sẽ nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa “còn cao cả hơn lòng chúng ta và Người biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20).  Rồi nhận ra được Chúa yêu thương ta, “ta sẽ được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa”       (1 Ga 3:21) và được Người ban cho ơn ta xin, đó là được tin vào Chúa Ki-tô Con Thiên Chúa.  Một khi ta tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, ta sẽ tuân giữ giới răn yêu thương Người dạy ta, là “phải thương yêu nhau”.  Thật là tuyệt vời lối diễn tả của thánh Gio-an, dẫn ta đi từ việc mến Chúa đến yêu người.

          Tình yêu giống như cái vòng tròn.  Tình yêu chân thật đưa ta đến hành động tuân giữ điều răn.  Tuân giữ điều răn giúp “ta ở lại trong Thiên Chúa” và “Thiên Chúa ở lại trong ta”.  Sức đẩy làm cho ta di động trong cái vòng tròn tình yêu ấy chính là Thần Khí Thiên Chúa ban cho ta vậy (xem 1 Ga 3:24).  Để sống trong cái vòng tròn tình yêu sinh động ấy, ta cần cắt tỉa đi những lối yêu thương của thế gian và học với Thầy dạy của ta là Chúa Giê-su cho biết thế nào là yêu thương chân thật và bằng việc làm.

3.  Thánh Phao-lô:  một thí dụ điển hình cho việc tháp nhập vào cây nho thật là Chúa Giê-su (bài đọc Tân Ước – Cv 9:26-31)

          Thực ra đoạn văn ngắn trích sách Công vụ Tông Đồ hôm nay chỉ là những dòng giới thiệu tổng quát về một diễn trình dài của việc thánh Phao-lô “điều chỉnh” cuộc sống mình theo sứ mệnh ngài lãnh nhận từ Chúa Ki-tô Phục Sinh trên đường ngài đi Đa-mát.  Phao-lô được ơn trở lại và được Chúa sai đi, đâu phải trong chốc lát mà Giáo Hội có được một vị Tông đồ vĩ đại như thế.  Trái lại, bản thân Phao-lô đã phải phấn đấu, làm cành nho chịu cắt tỉa để được “tháp nhập” vào Chúa Ki-tô.  Sau khi vào Đa-mát và được mở mắt nhìn thấy lại, ngài đi Giê-ru-sa-lem và “tìm cách nhập đoàn với các môn đệ”.  Ở đây, ngài đâu có được đón tiếp niềm nở, nhưng “mọi người vẫn còn sợ ông vì họ không tin ông là môn đệ”.  Phao-lô không nản lòng.  Ngài nhờ ông Ba-na-ba làm người môi giới để giới thiệu ngài với các Tông đồ.  Làm như thế, hẳn Phao-lô phải cầm mình “cắt tỉa” tình kiêu căng của ngài chứ!  Hơn nữa, ngài còn học tin tưởng ông Ba-na-ba, để cho ông hoàn toàn thuyết phục các Tông đồ giúp mình.  Rồi sau khi đã được các Tông đồ chấp nhận, ngài đã “cùng với các Tông đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem”.  Nói đúng hơn, ngài đang “học việc” với các Tông đồ, khiêm nhượng nhận mình là “đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15:8), dần dần sau khi đã thấm nhuần giáo lý Chúa Ki-tô, ngài mới “mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa, đàm đạo và tranh luận với những người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp” (Cv 9:28-29).  Bài học sau cùng của ngài là làm sao đối phó với bách hại.  Trước đây ngài bách hại Ki-tô hữu, ngài chỉ có kinh nghiệm của kẻ bách hại;  giờ đến lượt ngài bị bách hại và tập cách “trốn chạy”, đi Xê-da-rê rồi về lại Tác-xô.

          Hoạt động tông đồ và lòng yêu mến Chúa đã giúp Phao-lô biến đổi mỗi ngày một nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô”, đến độ ngài sống có nghĩa là Chúa sống trong ngài.  Ngài quả thực muốn làm cành nho gắn liền với cây nho và sẵn sàng để cho lời Chúa Ki-tô cắt tỉa mà sinh được những hoa trái vô cùng quý báu.  Không chỉ gương sống như vị Tông đồ nhiệt thành ngài để lại, nhưng gia sản của ngài còn là những bức thư súc tích, nguồn giáo lý và thần học hệ thống ngài cống hiến cho Giáo Hội Chúa Ki-tô.

4.  Sống Lời Chúa

          Đề tài cây nho và cành nho trong bài Tin Mừng quả thực súc tích.  Đó là hình ảnh sống động diễn tả bản chất của Giáo Hội với vai trò chủ động là Chúa Ki-tô, cây nho Thiên Chúa Cha đã đích thân trồng trong Vườn Nho Mới của Người.  Tuy nhiên bổn phận của ta là cành cũng không kém phần quan trọng, vì Chúa mong đợi những cành nho phải trổ sinh hoa trái tốt đẹp.  Muốn được như vậy, ta phải kết hợp với Chúa Giê-su, “ở lại” trong Người để lời Người và quan hệ với Người biến đổi, cắt tỉa ta dần dần thành người con Chúa mỗi ngày một xứng đáng hơn.

Suy nghĩ:  Tôi là cành nho cần cắt tỉa những gì?  Tôi cộng tác với lời Chúa như thế nào trong việc cắt tỉa cách yêu thương chân thật và bằng việc làm?  Đâu là những quyết định cụ thể và thực tế tôi phải có để cắt tỉa lối sống yêu thương này?

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Đức Ki-tô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử;  xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn:  này chúng con là những kẻ tin kính Đức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật V Phục Sinh)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi.

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B