Chúa Nhật 23 mùa Thường niên, B

 

          Chúa Giê-su đến để kiện toàn Lề Luật Mô-sê bằng cách thực hiện những gì ghi chép về Người, nhưng nhất là bằng cách phục hồi tinh thần tuân giữ Lề Luật đã bị những nhà lãnh đạo Do-thái làm mất đi khi họ chỉ chú trọng đến hình thức bề ngoài.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục kể lại sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Một trong những điều ngôn sứ I-sai-a tiên báo về sứ vụ ấy là việc chữa lành bệnh tật của nhân loại, bệnh tật thể xác cũng như bệnh tật thiêng liêng.  Bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng chỉ đan cử một số bệnh tật thể xác, nhưng đó cũng là những biểu tượng cho những căn bệnh thiêng liêng.  Tuy nhiên việc Chúa Giê-su chữa lành mới thực sự là đề tài để ta chiêm ngưỡng tình yêu Thiên Chúa đối với ta là những kẻ nghèo hèn trước mặt Người.

 

1.  “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em” (Bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 35:4-7a)

 

          Ngôn sứ I-sai-a lấy bối cảnh dân Do-thái bị lưu đày để diễn tả kế hoạch của Thiên Chúa giải phóng nhân loại khỏi những hậu quả của tội lỗi.  Trước hết ngài gọi ngày Thiên Chúa đến giải phóng là “ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội”.  Gọi là ngày báo phục, vì Thiên Chúa muốn loại trừ ảnh hưởng tội lỗi và lập lại mối quan hệ với loài người đã bị tội lỗi cướp đoạt.  Hậu quả lớn lao nhất tội lỗi gây nên là cái chết, chết phần xác và chết phần hồn.  Bên cạnh hậu quả to lớn ấy còn biết bao nhiêu những hệ quả khác, nhất là những khuyết tật thiêng liêng, như tâm hồn mù lòa, câm điếc, tê liệt.  Môi trường sống cũng bị thay đổi từ cảnh vườn địa đàng biến thành sa mạc khô cằn và hoang vu.

          Trước tình huống ấy, ngôn sứ I-sai-a loan báo một tin vui:  “Can đảm lên, đừng sợ!  Thiên Chúa của anh em đây rồi;  sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.  Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35:4).  Tiếp đến, ngài nêu ra một vài thí dụ cụ thể nói lên hành động cứu độ của Thiên Chúa:  cho người mù trông thấy, người điếc được nghe, người què được đi, đất đai khô cằn có nước tưới tràn trề.

          Tuy nhiên đó chỉ là những hình ảnh diễn tả những tình huống tâm hồn ta không thấy được.  Đôi mắt thiêng liêng của ta đã mù lòa, không nhận ra những gì Thiên Chúa làm cho ta, mà chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng xa hoa và quyến rũ của vật chất trần gian.  Đôi tai thiêng liêng của ta làm ngơ trước những mời gọi của Thiên Chúa nói với ta qua lề luật, qua các vị ngôn sứ thời xưa và thời nay, qua Giáo Hội, nhất là qua Lời Chúa ta đón nhận khi tham dự Thánh Lễ hoặc khi đọc và suy niệm Lời Chúa.  Tay chân thiêng liêng của ta không còn hơi sức để đến với Chúa và anh chị em, hoặc thực hiện những điều tốt lành để phụng thờ Chúa và giúp đỡ anh chị em.  Môi trường sống của ta là bãi chiến trường đầy dẫy những ghen ghét, lừa lọc, tham lam, khiến cho những công trình bác ái thương yêu không còn đất mà triển nở.  Đó chính là đối tượng của kế hoạch báo phục Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng được ngôn sứ I-sai-a vui mừng loan báo:  “Thiên Chúa của anh em đây rồi!”  Đúng vậy, Thiên Chúa của ta là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Ngôi Lời nhập thể dựng lều ở giữa chúng ta.  Người ở lại với ta cho đến ngày tận thế để thực hiện công trình báo phục của Thiên Chúa.  Các sách Tin Mừng ghi lại những gì Chúa Giê-su Ki-tô đã dạy, đã làm để khắc phục quyền năng của tội lỗi và ma quỷ, đồng thời khai mở một cuộc tạo dựng mới theo kế hoạch của Thiên Chúa.

 

2.  “Chúa Giê-su làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”  (bài Tin Mừng – Mác-cô 7:31-37)

 

          Những điều ngôn sứ I-sai-a tiên báo đều được thực hiện từng ly từng nét trong sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su.  Bài Tin Mừng hôm nay chỉ đan cử một phép lạ phù hợp với lời tiên báo của I-sai-a:  Chúa Giê-su chữa lành cho một người vừa điếc vừa ngọng.  Có lẽ trước hết ta cần lưu ý tới tình trạng của người bệnh, là anh ta vừa điếc lại vừa ngọng.  Chi tiết này muốn diễn tả thực trạng dây chuyền xảy ra trong tâm hồn ta.  Cũng như khuyết tật điếc kéo theo việc ăn nói ngọng nghịu, tâm hồn ta nếu bị điếc thì sẽ trở thành ngọng, không nghe Chúa nói thì làm sao biểu lộ được qua hành động những gì Người muốn ta làm.  Tội lỗi không bao giờ gây hại cho ta một cách cố định, nhưng luôn luôn lây lan, từ tật xấu này sinh ra tật xấu khác, giết hại dần dần mọi khả năng của tâm hồn ta để không còn là “đền thờ” cho Thiên Chúa ngự trị, mà là sa mạc khô cằn và hoang vu cho tội lỗi hoành hành.

          Hình ảnh Chúa Giê-su “vào miền Thập Tỉnh” cũng là một biểu tượng rất ý nghĩa.  Thập Tỉnh coi như nằm ngoài miền Đất hứa, trong ảnh hưởng của dân ngoại.  Như vậy vào miền Thập Tỉnh có nghĩa là Chúa Giê-su đi thẳng vào địa bàn hoạt động của ma quỷ, đối đầu với quyền năng của tội lỗi.  Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con.  Chúa Giê-su muốn xông thẳng vào sào huyệt của ma quỷ, “trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27).  Người sẽ cướp lại những gì nó lấy đi khỏi Thiên Chúa và đem trở về cho Thiên Chúa.  Người sẽ giải phóng nhân loại khỏi nanh vuốt của tội lỗi, đánh bại nó và đưa nhân loại đến sự sống đời đời.

Ngoài ra, hình ảnh Chúa kéo người bệnh ra khỏi đám đông để chữa lành anh ta cũng rất ý nghĩa.  Anh ta cần phải rời khỏi đám đông để tiếp xúc riêng với Chúa.  Mỗi cuộc chữa lành phải là cuộc gặp gỡ cá nhân giữa ta với Chúa.  Ta phải tự mình cộng tác với quyền năng và tình yêu của Chúa để được chữa lành, chứ không thể nhờ người khác làm thay.  Thử hỏi nếu ta muốn “xưng tội”, liệu ta có thể nhờ người khác đi xưng tội giùm ta không?  Ta muốn sửa đổi một tính xấu hoặc tập tành một nhân đức, liệu ta có thể nhờ người quen làm giúp không?  Chữa lành là cải thiện mối quan hệ giữa ta với Chúa.  Chúa mở vòng tay yêu thương đón nhận ta, còn ta thì quyết tâm hướng về Chúa và quay lưng lại với tội lỗi.  Nếu Chúa là “Đấng chữa lành” của ta, thì mọi bệnh tật tâm hồn của ta sẽ được Người tận diệt và làm cho ta thành người con khỏe mạnh của Thiên Chúa.

Sau cùng là việc Chúa cấm người ta kể chuyện chữa lành đó với người khác.  Đây không phải là chuyện Chúa đề phòng cho bản thân Người, mà là đề phòng cho ta.  Có lẽ ta quen với những cảnh người ta gắn những bảng “Tạ ơn”, “Merci”, treo nạng tại những nơi linh thánh họ nhận được phép lạ hoặc ơn lành của Chúa.  Dĩ nhiên, việc này tốt lành và đáng khuyến khích.  Nhưng vô hình chung, nhiều khi nó lại trở thành mốt quảng cáo, tệ hại hơn lại là những cách “làm tiền” khéo léo cho những công trình xây cất, những bảng ghi ơn đã là phương tiện tạo nên sự ganh đua để được tiếng!  Ở đây, Chúa Giê-su không cần quảng cáo và người bệnh được chữa lành cũng không cần được nổi tiếng.  Trái lại, anh ta vẫn phải tiếp tục gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mới để mỗi ngày một phát triển đời sống nội tâm, nghe Chúa rõ hơn và sống Lời Chúa tích cực hơn.  Nếu ta tích cực sống cuộc chữa lành Chúa đã thực hiện nơi ta, thì đó đã là một lời ngợi khen Chúa:  “Người làm việc gì cũng tốt đẹp cả:  Người làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.  Kẻ điếc và kẻ câm ấy chính là ta chứ không phải ai khác đâu!

 

3.  Ta là những kẻ nghèo khó được Chúa chọn để trở nên giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người  (bài đọc Tân Ước – Gia-cô-bê 2:1-5)

 

          Để nhắc nhớ thân phận của ta và lòng thương bao la của Thiên Chúa, thánh Tông đồ Gia-cô-bê không ngại gọi ta là “những kẻ nghèo khó trước mặt người đời”, nhưng ngài cũng khẩn khoản mời gọi ta hãy trở thành “những người giàu đức tin” giữa trần gian.

          Sau khi ta được chữa lành khỏi những bệnh tật thiêng liêng, ta trở nên giàu có bằng cách lãnh nhận một sức sống mới, tăng thêm lòng tin vào Chúa và quyết tâm sống như Chúa đã dạy.  Thực vậy, có giàu đức tin thì mới tràn ra ngoài, biểu hiện qua lối sống và cách cư xử của ta đối với anh chị em.  Người giàu có của thế gian giữ cách “đối xử thiên tư” với những người họ tiếp xúc.  Họ xum xoe với những người giàu có và danh tiếng, nhưng lại khinh khi và tàn ác với những người nghèo hèn.  Trái lại, ta là Ki-tô hữu “nghèo khó” của cải tiền bạc trước mặt người đời, nhưng có trái tim của Chúa Giê-su, giàu lòng từ bi bác ái, nên ta đối xử với anh chị em theo trái tim, chứ không phải theo “áo quần lộng lẫy” bề ngoài của họ.

          Chúa Giê-su mời gọi ta bước theo Người để chữa lành nhân loại và diệt trừ ảnh hưởng của tội lỗi.  Người muốn ta cùng với Người “làm việc gì cũng tốt đẹp cả” để gây lợi ích cho anh chị em, cho cộng đoàn và xã hội ta đang sống.  Nhưng trước hết ta cần phải xác tín “Thiên Chúa của ta ở đây rồi!” và phải “can đảm lên, đừng sợ!” (Is 35:4).  Theo chân Chúa, ta tiến thẳng vào lãnh địa của tội lỗi và ma quỷ, để cùng với Người, ta giải phóng anh chị em khỏi sức mạnh và ảnh hưởng của ma quỷ. Lãnh địa ấy là chính tâm hồn ta, gia đình ta, xứ đạo của ta, sở làm của ta.  Chữa lành là công việc đòi hỏi thời gian, can đảm và kiên nhẫn.  Ta không thể một sáng một chiều hoàn tất được.  Chính Chúa cũng chỉ dành ra ba năm để đặt nền móng cho kế hoạch cứu độ.  Người để lại một phần công việc cho ta hoàn tất.  Chữa lành chính mình và chữa lành anh chị em là việc ta phải cộng tác với Chúa, vì Người là nguyên lý chữa lành.  Ta chữa lành chính mình bằng cách sống tinh thần sám hối và chữa lành anh chị em bằng cách đối xử theo “lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô”.  Đó là phương thức thánh Gia-cô-bê đã đề ra trong đoạn thư hôm nay.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Sách Tin Mừng ghi lại một vài nét chính thuộc sứ vụ của Chúa Ki-tô, nhất là việc chữa lành.  Việc chữa lành vừa nói lên thân phận của ta, vừa diễn tả lòng yêu thương của Thiên Chúa.  Người muốn nhân loại được “thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người”.  Nhưng để được như vậy, ta cần phải được chữa lảnh khỏi những bệnh tật tội lỗi đã gây nên trong tâm hồn ta.  Chúa Giê-su được sai đến để thực hiện cuộc báo phục, loại trừ tội lỗi và ảnh hưởng của nó bằng cách giảng dạy và chữa lành.  Điều ấy đòi hỏi ta phải lắng nghe Người và để cho Người chữa lành ta.  Điều đó cũng đòi hỏi ta bước theo Chúa để cộng tác với Người mà chữa lành anh chị em.

 

Suy nghĩ:  Tôi đối xử với anh chị em theo cách nào?  Đối xử thiên tư giống như lối sống của người đời, hay đối xử theo lòng bác ái yêu thương của Ki-tô hữu?  Tôi hãy xét mình trong cuộc sống hằng ngày, nhất là cách đối xử với anh chị em.

 

Cầu nguyện:  Lạy Thiên Chúa toàn năng, nhờ Đức Ki-tô, Con Một Chúa, Chúa đã thương cứu chuộc chúng con và nhận làm nghĩa tử, xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn:  này chúng con là những kẻ tin kính Đức Ki-tô, xin cho chúng con được trở nên những người tự do đích thực và đáng hưởng gia nghiệp muôn đời.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật 23 mùa Thường niên).

 

 Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

                                        


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B