Chúa Nhật 27 mùa Thường niên

 

          Tổ chức gia đình là một đề tài được đề cập đến qua mọi thời.  Thời đại hôm nay, nhiều vấn đề liên quan tới đời sống đạo đức của gia đình, nhất là vấn đề cổ võ hôn nhân giữa hai người đồng tính, đã đòi buộc ta phải nhìn lại mô hình gia đình đã được Thiên Chúa sắp đặt như thế nào ngay từ thuở ban đầu.  Mô hình ấy cũng được Chúa Ki-tô tái xác định vào dịp những người Pha-ri-sêu muốn Người bày tỏ quan điểm về vấn đề ly dị.  Để nêu lên đích điểm của hôn nhân, thư gửi tín hữu Do-thái đã mô tả cuộc thánh hóa Chúa Ki-tô thực hiện cho nhân loại, để “dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ”.

 

1.  Mô hình hôn nhân do Thiên Chúa sắp đặt (bài đọc Cựu Ước – Sáng thế 2:18-24)

 

          Câu truyện Thiên Chúa dựng nên người đàn bà ghi trong sách Sáng Thế không chỉ là câu truyện thú vị mà còn đầy những ý nghĩa thần học, luân lý và tâm lý.  Từ chất liệu Thiên Chúa sử dụng cho đến phương thức Người làm nên người đàn bà nói lên những tương quan giữa người nam và người nữ, đồng thời là những lý do tại sao người nam và người nữ kết hợp với nhau để làm thành một tổ chức căn bản của xã hội mà ta gọi là gia đình.

          Trước hết ta hãy xem mục đích Thiên Chúa muốn gì khi Người dựng nên người đàn bà.  Là bởi vì Thiên Chúa thấy “con người ở một mình thì không tốt”, cho nên Thiên Chúa “sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”.  Tại sao ở một mình lại không tốt?  Hai câu Kinh Thánh tiếp theo ngay sau đó đã đưa ra giải thích rằng mặc dù con người A-đam được toàn quyền bá chủ trên các tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên trên mặt đất, nhưng A-đam lại không thể “tìm được cho mình một trợ tá tương xứng”, nghĩa là A-đam còn thiếu một cái gì đó mà chính ông không thể sử dụng quyền Chúa ban cho để thực hiện được, nhưng ông cần đến sự giúp đỡ của một “trợ tá”.  Chính vai trò “trợ tá tương xứng” không thể gặp thấy nơi bất cứ tạo vật nào Chúa đã dựng nên.  Một con vật cho dù có được dạy dỗ khôn mấy đi nữa cũng không thể “tương xứng” với người đàn ông sống một mình trong vườn địa đàng.  Làm sao nó nói lên tiếng yêu, không những bằng lời mà còn bằng hành động?  Làm sao nó có thể thông cảm được những khó khăn người đàn ông đang phải đối phó?  Làm sao nó biết lúc nào anh ta cô đơn để ở bên cạnh cho thêm ấp áp cõi lòng?  Ngay cả trong lãnh vực đời sống thiêng liêng, A-đam làm thế nào một mình có thể thi hành việc thờ phượng Thiên Chúa theo tính cách cộng đồng được, hoặc nói nôm na như mấy ông bà nhà quê là làm sao có người “thưa kinh”, ông “kính mừng Ma-ri-a” thì phải có bà thưa “Thánh Ma-ri-a...” chứ?

          Tuy nhiên có lẽ cách thức Chúa dựng nên bà E-va mới rõ ràng nói lên mục đích của việc tạo dựng:  Chúa “rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt thế vào”.  Trái tim con người hoặc trung tâm tình yêu được bộ xương sườn bao bọc.  Nếu A-đam đã được dựng nên từ Tình Yêu Thiên Chúa, thì E-va cũng phải được tạo nên từ tình yêu Người đã ban cho A-đam.  Tạo dựng là công trình của tình yêu Thiên Chúa, từ Thiên Chúa trào xuống A-đam và từ A-đam đến E-va, rồi từ hai người lan tỏa xuống toàn thể nhân loại.  Vai trò “tương xứng” của E-va thực là vĩ đại, vĩ đại đến nỗi “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cà hai thành một xương một thịt”.  Ai dám nói Kinh Thánh không tôn vinh người phụ nữ?  Chính cái tên E-va đã có nghĩa là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20) rồi.

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sử dụng câu truyện Chúa dựng nên bà E-va cũng là có dụng ý, muốn đề cao vai trò của người vợ và mẹ trong hôn nhân và gia đình.  Bà không chỉ là “trợ tá tương xứng” của chồng, mà còn là “trái tim bằng thịt” của Thiên Chúa để chia sẻ tình yêu của Người cho nhân loại.  Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở các người chồng trong gia đình về phẩm giá cao quý và chỗ đứng ngang hàng của người vợ, hãy bắt chước A-đam mà nhìn nhận “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.

 

2.  Chúa Giê-su tái khẳng định tính cách bất khả phân ly của hôn nhân (bài Tin Mừng – Mác-cô 10:2-16)

 

          “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng”, hôn nhân đã được Thiên Chúa hoạch định dựa trên sự “gắn bó”, tính cách bất khả phân ly.  Xác định của Kinh Thánh “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2:24) nói lên tính cách ấy.  Nhưng từ khi tội lỗi đi vào lịch sử nhân loại, nó gây nên chia rẽ phân ly, giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người như vợ chồng, anh chị em, bạn bè...  Do đó, ly dị không phải do thời đại hôm nay, mà đã có từ khi công trình tạo dựng của Thiên Chúa bị tội lỗi  phá hoại.  Câu chuyện nhóm Pha-ri-sêu đặt lại vấn đề ly dị và xin Chúa Giê-su nói lên quan điểm của Người thực ra không nhắm tới chính vấn đề ly dị, nhưng họ chỉ muốn xem thái độ của Chúa Giê-su đối với Lề Luật Mô-sê như thế nào.  Nói đúng hơn, họ muốn xem Chúa Giê-su có chống lại điều ông Mô-sê đã viết và có chống lại họ là những kẻ mù quáng tuân thủ Lề Luật không.  Quả thực là một cạm bẫy tinh vi họ đặt ra trước mặt Chúa. 

Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giê-su thật là tuyệt vời.  Đó là lời giải thích về việc làm của ông Mô-sê, đồng thời cũng giải thích về việc làm của Thiên Chúa.  Việc làm của Thiên Chúa vẫn trước sau như một, nghĩa là mô hình hôn nhân không hề thay đổi, “điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.  Còn việc làm của ông Mô-sê không phải là thay đổi mô hình hôn nhân Thiên Chúa đã hoạch định, mà chỉ là “đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.  Đây là vấn đề tâm lý, xã hội và văn hóa.  Nhiều hoàn cảnh tâm lý, xã hội và văn hóa đã làm cho hôn nhân không hội đủ những điều kiện cần thiết để thành sự, thí dụ hôn nhân cưỡng ép hay do cha mẹ đặt định, không muốn chấp nhận mục đích của hôn nhân là sinh con cái và giúp đỡ nhau, bất lực thể chất hoặc tinh thần trước khi kết hôn... Bởi vậy, những “hôn nhân” như thế đâu có phải là hôn nhân đích thực, đâu có hợp với mô hình hôn nhân Thiên Chúa đã hoạch định, cho nên việc “rẫy vợ” hoặc ly dị là điều hợp lý và cần thiết nữa.  Ông Mô-sê cho phép viết giấy ly dị là để giải quyết những hôn nhất bất thành ngay từ ban đầu và việc làm này không hề đi ngược lại việc làm của Thiên Chúa.  Có lẽ các môn đệ chưa hiểu rõ điều Chúa Giê-su giải thích kế hoạch của Thiên Chúa và việc làm của ông Mô-sê nên “về đến nhà, các ông hỏi Người về điều ấy”.  Chúa Giê-su vẫn khẳng định:  Ai ly dị và lấy người khác là phạm tội ngoại tình!  Việc khẳng định này cho thấy quan điểm minh bạch và dứt khoát của Chúa Giê-su về tính bất khả phân ly trong hôn nhân.

Ngoài ra, bài Tin Mừng lại có thêm một đoạn thật dễ thương, là Chúa Giê-su “ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng”.  Nói đến hôn nhân mà không nói đến trẻ em, con cái thì quả là thiếu sót.  Hình ảnh này ngầm biểu lộ một thái độ của Chúa đối với hôn nhân.  Người muốn nói lên tầm quan trọng của con cái trong hôn nhân.  Con cái là kết quả của hôn nhân, đồng thời cũng là những “chúc lành” của Thiên Chúa ban cho vợ chồng.  Vì thế, họ phải chăm sóc và trân trọng những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho họ.

 

3.  Chúa Giê-su thánh hóa hôn nhân (bài đọc Tân Ước – Do-thái 2:9-11)

 

          Trong cuộc hôn nhân giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và nhân loại, Chúa Giê-su đóng vai trò tác nhân thánh hóa.  Đoạn thư Do-thái ghi lại gian khổ Chúa Giê-su phải “cam chịu tử hình để cho mọi người được cứu độ”.  Đúng là tình yêu đích thực khiến cho Người sẵn sàng thí mạng sống mình vì nhân loại, người yêu của Chúa.  Yêu không phải chỉ là “chết ở trong lòng một ít”, mà là chết hoàn toàn cho người yêu!  Chọn cái chết để cứu độ nhân loại, Chúa Giê-su “đã làm một việc thích đáng” (Dt 2:10), vai trò người “trợ tá tương xứng” của Thiên Chúa để sản sinh một nhân loại mới cho Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã thánh hóa nhân loại, đưa họ trở về trạng thái nguyên thủy là sự thánh thiện của Thiên Chúa và làm con cái Thiên Chúa.  Đó là đích điểm cuộc hôn nhân giữa trời với đất, nhưng cũng là gương mẫu cho hôn nhân giữa người nam và người nữ.  Họ phải nhắm đích điểm ấy khi sống cuộc hôn nhân đã kết ước với nhau trong cuộc lữ hành trần gian này.  Đích điểm ấy là chính “Thiên Chúa, nguồn gốc và cùng đích mọi loài” (Dt 2:10).  Sự hiện diện của Chúa Giê-su như Đấng thánh hóa trong hôn nhân là điều không thể thiếu, nếu người ta muốn bảo toàn được mô hình hôn nhân Thiên Chúa đã hoạch định ngay từ lúc khởi đầu công trình tạo dựng.  Điều này mở ra cho hôn nhân một khía cạnh vô cùng phong phú, đó là đời sống thiêng liêng của hôn nhân.  Hôn nhân không chỉ là sự kết hợp thể xác giữa hai con người, mà còn là tình yêu kết hợp “hết lòng, hết sức, hết trí khôn” nữa.  Hãy để cho Chúa hoạt động trong cuộc hôn nhân, hiện diện trong mọi tình huống “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”.  Thánh Tông đồ Phao-lô nói đến đời sống thiêng liêng này trong đoạn thư Cô-lô-xê:  “Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú... Anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những lời thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.  Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:16-17).

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Hôn nhân là đề tài không bao giờ cũ và cũng là đề tài gây nên những tranh luận không dứt.  Lời Chúa hôm nay không đưa ra vấn đề nào mới mẻ cả, mà chỉ khẳng định những đặc tính bất biến Thiên Chúa đã xác định cho hôn nhân.  Như vậy, trong mọi thời và mọi nơi vấn đề không phải là đặt lại bản chất của hôn nhân, nhưng luôn luôn phải là làm thế nào sống cuộc sống hôn nhân cho trung thực với bản chất đích thực của hôn nhân.  Lời Chúa cũng mời gọi ta phải trở về nguồn gốc của hôn nhân là tình yêu của Thiên Chúa.  Như Thiên Chúa yêu thương nhân loại và như Chúa Giê-su yêu thương Giáo Hội thế nào, vợ chồng cũng phải yêu thương nhau như vậy.

 

Suy nghĩ:  Bài Tin Mừng ghi lại rằng “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Chúa Giê-su về điều ấy”.  Có khi nào tôi nghi ngờ về bản chất hôn nhân do Thiên Chúa xác định không?  Điều gì khiến tôi nghi ngờ?  Ảnh hưởng văn hóa xã hội?  Kinh nghiệm cá nhân?  Có khi nào tôi cầu nguyện cho cuộc hôn nhân của tôi hoặc của những người thân thương không?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự phát triển.  Xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái;  hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, lễ cầu cho gia đình).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

           


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B